Người Do Thái có một lịch sử kinh doanh lâu đời.
Tuy nhiên, trong thời đại “Kinh Thánh”, người Do Thái vẫn sống trong một xã hội nông nghiệp, rất ít tiến hành hoạt động giao dịch, “thương nhân” vẫn còn là một danh từ xa lạ. Thời bấy giờ, người Do Thái hầu như không tiến hành mua bán, chỉ có những đạo đức thương nghiệp đơn giản như cân đo đúng lượng, không lừa dối… nhưng đã thể hiện rõ chuẩn tắc giao dịch xem trọng công bình và “chú trọng đạo lý” của người Do Thái.
Cùng với sự phát triển ngày càng mạnh của thương nghiệp, hoạt động giao dịch ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội, “Talmud” cũng kịp thời xuất hiện, đưa ra rất nhiều quy định đối với hoạt động giao dịch thương mại của người Do Thái, và dành ra rất nhiều chương đoạn bàn luận về các vấn đề đạo đức cần phải tuân thủ trong hoạt động kinh doanh thương mại.
Trong “Talmud”, hoạt động giao dịch thương mại có một nguyên tắc đặc thù, vượt lên những chuẩn mực hành vi trong lĩnh vực sinh hoạt thường ngày. Điều này có nghĩa là, ngay đến một người thành thực nhất, cũng vẫn có thể dựa theo nguyên tắc “trong kinh doanh nói chuyện kinh doanh” để tiến hành hoạt động giao dịch.
Tuy nhiên, điều mà các Giáo sĩ nghiên cứu nhiều nhất là làm sao có thể trở thành một thương nhân đạo đức, chứ không phải trở thành những “gian thương” chỉ biết chạy theo lợi nhuận. Do đó, người Do Thái đã hình thành nên một truyền thống thương nhân cần có đầy đủ đạo đức thương nghiệp.
Trong lúc tiến hành hoạt động giao dịch, người Do Thái cho rằng, dù chưa từng nhận được bất kỳ sự bảo đảm nào trước đó, họ vẫn có quyền yêu cầu sản phẩm được mua phải có chất lượng thật tốt. Đi mua một món hàng, đồng nghĩa với việc món hàng được mua phải không có tì vết, hư hỏng. Ngay cả khi bên bán đã tuyên bố “hàng ra khỏi cửa, miễn trả lại”, nhưng một khi sản phẩm thực sự có vấn đề, bên mua vẫn có quyền yêu cầu đổi hàng. Hơn nữa, bên bán bắt buộc phải đồng ý cho đổi.
Ngoại lệ duy nhất là, bên bán đã thông báo trước khiếm khuyết của sản phẩm. Ví dụ khi bán một con lừa, người bán đã thông báo rõ cho bên mua biết là con lừa đang mắc bệnh. Nếu việc giao dịch được hoàn thành trong tình huống như vậy, bên mua sẽ không được quyền yêu cầu đổi hàng.
Vì vậy, “Talmud” quy định, khi bên bán bán ra một sản phẩm có khiếm khuyết, trước tiên cần phải nói rõ tình trạng khiếm khuyết của món hàng cho người mua. Chỉ có như vậy, quyền lợi của người mua mới được bảo đảm, tránh mua phải một món hàng giả tạo, kém chất lượng do sự sơ suất hay cố ý gian trá của người bán.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, người Do Thái rất chú trọng nguyên tắc “giao dịch phải nói đến đạo lý”. Có thể nói, thương nhân Do Thái là những nhà kinh doanh chú trọng đến chuẩn mực đạo đức nhất trên thế giới. Ở đây, đạo lý được hiểu là sự công bình, không dối trá.
