Mộng Xưa Thành Cũ

Chương 16

Hóa ra thật sự có một thứ mang tên dự cảm

Type: Dandelion

Chuyện tình bí mật của tôi và Khúc Thành cuối cùng cũng bị lộ. Lý do chính bởi chiếc vòng ngọc kia. Nhưng năm lớp Mười hai của Khúc Thành cũng đã đến và tôi cũng bắt đầu phải chiến đấu với các môn thi đại học.

Thực chất sau khi biết bệnh của anh, tất cả mọi thứ vẫn không có gì thay đổi. Ngoại trừ vẻ mặt xanh xao, hơi gầy đi thì Khúc Thành không có sự khác biệt lớn nào với mọi người. Anh cũng có thể đưa tôi đi dạo phố, mua đồ uống cho tôi. Thậm chí hằng ngày anh còn đạp xe đến đón tôi. Nhưng tôi không thể cho phép anh làm vậy.

Tôi không cho phép anh làm bất cứ việc nguy hiểm nào nữa, bởi vì chúng tôi còn cả cuộc đời phía trước. Lúc đó trong lòng tôi đã thầm hạ quyết tâm, cho dù Khúc Thành vĩnh viễn không bao giờ giống như người bình thường, chúng tôi cũng vĩnh viễn không thể giống những cặp đôi bình thường, thì cũng chẳng sao cả. Chỉ cần anh vẫn là anh, vậy thì cả thế giới có phản đối cũng không sao hết.

Trái tim son sắt, ở vào độ tuổi như vậy mà đã bắt đầu phát ra những tia sáng ngoan cường đáng quý. Ngay cả những vì sao sớm mai cũng không thể sánh bằng.

Trần Niên có chút kinh ngạc khi trông thấy chiếc vòng ngọc trên tay tôi. Ông chắc cũng nhìn ra được chiếc vòng này không giống như những chiếc vòng được bày bán ngoài lề đường. Mà thái độ trân trọng của tôi cũng chứng tỏ nó không phải được tôi mua một cách tùy tiện.

“Vòng ở đâu ra thế?”

Nói thật, món quà này khiến tim tôi cứ thấp thỏm không yên. Tuy Khúc Thành nói đây là biểu hiện của việc mẹ anh đã chấp nhận tôi, nhưng tôi thấy mình có vẻ không xứng với món đồ quý giá thế này. Chiếc vòng rất hợp với tôi, cũng rất vừa tay, nhưng lại khiến tôi phải rất cẩn thận mỗi khi lấy đồ, thậm chí cả khi ăn cơm, tôi cũng cố gắng hết sức để không bị va chạm. “… Được người khác tặng.” Tôi biết câu trả lời này không có sức thuyết phục. “Con không từ chối được.”

“Ai lại tặng đồ quý giá thế này? Mộng Mộng, nói thật đi, nếu không phải lập tức trả lại người ta.”

Qua giọng nói như kiên quyết hòi cho rõ sự tình của Trần Niên, tôi biết mình không trốn được nữa. “Mẹ Khúc Thành tặng.”

Tôi đã chuẩn bị đón nhận một phen giáo huấn đạo đức hoặc một trận cuồng phong. Nhưng sau mười mấy giây chờ đợi, tôi chỉ nghe thấy một tiếng thở dài. “Mộng Mộng, con có biết việc nhận chiếc vòng này có ý nghĩa gì không?”

“Con biết!”

“Nhưng ngộ nhỡ…”

“Không có ngộ nhỡ.” Tôi ngắt lời ông, đứng dậy. “Tự con có thể quyết định việc của mình.”

Trần Niên nhìn tôi. Trong ánh mắt đó, tôi thấy những nếp nhăn nơi khóe mắt ông dường như sâu hơn. Cuối cùng vẫn là ông nhượng bộ trước. Trước khi đi về phòng, ông đã nói một câu, sau đó cửa phòng dần dần khép lại.

Ông nói, bố thật sự hy vọng con được hạnh phúc.

