Nghĩa nhấp một ngụm chè xanh, không nóng lắm vì chắc là để lâu rồi:
– Hôm nay vô tình cháu đi làm qua đây, nhớ là có hẹn với ông nên đến thăm ông ạ.
Ông Từ lại vuốt râu, ông như nhớ lại cái lúc mình ở trên bờ theo dõi chàng thanh niên vật lộn với dòng nước để cứu người:
– Cháu dũng cảm lắm. Dám nhảy xuống sông Hồng cứu người. Không sợ chết à?
Nghĩa cười hì hì coi như đó chẳng phải chuyện gì ghê gớm:
– Hì hì hì, lúc đó cháu không kịp nghĩ đến chuyện đấy. Lên bờ mới thấy sợ.
– Thế có gặp lại được người mà cháu cứu không? Ông nhớ là có một người khác, hình như là bạn của cháu bế cô bé ấy đi, lúc đầu ông còn tưởng người cháu cứu là đàn ông cơ, con gái gì mà để tóc như con trai, còn cạo cạo ở hai bên nữa chứ. Nhìn kỹ mới biết là con gái, khổ vậy, không biết gặp phải chuyện gì mà còn trẻ thế đã tự tử rồi.
Sóng đánh làm con thuyền dập dềnh, nước chè xanh trong bát trào ra bên ngoài một chút, Nghĩa sống trên thuyền cũng nhiều rồi nên coi chuyện đó là hết sức bình thường, không đáng để tâm. Cậu không kể cho ông nghe về chuyện mình đã có một quãng thời gian khá dài biết Thủy Tiên, nhưng giờ khác rồi, cũng coi như là không biết:
– Cháu chưa gặp lại ông ạ, mà gặp cũng chẳng để làm gì.
Ông Từ lại vuốt râu, ông cười sang sảng, nhìn ông gầy gò vậy thôi, nhưng khuôn mặt ông rắn rỏi sương gió lắm, da vẫn hồng hào, đôi mắt vẫn sáng lung linh:
– Vậy hả? Thôi chúng ta nói chuyện khác đi. Cháu tên là gì?, quê ở đâu?, đang làm gì?
– “Cháu tên là Nghĩa, quê cháu ở Hưng Yên, cũng ven con sông Hồng này”, Nghĩa bắt đầu kể cho ông nghe sơ lược về bản thân mình, về quê hương mình, về những ngày tháng ấu thơ cũng đăng cá trên sông Hồng, về những công việc mình đang làm ở trên này nữa.
Sống xa quê, gặp một người mà mình có thể tâm sự được cho thỏa nỗi lòng, nhất là đối với Nghĩa trong hoàn cảnh bây giờ, lúc đi làm cũng ít khi được nói chuyện, về nhà chỉ lủi thủi một mình, toàn bụng bảo dạ. Ấy thế nên gặp được người cậu cũng chẳng giấu giếm mà kể hết. Đương nhiên những chuyện tế nhị thì không kể ra đây rồi, bởi nếu nói chuyện ȶᏂασ bọp ra với ông Từ, một ông lão đã 70 tuổi chắc gì ông đã thích nghe.
Ông Từ kiên nhẫn nghe hết những lời kể của Nghĩa, ông cứ vuốt râu, rồi thỉnh thoảng nhấp ngụm trà vậy thôi.
– Kể ra cháu cũng vất vả đấy. Nhưng không sao, thanh niên sức dài vai rộng, tương lai còn ở phía trước. Hồi bằng tuổi cháu bây giờ, ông đã là lính Điện Biên, đào hào, xung phong tiêu diệt giặc rồi đấy. Ha ha ha!
Trong ánh mắt ông như có nụ cười, có lẽ những năm tháng cầm súng chiến đấu của ông như mới chỉ ngày hôm qua. Nghĩa nhìn lên trên nóc mái thuyền, ở đó, lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới.
Nghĩa hỏi lại ông:
– Cháu thấy ông sống một mình. Thế con cháu ông đâu?
Nụ cười từ từ lịm tắt trên đôi mắt ông để nhường chỗ cho nét trầm tư, ông dùng vài lời tóm tắt để kể về cuộc sống của mình:
– Nhà ông trên thượng lưu con sông này. Từ bé ông đã sống bằng nghề chài lưới. Rồi giặc ngoại xâm đốt thuyền, gϊếŧ chết hết cha mẹ ông. Ông may mắn sống sót vì trốn được. Khi ông mười tám tuổi thì nhập ngũ rồi trở thành lính Điện Biên. Khi Pháp đi thì Mĩ đến. Ông ở lại quân ngũ và đi khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Hòa bình, ông giải ngũ trở về quê hương, chẳng biết làm gì khác nên vẫn theo nghiệp sông nước ông bà để lại. Ngoảnh đi ngoảnh lại cũng già, ông chẳng con, chẳng cháu.
