Nấm khô được thu gom lại đều bỏ vào trong sơn động bị bịt kín kia, để tránh ánh nắng chiếu tiếp vào sẽ làm nó khô cứng, bóp cái là bể, hoặc là lúc mưa to sẽ uổng phí công sức vất vả vừa qua. Còn thịt khô, Bách Nhĩ vừa như cố ý vừa như vô tình nói, dùng muối ướp rồi phơi tiếp, hoặc là thêm muối vào, nấu lên, rồi đem đi phơi, các á thú nghe vậy cũng thật sự làm theo. Còn có thể để được bao lâu, không ai biết hết, nhưng dù sao không lãng phí là được rồi. Mỗi ngày đều sẽ có người đi vào lật thử, xem nó có hư mất, hay thối không, nếu có mùi lạ, mọi người lập tức sẽ ăn ngay, tuyệt đối không để lãng phí.
Mùa mưa kéo dài bao lâu, sau khi chờ đám Đồ chậm rãi tính toán, thì tính ra được khoảng bảy lần trăng tròn. Lần đầu tiên trăng tròn bởi vì thú triều, mặt trời và mặt trăng không xuất hiện trên bầu trời, nên Bách Nhĩ không có cách nào phán đoán ra số ngày, vì vậy đến bây giờ y vẫn không thể xác định chu kỳ từ ngày không có trăng tới lúc trăng tròn là bao nhiêu ngày. Có điều mọi thứ đều đang đi theo hướng phát triển, đây là điều khiến y và những người khác nên vui mừng.
Đồ cùng Tát chỉ tốn vài ngày đã học thuộc tên và vị trí mười hai kinh mạch, kỳ kinh bát mạch, cùng với hơn ba trăm huyệt chính. Sau khi xác định họ sẽ không lẫn lộn, Bách Nhĩ bắt đầu dạy họ phương pháp thổ nạp đơn giản, tới lúc họ nắm giữ được, y mới chính thức truyền thụ nội công tâm pháp.
Á thú đến từ phương Nam tuy chưa từng thấy Ưng chủ, thế nhưng đã thấy qua người của Ưng tộc, tận mắt chứng kiến bọn họ cho dù hóa thành hình người, trên lưng vẫn có hai cái cánh lớn, có thể bay lượn trên bầu trời. Mà khi bọn họ hóa thành hình thú, đôi cánh chim ưng cứng chắc và sắc bén kia còn có thể cắt da lông của thú nhân. Thú nhân lại không có cách nào dùng nanh vuốt xé nát chúng. Mà đáng sợ nhất là, có á thú từng thấy người Ưng tộc để hình người, trong tay cầm một đồ vật hình bán nguyệt, từ trên đó bắn ra một cây gậy có đầu nhọn màu đen, ở cuối có lông chim, thú nhân muốn phản kháng sẽ bị thứ đó bắn chết. Theo Bách Nhĩ suy đoán, đồ vật đó chắc là cung tên, bởi vì trước khi đổi á thú về, cung tên của y đã bị cỏ trên hắc thạch siết gãy, theo lý họ hẳn là chưa thấy qua. Nay có thể mô tả chi tiết như vậy, còn không chỉ một người, gần như là có thể kết luận tên Ưng chủ kia đã làm ra không ít cung tên, mũi tên có khả năng rất lớn là dùng hắc thạch để làm. Đồng thời, từ mũi tên hắc thạch cùng với dây xích đen có thể chứng minh hắc thạch có lẽ luyện hóa được, hơn nữa tên Ưng chủ kia đã tìm ra cách luyện thành, nên gã mới cho đổi lấy số lượng hắc thạch lớn như vậy.
Ưng tộc am hiểu tác chiến trên không, có vũ khí cứng chắc, sắc bén chiến đấu từ xa. Bách Nhĩ và đám người Đồ, Tát, Duẫn, Nặc suy diễn thử, nếu chống lại quân của Ưng tộc, họ chỉ có vài phần thắng. Nhưng nếu đối phương không ở trên mặt đất, bọn họ ngoại trừ bị đánh ra, sẽ không làm được gì hết. Cho dù cung tên làm ra, với mũi tên bằng gỗ, muốn bắn chết người Ưng tộc cũng không phải chuyện dễ dàng, bởi vì lông chim như áo giáp kia của họ cùng nới năng lực có thể nhanh chóng bay lên cao sẽ hạ lực tấn công của mũi tên gỗ xuống mức thấp nhất.
Cho nên, các thú nhân tu luyện nội lực là điều bắt buộc phải làm.