Không biết tại sao chân tôi lại mềm nhũn ra, giống như đã chuẩn bị hết mọi thứ, đột nhiên nghe tin địch rút quân, tất cả mọi sức lực cũng theo đó mà rời khỏi thân thể. Tôi thả người xuống ghế sofa, đầu óc trống rỗng. Tôi cầm sách cố gắng đọc. Tôi phải làm việc gì đó để xua đi cảm giác sợ hãi đang dội lên trong lòng.

“Nếu anh bận thì không cần ngày nào cũng đến tìm em. Nhắn một tin báo cho em biết là được rồi.” Buổi trưa, Khúc Thành vẫn đến tìm tôi ăn cơm, nhưng thời gian ra ngoài của anh ngày càng ngắn. Tôi lo lắng ăn uống vội vàng thế này không tốt cho dạ dày của anh.

“Kỳ sau mới bắt đầu bận, bây giờ vẫn được.” Tuy nói vậy nhưng anh vẫn nhìn đồng hồ. “Trường đột nhiên ra quy định về thời gian đóng cổng trường buổi trưa, không còn cách nào khác.”

“Anh không cần phải chạy đi chạy lại nữa, em nói rồi, anh không cần đến.”

“Vậy anh căn cứ vào tình hình vậy.” Anh nhìn tôi mỉm cười, giơ tay vuốt tóc tôi. “Có gì không hiểu em có thể đến hỏi anh. Tuy có những môn khác nhau nhưng chắc vẫn được.”

Tôi lấy tay làm tư thế kính lễ. “Được, thưa thầy giáo!”

Ăn cơm xong, anh đưa tôi về cổng trường. “Vậy anh đi nhé! Buổi tối tan học em đừng đợi anh, anh tan muộn hơn em. Về nhà nhắn tin cho anh nhé!”

“Ừ, được rồi, dài dòng quá, anh mau đi đi!” Khúc Thành vừa quay người đi được hai bước, tôi lại gọi anh đứng lại: “Này, đợi đã…”

Anh vẫn chưa kịp thu lại vẻ mặt ngơ ngác, tôi đã chạy đến kiễng chân lướt môi qua trán anh, sau đó nhân lúc anh chưa kịp đỏ mặt, vội vàng chạy vào trường. Trốn sau cánh cổng trường, tôi lén nhìn Khúc Thành đứng đó mỉm cười ngọt ngào. Nụ cười của anh giống hệt của tôi.

“Này!” Không hiểu kẻ đáng chết nào lúc này lại vỗ vai tôi. Tôi quay lại, thấy hai nữ sinh thường đi cùng nhau đang nhìn tôi và cười mờ ám, một trong số họ chính là người lần trước cãi nhau với tôi trong ký túc. “Hai người được mấy năm rồi?”

“Cậu hỏi làm gì?”

“Tôi không muốn cãi nhau với cậu.” Nữ sinh kia rõ ràng đã bị ngữ điệu thù địch của tôi dọa chết khϊếp. “Tôi chỉ hiếu kỳ muốn biết cậu làm thế nào lại tìm được một nam sinh thuần khiết thế kia.”

Miệng nói không muốn cãi nhau nhưng câu nào thốt ra cũng mang theo gai nhọn. Tôi cười rồi “hứ” một tiếng với cô ta. “Đây là bản lĩnh, cậu cũng có thể đi tìm mà.”

Cô bạn đi cùng cô ta bắt đầu chửi thầm. Từ đáy lòng tôi luôn khinh thường loại con gái luôn miệng nói bậy, mặc dù tôi cũng đã từng như vậy. Sắc mặt cô ta trắng bệch, nghiến răng nói từng chữ với tôi: “Tôi nói cho cậu biết, lần trước tôi vẫn còn nghĩ cậu có đồng bọn gì, hóa ra… Hừ, bạn trai tôi mà đến thì xem ra cậu không còn vênh vang được nữa đâu.”

Tôi hết kiên nhẫn đẩy vai cô ta ra, đi hai bước rồi quay lại nhả ra hai chữ: “Tùy ý!”

