Trước nhà là khoảng sân, trong sân có giếng nước đã cạn tới đáy, nước khá trong, có thể nhìn thấy một đống cát sỏi. Khu vườn khá rộng nhưng toàn để cỏ dại mọc la liệt um tùm, như bỏ hoang phế lâu năm không chăm sóc.
-Mẹ bảo các chú vào nhà.
Đứa bé chạy ra nói lớn, gương mặt vẫn rạng ngời tươi tắn. Chúng tôi nhìn nhau một lượt, thấy Tư Đồ vẫn tháo kính và Cung Trường Lĩnh vẫn đang trong tình trạng đeo kính, gật nhẹ với nhau một cái rồi vào. Trong nhà khá u tối, duy chỉ những nơi bị lủng lỗ như vị trí mái to tướng bằng 4, 5 cái đầu người và vách tường lỗ chỗ, nhỏ thì như ngón tay, to thì cỡ nắm tay. Nhờ thế ánh sáng bên ngoài yếu ớt rọi vào tạo thành những dải ánh sáng mờ ảo, phân luồng với sự tăm tối ẩm thấp của ngôi nhà.
Gần ngay lối ra vào, giữa nhà, là cái bếp lò hình vuông nằm trên mặt nền, trong đống tro củi còn ửng hồng lăn lóc hai củ khoai nho nhỏ cháy đen. Bên cạnh là cái bàn tre xiêu vẹo, trên đặt một ấm đun nước ám khói đen đặc, có hai cái cốc sức mẻ, không thấy có cái ghế nào. Sâu bên trong và xa hơn nữa là chiếc giường hoàn toàn ẩn mình vào bóng tối, trên giường mơ hồ có bóng đen hơn nữa ngồi bên mép, dáng hình bé nhỏ, âm thanh bình bình đạm đạm của phụ nữ cất lên.
-Cảm ơn đã đưa đồ của chồng tôi đến.
Câu nói của cô thu hút toàn bộ ánh nhìn cùng tâm trí của mọi người. Tôi có chút nghi hoặc hỏi.
-Cô là Vân Thải?
-Tôi là Hách Liên Vân Thải, là vợ của người đã nhờ vả cậu. Ô Nha, con tới chỗ chú lấy đồ cho mẹ.
Một tiếng “Vâng, dạ” trong trẻo vui vẻ cất lên, lon ton đến chỗ tôi, khoe hàm răng lưỡi cưa, xòe hai lòng bàn tay, móng cáu bẩn bùn đất, nham nhở dài ngắn của việc để cho nó gãy tự nhiên. Tôi lục trong túi xách món đồ, đắn đo một chút vẫn không thả xuống.
-Cô sao biết chúng tôi tới? Liệu cô có biết món đồ tôi đưa tới là gì không? Mặc dù tôi cầm nó đã lâu nhưng chưa từng mở xem.
-Là ngón út.
Vân Thải nghe tôi hỏi, không chút lượng lự đáp. Điều đó khiến tôi càng kinh ngạc, lập tức mở ra xem. Bên trong tấm vải quả thật là một ngón tay khô đét, đen sì chỉ còn da bọc xương. Bấy giờ tôi mới đưa nó cho Ô Nha để bé trao cho mẹ. Vân Thải nhận lấy lại bảo bé ra ngoài chơi. Bé đi rồi cô mới mở miệng.
-Đây là một tập tục ở quê tôi, ngón út, tượng trưng cho ước thề. Ngày xưa anh ấy thề nguyện sẽ ở bên mẹ con tôi chăm sóc cả đời, nhưng vì kiếp nạn giáng xuống mà bỏ mạng trong ngục tù. Cuối cùng phải nhờ tới người khác gởi đến...mang ý nghĩa nhắn nhủ xin lỗi và hứa hẹn kiếp sau sẽ hoàn thành lời giao ước. Tôi nhận được rồi, vô cùng cảm tạ cậu đường xá xa xôi vất vả vì một người xa lạ không quen biết.
Vân Thải hai tay nâng lấy món đồ, vừa nhìn vừa trầm tĩnh nhẹ nhàng nói. Tôi đưa tay gãi gãi bên má, có chút lúng túng.