“Trong tình huống địch mạnh ta yếu, ưu thế duy nhất của chúng ta chính là người Ưng tộc hoàn toàn không biết gì về chúng ta. Cho nên, hiện tại điều duy nhất chúng ta cần làm chính là, chúng ta muốn bọn họ tới lúc nào, chứ không phải họ muốn tới lúc nào. Chúng ta muốn cho bọn họ biết cái gì, chứ không phải bọn họ muốn biết cái gì.” Một ngày nào đó, Bách Nhĩ đã nói như vậy với các thú nhân về cách xử lý gian tế nghi ngờ.
Từ đó về sau, Bách Nhĩ liền bắt đầu dần dần làm yếu đi sự hiện hữu của mình. Y sẽ khiến toàn bộ á thú tới từ phương Nam tin rằng, người làm chủ bộ lạc này là một thú nhân, còn y, chỉ là một á thú có chút tài cán, có thể bàn bạc được với thú nhân mà thôi. Có chút khác biệt, nhưng sự khác biệt đó cũng không đến mức gai mắt. Về phần cái tên tà linh, chính y không đề cập tới, người biết nội tình cũng sẽ không tự dưng nhắc tới.
Tất cả chuyện này y đều âm thầm làm, không để lại một dấu vết nào, ngoại trừ một vài người, thì ngay cả những người đi cùng y từ đầu cũng không nhận ra. Chung quy tại lúc vừa có thức ăn, vừa an toàn, đa phần mọi người sẽ không để ý tới ai là thủ lĩnh.
Dựng phòng ốc đang được tiến hành đâu vào đấy, tuy trời bắt đầu đổ cơn mưa, nhưng đều chỉ một lát vào buổi sáng rồi tạnh, sau đó mặt trời lại thiêu đốt cả một ngày, cũng sẽ không ảnh hưởng tới tiến độ. Ba lão thú nhân cũng rảnh tay, nên bắt đầu chế tạo cung tên. Mỗi lần Bách Nhĩ ra ngoài vẫn sẽ dẫn theo Lão Hãn, để có thể hái chút thảo dược trở về.
Lúc phòng ốc đầu tiên dựng xong, cũng tạm ngừng lại, Tát đã luyện ra khí cơ, nhưng Đồ lại không có chút động tĩnh nào. Đối với chuyện này, Bách Nhĩ cũng không cảm thấy bất ngờ, còn Đồ thì rầu rĩ một thời gian dài. Ngược lại không phải bởi vì bị Tát cướp trước, mà hắn cảm thấy mất mặt, chỉ là vì đây là thứ Bách Nhĩ dạy, thế nhưng hắn lại học chậm hơn Tát, điều này làm cho hắn rất buồn phiền, đồng thời trong lòng ngầm hạ quyết tâm phải cố gắng gấp bội, để nhanh chóng vượt qua Tát.
Tát có thể thuận lợi tạo ra khí cơ và đang củng cố thành quả như vậy, không thể không nói công lao cũng thuộc về tính cách lạnh lùng của gã. Bởi vì khi khí cơ vừa sinh ra, chính là thời điểm nguyên khí dồi dào và *** khiết nhất, cơ thể cũng sẽ theo đó mà phấn chấn lên. Rất nhiều người lần đầu tiên không có chuẩn bị tâm lý đều sẽ dẫn tới tâm thần phân tán, thoát ra khỏi bình tĩnh, không thể không đợi lần sau mới tiếp tục tu luyện được. Mà Tát lúc ấy tuy cảm thấy có chút khác thường, nhưng gã lại không nghĩ nhiều, vì thế cứ như vậy tự nhiên mà đi tới. Bách Nhĩ không thể không thừa nhận tính cách lạnh lùng cũng có cái tốt của lạnh lùng, chí ít là trong luyện công sẽ tiến triển nhanh chóng hơn người khác.
