Mộng Xưa Thành Cũ

Chương 16-2: (tt)

Type: Fang Yuan

Bây giờ vết thương đã kết vảy, tuy vẫn còn đó nhưng không còn đau nữa.

Tôi ôm tâm trạng hồi hộp đi ngủ. Sáng sớm hôm sau mở mắt tỉnh dậy, tôi thấy bên ngoài đổ mưa tầm tã, tiếng sấm rền rĩ trên trời rất đáng sợ. Lấy đồng hồ ra xem giờ, mới hơn sáu giờ, tôi gửi tin nhắn cho Khúc Thành: “Mưa to quá, hay là anh đừng đến nữa.”

Có lẽ bởi vẫn còn sớm nên không đợi được tin nhắn lại, tôi đã nằm xuống ngủ tiếp.

Lúc tỉnh dậy lần thứ hai đã là chín giờ. Tôi không có thói quen ngủ nướng, thấy đã ngủ đủ liền dậy. Dọn dẹp giường chiếu xong bước ra, tôi kinh ngạc khi thấy Khúc Thành đang ngồi nói chuyện với Trần Niên, một chiếc ô đẫm nước mưa phơi ngoài cửa. Anh nhìn tôi cười. Tôi vội vã cào cào mái tóc rối tung do vừa ngủ dậy rồi trốn vào nhà vệ sinh. Đáng lẽ phải biết sớm sẽ thế này, lời của tôi căn bản không có cách nào tác động đến tư tưởng của anh. Tôi đứng soi gương, vừa chải đầu vừa buồn bực.

“Mưa to thế này anh còn đến đây làm gì?”

Vệ sinh cá nhân xong tôi mới bước ra ngồi lên sofa, trên người vẫn còn mặc quần áo ngủ. Trần Niên đi vào bếp, hình như đang pha trà.

“Mưa thì càng mát, tốt hơn trời nắng.”

“Nhưng trời mưa mà đi ra ngoài thì không tiện.” Bên ngoài chốc chốc lại có tiếng sấm lớn vang lên. “Hơn nữa…”

“Hoá ra em sợ sấm.”

“Không có!”

“Được, không sợ, vậy chúng ta đi thôi.”

Không còn cách nào khác, tôi chỉ biết đứng dậy đi vào phòng thay quần áo. Đợi tôi bước ra, Khúc Thành đã thu ô lại, đứng trước cửa. Tôi nhìn Trần Niên, ông không có biểu hiện phản đối nào, tôi thậm chí còn cảm thấy hình như vừa rồi Khúc Thành đã nói hết với ông.

Những ngày mát mẻ hiếm hoi của mùa hè đều là những ngày mưa, chỉ có điều đi lại có chút khó khăn, khắp nơi là vũng nước, lại còn phải tránh những chiếc ôtô phóng như bay, nếu không sẽ bị ướt như chuột lột. May mắn là từ nhà tôi đến bến xe chỉ cách vài bước. Khúc Thành kéo tôi lên xe, ngày mưa nên trên xe không còn chỗ nào trống. Anh để tôi dựa vào thành ghế, sau đó dùng cánh tay bao bọc tôi trong khu vực ngay phía trước anh. Như vậy thì cho dù xe có rung lắc, người có nhiều đi nữa cũng không ai có thể chạm vào hay xô ngã tôi.

Mỗi lần sang đường, anh đều nắm tay tôi như phản xạ tự nhiên, còn đi trên đường thì để tôi đi sát lề, đi xe buýt nếu chỉ còn ghế đơn thì sẽ nhường tôi ngồi. Sự săn sóc như vậy giống tấm khăn quàng cổ trong mùa đông, mỗi lúc hít thở đều khiến hai má trở nên ấm áp. Ở trên những chiếc xe buýt chạy chậm rì rì, tôi thường hắt hơi do thiếu không khí. Nhưng chỉ cần có anh ở phía sau, tôi liền đặt toàn bộ sự chú ý của mình lên anh. Bởi vì tôi biết chỉ cần mình ngả về phía sau là có thể dựa vào bờ ngực anh.

Đích đến hôm nay là triển lãm kỹ thuật ở phía bên kia thành phố, bên trong toàn là máy tính và các linh kiện máy tính. Sau khi Khúc Thành đỗ đại học sẽ phải mua máy tính, vì vậy anh kéo tôi đến đây xem. Xe chạy được nửa đường thì có ghế trống, nhưng không phải hai chỗ cạnh nhau mà là hai chỗ trước sau. Khúc Thành để tôi ngồi trước sau đó mới nói với người phụ nữ bên cạnh: “Cô ơi, có thể phiền cô đổi chỗ cho cháu được không ạ?”

Người phụ nữ khoảng hơn bốn mươi tuổi chỉ cần liếc qua là có thể nhìn ra quan hệ giữa hai chúng tôi nên vui vẻ nhận lời.