-Thật ra lúc tôi gặp, thì anh ấy đã chết lâu lắm rồi...Có thể cô không tin, là linh hồn anh ấy nhờ tôi giao đồ cho cô.
Vân Thải gật gật, không hề ngạc nhiên. Tôi nói thêm.
-Bên ngoài đồn thổi anh ấy kết án tử hình...nhưng thực chất anh ấy lại bỏ mạng vì dã thú.
Vân Thải gật gật tiếp, không có vẻ gì bất ngờ. Tôi nói về sự nghi hoặc của mình.
-Tôi cảm thấy, một người phải quyến luyến ai đó tới mức nào mới khiến cho chấp nhất đó lưu giữ lại dương thế ...Một người yêu vợ đến thế sẽ không là tên giết người mất nhân tính?
Vân Thải im lặng một lúc lâu, rồi nhẹ thở dài, chất giọng u buồn khẽ vang.
-Cậu hẳn nên thắc mắc vì sao tôi bảo Ô Nha, là bố chúng trong số các cậu.
Tôi đưa mắt nhìn mọi người. Phải ha. Lại thấy Tư Đồ đeo kính vào và Cung Trường Lĩnh cất kính đi. Giọng Vân Thải buồn bã cất lên.
-Bởi vì tôi không thể ở bên cạnh bảo ban Ô Nha lâu thêm được nữa...Cho nên tôi mong sao trong số các cậu, có người đứng ra nhận nuôi Ô Nha.
Tôi có điểm sửng sốt. Người này rốt cuộc có tài tiên tri sao? Đoán trước được cả giờ tử của bản thân? Vân Thải thở dài, giọng nói nhẹ tênh, tựa như không có sức lực. Lại tựa như đang dùng hết tất cả sức lực để nói ra, nhẹ như gió, nặng tựa núi.
-Cậu có thể vì sự nhờ vả của một vong linh mà mò tới tận chốn hoang vu hẻo lánh này...tôi rất cảm kích. Nếu bây giờ lại cầu xin sự giúp đỡ nữa từ cậu...thì có phần không biết điều. Nhưng mà quả thật là bất đức dĩ mới phải nhờ cậy...Đứa bé đó vừa chào đời thì bố vào tù, mình tôi cơ cực nuôi nó...tới năm nó 4 tuổi thì không thể chống đỡ nổi... Tôi không thể kéo dài linh hồn mình tại dương thế lâu hơn...Tôi sẽ vô cùng biết ơn, nếu cậu nhận nó làm con nuôi. Xin cậu, làm ơn giúp đỡ tôi! Làm ơn cưu mang Ô Nha! Như thế tôi mới có thể an tâm đi gặp anh ấy.
Tôi đứng hình một lúc lâu, mãi sau mới nhúc nhích cái cần cổ xoay trái xoay phải nhìn mọi người. Biểu tình bọn họ đều là bộ dáng trầm tư nghiêm túc, lại không có ý can thiệp câu chuyện.
Tôi nhìn hình dáng đen đặc của Vân Thải hồi lâu. Tôi cũng chỉ là kẻ lang thang vất vưởng không mụch đích, được bố nhận nuôi mà từ đó có mái nhà yên bình dừng chân. Hôm nay lại có người vì tình trạng sức khỏe suy yếu mà không có khả năng nuôi dạy con, khó khăn mở lời cậy nhờ tôi nhận chăm lo. Tôi nghĩ, bản thân mình vốn xuề xòa mọi chuyện, không có khả năng quan tâm săn sóc kẻ khác. Nhưng mà...xem ra từ giờ phải thay đổi chính sách tác nghiệp một tí, bởi vì tôi có thứ cần phải bảo bọc rồi. Vốn mai sau chỉ định tìm một việc làm vớ va vớ vẩn không yêu cầu chuyên môn cao. Nhưng để có khoản lương kha khá nuôi được con nhỏ tốt...Haizzz, biết thế lúc trước khi xuống đền thờ trấn tà trong lòng đất, một đống dạ minh châu cất trong miệng Tu Lỳ lại ngu ngốc không lấy. Giờ chẳng biết mai này tôi có làm nên được trò trống gì không? Thấy lo lo.
Tôi gật nhẹ.
-Tôi nhận lời.
Vân Thải bất động hồi lâu, như cái bóng của bức tượng điêu khắc, một lúc sau mới lại mở lời tiếp.