Nghỉ một lúc, ông Từ uống thêm một ngụm trà, mắt nhìn về phía dòng sông Hồng đỏ ục phù sa:
– Ở quê khó sống, ông xuôi dòng và cập bờ ở đây, lấy nghề đánh cá sông làm kế sinh nhai. Ấy vậy mà sống ở cái bãi giữa này cũng được ngót nghét hai chục năm rồi đấy.
Rồi ông nhìn một lượt xóm làng chài, có lẽ nơi đây một phần ông coi cũng là quê hương thứ hai của mình, mặc dù chẳng ai công nhận cho ông điều ấy:
– Gọi là làng chài cho nó oai thôi, chứ ở đây có được ai công nhận là xóm là làng gì đâu. Có khoảng gần trăm thuyền đánh cá, tức là gần trăm hộ dân. Cứ ban ngày thì tản mát khắp nơi đánh bắt trên sông, được con cá, con tôm nào thì tập hợp về đây rồi mang lên bờ bán. Lâu dần hình thành nên làng chài. Cháu thấy đấy, người trong xóm chài cũng ở tám phương chín hướng tập hợp về đây. Họ đa phần đều là dân chài lưới từ nhiều đời, cả đời họ giống như ông, sống ở thuyền nhiều hơn ở dưới đất. Quen ngủ trong cái chông chênh của thuyền rồi, lên bờ nằm đất đố mà ngủ được đấy.
Một phần nào đó, những người dân xóm chài này giống chú Lãm ở quê, cũng dùng nghề đánh bắt cá làm cái mưu sinh. Nhưng chú Lãm khác với họ một chút, chú có nhà ở bờ sông, còn người dân ở đây, coi thuyền là nhà, coi nước là đất. Nếu có chết đi vì bất cứ lý do gì, cũng chỉ buộc vào manh chiếu, chằng thêm cục đá rồi thả xuống sông là xong, không mồ, không mả, không bia gì sất.
Nghĩa nhìn ra bãi đất trống mà vừa nẫy cậu đứng lại hỏi thăm, các em nhỏ vẫn mải miết với các trò chơi của mình, cậu buột miệng hỏi:
– Thế các em nhỏ kia học hành ra làm sao hả ông?
Ông Từ đứng dậy, chân trần ông bước xuống tấm ván rời thuyền xuống đất, Nghĩa cũng đi theo. Đứng trước đám trẻ con, ông thở dài lo lắng:
– Cái này ông và bố mẹ chúng lo nhất đấy. Từ 6 đến 15 tuổi cả thảy có 37 đứa thì chỉ mấy đứa biết nguệch ngoài vài chữ, còn lại thì đều mù chữ cả. Mù chữ vẫn sống được, nhưng sẽ chẳng bao giờ có thể thay đổi được cuộc sống của mình. Bố mẹ chúng có vào trong kia xin cho chúng đi học đấy, nhưng không ai người ta nhận cả, bởi người dân ở đây chẳng ai có giấy tờ, hộ khẩu gì cả, ngay cả quê cũng chỉ tính là nơi sinh ra mà thôi. Thế nên đã khó lại càng khó hơn. Rồi tương lai chúng sẽ ra sao? Hay là sẽ sống đến già trên sông như chính ông, chính bố mẹ của chúng đây?
Mặc dù ông Từ không con không cháu, những đứa trẻ nơi đây cũng chẳng phải họ hàng thân thích ruột thịt gì của ông, nhưng những lời tâm sự của ông vừa rồi nghe không giống như vậy, có sự não nề thương cảm về tương lai của những đứa trẻ này. Chúng rồi sẽ ra sao? Nghĩa không thể ngờ rằng, giữa lòng Thủ đô Hà Nội lại tồn tại một xóm mù nghèo mù chữ như thế này. Ở đời này kể cũng lạ, không có gì là không thể cả, đừng nghĩ rằng Hà Nội toàn người giầu, ở quê toàn người nghèo. Cứ nhìn đi, những người dân xóm chài, những đứa trẻ này đây, họ còn nghèo hơn, còn khổ hơn những người dân xóm Bãi quê Nghĩa nhiều lần.
