Có một câu chuyện về sự cơ trí của người Do Thái:
Một phú ông người Do Thái lâm trọng bệnh, giờ chết đã gần kề, bèn cho người đến ghi lại lời di chúc của ông:
“Tôi sẽ để lại toàn bộ tài sản của tôi cho người nô bộc trung thực sẽ đưa tờ di chúc này đến chỗ của Giáo sĩ. Riêng đứa con trai của tôi sẽ được lựa chọn một vật trong số tất cả tài sản mà tôi để lại”.
Không lâu sau, phú ông người Do Thái qua đời, người nô bộc được thừa hưởng toàn bộ tài sản. Anh ta hớn hở mang tờ di chúc đến gặp vị Giáo sĩ, sau đó cùng vị Giáo sĩ đến gặp con trai của phú ông.
Vị Giáo sĩ nói với người con trai:
“Cha anh đã để lại toàn bộ tài sản cho người nô bộc này, anh chỉ được quyền lựa chọn một món đồ duy nhất mà cha để lại. Anh hãy tự mình chọn lấy đi nào!”
Người con trai trả lời một cách không do dự:
“Tôi chọn người nô bộc này.”
Vậy là, người con trai vừa có được người nô bộc, lại được quyền thừa kế toàn bộ tài sản của người cha để lại.
Phú ông trong câu chuyện hết sức thông minh. Do người con trai không thể có mặt khi mình sắp chết, ông mới nghĩ ra kế sách này, để tránh khả năng tên nô ɭệ có thể đoạt lấy tài sản của mình, mà không báo cho đứa con trai biết. Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”, con trai ông cũng là một người rất thông minh. Vị Giáo sĩ trong câu chuyện cũng hết sức cơ trí, ông không trực tiếp nói ra ý nghĩa ẩn trong tờ di chúc, nhờ đó giữ được bí mật cho phú ông.
Một thương nhân Do Thái đến một thành phố nọ để buôn bán. Ông được biết, tất cả sản phẩm ở đây sẽ được đưa ra bán đấu giá trong vài ngày tới, nên đã quyết định nán lại chờ đợi. Có điều, ông đang mang theo bên mình rất nhiều tiền bạc, ở đây lại không có ngân hàng, để trong khách sạn cũng không an toàn.
Sau nhiều lần suy nghĩ, ông tìm đến một chỗ vắng vẻ rồi đào một cái hố chôn tiền xuống dưới. Tuy nhiên, khi trở lại đó vào ngày hôm sau, ông phát hiện toàn bộ số tiền của mình đã biến mất. Người thương nhân cứ đứng sững sờ ở đó, không ngừng nghĩ lại tình cảnh lúc chôn tiền. Lúc đó chung quanh không có một bóng người. Ông nghĩ mãi vẫn không biết số tiền của mình đã biến mất đằng nào.
Trong lúc đang buồn bã, ngẩng đầu trông lên, ông vô tình phát hiện thấy một ngôi nhà cách đó khá xa. Rất có thể chủ nhân của ngôi nhà đó đã nhìn thấy toàn bộ quá trình chôn tiền của ông, sau đó nổi lòng tham mà đến đào trộm. Làm sao mới có thể lấy lại được tiền đây?
Sau khi suy nghĩ cẩn thận, ông bèn đến gặp chủ nhân của ngôi nhà kia, lịch sự trình bày:
“Ông sống ở thành phố, đầu óc chắc là rất thông minh. Nay tôi có một việc muốn thỉnh giáo ông, không biết có được hay không?”
Người kia nhiệt tình đáp:
“Đương nhiên là được”.
Thương nhân Do Thái nói tiếp, “Tôi là người ở vùng khác đến đây làm ăn, có mang theo hai túi tiền, một túi đựng 800 đồng, một túi đựng 530 đồng. Tôi đã lén giấu túi tiền ít hơn ở một nơi không người trông thấy, còn túi tiền lớn, không biết nên trao cho một người đáng tin bảo quản, hay là đem chôn thì sẽ an toàn hơn?”
Người kia liền đáp, “Ông mới đến đây làm ăn, bất kể người nào cũng đều không đáng tin, tốt nhất là hãy chôn túi tiền lớn ở chỗ đã chôn túi tiền nhỏ đi vậy!”
