Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 19: Nhân Sở Bất Dục, Vật Thi Ư Kỷ

Với câu chuyện trên đây, chúng ta lại một lần nữa phát hiện trí tuệ độc đáo, tinh tế của dân tộc Do Thái. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” phải là một nguyên tắc dành cho cả đôi bên: Một hệ thống đạo đức lý luận kiện toàn không thể chỉ yêu cầu “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, mà còn phải giữ vững yêu cầu “nhân sở bất dục, vật thi ư kỷ” (điều mà người khác không muốn làm, thì cũng đừng làm cho mình).

Không khó nhận ra, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”, hàm chứa ý nghĩa thừa nhận vị trí ưu tiên của người khác, thậm chí khắc chế yêu cầu của chính mình để hòa nhịp vào trong các mối quan hệ xã hội.

Một con người không có quyền ép buộc người khác phải nhận lấy thứ mà mình không muốn nhận, và cũng không được ép mình phải nhận lấy cái mà hầu hết mọi người đều không muốn nhận. Nếu phải đối mặt với một tình huống mà cả hai đều không muốn gánh vác, thì phải giải quyết như thế nào? Bấy giờ, người nhân nghĩa sẽ xuất hiện để gánh chịu. Cách làm này có thể khiến cho người khác cảm động, kính phục, nhưng bản thân nó đã là một hành vi vi phạm “đạo đức”.

Ý nghĩa đích thực của “đạo đức” là cả đôi bên đều nhận được lợi ích, chứ không phải là một bên bị tổn hại, còn một bên thì được hưởng lợi.

Tóm lại, trong việc đối đãi với người và với chính bản thân, cần phải cùng lúc tuân thủ hai nguyên tắc: “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” và “nhân sở bất dục, vật thi ư kỷ”. Nếu chúng ta đã không muốn bị người khác lừa dối, thì cũng không nên lừa dối người khác, đơn giản vì người khác cũng không muốn bị lừa. Cũng như vậy, trong một số tình huống nào đó, việc nói thực có thể xúc phạm hay làm tổn thương đến người khác thì cũng không nhất thiết cứ phải nói thật, mà nên chuyển thành “lời nói dối thiện ý”.

Trong “Talmud” có ghi lại hai tình huống mà nhân vật có thể nói dối, hay chính xác hơn là cần phải nói dối.

Thứ nhất, nếu một người nào đó đã mua một món đồ, rồi đem tới nhờ bạn đánh giá. Bấy giờ, dù cho vật ấy không tốt, bạn cũng nên nói “thật tuyệt!”

Thứ hai, sau khi người bạn kết hôn, bạn cần phải nói dối: “Cô dâu thật là đẹp, hai bạn sẽ sống với nhau đến ngày răng long đầu bạc!” Cho dù cô dâu chẳng đẹp tí nào, thậm chí vô cùng xấu xí.

Nghĩa là có quyền được nói dối khi biết rõ người khác đã ở vào tình cảnh không thể thay đổi được nữa, nhằm mục đích là an ủi họ, không để họ phải sầu não vì sai lầm của mình.

Hai quy định nho nhỏ ấy, đã thể hiện rất rõ khả năng quan sát và nắm bắt hết sức tinh tế của người Do Thái trong hoạt động giao tiếp. Qua đó có thể nhận ra, người Do Thái trên thực tế đã đưa ngoại diên của khái niệm “tha nhân” ra một phạm vi rất rộng, chỉ cần một vật, một việc nào đó đã được con người rót vào một lượng tình cảm nhất định, thì đều có thể xem đó là phần nối dài của “tha nhân”. Tôn trọng một người nào đó, đồng nghĩa với việc phải tôn trọng tất cả mọi thứ thuộc về người đó.

Dân tộc Do Thái nổi danh trên khắp thế giới với tên gọi “dân tộc của giao ước”. Đối với bản thân, người Do Thái tuân thủ nghiêm ngặt 613 điều răn mà tổ tiên đã lập nên, nhưng không có ý đặt nó lên vai những người không phải là dân Do Thái. Các vị Giáo sĩ không truyền giáo cho người không phải là dân Do Thái. Nhưng căn cứ theo quy định của “Talmud”, để bảo đảm đôi bên có thể chung sống hòa bình, người không phải là dân Do Thái cũng phải chịu 7 điều ràng buộc:

1. Không ăn thịt sống của những động vật vừa mới gϊếŧ.

2. Không được lớn tiếng trách mắng người khác.

3. Không được trộm cắp.

4. Phải tuân thủ pháp luật.

5. Không được gϊếŧ người.

6. Không được thông da^ʍ với người thân thích trong gia đình.

7. Không được lσạи ɭυâи.

Rất rõ ràng, những điều ràng buộc trên đây không có bao nhiêu “mùi vị Do Thái”, trên cơ bản chỉ là những vấn đề thuộc phạm vi đạo đức, phong tục hoặc những quy định pháp luật mà các nước trên thế giới đều tuân thủ.

Đối với người Do Thái thì có đến 613 điều răn, còn đối với người khác thì chỉ có 7 điều. Kỳ thực, đối với mọi người, mọi dân tộc, chỉ có một điều thực sự quan trọng khi chung sống với nhau: Tôn trọng lẫn nhau, tha thứ cho nhau.

Dấu chân kinh doanh của người Do Thái đã đi qua từng ngóc ngách của thị trường thế giới, tạo nên những thành quả khiến cả thể giới phải kinh ngạc. Mặc dù có lúc, người Do Thái được gọi là “côn trùng hút máu”, kẻ cho vay ăn lời cắt cổ, bị các dân tộc khác kỳ thị và tàn sát. Nhưng dân tộc đầy bản lĩnh và trí tuệ trong kinh doanh ấy vẫn đủ sức để tiếp tục sinh tồn dựa vào niềm tin và những thành công xuất sắc của mình. Bản thân điều đó cũng đã là một kỳ tích. Trên một ý nghĩa nào đó, quan niệm đạo đức tôn trọng tha nhân và giữ hòa khí tạo nên tiền của mà các thương nhân Do Thái vẫn kiên trì tuân thủ, chính là bí quyết giúp họ tiếp tục sinh tồn và phát triển trong một xã hội đầy rẫy cạnh tranh, áp lực và sự kiềm hãm, khống chế của các thế lực cường quyền.