Xem trọng quảng cáo và khéo thực hiện quảng cáo chính là đạo lý kinh doanh của thương nhân Do Thái trong thời hiện đại. Tuy nhiên, trong “Talmud” lại nghiêm cấm việc sử dụng các loại hình như quảng cáo để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm của mình. Bởi người Do Thái cho rằng, trên một ý nghĩa nào đó, những hành vi quảng cáo chỉ là một chiêu thức che mắt, lừa dối người khác mua hàng hoặc tiến hành giao dịch.
Các vị Giáo sĩ cho phép người Do Thái trùm áo tơi, để tăng thêm sức hấp dẫn cho mình; cho phép người Do Thái ủi áo quần láng bóng, cũng cho phép đập, giậm y phục bằng vải bố, để chúng trở nên mỏng hơn, mềm mại hơn; cho phép người Do Thái tô màu sắc lên thân mũi tên, vẽ màu lên trên những cái giỏ – tức cho phép người Do Thái trang điểm để mình hoặc những vật dụng của mình trở nên xinh xắn, hấp dẫn hơn, nhưng lại nghiêm cấm mọi hành vi tô điểm ngụy tạo trong hoạt động giao dịch. Ví dụ, nghiêm cấm việc bôi những màu sắc khác nhau lên mình con bò khi đem nó ra bán, và cũng phản đối việc làm cứng lông, bờm của động vật khác. Vì khi được bôi màu lên, con bò trông sẽ đẹp hơn lúc đầu; lông của các loài động vật khi được làm cứng, sẽ khiến con vật trông có vẻ to hơn bình thường. Ngoài ra, cũng không được bơm hơi vào cổ con vật hay bơm nước vào bên trong thịt để trông nó có vẻ đẹp hơn.
Ngoài ra, “Talmud” cũng ngăn cấm người bán không được kèm một lời quảng cáo hữu danh vô thực nào lên thương phẩm của mình. Ví dụ, trong các mẫu quảng cáo của Mỹ thường có những câu đại loại như “kích thước lớn nhất”, “diện tích lớn nhất”. Cái gọi là “diện tích lớn nhất” trên thực tế chỉ là “một diện tích nhất định nào đó” mà thôi. Cách sử dụng ngôn ngữ quảng cáo như trên, đã bị ngăn cấm từ lâu trong “Talmud”.
Pháp luật Do Thái ngăn cấm quảng cáo, nhưng trên thực tế, đó chỉ là ngăn cấm quảng cáo dối trá, hoàn toàn không phản đối việc quảng cáo chính đáng để tuyên truyền sản phẩm. Câu chuyện dưới đây sẽ nói rõ hơn về vấn đề này:
Một phụ nữ nghèo sống bằng nghề bán táo. Sạp hàng của bà nằm bên cạnh nhà của một vị Giáo sĩ thuộc giáo phái Hasid. Một hôm, bà than thở với vị Giáo sĩ:
“Thưa thầy, tôi không có tiền mua những món đồ cần thiết cho ngày Sabbath.”[1]
“Công việc bán táo của bà thế nào?”.
“Mọi người nói táo của tôi không ngon, nên không ai chịu mua cả”.
Vị Giáo sĩ lập tức chạy ra giữa đường hô to: “Ai muốn mua táo ngon?”
Những người đi lại trên đường lập tức vây quanh ông. Rồi dường như chẳng cần lựa cũng chẳng cần đếm, tất cả đều tranh nhau móc tiền ra mua. Một thoáng sau, số táo đã được bán hết sạch với giá cao hơn thực tế đến ba lần.
“Bây giờ bà xem”, trên đường quay trở lại nhà, vị Giáo sĩ nói với người phụ nữ bán táo, “Táo của bà là ngon nhất đấy! Tất cả chỉ vì mọi người không biết đó là táo ngon”.
Qua câu chuyện có thể thấy, người Do Thái không hề phản đối việc quảng cáo. Chỉ là, trong cách nhìn của họ, tất cả đều phải được hạn định trong phạm vi của sự thành thực.
Đó chính là trí tuệ quảng cáo của người Do Thái trong hoạt động kinh doanh thương mại.