Không ít thương nhân xem “lời ít bán nhiều” là nguyên tắc tối cao trong kinh doanh. Giá cả thấp một chút, lợi nhuận của mỗi thương phẩm giảm đi một chút, là có thể thu hút nhiều khách hàng vào mua sắm, kiếm được nhiều tiền. Một số thương nhân thậm chí còn tôn sùng “lời ít bán nhiều” như kim chỉ nam “vàng” trên thương trường.
Tuy nhiên, người Do Thái lại rất xem thường phương thức kinh doanh này. Họ thường hỏi ngược lại một cách dí dỏm:
“Tại sao chỉ muốn lời ít bán nhiều, mà không phải là lời to bán nhiều?”
Một người Do Thái am hiểu kinh tế luôn cho rằng, nếu cả xã hội đều tôn thờ nguyên tắc “lời ít bán nhiều”, các doanh nghiệp sẽ tranh nhau giảm giá, thực hiện những chiến dịch bán hàng giá rẻ, như thế sẽ chẳng khác gì tự đưa cổ vào tròng, càng siết càng chặt, kết quả thảm bại đương nhiên không thể tránh khỏi. Vì “lời ít bán nhiều” có thể làm cho nhà doanh nghiệp lỗ vốn, bán đổ bán tháo, cuộc cạnh tranh sẽ dẫn tới con đường chết.
Vì vậy, các thương nhân Do Thái tự tin luôn giữ vững nguyên tắc “lời to bán nhiều”. Thương phẩm của họ không bao giờ có chuyện giảm giá. Vì hàng tốt nên không giảm giá, vì không giảm giá mới có được lợi nhuận cao. Thương nhân Do Thái xem đây là một trong những bí quyết kinh doanh của họ.
Trước khi đưa ra tiêu thụ một loại sản phẩm gì, các thương nhân Do Thái luôn nói rõ lý do vì sao nó phải được bán với giá cao. Ví dụ như, để đưa ra tiêu thụ một loại máy châm cứu trị liệu mới, trước tiên họ phải đưa ra rất nhiều tư liệu thống kê, chứng minh loại máy trị liệu này có “công hiệu như thần”, “trị được bách bệnh”; sau đó in phát những cuốn sách nhỏ để tuyên truyền, đăng các lá thư cảm ơn của những người bệnh đã được chữa lành nhờ dùng loại máy này. Cuối cùng, họ sẽ ghi chú thêm một dòng nhỏ: “Trong vòng một tháng đầu, chỉ bán với giá 666 đô la, muốn mua xin hãy nhanh chân!”
Người Do Thái tôn thờ nguyên tắc “lời to bán nhiều” còn do một nguyên nhân khác – họ hiểu rất rõ tâm lý khách hàng.
Người Do Thái thích trưng bày những sản phẩm ngoại nhập trong cửa hàng của mình, đặc biệt là các sản phẩm ngoại nhập cao cấp. Trên thực tế, một sản phẩm ngoại nhập có chất lượng không hơn một sản phẩm trong nước, nhưng vẫn có thể bán được với giá gấp đôi sản phẩm sản xuất trong nước. Người có tiền luôn thích mua những sản phẩm ngoại nhập đắt đỏ, để thể hiện thân phận, địa vị của mình cao hơn người khác. Nắm bắt được tâm lý này, các thương nhân Do Thái đã không ngại nâng giá các sản phẩm ngoại nhập.
Ví dụ, thương nhân Do Thái có thể bỏ ra 80 đô la mua vào một bộ nữ trang, trưng bày ở nơi nổi bật nhất trong cửa hàng nữ trang cao cấp, sau đó bán với giá 800 đô la. Đối với một số phụ nữ, thứ thu hút họ không phải là chất lượng, mà là cái giá 800 đô la của bộ sản phẩm đó. Đương nhiên họ sẽ cho rằng, cái giá 800 đô la đủ chứng minh chất lượng của món hàng đó không phải là tệ. Nếu không, làm sao có thể bán với giá 800 đô la? Ngoài ra, bản thân cái giá 800 đô la cũng đủ làm rõ giá trị của người mang, thỏa mãn được tâm lý thích hư vinh của phụ nữ.
Nguyên tắc kinh doanh của thương nhân Do Thái thường đi ngược lại nguyên tắc của các thương nhân khác. Họ luôn nhắm đến mục tiêu “lời to bán nhiều”. Đó là sự thể hiện trí tuệ kinh doanh độc đáo của người Do Thái.
Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng cố gắng nâng cao vật giá. Trên thương trường, họ luôn hiểu rằng, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, họ cũng phải biết linh hoạt điều chỉnh giá cả sản phẩm cho phù hợp, và luôn phản đối những hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong giới kinh doanh.
Nói chung, vận dụng linh hoạt các phương pháp điều chỉnh giá cả, tranh thủ nguồn lợi nhuận cao nhất có thể, thúc đẩy tốc độ tiêu thụ sản phẩm là bí quyết kinh doanh vô cùng hiệu quả của người Do Thái.