Về phần phòng ốc xây xong, phơi nắng vài ngày là có thể vào ở. Bởi vì mang tính chất xây thử, nên chỉ xây một căn đơn, xem coi có vấn đề gì không, có cần cải thiện gì nữa không, nếu không thành vấn đề, sau này sẽ tiếp tục xây từ hai bên căn phòng này đổ ra. Vách tường dĩ nhiên là dùng đá, lấy cỏ bạch thủy dầm nát trộn lẫn với cát đá để trát lên, những khe hở thì dùng đá nhỏ nhét vào, nóc nhà thì dùng gỗ làm xà, rồi lấy nhánh cây nhỏ, mềm và cỏ khô dùng để lợp lên, mặt trên cùng lại trát một tầng cỏ bạch thủy và cát đá thật dày, sau khi làm xong, dù có mười mấy người đứng trên đó cũng không thành vấn đề. Suy xét về vấn đề của Ưng tộc, phòng ốc được dựng khá cao. Lúc thi công, lấy những khúc gỗ to tròn xếp cách nhau khoảng nhỏ nhất để làm xà ngang ở giữa, sau đó trải các tấm ván gỗ theo chiều dọc, rồi thêm những cây nhỏ theo cả chiều ngang lẫn dọc để đệm tầng, cuối cùng trải thêm một lớp ván gỗ nữa, tính làm thành hai lầu. Chỉ để hở một khúc ở góc đủ rộng cho người có thể ra vào. Ở vách tường bên hông thì lấy đá xây bậc thang, để có thể lên xuống. Ở giữa phòng sẽ dùng đá xây tường, để ngăn ra. Cửa ở tầng một, tầng hai cũng mở lệch nhau. Hai gian ở lầu một dùng để làm phòng ngủ, còn ở lầu hai, một gian vừa có thể làm phòng ngủ, vừa có thể làm phòng trữ đồ, còn một gian khác dùng để làm nhà bếp, thỉnh thoảng có thể dùng làm chỗ sinh hoạt, ở giữa là lò sưởi dùng đá vây thành, vừa có thể nấu cơm vừa có thể giữ ấm. Bên cạnh dùng những dây mây nhỏ đan thành một vách ngăn, dùng làm chỗ tắm rửa khi vào đông, bình thường thì để làm mao xí. Còn tại sao không dùng đá xây bếp thật luôn, thật ra là Bách Nhĩ hoàn toàn không có ấn tượng về lò nấu, tưởng tượng không ra, nên liền lược bớt nó đi.
Tầng hai thì ổn rồi, bởi vì dùng ván gỗ lót, người vào ở chỉ cần trải thêm lớp da thú, liền có thể nằm xuống ngủ. Ở tầng một, nếu có người muốn vào ở, thì cần phải trải ván gỗ và cỏ khô, nếu chỉ trải da thú lên thềm đá lại có chút lạnh, người trẻ tuổi thì không sao, nhưng người già sẽ không chịu nổi. Còn việc thông gió và lấy ánh sáng vào phòng, tường ngoài chính là cửa sổ tò vò trong lớn ngoài nhỏ, vừa có thể phòng bị vừa có thể giữ ấm, lúc tới mùa tuyết rơi chỉ cần dùng da thú che lại là được. Lớp tường trong thì làm cửa sổ hình vuông mở ra, khiến ánh sáng mặt trời đủ để chiếu vào, nhưng không quá nhiều.
Ý tưởng về hai tầng này là sau khi Bách Nhĩ biết được tình huống của Ưng tộc, mới cùng vài lão nhân và thú nhân có thiên phú về kiến trúc cùng nghĩ ra, làm sao trải sàn nhà tầng hai cùng với vấn đề lầu trên lầu dưới, quả thật tốn không ít trí óc. Nếu làm được, sau này họ sẽ tăng thêm lớp tường bên ngoài để phòng thủ. Còn vấn đề gỗ tròn và ván gỗ, vẫn là Lão Thác lấy một cái móng thú khổng lồ, dùng gai thú đυ.c lỗ hai đầu, sau đó mỗi bên cột một khúc gỗ vào, tạo thành một cái cưa đơn giản. Tuy móng thú không có răng cưa, nhưng được cái mỏng và bén, cưa gỗ rất ngọt, thế nhưng chỉ có thể đối phó với mặt cắt ngang có đường kính nhỏ hơn chiều dài của nó thôi. Dĩ nhiên ý tưởng làm ra cưa cũng là do Bách Nhĩ đề xuất.
Ở dưới bậc thềm trước nhà xây một cái rãnh lộ thiên để thoát nước, tạo một vòng quanh sân viện, rồi chảy ra cổng lớn, sẽ không làm cho lớp đá lát sân bị ướt sũng, người qua lại cũng thoải mái, huống chi còn để phơi thực vật nữa.
Phòng ốc mới xây xong mấy ngày, quả thực có thể nói là đông như trẩy hội, vô luận là thú nhân, á thú, hay là lão nhân, tiểu hài tử, hễ nhàn rỗi, đều thích chui vào trong, xem chỗ này, sờ chỗ kia, hận không thể lật qua lật lại để xem, ý cười trên mặt cũng không che giấu nổi, có lẽ trong đầu họ đều nghĩ tới về sau mình sẽ được ở trong này.