-Vì cậu chịu gia ân, tôi cũng không giấu giếm nữa. Tôi sẽ kể cho cậu nghe một bí mật, nhưng chỉ mình cậu thôi. Sau khi cậu nghe xong, rồi muốn nói nó cho ai khác, toàn quyền cậu quyết định.
Tôi nghe cô ra điều kiện vậy, cũng không thấy có hứng thú. Chuyện của bản thân đã đủ rắc rối lắm rồi, thật tình không muốn chuốc thêm việc cho nặng đầu. Nhưng cô hẳn thấy tôi có chút phiền lòng do dự, bồi thêm.
-Tôi là một Vu Hích, có khả năng biết trước tương lai của người khác dù chưa từng gặp qua. Tôi đã thấy, vận mệnh kết thúc của cậu...
Cô ấy nhử mồi như vậy, còn có phần khẩn khoản, rõ ràng chuyện này không đơn giản chỉ liên quan tới cá nhân tôi. Sự tình có thể nghiêm trọng tới mức nào chứ? Chỉ vì trả ơn? Tôi lắc lắc. Dù có tồi tệ thế nào cũng không cần phải bảo người khác ra ngoài, trừ phi nó gắn liền với một bí mật mà không cần để nhiều người biết tới. Tôi chỉ muốn sống bằng phẳng bình lặng thôi, làm ơn đừng tạo thêm công việc, chỉ vụ của Âu Tử Dạ đã đủ kéo thành một đống phiền hà rắc rối rồi. Hay tôi vẫn không nên nghe nhỉ? Mặc kệ tương lai xa vời gì đó, tôi chỉ cần nắm chắc hiện tại là đủ.
-Số phận của cậu...sẽ vì một người mà tử...vì một thứ mà vong, cậu không muốn ngăn chặn việc đó sao?
Cô ta đã ra đòn quyết định như thế, xem ra không nghe theo không được. Tôi muộn phiền day day huyệt thái dương. Tôi sao có thể vì ai khác hoặc thứ gì đó mà đâm đầu chết cho được? Tôi trước giờ đều rất yêu thương quý mến bảo trọng bản thân nha. Hơn nữa bây giờ còn có trách nhiệm nặng nề nuôi lớn con nhỏ? Haizz. Tôi đưa mắt nhìn bọn họ, đám người không có vẻ nhăn nhó khó chịu, chỉ là nhìn thấy Mạnh Chương có chút âm trầm khó đoán. Tư Đồ nói với Cung Trường Lĩnh ra ngoài cho chúng tôi nói chuyện riêng. Khi trong nhà chỉ còn lại hai người, cô mới mở miệng.
Vân Thải nói theo mạch cảm xúc, đầu tiên cô nói một chút về bản thân sau đó lại lộn ngược dòng về quá khứ gia tộc, sau lại nói sâu hơn về bản thân rồi quay trở về khái quát hình tình gia tộc, đông một câu tây một câu tưởng như không ăn nhập. Tôi sắp xếp câu cú của cô theo trình tự từ quá khứ tới tương lai từ bao quát đi vào chi tiết. Viết theo ý hiểu của bản thân được bổ sung thêm suy nghĩ của tôi nữa, như vậy người đọc dễ tiếp thu hơn.
Đầu tiên tôi được biết bọn họ sống ẩn cư đâu đó trong dãy Thông Lĩnh thuộc Trung Á, là một trong những nơi có hệ thống núi tuyết cao nhất nhì thế giới. Họ phải chịu đựng môi trường sống cực kỳ khắc nghiệt do khí hậu rét buốt quanh năm được gió lạnh che phủ. Trong ghi chép truyền lại của tổ tiên thì họ tự nhận mình là hậu nhân của người Đông Iran cổ đại, mang trong mình dòng máu thuần chủng của tộc Pamiri, họ sở hữu làn da trắng muốt, mắt từ xanh dương tới lam hoặc xám, tóc đỏ rực như lửa hoặc trắng bạc như tuyết, mũi cao, đường nét đẹp như những người Bắc Âu.
