Thái Tử Phi Tham Ăn

Chương 100

Cung nữ, thái giám lần lượt mang đồ ăn đặt lên bàn. Thập Nhất Nương vừa thấy đã không còn khẩu vị gì nữa, mỗi bàn có 10 món thì 8 món đã nguội lạnh, hơn nữa nhìn thế nào cũng thấy giống y chang tiệc cưới thời hiện đại, người thì nhiều mà mỗi món có tí ti. Đành chịu, may mà nàng đã ăn không ít điểm tâm lót dạ.

“Này, vịt nướng nhìn thôi cũng biết là không thể ngon bằng vịt nướng do Thập Nhất Nương làm”. An Ngũ lang ghét bỏ nhìn món vịt nướng lạnh ngắt bày trên bàn.

“Chân gà này nhìn cũng không tệ, tiếc là bị nguội rồi, nếu mình ăn ngay lúc vừa mới nấu xong thì chắc là ngon lắm”. Thập lang tiếc hận nhìn món chân gà chỉ còn chút xíu hơi ấm. Không thể nghi ngờ, khoảng 15 phút nữa thôi mấy món trên bàn kiểu gì cũng đông cứng lại.

“Thập lang ca, ăn cái này đi, rau trộn với gân nai đó, chua chua ngọt ngọt, chỉ có món này dù bị lạnh nhưng ăn vẫn ngon”. Thập Nhất Nương nói.

“Haizzz, nhìn qua cũng không ngon đâu, gân nai có vẻ chưa đủ lửa, chắc chắn vẫn cứng lắm”.

An nhị gia lắc đầu: “Ca ca nói này, đây là cung yến, không phải ở nhà mà có cơm nóng canh ngọt. Do Thập lang đệ và Thập Nhất muội chưa tham dự nhiều, ta nói cho hai ngươi biết, cung yến chỉ có điểm tâm là ăn được, còn lại món gì cũng dở tệ, thua xa thức ăn nhà mình”.

An Ngũ lang bực bội nhìn mấy khối điểm tâm ít ỏi còn lại trên bàn. “Biết thế này ta đã mang theo nhiều thịt khô hơn một chút”.

Thập lang đến ngồi cạnh, đưa một cái hà bao cho Thập Nhất Nương: “Cho muội nè, huynh lấy trộm được một ít điểm tâm bỏ trong này… Thiệt là khó khăn lắm đó!”.

Thập Nhất Nương mắt sáng rỡ, nắm chặt tay Thập lang. “Thập lang ca thật là thông minh, sao muội không nghĩ đến nhỉ, chúng ta có thể mang thêm nhiều cái hà bao, rồi bỏ điểm tâm vào đó. Sẽ không ai biết được đâu! Ha ha”…

Nhị lang trán đều nổi gân xanh, tức giận nói: “Hai người các ngươi thật là… Hà bao là để đựng bạc, không phải để cho hai ngươi lấy đem đi đựng điểm tâm”.

Thập lang và Thập Nhất nương đều đồng thanh bất mãn: “Cũng đều là đựng, đựng cái gì mà chẳng được!’.

Nhị lang tức giận nói: “Các ngươi có thấy ai mang theo một lúc mấy cái hà bao bên mình không?”

Thập nhất nương nói năng vô lại: “Đem theo nhiều hà bao thì có gì không tốt. Huynh có nghe qua đạo lý không thể cất hết trứng trong cùng một rổ chưa? Lỡ như gặp phải đạo tặc chẳng phải là bị người ta cướp hết hay sao? Đem theo nhiều hà bao, dù bị mất một cái thì vẫn còn cái khác”.

Ngũ lang chen lời: “Nhị ca, ta thấy Thập Nhất Nương nói đúng, mang vài cái hà bao cũng chẳng sao, ai biết được bên trong có gì!”. Ngũ lang cũng là phần tử cuồng ăn ngon, Thập Nhất Nương đặc chế cho hắn một cái hà bao, bên mặt trong có lót giấy thấm dầu, sẽ không sợ thức ăn bên trong bị chảy nước dính ra ngoài. Hắn bụng lớn ăn nhiều, một cái hà bao làm sao đủ. Hắn nhìn các món ăn trên bàn, tay sờ sờ hà bao bên hông, nghiêm túc suy nghĩ nên bỏ món gì vào trong để dành thưởng thức.

An Nhị lang không còn gì để nói. Sao nhà hắn lại có nhiều kẻ tham ăn như vậy chứ… “Thôi, tùy các ngươi, miễn sao đừng để người khác biết, làm mất mặt An gia”… Nếu người ngoài mà biết mỗi đứa nhỏ phủ An Quốc công bên mình đều có đến vài cái hà bao, bên trong đựng toàn thức ăn, cái mặt già nua của hắn không biết giấu đi đâu cho hết nhục!