Chính Nghĩa cũng bị hút vào những lời tự sự của ông, cậu cũng có những sự trăn trở, suy nghĩ về những đứa trẻ này giống như ông vậy. Sự đồng cảm ấy đến với Nghĩa một cách tự nhiên như hơi thở, tại sao lại vậy? Có lẽ chính bởi quãng tuổi thơ lớn lên trong gian khó, cộng với bản tính lương thiện, thương người nên mới có sự đồng cảm với những mảnh đời giống mình.
Nghĩa quay sang nhìn ông, đôi mắt sáng ngời như vừa tìm ra một con đường sáng, cậu vươn tay cầm lấy đôi bàn tay xương xẩu có các gân máu xanh nổi cộm lên của ông, cậu lắc lắc tay ông như cổ vũ động viên tinh thần toàn bộ người dân làng chài:
– Ông ơi, cháu có thể dậy học cho các em được không ông?
Ông Từ nhìn Nghĩa như nhìn người ngoài hành tinh, lời Nghĩa nói đánh trúng tâm tư của ông, ông và những bậc làm cha làm mẹ ở đây đều mong muốn con cháu mình được học hành, ít ra cũng phải biết được mặt chữ, biết đọc, biết viết, biết cộng trừ nhân chia đặng mà tính toán làm ăn. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy thôi, còn thực hiện được lại là chuyện khác, ông hỏi lại:
– Cháu làm được không?
Ánh mắt tự tin của Nghĩa đã nói lên tất cả, cậu gật đầu rồi đưa tay lên gãi gáy:
– Cháu chẳng dám nói dối ông. Cháu đã học xong cấp III, cháu cũng thi đỗ đại học nhưng phải bỏ để đi làm. Cháu chưa dậy học bao giờ, nhưng sẽ cố gắng để dậy các em. Cao hơn cháu không dám hứa, nhưng để các em biết đọc, biết viết, biết tính toán cháu làm được. Xin ông cứ tin ở cháu.
Thấy ánh mắt và lời nói của Nghĩa tự tin, ông Từ cũng gật đầu theo, trong ánh mắt già nua nhưng sáng của ông hình như có long lanh ngấn nước:
– Ông tin, ông tin! Nhưng ông thấy cuộc sống của cháu cũng vất vả lắm rồi, cớ sao còn giúp đám trẻ ở đây?
Nghĩa phấn chấn lắm, làm được một việc gì tốt cậu đều vui như vậy, đó là bản năng thôi:
– Ông ạ, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Cháu không có tiền để giúp các em, nhưng có thể giúp các em bằng cách này. Cháu sẽ dậy các em vào buổi tối. Một tuần 2 buổi vào tối thứ 3 và thứ 6 hàng tuần được không ông? Thời gian còn lại cháu vẫn đi làm bình thường, không ảnh hưởng gì cả. Hôm nay là thứ 6, bắt đầu từ thứ 3 tuần sau luôn đi ông.
Ông Từ không còn khúc mắc gì trong lòng, đáp lại tấm lòng của Nghĩa là một cái gật đầu thật mạnh của ông:
– Được. Được vậy thì còn gì bằng. Cháu cần cái gì để dậy học nào?
Nghĩa nhớ nhanh đến những ngày tháng mình học lớp vỡ lòng, đồ dùng học tập cũng chẳng cần gì nhiều đâu, cậu nói với ông:
– Cháu cần ông giúp cháu đến gia đình các em vận động các em đi học. Rồi nếu được, ông làm giúp cháu một tấm gỗ to to để cháu làm bảng. Những thứ khác cháu sẽ chuẩn bị.
– “Chỉ vậy thôi sao?”, ông Từ không ngờ để bắt đầu việc học lại đơn giản như thế.
– Vâng, trước mắt chỉ cần vậy thôi ông ạ, thiếu đến đâu ta liệu đến đấy.
Trời cũng bắt đầu tối, những đứa trẻ cũng lác đác rủ nhau về thuyền của chúng, Nghĩa chào ông Từ rồi ra về. Ngay từ tối hôm nay, ông Từ sẽ bắt đầu đi đến từng thuyền để vận động cha mẹ lũ trẻ cho chúng được học. Nói là vận động thôi, chứ thực ra chẳng cần nói gì nhiều, bởi đó cũng là mong ước của tất cả người dân xóm chài, bởi họ dù có nghèo kiết không mảnh đất cắm dùi đi chăng nữa, thì họ cũng hiểu rằng, chữ chính là con đường duy nhất giúp con cái họ thoát khỏi kiếp sống lênh đênh này.
