Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 13: Giáo Huấn Cho Kẻ VI Phạm Giao Ước

Người Do Thái rất giỏi đấu trí với các đối tác trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng, điều này có liên quan với thói quen tuân thủ giao ước của chính họ.

Khi ký kết và tuân thủ một giao ước, người Do Thái đều hết sức thận trọng, và yêu cầu đối phương cũng phải có thái độ như vậy. Nhưng yêu cầu ấy làm sao có thể đặt vào được trong thực tế? Đặc biệt là những con người không có niềm tin vào thượng đế và không xem trọng việc tuân thủ giao ước?

Người Do Thái có suy nghĩ hết sức rõ ràng, sở dĩ một con người dám vi phạm thậm chí hủy bỏ giao ước, phần lớn là do họ có thể tìm được cái lợi thông qua hành động bội ước đó. Cứ theo suy nghĩ đó, chỉ cần làm tan biến suy nghĩ “được lợi” của người đó, là đã có thể khống chế được hành vi bội ước của đối phương. Tiến thêm một bước nữa, nếu phương thức ấy được “thể chế hóa”, còn có thể ngăn chặn được sự xuất hiện của ý niệm hoặc sự tính toán về bội ước. Vì vậy, phương thức trừng phạt đối với kẻ bội ước, tất yếu phải đặt trên cơ sở quyền lợi thực tế.

Ngày xưa, có một cô gái xinh đẹp cùng với gia đình đi chơi xa. Trên đường đi, cô gái tách ra khỏi gia đình để tản bộ một mình, bất giác đi đến một miệng giếng.

Đang lúc khát nước, cô gái bèn leo theo dây gầu xuống giếng uống nước. Nhưng uống xong lại không thể leo trở lên miệng giếng được. Cô gái hoảng sợ vừa khóc vừa kêu la cầu cứu.

Bấy giờ, có một thanh niên đi ngang qua đó. Nghe tiếng khóc la phát ra từ miệng giếng, anh ta bèn tìm cách cứu cô gái lên. Nhờ cuộc gặp gỡ bất ngờ ấy, hai người đã để lòng yêu mến nhau, nguyện một lòng bên nhau mãi mãi.

Một hôm nọ, người thanh niên có việc phải đi xa. Trước khi lên đường, anh ta đã đến nhà cô gái để nói lời từ biệt, và hứa rằng sẽ mãi mãi giữ lời thề năm xưa. Hai bên đều bày tỏ cho dù bao lâu, nhất định cũng sẽ chờ ngày nên nghĩa vợ chồng.

Sau khi đã đính ước với nhau, hai người muốn tìm một ai đó đến làm nhân chứng cho lời thề nguyện của mình. Đúng lúc ấy, có một con chồn lông vàng băng ngang qua trước mặt họ rồi chạy thẳng vào khu rừng. Cô gái bèn nói: “Con chồn lông vàng ấy và miệng giếng ngày trước sẽ là nhân chứng cho chúng ta”.

Sau đó, hai người chia tay nhau.

Rất nhiều năm sau, cô gái vẫn một lòng giữ vẹn trinh tiết, chờ đợi vị hôn phu của mình quay về. Thế nhưng, người thanh niên ấy đã kết hôn với một cô gái khác tại một vùng đất xa xôi, sinh con cái, cùng nhau trải qua những tháng ngày vui vẻ, hoàn toàn không còn nhớ gì đến lời hôn ước năm xưa.

Một hôm, do đùa giỡn quá mệt, đứa con trai của người thanh niên năm xưa bèn ngã lưng nằm ngủ trên bãi cỏ. Đúng lúc có một con chồn lông vàng đi ngang qua, cắn phập vào cổ đứa bé, khiến nó chết ngay lập tức. Cha mẹ nó đều hết sức đau khổ, thương tiếc cho đứa con thơ dại của mình.

Sau đó một thời gian, hai vợ chồng lại sinh được đứa con trai khác. Cậu bé được nuôi dưỡng khôn lớn và thích đi xa vui chơi. Một hôm, nó đi đến bên một miệng giếng, vì nhìn thấy bóng của mình in trên mặt nước, trong một phút không cẩn thận đã lọt nhào xuống giếng chết.

Đến lúc ấy, người thanh niên năm xưa mới nhớ lại hôn ước ngày nào của mình với cô gái, chứng nhân ngày ấy chính là con chồn lông vàng và cái giếng.