-----------------o0o------------------

“Hoàng hậu, nàng chuẩn bị xong chưa?”

Hoàng hậu xoay người lại, một thân cung trang thêu phượng hoàng đỏ thẫm khiến nàng khí thế mười phần. Hoàng đế vô cùng vừa lòng, kẻ nào dám nói Hoàng hậu của hắn xuất thân từ nhà đồ tể, quá hèn kém không lên được mặt bàn. Hoàng hậu giờ đây uy nghiêm bệ nghễ thiên hạ, đâu thể nào là nữ nhân thô kệch như trong suy nghĩ của mọi người.

“Hậu thật đẹp!”. Hoàng đế cất lời ca ngợi khiến Hoàng hậu đỏ mặt thẹn thùng, tâm trạng nàng dần vui vẻ.

“Lúc nãy hậu làm sao vậy? Nàng không thoải mái ở đâu sao?”

Hoàng hậu thở dài: “Ta chỉ cảm khái bốn nhi tử của chúng ta, giờ đây chỉ còn mỗi Tứ lang là có thể chúc mừng sinh nhật”.

Hoàng đế dịu giọng: “không phải Nguyệt nương và Nhị lang cũng tặng lễ vật cho nàng sao… Chúng nó chỉ là không về được. Còn có Huy nương, dù con bé bệnh nặng không thể ra khỏi cửa nhưng vẫn làm cho nàng một cái hà bao mà”…

Khuôn mặt Hoàng hậu bỗng trở nên bi thương: “Hoàng thượng, chàng thực sự để Nhị lang xuất gia thật sao? Con chúng ta sao có thể…” Hoàng đế và Hoàng hậu mỗi khi ở chung đều giống như một đôi phu thê bình thường, không hề tự xưng “Trẫm” hay “Bản cung” gì cả…

“Phổ Tuệ đại sư đã nói, Nhị lang muốn bình an sống hết đời này thì chỉ có con đường xuất gia”. Hoàng đế ôm thê tử vào lòng an ủi. “Chỉ cần hắn bình an, hắn ở đâu, thân phận thế nào cũng không còn quan trọng. Hắn mãi mãi vẫn là nhi tử của chúng ta, huống hồ trong mắt người đời, Nhị lang đã không còn trên trần thế…”

Hoàng hậu ngẩng đầu: “Nhưng bọn họ cũng không phải là kẻ ngốc, nếu chúng biết Nhị lang chưa chết, sẽ tìm mọi cách hãm hại Nhị lang và cả Tứ lang. Xuất gia cũng không hẳn an toàn”… nếu chúng biết Nhị lang còn sống, lợi dụng danh nghĩa Nhị lang mà khơi mào đoạt vị, chắc chắn sẽ dấy lên một hồi “gió tanh mưa máu”.

“Lần trước Nguyệt nương định trở về nhưng Thụy nhi lại sinh bệnh. Con bé hứa đến mùa xuân hoa nở, sẽ mang cả con rể và cháu ngoại của chúng ta về lại kinh thành. Khi nó, nàng có thể ở bên cạnh Nguyệt nương”. Hoàng đế mỉm cười nghĩ đến chuyện tốt đẹp trước mắt.

Lúc này Hoàng hậu mới thoải mái hơn một chút: “Đúng vậy, rốt cuộc cũng có thể nhìn thấy Nguyệt nương. Con bé xuất giá đã 3 năm, trong 3 năm qua mẹ con ta xa cách, con bé sinh con, ta làm mẹ mà không ở bên cạnh, thật có lỗi với nó. Nữ nhân khi sinh đẻ chính là bước chân vào quỷ môn quan, chắc khi đó con bé sợ lắm!”…

“Chẳng phải Nguyệt nương đã nói hết thảy đều thuận lợi sao… Nàng đó, nên vui vẻ lên, chúng ta giờ này đều đã lên chức ông ngoại – bà ngoại rồi”…

Hoàng hậu nhịn không được nở nụ cười: “Thời gian trôi qua thật nhanh, Nguyệt nương cũng đã làm mẹ rồi, thật là nhớ lúc chúng nó còn nhỏ, ta từng nghĩ, chỉ cần chàng và bọn nhỏ khỏe manh, việc gì ta cũng sẽ làm được, chịu khổ chịu cực, trồng rau nuôi gà, vất vả cách mấy ta cũng không sợ hãi”.