Việc này tôi không kể cho Khúc Thành. Đây là việc tôi phải giữ lại để tự mình giải quyết. Tôi muốn nói tạm biệt với tôi của trước đây một cách triệt để. Ngỗ ngịch, chơi bời, phóng túng, tôi muốn rũ bỏ tất thảy chúng, sau đó thay da đổi thịt trở thành một người hoàn toàn mới để xứng đáng với anh, để kiêu hãnh sống dưới ánh mặt trời.

Về biện pháp giải quyết, tôi đã sớm có dự liệu. Vì vậy khi đứa con trai có mái tóc che gần hết mắt, đeo xích chó ở thắt lưng ôm vai bạn gái đứng trước mặt tôi, tôi đã bình tĩnh tới mức khiến hắn ta kinh ngạc.

Thật xấu hổ. Tôi đã từng thấy vô số con trai khoác vai bạn gái mình đi trên đường. Đa phần nếu không phải là ngượng thì cũng không tự nhiên, vậy mà khi Khúc Thành khoác vai tôi lại rất thoải mái, thuần khiết tới mức tôi không hề thấy ngượng. Tôi nhìn đứa con trai to xác trước mặt, hất hàm: “Nói đi, muốn làm gì?”

“Chỉ có mình cô thôi ư?” Chúng tôi gặp nhau ở mảnh đất trống sau ký túc, sau giờ tan học không có người qua lại. Đứa con trai đó hẳn cũng không thoải mái khi phải ra tay với một đứa con gái. “Tôi không muốn ra tay với con gái. Cô thành khẩn xin lỗi bà xã tôi, tôi sẽ để cô đi.”

“Xin lỗi? Dựa vào cái gì?”

Đứa con gái đã bày tư thế sẵn sàng nghe tôi ngoan ngoãn xin lỗi lập tức kéo cánh tay bạn trai. Đứa con trai bị mất mặt chửi thề một câu, ném điếu thuốc lá trên tay xuống đất. Đúng lúc này chuông điện thoại đột nhiên vang lên. Tôi làm như không có chuyện gì, mở tin nhắn ra xem, vẫn chưa nhìn rõ Khúc Thành viết gì thì một cái tát đã giáng xuống mặt tôi. Tôi nghiến răng ngẩng lên nhìn thì phát hiện cuối cùng người đánh tôi vẫn là đứa con gái kia. Tôi giơ tay định đánh trả cô ta thì bị đứa con trai ngăn lại, cái tát thứ hai mạnh hơn giáng thẳng vào bên má còn lại của tôi.

Việc đã đến nước này, tôi cũng không muốn phản kháng nữa, dù sao tay của cô ta rất nhanh sẽ đau. Điều khiến tôi không ngờ tới là bàn tay đứa con trai đang giữ lấy tay tôi đang dần dần thả lỏng, tôi thừa cơ rút tay về rồi dùng hết sức lực trả đòn vào đúng miệng cô ta. Không biết bởi kinh ngạc hay bởi chưa từng bị đánh bao giờ mà cô ta ngã vật ra đất ôm lấy mặt, nước mắt chảy thành dòng.

Động một tí là khóc thế này đâu phải là người có thể đánh nhau. Tôi không hề sợ chết mà quỳ xuống đất, mặt đã đau đến mức tê dại, nhưng vẫn trưng ra một nụ cười với cô ta. “Cô muốn đánh thì đánh đi. Đánh xong hai chúng ta hết nợ nần. Tôi nhắc nhở cô một câu, điều cô làm hôm nay, sau này sẽ có người trả lại cô nhiều hơn bội phần. Có điều sẽ không phải tôi, bởi tôi thấy cô không đáng.”

Nói xong, tôi nhìn cô ta không có vẻ gì là muốn đứng dậy, liền đứng dậy trước đi về phía cồng trường. Khi đi qua mặt đứa con trai, tôi ngẩng lên nhìn hắn ta rồi cười. Hắn ta ngay đến nhìn tôi cũng không dám.