“Em chưa bao giờ đi sang bên kia thành phố, nghe nói giá nhà đất ở đó rất đắt, hơn nữa còn có nhiều khu công nghiệp.” Thực ra ngồi cạnh nhau cũng không có gì khác biệt, chỉ là hai bàn tay ở rất gần nhau tự nhiên sẽ nắm lấy nhau. “Anh đi bao giờ chưa?”

“Đi một lần, lúc đó còn rất nhỏ. Cơ quan bố anh tổ chức đi tham quan triển lãm kỹ thuật, ông đã đưa anh đi. Lúc ấy nơi đó còn rất hoang vu, toàn là công xưởng, bây giờ thì lại vô cùng phồn hoa.”

“Bố anh làm gì?” Tôi đã đến nhà anh rất nhiều lần nhưng vẫn chưa biết bố mẹ anh làm công việc gì. “Lần nào em đến cũng thấy mẹ anh ở nhà.”

Khúc Thành thu ánh mắt đang nhìn những giọt nước mưa trên cửa kính lại, quay đầu nói với tôi: “Từ lúc biết anh bị bệnh này, mẹ anh đã không đi làm nữa. Nhà anh rõ ràng được tiêu chuẩn sinh hai con nhưng mẹ anh không muốn sinh thêm. Mẹ anh đã hy sinh rất nhiều. Bố anh là kỹ thuật viên của một cơ quan nhà nước, bây giờ thực chất công việc cũng không tốt lắm.”

Đây rõ ràng là vấn đề do tôi khơi ra, nhưng khi anh nói xong, tôi lại chẳng có cách nào tiếp lời, chỉ biết gật gật đầu rồi cúi gằm xuống. Có điều dường như Khúc Thành đã sớm biết trước biểu hiện của tôi sẽ như vậy, anh thả lỏng bàn tay đang nắm tay tôi, chuyển sang ôm lấy vai tôi. “Không nói mấy chuyện này nữa. Tóc em dài ra nhiều so với hồi chúng mình mới quen đấy.”

“Đương nhiên là nó sẽ dài ra.”

“Nhất định không được cắt. Anh thích em để tóc dài thế này. Anh còn định xem xem rốt cuộc có thể để dài đến đâu.”

“Anh thích em lại càng không giữ. Đợi hôm nào anh làm em buồn em sẽ cắt phăng nó đi.” Tôi nói với anh bằng giọng điệu mang tính tuyên bố quyền sở hữu, vừa giả vờ giận dỗi vừa cảm thấy thinh thích. “Dù sao cắt đi sẽ nhanh hơn nuôi dài nhiều.”

“Em không sợ lần này nếu em cắt đi thì anh sẽ không thể nhìn thấy nó mọc dài ra sao?”

Một tia chớp loé lên bên ngoài cửa kính khiến nhiều người trong xe sợ hãi thét lên. Còn tôi thì cảm thấy tia chớp ấy như đánh trúng vào trái tim mình, đau đến mức tưởng như nó đã tan nát, sau đó là tiếng thứ gì đó đổ vỡ. Khúc Thành nhìn thấy vẻ mặt của tôi mới ý thức được mình vừa nói gì, liền đưa tay chạm vào khuôn mặt cứng đờ của tôi. “Đồ ngốc, anh đùa mà.”

“Không được đùa kiểu này.” Tôi cắn chặt môi, bướng bỉnh nhìn anh. “Nếu còn nói đùa như vậy, em…”

Anh cúi xuống hôn nhẹ lên môi tôi rồi kéo tôi vào lòng, thì thầm hứa hẹn: “Không bao giờ nói vậy nữa. Là lỗi của anh.” Qua bờ vai anh, tôi trông thấy người phụ nữ vừa nãy ngượng ngùng chuyển ánh nhìn ra phía ngoài cửa kính. Tôi nghĩ chắc cô ấy đang nhủ thầm: “Lũ trẻ bây giờ thật là…”

Nghĩ đến đây, tôi thầm cười khe khẽ.

Tôi hoàn toàn mù tịt về máy tính. Tuy đã có thời gian cắm rễ ở quán internet nhưng toàn là để chơi mấy trò hoàn toàn không cần dùng đến trí tuệ, sử dụng mấy phím bấm cố định để điều khiển nhân vật trong trò chơi chém chém gϊếŧ gϊếŧ. Nghe mấy thuật ngữ chuyên ngành mà Khúc Thành và nhân viên cửa hàng thảo luận mà tôi thấy đầu óc quay cuồng. May mắn là anh không hỏi tôi, cùng lắm chỉ thi thoảng bảo tôi xem hộ xem kiểu dáng có đẹp hay không. Thoắt một cái đã đến trưa, chúng tôi tìm một nhà hàng cạnh đó. Anh vừa ăn vừa hỏi tôi: “Anh đã biết mình muốn mua cái nào rồi. Buổi chiều em định làm gì?”