Hoàng đế ôn nhu nói: “Ta may mắn cưới được nàng – người vợ tài giỏi tần tảo duy nhất trên thế gian này. Không có nàng chắc ta đã không chịu nổi cuộc sống giam cầm bế tắc mà đi tìm đường chết từ lâu rồi”. Khi đó, hắn ngu ngốc chỉ muốn tìm cái chết. Sau đó chính những huynh đệ trong hoàng thất dẫm đạp hắn, đến cung nữ thái giám cũng không coi hắn ra gì, thường xuyên mang cơm thừa canh cặn đến cho hắn, đối xử với hắn như một con chó. Chính nàng – thê tử bị người đời cho rằng xuất thân thấp kém này đã mang tất cả tiền bạc, thức ăn, nồi niêu xoong chảo, hai tay ôm Nguyệt nương và Nhị lang (lúc ấy chưa sinh ra Tứ lang và Tinh Huy công chúa) tìm cách đến bên hắn, chăm sóc hắn và các con suốt 10 năm.

“Phỉ phui cái mồm chàng, Mãn ca ca - chàng còn phải ở bên ta đến hết đời này”. Hoàng hậu sẳng giọng. Hoàng đế tên đầy đủ là Tư Đồ Mãn, trong hoàng thất cũng chỉ là một cái tên đặt cho có lệ, đủ thấy tiên hoàng không ưa thích hắn đến mức nào.

Ngày đó, những người xung quanh đều bỏ ta mà đi, chỉ có kẻ ngốc như nàng mới kiên nhẫn mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ nồi niêu chén bát mà đến bên ta, lo lắng cho ta”.

“Sao hôm nay lại nói đến những chuyện đó? Ta lúc ấy chỉ biết mình gả heo theo heo, gả chó thì theo chó. Nói thật, lúc ấy nếu ta cũng giống như trắc phi của chàng, cùng nhau bỏ chạy, cha ta đảm bảo đánh gãy chân của ta”.

Hoàng đế tươi cười, năm đó tiên đế vô cùng chán ghét hắn, nên chỉ hôn cho hắn và con gái một tên đồ tể. Lúc đó, chỉ vừa thấy nàng hắn liền chán ghét, thi từ ca phú đều không biết, càng không nói đến lễ nghi quy tắc, lời nói thì thô tục, ai ngờ đâu nàng lại có tấm lòng chân thành nhất thiên hạ, vì ở bên hắn mà nguyện trả giá hy sinh, dù ông là một vị Vương gia cao cao tại thượng hay một kẻ bị cầm tù thua xa bách tính thường dân, nàng cũng chưa từng hối hận.

“À... Nhạc phụ vẫn không muốn tham gia cung yến sao?”

Hoàng hậu vẻ mặt bất đắc dĩ: “Chàng đừng bận tâm, cha ta nói những kẻ làm quan mở miệng ra là “chi, hồ, dã, giả”, rất không thoải mái, hơn nữa cung yến toàn là thịt dê, thịt bò, cha ta rất không quen, chẳng bằng ở nhà ăn mấy cái đầu heo. Cha ta còn dặn không được tiết lộ thân phận, ông không muốn lui tới với các vị quan viên chức sắc”.

Hoàng đế có chút áy náy, đối với vị nhạc phụ này hắn thật sự vô cùng kính trọng. 10 năm hắn bị giam cầm nhưng cả gia đình vẫn không hề thiếu thịt ăn là bởi nhạc phụ của hắn cứ ngày hai bữa đều đặn đưa thịt tới.

“Nếu vậy, chúng ta mời nhạc mẫu tiến cung nhiều một chút...”

Hoàng hậu than thở: “Lần trước mẫu thân cũng tiến cung đấy chứ, nhưng mẫu thân lại không được tự nhiên, nói rằng trong cung tất cả đều là cỏ hoa vô dụng, cũng chẳng có đất mà trồng rau trồng lúa, mẫu thân không có chuyện gì làm, nhàn rỗi đến mức tâm tình bực bội”...

“Đại ca của nàng vẫn không muốn làm quan sao?” Hoàng đế sờ cằm khó xử, sao hắn làm hoàng đế lại cứ phải nghẹn khuất như thế này, muốn người nhà làm quan còn khó hơn lên trời. An gia đã như vậy, bên phía gia đình nhạc phụ cũng coi thường chuyện làm quan.

“Đại ca của ta từng hỏi có chức quan nào phụ trách việc gϊếŧ heo hay không? Hắn ngoài gϊếŧ heo thì chẳng biết làm gì... nhưng tiểu đệ thì...” Hoàng hậu hơi chần chừ nhưng vẫn quyết tâm nói ra: “Tiểu đệ của ta muốn tập võ, ngày sau còn muốn ra chiến trường kiến công lập nghiệp”.