Ra khỏi cổng chính, mặt tôi vẫn còn dậy lên từng cơn đau. Tôi lấy điện thoại gửi tin nhắn cho Khúc Thành, định nói tôi sẽ không đi tìm anh nữa. Lúc này mới trông thấy tin nhắn vừa nãy chưa kịp đọc. Sau đó tôi chạy như điên về phía trường anh.

Tin nhắn chỉ vỏn vẹn có năm chữ nhưng tôi lại thấy một dự cảm lạnh lẽo: “Trần Mộng, anh nhớ em!”

Chạy đến trường anh, tìm được lớp anh, đối mặt với vô số ánh nhìn dò xét, tôi mới chắc chắn dự cảm của mình là đúng. Khúc Thành đã được người nhà đưa đi, lúc này chắc đang ở trong bệnh viện. Nhưng khi hỏi tên bệnh viện thì giáo viên đều nói không biết. Trong lớp hình như có người nhận ra tôi, chỉ chỉ trỏ trỏ bàn tán. Tôi nhìn vào cửa kính, thấy mặt mình đã sưng vù lên.

“Anh ở đâu? Em biết hết rồi, đừng giấu em.”

Tôi chịu đựng ánh mắt dò xét của người đi đường để về nhà. Trần Niên vẫn chưa tan làm. Tôi lấy một bình nước đã trong tủ lạnh chườm lên mặt, sau đó tự nhốt mình trong phòng. Tin nhắn gửi đi chưa lâu, Khúc Thành đã gọi điện lại: “Alô, Trần Mộng, anh không sao, đừng lo!”

Là giọng của anh. Tuy hơi yếu ớt nhưng vẫn bình tĩnh. Không nghe thấy tạp âm của hơi thở gấp gáp, trái tim treo lơ lửng của tôi cuối cùng cũng hạ xuống được một nửa. “Anh… thật sự không sao chứ?”

“Ừ, không sao!” Anh thận trọng an ủi tôi. “Anh phải nghỉ ngơi vài ngày. Hằng ngày em có thể đi mượn vở giúp anh được không?”

“Được! Vậy hãy cho em biết tên bệnh viện để em mang tới cho anh.”

Khúc Thành cười nhẹ một tiếng, miễn cưỡng nói: “Thật không muốn nói cho em biết, sợ em cứ ở lì đây không chịu đi. Em phải hứa là hằng ngày chỉ đến một lúc sau khi tan học thôi, được không?”

Lúc này thì đương nhiên tôi sẽ đồng ý mọi thứ với anh. Có điều tôi bỗng nhớ ra khuôn mặt mình chắc vài ngày nữa mới khỏi hẳn, còn bây giờ thì không thể đi gặp anh với bộ dạng này được. “Khúc Thành… Hai ngày tới em có chút việc. Hai ngày nữa em tới thăm anh có được không?” Kiều đột ngột thay đổi quyết định này làm sao mà qua mắt anh được. Trong điện thoại vang lên giọng nói với ngữ điệu có chút cao của anh: “Nói đi, em bị làm sao?”

“Em không sao…”

“Trần Mộng, chúng ta đã hứa sẽ không giấu nhau bất cứ chuyện gì đúng không? Nói cho anh đi!”

“Em… em đánh nhau với người ta. Nhưng không phải em gây sự, thật đấy, anh tin em đi!” Tôi chỉ sợ anh sẽ hiểu lầm tôi. “Là cô ta…”

“Em không gây sự, vậy chắc hẳn người bị thương là em, đúng không?” Sự im lặng của tôi chính là đáp án cho anh. Khúc Thành ngừng một lát rồi nói: “Bây giờ em đến đây cho anh xem.”