Thế là, anh ta kể lại toàn bộ sự việc cho người vợ của mình, rồi đề nghị ly hôn với người vợ ấy.

Sau đó, anh ta trở về thôn làng của người con gái năm xưa. Cô gái vẫn đang chờ đợi anh. Hai người cuối cùng đã kết hôn với nhau, sống những tháng ngày hạnh phúc cho đến cuối đời.

Rất rõ ràng, đây là một câu chuyện về sự tuân thủ giao ước (hôn ước) dưới sự phò trợ của thần linh.

Tuy nhiên, trong câu chuyện, phương thức trừng phạt lại không trực tiếp giáng xuống đầu của kẻ vi phạm giao ước, như người thanh niên trong câu chuyện uống rượu say rồi tự mình ngã xuống giếng chết, hoặc để con chồn lông vàng cắn anh ta, khiến anh ta bị bệnh dại mà chết. Câu chuyện đã để cho hai người con trai phải gánh lấy tội lỗi của cha mình, khiến người đọc khó lòng tránh được cảm giác bất nhẫn.

Kỳ thực, đó là một câu chuyện khuyên người làm thiện, tuân thủ giao ước. Ý nghĩa căn bản của câu chuyện là, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều phải tuân thủ giao ước. Nếu để người vi phạm giao ước chết đi, thì sẽ không còn phù hợp với tín điều “ghét tội, nhưng không ghét người có tội” của người Do Thái, cơ hội thực thi lại giao ước cũng không còn nữa, cô gái tuân thủ giao ước đành phải một mình chịu đựng đau khổ, sống cảnh phòng không chiếc bóng trong suốt quãng đời còn lại.

Vì vậy, câu chuyện đã không hề tiếc thương khi để sự trừng phạt giáng xuống hai đứa con vô tội. Ở điểm này, những đứa trẻ chỉ là hình ảnh tượng trưng cho hậu quả tồi tệ nhất của hành vi bội ước (người Do Thái xem trọng con trai nối dòng, có thể sánh ngang với quan niệm thừa tự mà người Trung Quốc vẫn luôn đề xướng “bất hiếu có ba điều lớn, không con nối dõi là điều bất hiếu nhất”. Đó cũng là nguyên nhân vì sao câu chuyện không xem người vợ cưới được là thành quả đáng giá nhất trong hành động bội ước của người thanh niên. Đó chính là ý nghĩa nội tại được rút ra từ hành vi bội ước trong câu chuyện, biến bội ước thành một hành vi thuần túy vô vị, thậm chí là một hành vi tự chuốc khổ cho mình. Người bội ước trong câu chuyện đã hai lần có được hạnh phúc, nhưng cuối cùng lại phải chịu đọa đày đau khổ bên trong “hạnh phúc” đó.

Qua ý nghĩa then chốt của câu chuyện, chúng ta có thể nói đây mới chính là liệu pháp chữa trị hữu hiệu nhất cho “căn bệnh bội ước”.

Trong hiện thực cuộc sống, biện pháp mà người Do Thái áp dụng cho những kẻ vi phạm giao ước là trục xuất người đó ra khỏi cộng đồng. Trên thương trường, một người Do Thái bị cả cộng đồng bài xích sẽ rất khó để tiếp tục sinh tồn (sinh tồn bằng con đường làm ăn buôn bán).

Nếu đối phương không phải là một người Do Thái, họ sẽ không ngần ngại tố cáo anh ta ra trước tòa án, yêu cầu cưỡng chế chấp hành hợp đồng, hoặc bắt buộc đối phương phải đền bù tổn thất. Bên cạnh đó, cộng đồng Do Thái còn báo cho nhau, tuyệt đối không bao giờ làm ăn buôn bán với người thất tín kia nữa. Nên hiểu rằng, mậu dịch quốc tế là lĩnh vực nằm trong tay của người Do Thái. Như thế, một khi bị người Do Thái bài xích, thì ngày bạn bị đẩy văng ra khỏi “thị trường giao dịch thế giới” cũng sẽ không còn xa nữa.

Thực tế đã chứng minh, trí tuệ kinh doanh của người Do Thái không chỉ tương hợp với quy luật nội tại của giới thương nghiệp, mà còn có đủ khả năng thay đổi mô thức kinh doanh của những người khác, khiến họ chấp nhận mô thức kinh doanh của người Do Thái. Xét trên phương diện này, không thể không xem nó là một cống hiến tích cực đối với “quy tắc cuộc chơi” trong kinh doanh.