Tôi ngẫm nghĩ, một suy nghĩ vốn đã có trong đầu tôi từ lâu bây giờ bỗng dưng lại xuất hiện. Tôi thận trọng lên tiếng: “Em nói ra anh đừng cười nhé.”

“Nói xem!”

“Em muốn anh đi chụp ảnh tự động với em.”

“…” Rõ ràng Khúc Thành không ngờ được tôi sẽ đưa ra yêu cầu này nên nhất thời cứng họng không biết nói sao. Sau đó anh lấy đũa gõ đầu tôi một cái. “Tại sao?”

“Bởi vì từ trước đến giờ em chưa từng chụp. Hơn nữa chúng ta cũng chưa từng chụp ảnh chung.”

Đại loại là cảm thấy lý do của tôi có thể chấp nhận được nên Khúc Thành gật đầu. Tôi còn nghĩ anh sẽ ngại, không ngờ anh chỉ nói: “Có thể chụp ảnh, nhưng anh không muốn chụp bằng cái đó. Đợi anh đi đăng ký trường học và thu xếp mọi thứ xong, hôm nào đẹp trời chúng ta sẽ đi ra ngoài chụp. Được không?”

“Được!” Tôi cũng không nài nỉ, vì thực ra mục đích của tôi chỉ là muốn có được một tấm ảnh của anh, rất muốn, vô cùng muốn, còn vì sao lại như vậy thì tôi cũng không biết.

Mỗi người ở vào một thời điểm nào đó đều sẽ tưởng tượng ra cuộc sống sau này của mình. Lúc nhỏ nói muốn làm nhà khoa học, lớn lên một chút lại nói muốn làm học sĩ, nhà văn. Khi học hành hay làm việc bận bịu thì muốn nghỉ, khi được nghỉ thì lại muốn đi làm. Mùa hè sau khi kết thúc kỳ thi đại học, tôi đã lần đầu tiên vạch ra một kế hoạch hoàn chỉnh cho tương lai sau này. Tôi phải học hành chăm chỉ, thời gian rảnh rỗi tôi vẫn sẽ ở cùng Khúc Thành, rồi tìm một công việc ổn định, sau đó… sau đó, tôi muốn kết hôn với anh.

Đúng, muốn kết hôn với anh. Bởi có mục đích này làm điểm tựa nên tất cả mọi thứ đối với tôi đều vô cùng ý nghĩa.

Điều khiến tôi không ngờ tới là quá trình điền nguyện vọng đại học, chờ điểm, chờ giấy báo trúng tuyển lại là một quá trình dài dằng dặc và phức tạp như vậy. Khúc Thành không nói, tôi cũng không dám làm phiền anh, đến tận khi nghe thấy thông tin chính xác về điểm chuẩn trên tivi, tôi mới dám gọi điện cho anh. Anh không nhắc gì đến kết quả thi mà lại bảo: “Ngày mai chúng ta ra ngoài chụp ảnh đi.”

Tuy có chút đột ngột nhưng cứ nghĩ đến việc sẽ có ảnh của anh, tôi liền vui vẻ nhận lời.

Cả một ngày đi đến rất nhiều nơi, tinh thần của anh không giống với người bệnh tim chút nào, cơ hồ như kéo tôi đi dạo một vòng khắp An Thành. Khu thương mại, phố xá, cuối cùng là công viên chứa đựng bao ký ức của chúng tôi. Có điều lỗ hổng trốn vé đã được sửa, chúng tôi chỉ còn cách mua vé vào, sau đó tìm kiếm một vài địa điểm trong trí nhớ.

Tôi kinh ngạc phát hiện ra anh còn nhớ tất cả, nhớ từng nơi chúng tôi đã dừng chân. “Trí nhớ của anh có phải quá tốt không?”

“Đâu có quá tốt.” Khúc Thành cầm máy ảnh, phim trong máy đã được chụp hết hơn một nửa. “Này, đứng vào chỗ kia đi!”

Tôi quay lại nhìn thấy một thân cây, liền nhớ ngay đến nụ hôn khiến người ta đỏ mặt vào hôm đó. Để khiến anh không đoán được tôi đang nghĩ gì, tôi liền giật lấy máy ảnh rồi hất hàm bảo anh: “Anh ra đứng đó đi.”

Khúc Thành gõ đầu tôi một cái rồi cũng đi đến chỗ đó đứng để tôi chụp ảnh.

Góc độ và ánh sáng tuyệt hảo, vào thời khắc ấn nút chụp, ánh sáng phát ra từ người anh rực rỡ đến nỗi khiến tôi loá mắt.

Thấy tôi bỏ máy ảnh xuống, Khúc Thành đi tới đỡ lấy máy, tiện thể níu một người qua đường lại. “Giúp chúng tôi chụp ảnh được không?”