Sau khi phòng ốc được phơi khô, quyền vào ở cũng không có tranh luận quá lớn, dĩ nhiên là lão nhân vào ở trước. Chỉ có sáu lão nhân, Lão Thác và Kiều Ương lại không có bạn đời, không tiện ở chung một gian, hai người đều nhất trí muốn đối phương vào ở trước, cuối cùng lại là hai đôi bạn đời già khác quyết định, lão á thú ở một gian, lão thú nhân một gian, gian còn dư kia để tiểu thú nhân ở. Cuối cùng lão á thú gọi cả a mạt của Mạc vào ở chung, dù sao mọi người cũng đã quen cảnh chật chội lúc ở trong lều hay sơn động rồi. May mà không gian trong phòng ốc cũng rộng, ở như vậy cũng không tính là chật, vì thế mọi người đều vui vẻ.
Đương nhiên, đối với sắp xếp như vậy, á thú phương Nam vẫn nói thầm trong lòng. Cũng không phải là bất mãn, bởi vì bọn họ còn không có tư cách bất mãn, chỉ là cảm thấy các bộ lạc khác đều xếp thú nhân cường tráng lên đầu tiên, sau đó là á thú, cuối cùng mới là tiểu hài tử và lão nhân. Nơi này lại hoàn toàn trái ngược, nên họ mới có chút nghi hoặc. Chỉ là ngẫm lại, nơi khác đều nuông chiều á thú, nơi này á thú lại phải làm việc, thành ra thứ tự vào ở cũng không có gì kỳ lạ mấy.
Ở được vài ngày, các lão nhân và tiểu hài tử đều cảm thấy rất tốt. Bởi vì vừa không oi bức như ở lều, cũng không cần lo lắng giữa đêm đang ngủ lại bị một trận mưa đánh thức, ngay cả lão nhân khó ngủ cũng có thể ngủ được nhiều hơn trước kia. Cộng thêm phòng ốc cách xa nhau, thú nhân và á thú bên ngoài rèn luyện cũng sẽ không ảnh hưởng tới họ, không còn tình trạng trời chưa sáng đã phải dậy cùng nữa. Chỉ khổ cho vài tiểu hài tử, bởi vì ngủ sâu quá, dẫn tới trễ giờ, nên mỗi ngày đều sẽ bị phạt, nhưng chúng lại không nỡ không ở đó nữa, vì thế kỹ năng cơ bản và năng lực chống chọi của cơ thể trong một thời gian có thể nói là đột nhiên tăng mạnh. Bách Nhĩ nhìn, nhịn không được nghĩ tới chuyện dạy chúng nội công, vì thế bài học của chúng mỗi ngày lại tăng thêm một bậc, gánh việc học tên kinh lạc, huyệt vị, gánh học Thiên tự văn. Gánh đứng tấn, ép chân, gánh việc chạy bộ, gánh cả công việc hàng ngày, cuối cùng ngay cả nói mớ cũng đang gánh luôn. So với Tát, Đồ, trí nhớ của tụi nhỏ tốt hơn nhiều, Bách Nhĩ không cần giải thích, chúng chỉ cần học thuộc lòng, trong khoảng thời gian ngắn đã ghi nhớ hết những gì Bách Nhĩ dạy.
Sau khi vận chuyển đá về, chín gian phòng còn lại bên dãy phía Đông cũng được khởi công, vừa vận chuyển đá vừa xây lên, mất khoảng một lần trăng tròn mới xây xong. Mà bãi đá khai thác cũng đã vận chuyển gần hết, cần phải tìm chỗ khác để lấy đá.
Chín gian phòng còn lại cho tất cả á thú vào ở. Một trăm bốn mươi bốn người, vốn ở không đủ, nhưng vì tạm thời không nhóm lửa nấu cơm ở trong nhà bếp, nên lấy chỗ đó làm chỗ ngủ luôn, cộng thêm còn có một gian vốn định giữ lại làm chỗ tiếp khách, nghị sự, không gian khá rộng, nên chen chúc một chút cũng sắp đủ vào. Dù sao vẫn còn hơn là ở dưới cái lều oi ức, hoặc là ngủ ngoài trời. Bởi vì mưa càng lúc càng nhiều hơn.
Còn Bách Nhĩ, y tuyệt đối sẽ không vào nhà ở trước khi các thú nhân có chỗ. Đây là thói quen y hình thành qua nhiều năm ăn chung ngủ chung với các tướng sĩ.
Chú thích:
Ở bên TQ, người ta tính từ tầng trệt là lầu 1, rồi tính lên. Nên gian nhà trong truyện xây thực chất là chỉ có 1 lầu thôi nha.