Hoàng đế lo lắng nhìn Hoàng hậu, làm võ tướng cũng không phải là chuyện tốt, chiến trường đao kiếm không có mắt, lỡ như... “Nếu Nhị đệ muốn, vậy ta sẽ cho hắn ra chiến trường, ta cũng sẽ cho người theo bảo vệ hắn, khi hắn đã có chiến công, chuyện phong thưởng sẽ danh chính ngôn thuận... Còn Đại ca nàng thân thủ cũng vô cùng tốt, nếu hắn nguyện ý, chúng ta cũng nên đưa hắn ra trận cùng Nhị đệ”...

Hoàng hậu lắc đầu kịch liệt: “Không được, tiểu đệ không ở bên cạnh phụ mẫu thì đại ca nhất định phải ở nhà tận hiếu... Còn có Du nhi và Dong nhi, ta rất muốn cho chúng nó theo con đường đèn sách...” Du nhi và Dong nhi là con của đại ca Hoàng hậu, năm nay đứa vừa 6 tuổi, đứa mới lên 3, cha mẹ nàng và đại ca đời này đã định là một thân hèn kém nhưng đến thế hệ tiếp theo, nàng nhất quyết phải từ từ uốn nắn.

Hoàng đế vỗ vai nàng “Nếu không ta đưa hai hài tử này vào một trường có danh tiếng tốt để học tập”.

“Không được đâu, tìm một trường học nào bình thường thôi, Hoàng thượng cũng thấy đó, rất nhiều người khi trở nên phú quý, đạo lý đầy thân đã không giữ được bản chất lương thiện, phụ mẫu ta không muốn cả nhà tiến vào cái vòng luẩn quẩn này đâu”...

Hoàng hậu càng nói càng sầu: “Chị dâu ta còn không chịu hiểu, cứ muốn gia nhập vào giới quý tộc thượng lưu, lại không chịu nghĩ, thế gia quý tộc từ nhỏ chuyện ăn, mặc, nói năng, đi lại đều phải được tập luyện rất lâu. Nhà ta chỉ là thế gia mới nổi, hành vi chẳng có chút phong nhã, xuất đầu lộ diện chỉ khiến người ta giễu cợt”.

Nàng biết rõ cả nhà mình nếu thực sự tiến vào giới quý tộc chắc chắn sẽ vô cùng tự ti, cứ theo bọn người quyền quý mà bắt chước. Nhưng bắt chước thì bắt chước, người nhà nàng chỉ học được da lông, còn khí khái cao quý từ trong xương sẽ chẳng thể nào học nổi. Đại Hạ có vô số gia đình quý tộc nhưng Hoàng hậu chưa bao giờ thấy bọn họ có gì hay ho, chẳng biết có bao nhiêu thế gia bề ngoài nạm ngọc bên trong thì thối rữa.

Hoàng đế suy tư, mỉm cười nói: “Ta sẽ đưa thêm vài người đến hầu hạ nhạc phụ và nhạc mẫu, đồng thời cùng đại tẩu, đệ muội tán gẫu chuyện trong cung nhiều hơn, âm thầm để lộ đạo lý cho các nàng hiểu, bọn họ còn trẻ, cả đời sẽ có lúc phải xuất đầu lộ diện. Riêng đại ca, thân thủ tốt như thế ta dự định cho hắn làm tiểu quan. Nàng hãy nghe ta, ý của nàng là tốt, muốn bảo hộ gia đình, không để họ vì hoàn cảnh thay đổi mà đánh mất thiện lương, nhưng nếu người ngoài nhìn vào, sẽ trách ta không quan tâm nhà mẹ đẻ của Hoàng hậu”...

“Một người làm quan, gà chó lên trời”. Đã là người nhà của Hoàng hậu thì không thể nghèo túng được, nếu thân phận quá thấp thì sẽ từ từ nâng lên cao. Những lo lắng của Hoàng hậu giải quyết cũng dễ thôi mà. Phái nhiều người đến đó, nhìn chằm chằm bọn họ, nếu thật sự có điều sai quấy, lập tức báo tin để Hoàng hậu xử lý thẳng tay. Nếu Hoàng hậu không nỡ, ta sẽ âm thầm sửa trị, chỉ cần khiến Hoàng hậu sống mỗi ngày đều vui vẻ là được rồi...

Tác giả nói ra suy nghĩ của mình: Tiểu kịch trường

An Nhị Lang: Có thấy ai mang trong mình một lúc mấy cái hà bao chưa? Lỡ người ta thấy thì phải làm sao?

Thập Nhất Nương (giơ tay áo rộng thùng thình ra phía trước): trong này cất mấy cái hà bao đều được... Áo như thế này mới đúng là áo chứ!

An Nhị Lang trầm mặc: muội không thấy nặng sao?

Thập Nhất Nương: không nặng đâu, chỉ có điều nhìn muội chẳng còn giống thần tiên được nữa, tay áo đã không thể bay phấp phới nữa rồi...