Được sự đồng ý của anh, tôi không suy nghĩ đến bất cứ chuyện gì khác mà nhảy vụt khỏi giường, một tiếng vỡ vụn vang lên làm tôi dừng lại, nhìn theo hướng âm thanh phát ra, thứ dưới đất khiến tôi không thể kiềm chế mà kêu lên một tiếng. Đó là chiếc lọ nhỏ mà Khúc Thành tặng tôi, bên trong đựng hoa hải đường. Tôi luôn đeo nó trên cổ, dây được thắt nút chết nhưng không ngờ nó tự dưng bị tuột ở chỗ nút lọ, dây đeo vẫn ở trên cổ. Lúc này dưới đất chỉ còn là những mảnh thủy tinh vụn vỡ.

Tôi cúi xuống nhặt cánh hoa lên, bị mảnh thủy tinh còn vương trên đó cắm vào ngón tay. Tôi nhổ ra, một giọt máu cũng theo đó chảy xuống.

Lúc tôi đến phòng bệnh, bố mẹ Khúc Thành đều ở đó. Tôi vội vàng đẩy cửa xông vào phòng, sau đó chỉ còn nước đứng đờ ra ở cửa. “Cô, chú…”

“Vào đây!” Mẹ Khúc Thành thấy tôi bối rối liền đi đến kéo tôi tới cạnh giường. Trước giờ tôi không quen thân mật với người lớn, những ngón tay của tôi cứ thẳng đơ ra không cách nào nắm lại được. “Vừa rồi mới biết cháu sẽ đến. Mặt cháu làm sao thế?”

Tôi hoảng hốt lấy tay che mặt. “Không… không sao ạ!”

“Bố mẹ, con đói rồi. Đi mua đồ ăn cho con được không?” Khúc Thành nói. Ai mà không hiểu đây là cái cớ để đuổi khéo người lớn chứ. Nhưng bọn họ vẫn đi ra. Khúc Thành đưa tay kéo bàn tay đang che mặt của tôi ra, không nhịn được mà chau mày. “Sao lại nghiêm trọng thế này?”

“Rất nghiêm trọng sao? Không sao đâu!” Trong phòng bệnh không chỉ có chúng tôi, còn có các bệnh nhân khác vầ người nhà. Bọn họ cứ liếc nhìn chúng tôi. Tôi có chút không thoải mái, đành phải chuyển đề tài: “Anh sao vậy?”

“Hơi sốt, rồi lại khó thở. Cũng không nghiêm trọng lắm. Đừng lo cho anh, em đi tìm bác sĩ để lấy túi đá đi, anh chườm cho em.”

Tôi tìm bác sĩ lấy túi đá. Khúc Thành chẳng để ý đến ánh mắt của người khác, cẩn thận áp túi đá vào má tôi. Cái lạnh thẩm thấu vào từng tế bào bị thương trên da, tôi cố nhịn đau nhìn anh mỉm cười, đặt tay lên mu bàn tay anh.

“Trần Mộng! Đêm giao thừa chúng ta ra ngoài đốt pháo được không?”

Khúc Thành đột nhiên đưa ra đề nghị này khiến tôi ngây người. Trong trí nhớ thì trước giờ tôi chưa hề đốt pháo bao giờ, lại hay sợ những thứ được phun ra và âm thanh lớn. “Ừm, được!” Thấy trên đầu giường có một túi táo và dao gọt hoa quả, tôi bắt đầu gọt táo cho anh. Kỹ thuật không tốt lắm, anh nhìn tôi gọt táo, muốn cười mà không dám cười. Cuối cùng cũng gọt được quả táo đưa cho anh, anh lại nắm lấy tay tôi xem vết thương trên ngón tay. “Sao lại bị thế này?”

Lúc này tôi mới nhớ việc xảy ra ngay trước khi tôi rời nhà. “Đúng rồi, chiếc lọ anh làm cho em bị vỡ rồi. Lần sau anh phải làm lại cái khác cho em.”

Đúng lúc hai chúng tôi mỗi đứa một miếng cùng ăn quả táo thì mẹ Khúc Thành mang cơm về. Bàn tay cầm táo của Khúc Thành vẫn đang đặt trên miệng tôi khiến tôi đỏ bừng mặt. “Mau ăn cơm đi, còn ăn táo làm gì, nào, lại đây ăn cơm!” Làm như chưa trông thấy gì, mẹ Khúc Thành bày cơm ra bàn, mở ra rồi quay lại nói với tôi: “Cô và bố Khúc Thành phải về nhà lấy đồ. Cháu ở đây ăn cơm với nó nhé! Đợi đến khi cô chú quay lại rồi về.”

