Bí Quyết Kinh Doanh Của Người Do Thái

Chương 12: Khéo Dùng Pháp Luật, Đạt Được Mục Đích

“Không thể hứa một cách tùy tiện!”. Một lời hứa của Thiên Chúa cách đây hơn 3.000 năm, đã dẫn đến cuộc xung đột không thể chấm dứt giữa khối Ả Rập và Israel. Như thế, khi tuân thủ giao ước trở thành một vấn đề nan giải, thì phải giải quyết bằng cách nào? Người Do Thái có một phương pháp hết sức hiệu quả.

Ngày xưa, có một ông vua chỉ sinh được một người con gái, nên rất mực yêu thương nàng.

Một lần nọ, công chúa lâm trọng bệnh, bao nhiêu thuốc thang quý hiếm cũng đều vô hiệu, hơi thở đã bắt đầu yếu dần. Quan đại phu buồn bã bẩm tấu cùng nhà vua, trừ phi lập tức tìm được thần dược, nếu không, công chúa sẽ không còn hi vọng gì nữa.

Nhà vua vô cùng lo lắng, lập tức dán cáo thị trong khắp kinh thành:

“Bất kể là ai, chỉ cần trị khỏi bệnh cho công chúa, sẽ được đức vua gã công chúa làm vợ, đồng thời còn cho kế thừa ngai vàng”.

Ở một vùng rất xa, có ba anh em cùng sống với nhau, người anh cả có một ống kính nhìn xa vạn dặm. Thông cáo của nhà vua đã được anh ta nhìn thấy. Người anh cả bèn bàn với hai em, tìm cách trị bệnh cho công chúa.

Hai người em cũng có bảo bối của riêng mình. Người anh thứ có một tấm thảm biết bay, có thể dùng làm phương tiện đi lại cấp tốc. Người em út có một trái táo thần, bất kể là bệnh gì, chỉ cần ăn được nó là sẽ lập tức khỏi bệnh.

Sau khi bàn bạc xong, ba anh em bèn ngồi lên thảm bay, mang theo quả táo, rồi bay thẳng đến hoàng cung.

Sau khi công chúa ăn xong quả táo, sức khỏe liền hồi phục. Nhà vua hết sức vui mừng, lập tức cho người mở hội, chuẩn bị tuyên bố với toàn thể thần dân trong nước rằng mình đã tìm được vị phò mã xứng đáng cho công chúa.

Tuy nhiên, nhà vua chỉ có một người con gái, nhưng công lao trị bệnh cho công chúa lại thuộc về cả ba anh em. Phải gả công chúa cho ai bây giờ?

Người anh cả nói: “Nếu không phải tôi đã dùng kính vạn dặm nhìn thấy cáo thị, chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết chuyện công chúa mắc bệnh mà đến đây cứu chữa”.

Người anh thứ nói: “Nếu không có tấm thảm thần của tôi, làm sao chúng ta có thể vượt qua một quãng đường xa xôi để kịp thời tìm đến kinh thành chữa bệnh cho công chúa”.

Người em út nói: “Nếu không có quả táo thần, dù có đến được nơi đây, cũng không thể trị khỏi bệnh cho công chúa”.

Nhà vua tuyên bố: “Phò mã là người em út đã mang quả táo đến cứu công chúa”.

Lý do là: Người anh cả vẫn còn nguyên vẹn ống kính vạn dặm; người anh thứ vẫn còn nguyên vẹn tấm thảm bay; chỉ có người em út vì đã đưa quả táo cho công chúa ăn, nên không còn sở hữu được gì nữa.

“Talmud” có nói: “Một người muốn phục vụ cho người khác, điều quý trọng nhất là có thể dâng hiến mọi thứ trong con người mình cho tha nhân”.

Câu cách ngôn trích dẫn trong “Talmud” trên đây thật là hữu lý. Tuy nhiên, đứng từ góc độ tuân thủ giao ước để mổ xẻ câu chuyên, chúng ta có thể phát hiện, “Talmud” lại một lần nữa sử dụng đến thủ thuật.

Trên thực tế, thông cáo của nhà vua là một lời hứa, trong cách nhìn của người Do Thái, nó đã có đầy đủ ý nghĩa “pháp luật”, tất yếu phải thực hiện. Trong thông cáo đã nói rõ, ai trị khỏi bệnh cho công chúa, nhà vua sẽ gả công chúa cho người ấy. Bấy giờ, cả ba anh em đều đã có công trong việc chữa trị cho công chúa. Hơn nữa, đúng như họ đã nói, đóng góp của họ là không thể chối cãi được. Vì vậy, chí ít mỗi người trong ba anh em đều có một phần quyền lợi, có thể yêu cầu trở thành phò mã.

Nếu chỉ gả riêng cho một trong ba người thì đồng nghĩa thất tín với hai người còn lại, cũng có nghĩa là “bội ước”, điều mà pháp luật Do Thái không thể chấp nhận.

Vì vậy, bất luận nhà vua có làm như thế nào, cũng đều có thể đối mặt với khả năng vi phạm pháp luật. Để tránh một kết cục không hay, “Talmud” đã lựa chọn một tiêu chuẩn khác – không xem ai đã có cống hiến lớn nhất trong việc trị khỏi bệnh cho công chúa, mà xem ai đã “dâng hiến” nhiều hơn.

“Cống hiến” và “dâng hiến” tuy chỉ khác nhau có một chữ, nhưng lại cách biệt nhau rất xa. Cống hiến là nói lên mối tương quan giữa kết quả của hành vi và người nhận ơn huệ, cũng chính là sự đánh giá của nhà vua đứng trên góc độ có lợi cho mình; dâng hiến là nói lên mối quan hệ tương đối giữa quá trình hành động và người ban ơn, cũng chính là sự đánh giá của nhà vua đứng trên góc độ “gánh chịu tổn hại” của đối phương. Vì vậy, đổi “cống hiến” thành “dâng hiến”, trên thực chất là đã thay đổi hoàn toàn tiêu chuẩn đánh giá, từ đó thay đổi luôn cả nội dung lời hứa của nhà vua.

Nói rõ thêm một bước, trong hệ thống giá trị của người Do Thái, cùng làm tiêu chuẩn đánh giá, vị trí của “dâng hiến” sẽ cao hơn “cống hiến”, đặt “dâng hiến” vào vị trí ưu tiên hơn so với “cống hiến”, đương nhiên hợp lý và hợp pháp. Nếu đã như vậy, thay đổi điều kiện thực hiện lời hứa, cũng là có “căn cứ pháp luật, dựa vào đạo lý”.