Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 26: “Nho Thương” Do Thái - Những Con Người Học Thức Uyên Bác Thương Nhân Phải Có Học Thức Uyên Bác

Sống cùng với người Do Thái, bạn sẽ nhanh chóng phát hiện, người Do Thái quả thực có một trí tuệ tuyệt vời. Người Do Thái rất thích nói chuyện, bàn luận về mọi mặt đời sống xã hội. Từ những vấn đề trọng đại như tình hình chính trị thế giới, sự sinh tồn của con người; những vấn đề nhỏ nhặt như vui chơi, lễ tết; thể dục thể thao; bất luận là kinh tế, chính trị, pháp luật, lịch sử, hay những vấn đề trong cuộc sống thường nhật, họ đều có thể thao thao bất tuyệt, bàn luận thấu đáo. Với một nguồn tri thức phong phú, người Do Thái thật sự khiến cho các dân tộc khác trên thế giới phải kính phục.

Chính nhờ vào nguồn tri thức phong phú, hoạt động kinh doanh thương mại của người Do Thái mới có thể vững vàng đứng ở vị thế tiên phong trên thương trường. Trong mắt họ, tri thức và tiền bạc tỉ lệ thuận với nhau. Chỉ có nắm bắt tri thức, đặc biệt là tri thức nghề nghiệp, mới có thể tiến thẳng tới đích, nhanh chóng kiếm được nhiều tiền hơn nữa.

Thương nhân Do Thái cho rằng: Có được tri thức phong phú về mọi mặt, đó là tố chất căn bản cần thiết đảm bảo cho thương nhân có thể kiếm được lợi nhuận trên thương trường.

Chỉ có học thức uyên bác mới đem đến cho bạn một cái nhìn xa rộng. Mà đối với một thương nhân, điều này sẽ giúp đưa ra một phán đoán chính xác, hành động đạt được hiệu quả. Trong cách nhìn của người Do Thái, một người chỉ có thể quan sát sự vật từ một góc độ hạn hẹp, không những không đủ tư cách làm một thương nhân, mà còn không đáng được xem là một con người đúng nghĩa.

Một thương nhân kinh doanh kim cương người Do Thái đã hỏi một người bạn cùng làm ăn với ông rằng: “Anh có biết loài cá đặc trưng dưới đáy Đại Tây Dương là gì hay không?”. Tại sao thương nhân Do Thái lại hỏi như vậy?

Thương nhân Do Thái đó đương nhiên không hỏi thừa. Trong cách nhìn của ông, điều mà một thương nhân kinh doanh kim cương cần phải có là kiến thức uyên bác. Nếu anh ta có thể nắm rõ trong lòng bàn tay một vấn đề hóc búa như “loài cá đặc trưng dưới đáy biển Đại Tây Dương là gì”, thì nhất định, tri thức nghiệp vụ về kim cương của anh ta cũng hết sức tinh tường. Hợp tác với một thương nhân như vậy, nhất định sẽ làm ăn phát đạt.

Thương nhân cần có học thức uyên bác. Đó là khẩu hiệu được người Do Thái đề ra, và cũng là nguyên tắc kinh doanh của họ. Học thức uyên bác, không chỉ có thể nâng cao năng lực phán đoán, mà còn có thể giúp cho phong độ của họ ngày một tăng thêm. Một người văn phong đạo mạo và một kẻ thô tục phàm phu cùng theo đuổi một vụ làm ăn, cán cân thành công tất nhiên sẽ nghiêng về người thứ nhất.

Kim cương là một thương phẩm đắt giá, khách hàng thường đều là tầng lớp giàu sang trong xã hội. Một thương nhân có học thức uyên bác, ngoài việc hiểu rõ thương phẩm của mình, còn phải hiểu được tâm lý của những khách hàng mà thương phẩm mình nhắm đến, nỗ lực thỏa mãn nhu cầu của họ, lựa chọn một vị trí hợp lý. Khi cần thiết, có thể tiếp đón khách hàng bằng một thái độ xã giao nhưng không mất đi phong độ, tranh thủ lấy lòng và sự tín nhiệm của khách hàng. Như vậy, công việc làm ăn đã thành công được một nửa. Tuy nhiên, nếu là một thương nhân kiến thức hẹp hòi, học thức thô lậu, vừa không biết cách trang trí cửa hiệu, tạo bầu không khí, lại không biết cách chào mời khách hàng, càng không biết cách tạo lập uy tín cho mình, ăn mặc xốc xếch, lời nói thô tục mà lại có thể kiếm được tiền thì thật là điều không tưởng.

Tuy vậy, vẫn có nhiều người không hiểu, rốt cuộc thì kim cương và học thức uyên bác có mối quan hệ ra sao? Một cửa hiệu buôn bán kim cương thành công cần phải có những điều kiện nào?

Có một thương nhân Nhật Bản nắm bắt rất tốt phương pháp kinh doanh của các thương nhân Do Thái, nhờ đó đã rất thành công trong lĩnh vực buôn bán túi xách tay dành cho nữ giới, tạo được chỗ đứng trong ngành kinh doanh phục sức. Để mở rộng phạm vi kinh doanh ông còn định đầu tư vào lĩnh vực buôn bán kim cương. Để tránh thất bại như những người trước, ông đã tìm đến thỉnh giáo ông vua kim cương thế giới.

“Muốn thành công trong lĩnh vực buôn bản kim cương, rốt cuộc phải có những điều kiện nào?”.

Vua kim cương trả lời:

“Muốn trở thành thương nhân kim cương, trước tiên phải vạch ra được kế hoạch trăm năm. Cũng có nghĩa là, chỉ dựa vào thời gian một đời của ông là chưa đủ, chí ít phải có thêm đời con của ông. Bỏ ra thời gian hai đời người thì mới ổn thỏa. Hơn nữa, trong lĩnh vực buôn bán kim cương, điều cần nhất là có được sự tín nhiệm của người khác. Đó là nền tảng không thể thiếu trong nghề kinh doanh đá quý. Vì vậy, học thức của một thương nhân buôn bán kim cương phải hết sức uyên bác, bất kể việc gì cũng phải biết”.

Vua kim cương muốn thử trình độ học thức của thương nhân Nhật Bản, bèn quay sang hỏi:

“Ông có biết vùng biển nước Úc có những loài cá nhiệt đới nào không?”

Thương nhân Nhật Bản không biết trả lời thế nào.

Nói buôn bán đá quý phải tốn mất thời gian hai đời người thì quá bảo thủ. Trên thực tế, muôn đạt tới trình độ học thức uyên bác, quá trình tích lũy của hai đời người cũng không thể gọi là đủ. Bản thân người Do Thái nhờ được kế thừa kinh nghiệm mấy ngàn năm của tổ tiên để lại, mới có được kiến thức uyên bác như vậy. Để thu được lòng kính trọng và tín nhiệm của mọi người, đặc biệt là các khách hàng, chỉ có một cách duy nhất là nỗ lực vươn tới trình độ học thức uyên bác.