Có lẽ vì sống tách biệt hoàn toàn với thế giới con người hiện đại và nhờ địa hình hiểm trở bảo vệ, nên lưu giữ gần như nguyên vẹn mọi phong tục tập quán, bao gồm cả nguồn gen không bị pha trộn. Nhưng, họ trước sau lại vẫn có một mối liên hệ mật thiết với trung nguyên phồn hoa, chính xác hơn, nuôi mối hận thù ngàn năm không dứt bỏ.
Số phận dân tộc lưu vong của họ gần như gắn liền với sử lịch Trung Hoa, có thể bắt đầu khoảng từ 3000 trước TL đến 1200 trước TL và kể từ đó đã không ngừng đấu tranh phản kháng.
Khoảng 2700 trước TL, một bộ phận tách ra, di dân xuống vùng trung thổ Hà Bắc, rồi xuống lưu vực sông Hoàng Hà ở vùng thượng Hà Nam. Lúc bấy giờ đã có bộ tộc Hoa Hạ chiếm cứ vùng Thiểm tây, Sơn tây và Hà nam trước cả ngàn năm.
Chiếu theo bản Dật Chu thư , Diêm Thiết luận, tôi được biết tộc trưởng Công Tôn Hiên Viên, thống lĩnh các thị tộc người Hoa Hạ (khoảng 2697 trước TL), luôn tìm cách gây chiến với Xi Vưu là tù trưởng của Miêu tộc để chiếm cứ lãnh thổ. Sách viết “Công Tôn thị chín lần chiến thì chín lần không thắng, ba năm không hạ được thành, bèn ngước lên trời mà than thở, ông trời sai Cửu Thiên Huyền Nữ xuống ban cho ngài một đội binh lính hùng mạnh bách chiến bách thắng. Nhờ có lực lượng thần thánh của Huyền Nữ mà Công Tôn thị cuối cùng đã thâu tóm được trung nguyên, thống nhất các thị tộc, từ đó xưng ngôi Hoàng Đế, từ đó không ngừng đuổi giết tộc nhân của Xi Vưu.
Vân Thải nói, người Miêu vì sự truy sát gắt gao hầu hết đều đầu hàng nhằm bảo tồn lực lượng, một số chạy trốn vào vùng Quế châu, bắc Tứ xuyên; tẩu táng xuống Quảng đông, bắc Quảng tây, kéo xuống vùng nam của Hồ nam và phía tây Vân nam.
Tôi được biết chính sách cai trị của người Hoa Hạ nhằm chia rẽ sự đoàn kết của Miêu tộc bằng cách phân nhóm và buộc phải ăn mặc y phục có màu sắc khác nhau. Từ đó mà ta biết đến nhóm Miêu đen, trắng, hoa, đỏ và xanh. Bọn họ là Miêu tộc đã được đồng hóa, bị bắt ép, cưỡng chế phải hôn phối với ngoại tộc, trải qua mấy ngàn năm lai tạp bề ngoài không còn giống nguyên thủy. Vân Thải nói tuy bị sự kìm kẹp của người Hoa Hạ đô hộ nhưng thâm tâm không khuất phục, luôn hướng tới cội nguồn là tộc Miêu thuần chủng ở Thông Lĩnh.
Từ Hạ, Thương, Chu, Xuân Thu, Chiến Quốc, không giai đoạn loạn lạc nào không lợi dụng thời cơ trong khi các nước khác đấu đá cắn xé lẫn nhau thì nổi loạn. Thế nhưng trời cao không chiều lòng người, mỗi lần nổi dậy đều bị đè bẹp, vẫn phải lẩn chốn vào rừng sâu núi hiểm chờ đợi cơ hội tiếp theo.
Theo ghi chép được lưu truyền chỉ cho các Vu Hích đời sau có quyền tìm hiểu thì Vân Thải được biết, lúc bấy giờ, đại Vu Hích, nữ tư tế được xem là Khiêu Đại Thần có thể thông linh với các thượng tiên, truyền đạt rằng: Muốn phục sinh cho chiến thần Xi Vưu, trả thù Hoa Hạ trước hết cần có một đội quân đao thương bất phạm. Để làm được điều đó thì cần sự giúp sức của vị Hoàng Đế đầu tiên và tàn ác nhẫn tâm nhất lịch sử Trung Hoa sắp xuất hiện. Chúng ta sẽ cử những người tài giỏi nhất gia tộc trà trộn vào Tần quốc, để sau này có thể trở thành tâm phúc, cánh tay đắc lực, từ đó dễ bề lèo lái, chèo chống kế hoạch.