Tôi lập tức gật đầu đồng ý một cách đầy thành ý.

Xem ra Khúc Thành thật sự không có vấn đề gì, có thể tự ngồi dậy, tự ăn cơm, hoàn toàn không cần người khác phải chăm sóc. Có điều vết kim tiêm trên tay cũng như máy thở oxy trên đầu anh khiến hô hấp của tôi không được như bình thường. “Nhìn đi anh nói họ đã chấp nhận em, em còn không tin.” Đến buổi tối, phòng bệnh trở nên yên tĩnh. Thể lực người bệnh không tốt, ăn tối xong đều đi ngủ sớm, người nhà có người đi về, có người ngủ gà gật. Dường như sợ tôi thấy ngột ngạt, Khúc Thành lấy từ dưới gối ra một chiếc máy nghe CD, kéo tôi tới ngồi cạnh giường rồi đeo một chiếc tai nghe cho tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi nghe một chiếc CD toàn nhạc dương cầm, cũng là lần đầu tiên biết đến những cái tên như Franz, Liszt, Richard Clayderman. Thực ra tôi nghe không hiểu lắm, chỉ là cảm thấy những âm thanh đó đi vào trong tim, khiến không gian bốn phía đều trở nên tĩnh lặng. Vì dây tai nghe ngắn, sau đó tôi quyết định nửa nằm nửa ngồi, dựa vào vai anh. “Trần Mộng!” Trong lúc mơ màng, tôi nghe thấy Khúc Thành gọi. “Mặt còn đau không?”

Tôi lắc đầu. Cảm thấy ngón tay anh khẽ vuốt ve khuôn mặt tôi.

Thời khắc đó tôi thấy dường như có một cơn gió nhẹ thoảng qua, cả người trôi lơ lửng trong không trung, phía dưới là lớp mây mềm mại. Tôi và Khúc Thành giống như đôi vợ chồng trẻ đã sống với nhau vài năm, có tin tưởng, có hẹn ước, có cảm thương, còn có cả một chút hạnh phúc nhỏ, nhỏ tới mức đáng thương.

Khúc Thành chỉ nằm viện ba ngày. Hằng ngày, sau khi tan học, tôi đều đứng ngoài trường anh, đợi đến lúc tan học đi tìm bạn cùng lớp anh để mượn vở, rồi lại mang vở đến bệnh viện. Có hôm đến muộn, mẹ Khúc Thành còn phần cơm cho tôi. Đến trường anh thường xuyên nên ngay cả thầy giáo cũng biết quan hệ giữa hai chúng tôi. Bệnh nhân cùng phòng cũng nói: “Sau này sẽ đợi để uống rượu mừng của hai đứa.” Lúc đó Khúc Thành sẽ cười, nói: “Nhất định rồi”, sau đó lại cười cười bộ mặt bộ mặt ngượng ngùng của tôi.

Nhiều lúc tôi không chịu được, giơ tay định đánh anh, nhưng anh có điểm nào đáng bị đánh?

Hai tháng trước kỳ nghỉ đông, tôi bắt đầu học lớp cấp tốc cho kỳ thi đại học, hầu như không thể đến trường nữa bởi đã hoàn thành chương trình học, bắt đầu thời gian ôn luyện. có điều như vậy thì khoảng cách giữa tôi và Khúc Thành sẽ trở nên rất xa, không thể ăn cơm trưa cùng nhau, cũng không thể muốn gặp anh là gặp. Những ngày này theo lý mà nói thì chỉ mang tính tạm thời, nhưng ngày nào đi học tôi cũng thất thần lo lắng.

Sợ cái gì? Tôi không biết!