“Này, anh…” Tôi chưa kịp phản ứng đã bị anh dùng một tay kéo lại gần, cánh tay anh ôm lấy vai tôi vô cùng tình cảm.

“Ngoan, nhìn ống kính!”

Tôi cười, nhẹ nhàng dựa đầu vào vai anh, anh cũng ôm lấy vai tôi, cười mỉm. Nghĩ đến việc bức ảnh sau khi được rửa ra sẽ là tư thế hạnh phúc vô bờ của chúng tôi, tôi liền mỉm cười rạng rỡ.

Mãi đến chiều tối chúng tôi mới ngồi nghỉ bên chiếc ghế gỗ cạnh bờ sông. Khúc Thành lắc lắc chiếc máy ảnh trước mặt tôi. “Lần này đã mãn nguyện chưa? Rửa xong anh sẽ giữ lại hết, không cho em đâu.”

“Anh dám!” Tôi vội vã mở miệng đấu tranh, đột nhiên nghĩ ra một chuyện khác. “Này, anh đăng ký trường nào vậy?”

Anh trả lời qua loa: “Vẫn chưa biết có đỗ hay không. Khi nào có kết quả chính thức sẽ báo cho em.”

Tôi dẩu môi, không hỏi gì thêm nữa. Dù sao cũng đã quen với kiều chuyện gì cũng phải để có kết quả mới nói cho người khác biết, không muốn để người khác lo lắng của anh. Nhưng tôi không thích như vậy chút nào.

Chúng tôi chia tay nhau ở bến xe trước cổng công viên, tôi nhất quyết không để anh đưa về. Vậy nên khi xe của anh đến trước, anh cũng không định lên. “Anh đợi em về rồi mới về.” Một vòng tay từ phía sau ôm chặt lấy người tôi, khiến trái tim tôi đập loạn nhịp. Chúng tôi ở cạnh nhau lâu như vậy, tôi đã không còn căng thẳng như trước kia nhưng mặt vẫn đỏ ửng lên. “Về đến nhà nhớ nhắn tin cho anh.”

Tôi gật gật đầu. “Anh về đến nhà cũng báo cho em biết nhé!”

Người đợi xe không nhiều, chúng tôi đứng đó ôm nhau, chẳng để ý đến ánh mắt người khác. Đến khi xe của tôi tới, anh mới thả tôi ra, đẩy tôi lên xe. “Em về đây!” Xe từ từ dừng lại, bước lên xe rồi tôi còn quay đầu lại nói: “Rửa ảnh rồi nhất định phải bảo em đấy.”

“Biết rồi!” Anh cười, vẫy tay với tôi.

Rửa ảnh thì mất bao lâu, cùng lắm chỉ một tuần. Nhưng tôi đợi cả nửa tháng vẫn không thấy anh thông báo gì. Cho đến một ngày, Trần Niên vô tình nói ra một câu khi ăn cơm: “Bây giờ tất cả các trường đều tuyển sinh xong rồi đúng không?”, tôi mới ngớ người ra. Nghĩ là thời gian này anh không rảnh rỗi nên tôi cũng không muốn quấy rầy anh, chỉ thi thoảng gửi tin nhắn hỏi đã có giấy báo kết quả chưa, nhưng kỳ lạ là anh không hề nhắn tin lại cho tôi. Có lẽ vẫn chưa có, tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Lúc nào tôi cũng có cảm giác tin tưởng đối với anh, tôi không muốn đoán mò bất cứ điều gì.

Vì vậy, khi phát hiện ra việc xét tuyển đã hoàn tất, trong khi hôm trước trong điện thoại, anh vẫn cố tình trốn tránh câu hỏi có trúng tuyển hay không, tôi mới cảm thấy sợ. Đó là cảm giác hoảng sợ khi không biết phải đi con đường nào, cảm giác đó đã một thời gian rất dài không tồn tại ở tôi nữa, bây giờ lại cuồn cuộn kéo đến.

“Chiều mai chúng ta gặp nhau ở công viên. Chắc anh có chuyện cần nói với em.”

Hai tiếng sau khi gửi tin nhắn đi tôi mới nhận được hồi đáp, chỉ một chữ: “Được!”

Cả đêm không ngủ. Tôi nhớ lại quãng thời gian ở bên Khúc Thành. Ngoại trừ việc bệnh tình sau này mới phát hiện ra thì từ trước đến giờ anh chưa bao giờ ậm ừ chuyển đề tài, chưa bao giờ trốn tránh ánh mắt tôi. Chính bởi vậy nên lần này tôi mới càng hoảng sợ. Khó khăn lắm đêm dài mới trôi qua. Buổi sáng vừa ngủ dậy, tôi đã đến công viên, tôi ngồi trên chiếc ghế chúng tôi đã từng ngồi hôm đó, lòng như lửa đốt đợi anh.