Tôi được biết là năm 247 TCN, Trang Tương Vương mất sau ba năm trị vì, Doanh Chính, lúc đó tuy mới 13 tuổi lên ngôi kế vị nhưng khi ấy nước Tần đã rất lớn mạnh. Một năm sau khi tại vị Tần vương đã bắt đầu huy động nhân lực phá núi xây lăng do Trương Hàn kiểm soát. Song song với thời gian đó, Vân Thải nói Tần Vương cũng nghe theo lời của hai Vu Hích là Hầu Sinh, La Sinh cho người bôn ba khắp nơi tìm kiếm 8 thanh kiếm cổ của Âu Dã Tử nhằm trấn yểm Âm Huyệt đã xuất hiện từ các bãi chiến trường cổ xưa, nơi có hàng vạn binh lính tử trận.
Tôi giải thích một chút về Vu Hích, trong thời kỳ ban sơ của chế độ quân chủ phong kiến, đây là chức vụ có địa vị quan trọng trong tín ngưỡng tôn giáo thờ thần linh. Quan chế thời cổ đại có chức Chúc, đó là chức quan phụ trách việc tế trời và khẩn cầu thần minh. Lúc bấy giờ Vu Hích chính là biệt danh của Chúc. Người nam gọi là Hích, người nữ gọi là Vu, công việc chính yếu ban đầu là bốc phệ. Về sau dần dần bị phân hoá trên nhiều lãnh vực khác nhau như chiêm tinh tiên đoán, y dược luyện thuốc, truyền giáo tín ngưỡng ... Sau một số lại có nguyện vọng truy cầu sự khang kiện và trường thọ nên rất chú trọng đến y học và luyện dưỡng. Những Vu Hích này từ từ tách biệt riêng rẽ, tạo dựng hẳn một phương pháp chuyên môn, hình thành một hệ thống độc lập được gọi là phương sĩ. Phương pháp luyện dược được gọi là phương thuật, để phân biệt rặt ròi với vu thuật của các Vu Hích. Vào thời Xuân Thu, người ta gọi chung những người đồng cốt phù thủy là Vu Hích, là những người có khả năng cầu triệu thần minh giáng phúc, người môi giới giữa con người và thần linh, cũng có thể thay mặt quốc gia mà khấn ước cầu nguyện sự phù độ, bảo hộ.
Còn về Khiêu Đại Thần lại là một loại phương thức "trao đổi" giữa người sống với một “thứ” khác. Khiêu Đại Thần thường gồm hai người đeo mặt nạ vẽ hình con trâu cùng hoàn thành, một là nhất thần (hay đại thần), hai là nhị thần (hay phụ thần). Nhất thần là đối tượng bị nhập thể (vỏ chứa), nhị thần là trợ thủ. Trong quá trình Khiêu Đại Thần, nhất thần nhảy múa "xoay tròn" hai tay cầm lá phong, nhị thần hai tay vỗ mặt trống. Có làn điệu cố định và lời ca thỉnh nguyện bằng ngôn ngữ cổ xưa. Sau khi thần tới, nhị thần phụ trách cùng “thứ kết nối" trả lời các vấn đề. Mời tới đôi khi là thần tiên, thỉnh thoảng là yêu quỷ, đa phần là linh hồn người chết.
Theo lời Vân Thải thì Âm Huyệt là nơi sản sinh ra Ngọc Hồn (người Miêu gọi, tức đá Canh Mạnh Bà) nhưng cần có thời gian hàng ngàn năm để thai nghén thành công. Sở dĩ phải dùng tới kiếm của vị đệ nhất đúc khí sư là vì nghe nói do ông được tam đệ tử của Hồng Quân Lão Tổ truyền dạy phương pháp luyện kim. Nhờ thế mà các thanh kiếm của Âu Dã Tử được xem là linh kiếm cao quý tại dương thế. Kiếm có hai công dụng trấn áp, một là không cho oan hồn siêu thoát cũng khiến nó không đi ra khỏi được kết giới, trở thành thức ăn của Ngọc Hồn. Hai là, người thường không có khả năng chạm vào được thanh kiếm, làm gián đoạn quá trình hình thành Ngọc Hồn.