Đợi thương nhân Do Thái đi rồi, người đàn ông tham lam kia lập tức lấy ra túi tiền vừa trộm được, hối hả chạy đi chôn lại chỗ cũ. Người Do Thái núp ở một nơi gần đấy đã trông thấy toàn bộ sự việc, hớn hở mừng thầm. Đợi người đàn ông tham lam bỏ đi rồi, ông lập tức đào số tiền lên và mang đi mất.
Cách mà thương nhân Do Thái dùng để lấy lại số tiền vốn đã rơi vào trong tay kẻ khác thật là cao minh. Ông biết rõ lòng tham của con người là vô hạn. Nếu muốn tên trộm trả lại số tiền, cách duy nhất là kí©ɧ ŧɧí©ɧ lòng tham của hắn tăng lên thêm nữa. Cơ trí của thương nhân Do Thái chính là ở điểm đó.
Mượn tiền là một chuyện hết sức bình thường trong hoạt động kinh doanh. Nhưng sau khi quan hệ vay mượn được thiết lập, chủ nợ sẽ cảm thấy lo lắng, hay người mượn sẽ lo lắng? Người Do Thái đã xác định rằng: Nhất định là bên chủ. Điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế trong xã hội hiện đại. Các thương nhân Do Thái rõ ràng rất hiểu đạo lý này. Hơn nữa, họ còn có những “tuyệt chiêu” trong việc đòi nợ.
Cửa hàng thời trang Meisai, đã mua từ cửa hàng vải Kala số vải trị giá 1.400 đô la, nhưng mãi vẫn chưa thanh toán sổ sách. Kala mấy lần cho người đến đòi tiền, phía bên Meisai đều tìm cách tránh né không gặp. Nhiều lần gởi thư đến, Meisai vẫn không trả lời. Kala cũng đành bó tay.
Bấy giờ, một người bạn Do Thái của Kala đã chỉ cho ông một kế:
“Anh cứ viết một lá thư đòi nợ gởi cho Meisai, yêu cầu ông ta nhanh chóng hoàn trả số nợ 2.000 đô la, xem ông ta phản ứng thế nào”.
Thật hữu hiệu, bức thư của Kala vừa gởi đi được ba ngày đã nhận được thư trả lời của Meisai. Trong thư viết:
“Cái đầu bã đậu của anh đã xuất hiện vấn đề rồi phải không? Rõ ràng tôi chỉ nợ anh số hàng trị giá 1.400 đô la, sao anh lại có thể ngang ngược đòi tôi 2.000 đô la kia chứ. Nay tôi gởi kèm theo bức thư này 1.400 đô la. Từ nay về sau sẽ không bao giờ làm ăn với bên anh nữa. Muốn kiện ra tòa hả? Dám chắc là anh sẽ thua thôi!”
Đây là một đòn “tâm lý chiến” lấy công làm thủ. Kala vốn dĩ đang bị động, chỉ cần đối phương cứ tránh né, ông ta sẽ không có biện pháp nào lấy lại được tiền. Kiện ra tòa thì lại không đáng. Sở dĩ Meisai cứ tìm cách tránh né không gặp, mục đích chính là trì hoãn việc trả nợ, chứ không có ý ăn quỵt đối phương. Nay số tiền nợ 1.400 đô la đột nhiên trở thành 2.000 đô la, “sự cố” ấy khiến ông ta không thể không viết thư giải thích. Nếu không, một khi thực sự kéo nhau ra tòa, ông ta phải gánh chịu hậu quả còn đau hơn nữa. Như vậy, từ chỗ bị động, nhờ vào mưu kế “lấy độc trị độc” của người bạn Do Thái, trong phút chốc Kala đã trở thành người chiếm ưu thế. Để tránh những phiền phức lớn hơn, Meisai chỉ còn cách là nhanh chóng hoàn lại đầy đủ số tiền đã thiếu.
Thương trường là chiến trường, là biển cả đầy sóng gió. Đối mặt với tình thế khó khăn, làm sao có thể thung dung ứng phó? Đối mặt với hiểm nguy thử thách, làm sao có thể dùng cơ trí để hóa giải? Đó là những tố chất, là bản lĩnh mà một thương nhân thành công tất yếu phải trang bị cho mình.