Tôi quên cả ăn sáng. Từ lúc bước chân ra khỏi nhà, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng, không thể nghĩ được gì khác. Tôi biết, đây chính là dấu hiệu của việc thần kinh căng thẳng. Đến buổi trưa, tôi cũng không đi ăn cơm, dạ dày bắt đầu đau quặn. Qua một giờ chiều, Khúc Thành gọi điện thoại đến, hốt hoảng hỏi: “Em đang ở đâu?”

“Em ở bên trong công viên, cạnh bờ sông.”

Tôi ngắt điện thoại, nhìn ra phía cổng. Chưa đến hai phút đã thấy anh chạy tới chỗ tôi. Tôi vẫy vẫy tay với anh, sau đó thu tầm mắt lại, hướng về phía dòng sông. “Em đến bao lâu rồi?” Mặt trời nắng gắt, tóc của tôi bị nắng chiếu bỏng rẫy. Anh vừa vuốt tóc đã biết tôi đã ngồi ở đây rất lâu rồi. “Ăn cơm chưa?”

“Em không đói.”

“Lại đây, anh đưa em đi ăn cơm.” Anh định kéo tôi đứng dậy, nhưng tôi cứ ngồi lì ở đó. Không còn cách nào, anh đành ngồi xuống cạnh tôi, dùng hai tay xoay người tôi lại đối diện anh. “Đừng có hành hạ bản thân mỗi khi gặp chuyện gì đó, được không?”

“Vậy thì đúng là có chuyện gì đó, đúng không?”

Khúc Thành dường như không ngờ tôi sẽ hỏi vậy, sắc mặt rõ ràng có chút biến đổi, sau đó anh miễn cưỡng gật đầu.

Tôi không hiểu vì lẽ gì mình lại bật cười, rồi đứng lên. “Được, đi ăn thôi!”

Tại một quán mì nhỏ trong công viên, không có bàn nào lại có không khí khác thường như bàn chúng tôi. Vừa nhìn qua đã biết đây là hai người quen nhau nhưng lại không ai mở lời nói một câu nào. Tôi đã đoán ra sự việc sẽ rất nghiêm trọng, là việc sẽ vượt quá sức chịu đựng của tôi. Tôi gọi một bát mì thật cay nhưng không hiểu sao khi ăn vào lại chẳng thấy có vị gì, nhạt nhẽo đến mức tôi còn muốn cho thêm gia vị. Thế là tôi lấy lọ dấm bên cạnh ra sức đổ vào bát mì, thấy vẫn chưa đủ, tôi lấy luôn cả lọ muối, múc một thìa to.

Khúc Thành kịp thời ngăn bàn tay hồ đồ của tôi lại. “Đừng như thế…”

Tôi nhìn anh, chậm chạp đổ lại muối vào lọ. Tay anh vẫn nắm chặt bàn tay tôi, không có dấu hiệu muốn thả ra.

“Em ăn xong rồi, chúng ta đi thôi.”

Khúc Thành nhìn bát mì mà tôi ăn chưa đến một nửa, sau đó nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi thấy rõ ràng hai chữ được viết trên khuôn mặt anh lúc này: không nỡ. Tôi chủ động kéo tay anh, đi ra ngoài.

“Anh không muốn nói em cũng không ép anh.” Cầm tay nhau đi một đoạn, cuối cùng tôi cũng ngẩng mặt nhìn anh. “Đừng nói gì cả.”

Hai bàn tay Khúc Thành đặt lên má tôi. Tôi biết anh đang hạ quyết tâm. “Trần Mộng, em có tin anh không?”

Tôi chỉ nhìn thẳng vào anh, không nói gì.

“Em có tin anh hay không?”

Hoàn toàn khác với vẻ trầm mặc của tôi, Khúc Thành vội vã đòi câu trả lời. Tôi thậm chí còn cảm thấy bàn tay anh đang run rẩy. Rất lâu sau, tôi mới gật đầu. Thấy tôi gật đầu, anh như thở phào nhẹ nhõm rồi thuận thế ôm tôi vào lòng.

“Chỉ cần em tin anh thì sẽ không có gì không giải quyết được. Hiểu không?” Khúc Thành ôm tôi, môi anh nhẹ nhàng đặt lên trán tôi. “Anh sợ nhất là em không tin anh.”

“Em tin anh, nhưng em không tin bản thân em.”