——–
Hà Nội như đẹp hơn trong mắt Nghĩa vào lúc này, có lẽ cậu đang vui. Từ xóm làng chài đạp xe về nhà, trong đầu Nghĩa cứ mải nghĩ đến việc dậy học cho em như thế nào? cần phải chuẩn bị những thứ gì? rồi bắt đầu từ đâu? Đoạn đường đủ dài để cậu hoạch định trong đầu những công việc phải làm. Trước tiên, cậu sẽ mua 37 cái bảng con và phấn để dậy các em viết đã, rồi sau thì tính tiếp.
Còn buổi sáng ngày mai, là thứ 7, Nghĩa dự định sẽ sang bên Đại học nông nghiệp một chuyến để xem tình hình cụ thể như thế nào? Có tìm được chỗ nào mà mình có thể học trồng cây không? Bạn bè cùng lớp cấp III với cậu cũng có mấy bạn học trường đó, có thể tìm các bạn để hỏi thông tin. Nhưng rồi Nghĩa lại từ bỏ luôn ý định ấy, các bạn chắc chẳng giúp Nghĩa đâu, bởi tin đồn về Nghĩa thể nào các bạn chẳng nghe rồi, có giúp thì cũng chỉ là miễn cưỡng mà thôi.
Hết suy nghĩ này đến suy nghĩ khác, cuối cùng thì cũng đến đầu ngõ phố Minh Khai, lối rẽ vào nhà trọ. Đã quen với con ngõ ngoằn ngoèo này rồi, Nghĩa đảo tay lái xe đạp như rang lạc rẽ phải rẽ trái các kiểu.
Nhắc lại cho các bạn nhớ, từ phố Minh Khai vào đến nhà Nghĩa thuê phải rẽ trái, rẽ phải lung tung mấy bận mới đến nhà, ngõ cũng hèm hẹp chứ không rồng rộng giống các ngõ khác, chỉ vừa xinh hai xe máy tránh nhau thôi.
Khi Nghĩa vừa rẽ phải một cái thì …………………. “két!!!!!!!!”
Một chiếc xe máy từ bên trong phi ra nhưng kịp thời phanh lại khi thấy xe đạp ngược chiều rẽ vào.
Mặc dù hai xe chưa va chạm nhau nhưng cú phanh cũng làm cho chiếc xe bị đổ về một bên, đè lên chân người điều khiển nó. Một tiếng kêu giọng nữ vang lên: “Áy zùi ui!!!!!!!!!”.
Xe của Nghĩa không bị đổ do cậu kịp chống chân, thấy người đi xe máy bị ngã, cậu nhanh chóng để đổ xe mình xuống đất và lao lên phía trước dựng chiếc xe máy cúp 82 đèn vuông mầu xanh da trời lên hòng giải nguy cho người chủ. Miệng rối rít:
– Em xin lỗi ạ, chị có bị làm sao không?
Người phụ nữ nhăn nhó, chiếc xe máy quá nặng nên cô không thể nhấc lên nổi, chiếc xe đè vào một bên chân. Khi chiếc xe vừa được dựng lên, đồng thời tiếng xin lỗi của người đi xe đạp phát ra, thì người phụ như nhận ra tiếng nói quen quen, cô ngẩng đầu lên nhìn thì ôi thôi, miệng cô tròn xoe, chợt quên béng mất cái chân đau của mình:
– Ơ!!!!!!! Nghĩa!
Còn Nghĩa cũng ngạc nhiên không kém, cậu tròn mắt nhìn cô gái, mãi mới phọt ra tiếng gọi:
– Tuyết!
Cứ thể cả hai bất động nhìn nhau mất vài giây, kể cũng tài, không biết Tuyết và Nghĩa có duyên có nợ gì với nhau ở kiếp trước hay không, lần đầu tiên gặp nhau thì Tuyết ăn một quả nước cống bắn lên chân do Nghĩa bất cẩn, rồi hai người có gặp nhau thêm 2 lần nữa ở kí túc xá nữ trường kinh tế. Rồi đến lần này, sau Tết cũng được 2 tháng rồi mới gặp lại, nhưng oái ăm thay, lại trong tình huống này.
– Nhìn gì mà nhìn, còn không đỡ người ta dậy. Ay zùi ui, gẫy chân rồi!