Vân Thải nói việc hoàn thành lăng mộ đồng thời cũng biến nó trở thành Âm Huyệt to lớn nhất, linh vật bình thường rất khó khống chế oán khí, thứ có thể khắc chế cũng sớm hoàn thành. Chính là sai truyền nhân của Âu Dã Tử, tộc trưởng đời thứ 6 Tước Hỏa rèn Tru Tiên Tứ Kiếm trở thành song đao ,lại dùng song đao trấn yểm phía bắc địa cung, là nơi Bắc Đế Chân Võ Quân (Huyền Vũ) cai quản âm giới. Mục đích của tất cả việc trên chính là chuẩn bị cho hai ngàn năm sau, khi tất cả Ngọc Hồn tới thời điểm chín mùi sử dụng, bát kiếm giải khai, triệu hồi âm binh, tà khí hùng mạnh, so với đội quân của Cửu Thiên Huyền Nữ giúp Hiên Viên Hoàng Đế thời kỳ sơ khai không kém là bao. Song đao khai mở, triệu hoán ma thần, Cửu Ngũ Chí Tôn, Xi Vưu thần chiến, dẫn dắt ma binh, bình định Hoa Hạ.
Về phần Tru Tiên Tứ Kiếm, trong sách Việt tuyệt thư phần Ngoại truyền kỳ bảo kiếm do sử ký gia Tư Mã Thiên sống dưới thời Hán Vũ Đế có ghi lại như sau: Đồ đệ thứ ba của Hồng Quân Lão Tổ là Thông Thiên giáo chủ của Triệt giáo, đồng thời cũng là người giỏi nhất trong tam thánh nắm giữ gồm “Thiên kiếm tru tiên, Huyền kiếm hủy nhân, Địa kiếm diệt ma, Hoàng kiếm trảm yêu .” Trong Phong Thần Diễn Nghĩa cũng viết thêm rằng, thời kỳ rối ren lúc bấy giờ là Đế Tân Trụ Vương của nhà Ân Thương hoang da^ʍ vô độ, bạo tàn thất đức gây mất lòng người, chư hầu các nơi ủng hộ Cơ Phát trong đó có cả giáo chủ của Xiển giáo là Nguyên Thủy Thiên Tôn. Nhưng Triệt Giaó của Thông Thiên giáo chủ lại giúp nhà Ân Thương đánh Chu, dùng tứ kiếm lập trận Thủy Địa Hỏa Phong, trong khoảng khắc mọi thứ gần như bị hủy diệt, thì đúng lúc đó Lão Tổ xuất hiện kịp thời phong ấn tứ kiếm.
Năm 1030 TCN, đời vua thứ 30 Đế Tân tức Trụ Vương sụp đổ, Chu Vũ Vương Cơ Phát lên ngôi. Sau khi nên ngôi lại phái người không ngừng tìm kiếm nhưng không được. Vân Thải nói do người tìm không đủ năng lực, cho nên mới phải đợi đến thời Tần, khi truyền nhân của Âu Dã Tử, tộc trưởng đời thứ 6 ra đời, người hoàn thiện thêm kỹ nghệ luyện kim, nâng cấp bậc đúc kiếm nên một tầng cao mới mà không một vị đúc kiếm sư nào thời đó sánh kịp. Nghe nói, người ấy không những có khả năng cảm ứng vị trí phong ấn của tứ kiếm mà còn phá bỏ được kết giới bảo vệ.
************************************************** *****************
chương này 3700 từ lận, cũng may lâu lâu mới có một chương dài vật vã. Viết khoảng dưới 2000 từ một chương là vừa. Tui cũng muốn mau mau gặp lại Âu Tử Dạ của tui, cơ mà khoảng chục chương nữa dự tính mới cho anh ấy được xuất đầu lộ diện.
(Dãy núi Pamir có diện tích phần lớn nằm trong Tajikistan. Các phần khác của hệ thống núi đá tuyết cũng lần lượt thuộc các quốc gia khác như Kyrgyzstan, Afghanistan, Pakistan. Chỉ một phần nhỏ chạy vào Trung Quốc nối với hệ thống núi Côn Luân và Thiên Sơn, người Trung Hoa gọi là Thông Lĩnh.)