“Trần Mộng…”

Tôi vùng khỏi bờ ngực của anh, nhìn chằm chằm vào anh và lặp lại một lần nữa: “Em không tin bản thân em, anh biết điều đó. Vì vậy nếu anh xác định em không thể chấp nhận được việc anh định nói, vậy thì đừng nói nữa, xin anh đấy…”

“Anh đã đăng ký vào trường đại học ở nơi khác. Nhưng đó là ý của bố mẹ anh, là họ ghi tên cho anh. Anh không còn cách nào khác. Trần Mộng, thực ra cũng không có gì, chỉ cần được nghỉ là anh sẽ về…”

Trong một khoảnh khắc, tôi không thể hiểu bất kỳ điều gì nữa. Rõ ràng mặt trời gay gắt như thế mà tôi lại thấy lạnh. Thứ duy nhất tôi nhìn thấy chỉ là khuôn miệng anh. Anh đang gấp gáp muốn tôi biết chuyện gì đó, nhưng tôi chỉ biết rằng đó chính là việc anh đã phản bội ước hẹn của chúng tôi. Anh đã vứt bỏ tôi. “Là trường đại học nổi tiếng đúng không?”

Anh mặc nhận.

“Như thế rất tốt. Ai chẳng hy vọng sẽ được học trường tốt nhất. Ha ha, đáng lẽ anh phải nói với em sớm hơn.” Tôi kéo tay anh. “Em đi mua quà chúc mừng anh, được không?”

“Em đừng như thế… Trần Mộng, em bình tĩnh đi!” Khúc Thành ôm chặt lấy tôi, không cho tôi động đậy, giống như tôi là một kẻ bị bệnh tâm thần vậy, cần phải có thời gian yên tĩnh. Có trời mới biết được lúc này đây tôi hy vọng có một mũi thuốc tê biết bao, ít nhất cũng khiến tôi không phải gồng mình lên thế này.

Dứt khoát đẩy anh ra, tôi quay người bước về phía cổng. Anh chạy hai bước đến chắn trước mặt tôi. “Tránh ra! Em không xứng với anh thì ít ra cũng có quyền được đi chứ!”

“Trần Mộng, em nghe anh nói.” Khúc Thành đưa tay định kéo cánh tay tôi. “Anh giấu em bởi vì anh biết trước giờ em đều vì anh mà cố gắng…”

“Cút! Em không muốn nghe giải thích!” Tôi dứt khoát hất tay anh ra, sau lưng vọng lại tiếng gọi của anh, anh chưa bao giờ dùng hết sức để gọi tên tôi như thế. Có điều khi tôi không chịu được nữa mà quay đầu lại thì điều nhìn thấy lại là anh đang ôm chặt ngực quỳ dưới đất.

“Anh không sao chứ?” Sao tôi lại có thể quên căn bệnh của anh được chứ? Bàn chân tôi cứ đứng ngây ra rồi mới chạy như bay đến chỗ anh. “Anh không sao chứ?...”

Anh chậm chạp ngẩng đầu, cười như đang đùa. “Anh không thế này liệu em có quay lại không?”

“Anh! Bây giờ mà anh còn lừa em! Anh lại dùng cách này để lừa em! Anh biết rõ rằng em cố gắng vì anh, biết rõ em sợ hãi như thế nào, vậy mà còn lừa em!” Tôi đứng dậy, lấy tay gạt nước mắt trên mặt, lùi ra sau mấy bước, sau đó chạy ra khỏi công viên mà không quay đầu lại. Ra đến bên ngoài, tôi liền bắt ngay một chiếc taxi.

“Cô gái, cô đi đâu?”

Đôi mắt đã bị nước mắt làm mờ, tôi thậm chí còn không nhìn rõ gương mặt người tài xế. “Cứ đi đi ạ.”

Bất giác đã đến bốn giờ chiều, đường phố đã bắt đầu đông lên, đã có người đi chợ mua thức ăn. Tôi cúi đầu cố gắng ngăn dòng nước mắt, trái tim thì trái lại càng hoảng sợ hơn. Khúc Thành không đuổi theo, anh vẫn còn ở công viên. Bởi không phải cuối tuần, công viên vốn vắng vẻ lại càng không có người, ngộ nhỡ… ngộ nhỡ anh…

Thâm tâm tôi như bị tách ra làm hai người, một người lạnh nhạt nói: “Anh lừa mình, anh lừa mình quay lại!”, một người lại lo lắng nói: “Ngộ nhỡ anh có chuyện gì thì làm thế nào?”. Cuối cùng, một người đã thắng. Tôi vỗ vai tài xế. “Chú ơi, phiền chú quay lại chỗ vừa rồi giúp cháu.”

Không ngờ tài xế lại nhìn tôi qua gương chiếu hậu và nói: “Không được, đường này cấm quay đầu.”

“Thế… thế chú xem chỗ nào tiện thì dừng xe lại đi.”

Xuống xe, tôi trả tiền, không kịp nghĩ đến việc lấy tiền thừa đã vội vã chạy đi. Tôi cứ nghĩ chưa đi được bao xa, không ngờ trong lúc mình còn do dự thì xe đã đi qua mấy con phố. Tôi vừa chạy vừa gọi điện cho Khúc Thành. Chuông đổ rất lâu mới có tín hiệu bắt máy. Tôi vừa nói “alô” thì bên kia đã ngắt tín hiệu. Nghe những tiếng tút tút lạnh lẽo kia, trái tim tôi như nhảy ra khỏi l*иg ngực. Khó khăn lắm mới tìm thấy chỗ có thể bắt xe. Tôi chạy đến nơi chúng tôi vừa đứng với tốc độ nhanh nhất. Chính khung cảnh trước mắt đã đẩy cả cuộc đời tôi vào tăm tối.

Khúc Thành, anh đang nằm lặng lẽ trên nền đất, tay vẫn cầm điện thoại.

“Khúc Thành, anh sao vậy? Anh tỉnh lại đi, anh tỉnh lại đi!” Tôi quỳ trước mặt anh, sợ hãi xoa xoa mặt anh. “Anh đừng doạ em, anh đừng doạ em mà…”

“Em xin anh, anh đừng doạ em như thế…”

“Em xin anh đấy, anh đừng doạ em được không? Anh không thể có chuyện…”

“Em cầu xin anh!!!”

Tôi ôm anh vào lòng. Tôi thấy cơ thể anh rất lạnh. Tôi lấy điện thoại của anh gọi cấp cứu, nói một hồi lâu mới tả được rõ vị trí của chúng tôi. Sau đó, tôi nhìn thấy cuộc gọi gần đây nhất mà anh nhận, chính là cuộc gọi của tôi.

Tại sao vừa rồi anh không nói chuyện với tôi, tại sao anh lại ngắt máy, tại sao anh không để tôi biết?... Lúc này đã có vài người đi tới chỗ chúng tôi nhưng không dám lại gần, chỉ biết an ủi tôi vài câu. Sau khi cấp cứu đến, nhân viên công viên và bác sĩ cùng đưa Khúc Thành lên xe.

Lần đầu tiên ngồi xe cấp cứu, tôi chỉ biết giương mắt nhìn bác sĩ, y tá đang tất bật sơ cứu, tín hiệu điện tâm đồ vô cùng yếu ớt. “Cô gái, đừng khóc! Cô biết rõ tình hình không? Cậu ta tên là gì?”

“Khúc Thành! Anh ấy bị bệnh tim bẩm sinh… Chúng tôi vừa cãi nhau… Bác sĩ, cầu xin bác sĩ cứu anh ấy!” Tôi bám chặt lấy cánh tay bác sĩ. “Cầu xin cô…”

“Được được được! Chúng tôi sẽ cố hết sức. Cô mau thông báo cho người nhà đi!”

Khúc Thành được đưa vào phòng cấp cứu không lâu thì bố mẹ anh cũng chạy đến nơi. Mẹ anh dùng đôi mắt đỏ hoe nhìn tôi, giống như muốn ăn tươi nuốt sống tôi vậy. Tôi có thể hiểu nỗi lòng bà, bởi vì tôi cũng đang hận không thể tự gϊếŧ chết chính mình. Nhưng bà vẫn chưa kịp đi đến chỗ tôi thì cửa phòng cấp cứu đã bật mở. Một y tá đi ra hỏi: “Ai là người nhà Khúc Thành?”

“Là tôi! Là chúng tôi! Con trai tôi thế nào rồi?” Tôi đứng lặng một chỗ nhìn bố mẹ Khúc Thành ào đến, thấy y tá cật lực lắc đầu khi bảo bố mẹ Khúc Thành ký tên vào thông báo bệnh tình nguy cấp. “Không thể…”

“Suy tim cấp, đã bỏ lỡ thời điềm cấp cứu tốt nhất, chúng tôi đang cố gắng. Nhưng cần người nhà phải ký vào thông báo bệnh tình nguy cấp.”

Khi y tá lấy chữ ký xong rồi vào phòng cấp cứu, mẹ Khúc Thành đi đến trước mặt tôi, bà dùng hết sức tặng cho tôi một cái tát, khiến tôi đập đầu vào tường. Có tiếng vỡ vụn vang lên trước cả khi tôi cảm thấy đau đớn. Chiếc vòng đang được đeo ngay ngắn trên tay tôi đã bị gãy làm đôi, rơi xuống sàn vỡ vụn.

Sự cố bất ngờ này khiến mẹ Khúc Thành đang vô cùng giận dữ cũng phải lặng đi. Tôi dựa lưng vào tường từ từ trượt xuống đất, trán tôi dán vào sàn nhà lạnh lẽo.

Khi y tá bước ra một lần nữa, tôi đột nhiên nhớ tới Trầm Siêu. Lần đầu tiên tôi thấy anh tàn nhẫn như thế, ngay cả tư cách nhìn anh lần cuối cũng nhẫn tâm không cho tôi.

Không biết tôi ra khỏi bệnh viện bằng cách nào. Tôi cầm ba lô của Khúc Thành, trôi nổi như một cái xác không hồn trên đường phố. Trời đã tối, tôi vẫn không ngừng đi, gặp chỗ rẽ thì rẽ theo. Tôi không biết mình muốn đi đến đâu, chỉ biết không thể dừng lại. Đêm càng lúc càng khuya, điện thoại của tôi bắt đầu rung lên không ngừng. Vốn không định bắt máy nhưng nó không chịu ngừng lại, cuối cùng tôi đã tự giải thoát bằng cách tháo pin ra.

Ngay cả tôi cũng không biết mình đã đi bao lâu. Bàn chân đau nhức đã gọi lại một phần ý thức của tôi. Tôi chậm rãi nhìn ra bốn phía, phát hiện đây là một nơi mình chưa từng đến, đèn đường leo lét, không có cửa hàng, thi thoảng mới có vài chiếc xe phóng như bay qua. Tôi vừa dừng chân lại thì có hai gã đàn ông chạy qua người tôi, giật phắt chiếc ba lô trên tay.

Tôi nhìn bóng lưng chúng, trái tim không ngừng gào lên: “Đó là ba lô của Khúc Thành, là ba lô của anh ấy, trả lại cho tôi!” Nhưng đầu óc lại hoàn toàn trống rỗng, chân tay không cách nào cử động, cứng đơ như người chết. Hai tên cướp cứ nghĩ sẽ có người đuổi theo, chạy được vài bước quay lại nhìn, thấy tôi vẫn đứng ngây ra đó thì liền bạo gan lên, sau khi nhìn quanh bốn phía không có người liền tiến lại chỗ tôi.

Kỳ lạ là lúc đó tôi chỉ nhìn thấy trên mặt bọn chúng là cái miệng cười cười không ngừng mấp máy, nhưng lại không nghe ra chúng đang nói gì. Chúng lôi tôi vào một cái ngõ nhỏ ở phía sau. Sau khi thấy tôi không phối hợp thì liền có một thứ gì đó lạnh ngắt áp vào lưng tôi. Tôi quay lại, nhìn thứ áp vào lưng mình và cười.

Đó là nụ cười đầu tiên trong cả buổi tối của tôi.

Nhưng đúng khoảnh khắc đó, gã đàn ông vừa nãy còn nhìn tôi cười đắc ý liền bắn ra xa, ngay sau đó tôi bị một sức mạnh kéo về phía sau. Tôi nhìn thấy một người tóc đỏ bất ngờ xuất hiện như vừa từ trên trời rơi xuống, lưng đeo guitar, một mình đánh lại hai gã kia. Tôi biết anh ta định cứu mình. Tôi muốn nhắc anh ta cẩn thận vì bọn chúng có dao, nhưng tôi hoàn toàn không mở nổi miệng. Đúng lúc đó có tiếng còi xe cảnh sát từ xa vọng lại, xe cảnh sát tuần tra trông thấy màn lộn xộn này lập tức chạy đến. Thấy cảnh sát đến, hai gã vô lại kia đột nhiên nằm lăn lộn ra đất rêи ɾỉ, còn vứt cả con dao bấm vào một chỗ khuất trong ngõ.

“Ở đây không có việc của cô, đi đi!” Người thanh niên tóc đỏ vừa cứu tôi đẩy tôi vào trong ngõ, giống hệt động tác vứt con dao của hai gã kia. Tôi mò mẫm bước vào trong mấy bước, phát hiện ngõ này thông ra đường lớn. Sau đó rốt cuộc tôi cũng phản ứng lại được – tại sao lại không có việc của tôi?

Khi tôi quay trở lại thì chỉ nhìn thấy ánh đèn xe cảnh sát đã chạy ra xa. Tôi gọi một chiếc xe đuổi theo. Lái xe sợ hãi không dám chạy gần xe cảnh sát, nhưng tôi vẫn biết nơi họ đến là sở cảnh sát.

Hôm đó tôi không về nhà. Chính xác là từ khi Khúc Thành đi, tôi không mấy khi về nhà. Tôi sợ phải đối diện với vẻ lo lắng của Trần Niên. Tôi đốt hết tất cả ảnh Khúc Thành đã rửa, định mang cho tôi xem, chỉ giữ lại bức duy nhất tôi chụp cho anh. Bức đó cuối cùng cũng bị tôi vứt vào trong lửa. Nhưng tôi vẫn giữ lại máy nghe CD của anh. Cuối cùng tôi cũng vẫn tham lam muốn giữ lại một thứ gì đó của anh bên người.

Mười lăm ngày sau, tôi đứng trước cửa sở cảnh sát đợi người có tên là Thiệu Khải đó đi ra. Thực chất lúc đó tôi không hiểu, không hiểu tại sao anh lại cứu tôi.

Anh không nghe thấy một giây trước khi anh xuất hiện tôi rốt cuộc cũng mở miệng nói.

Tôi nói với hai gã côn đồ có ý định sàm sỡ mình rằng: “Gϊếŧ tôi đi!”

_________________