Điều tôi biết chỉ là tôi vẫn còn thời gian hơn nửa năm, tôi phải dùng tốc độ nhanh nhất để bù lại phần kiến thức bị hổng trước đây, có được hay không thì phải làm mới biết. Điều tôi biết chỉ là đây là ngã rã quan trọng quyết định sau này chúng tôi có được cùng sánh vai bước đến tương lại hay không. Tôi phải kiên cường, vì anh, cũng là vì tôi. Điều tôi biết chỉ là tôi yêu anh, vì vậy tất cả mọi thứ đều đáng giá. So với sự trống vắng trước khi gặp anh thì cô đơn trong nửa năm không đáng gì. Đương nhiên tôi không nói những lời này với Khúc Thành, tôi biết, anh đều hiểu, vì vậy anh chỉ nói với tôi trong điện thoại rằng: “Cố lên!”

Nếu như cuộc sống có mục đích thì thời gian sẽ trôi nhanh hơn. Kỳ nghỉ đông đến rất nhanh, nhưng trước Tết tôi vẫn phải học thêm hai tuần. Khi bước ra khỏi lớp bổ túc, thấy Khúc Thành đứng đợi ở đó tự bao giờ, tôi đã kinh ngạc không thốt lên lời.

Phải biết rằng, nhà anh cách chỗ tôi học rất xa, lại không có xe buýt chạy thẳng. Vì vậy, tôi không nói cho anh biết địa chỉ cụ thể. “Sao anh lại tìm được chỗ này?”

“Em không nói cho anh, anh chỉ còn cách hỏi bố em.” Anh nắm tay tôi theo thói quen, mười ngón tay đan vào nhau. “Ông nói gần đây em rất nỗ lực, vì vậy anh phải đến kiểm tra xem em có chịu ăn uống đầy đủ không. Bây giờ đã là tám giờ rồi.”

Không nhắc thì không sao, nhắc đến dạ dày tôi tự dưng rỗng tuếch. Tôi lắc lắc tay anh. “Anh đưa em đi ăn nhé!”

Khúc Thành sớm biết tôi sẽ có bộ dạng này, chỉ biết thở dài. “Đi thôi!”

Nắm tay anh đi trên đường, tôi thấy như thời gian đang quay ngược trở lại. Tôi cố nhớ xem đây là mùa đông thứ mấy chúng tôi ở bên nhau, nhưng lại phát hiện ra mình không nhớ nổi. Từ khi gặp Khúc Thành, mùa đông ở An Thành dường như ấm áp hơn. Trong ấn tượng của tôi, những ngày cùng anh đều là những ngày nắng ấm chan hòa với những đám mây nhẹ tênh lơ lửng giữa bầu trời.

Bởi nhà chỉ có hai người là Trần Niên và tôi nên Tết cũng giống như ngày thường, không có gì đặc biệt. Tuy ông cũng mua đèn l*иg, cũng quét dọn nhà cửa, làm sủi cảo, nhưng bàn ăn vẫn chỉ có hai người ngồi đối diện nhau lặng im ăn cơm, không khí náo nhiệt của chương trình chào đón năm mới trong tivi trái lại càng làm cho căn nhà có cảm giác trống trải hơn. Thực ra, tôi luôn sợ Tết. Nhưng giao thừa năm nay không giống trước đây, vì tôi đã có thứ để mong chờ. Tôi ngồi trên sofa xem tivi nhưng hoàn toàn không để tâm điều gì, chốc chốc lại liếc đồng hồ. Bởi vì Khúc Thành nói sẽ đưa tôi ra ngoài vào lúc hơn mười một giờ, chúng tôi hẹn nhau đi đốt pháo hoa.

“Con có việc à?” Trần Niên phát hiện ra vẻ lơ đễnh của tôi. “Hôm nay là giao thừa, nếu hẹn bạn đi chơi thì cứ ra ngoài chơi cho vui vẻ, nhưng phải chú ý an toàn.”

Tôi cúi đầu cười ngượng. Trần Niên chắc chắn biết tôi làm gì có bạn bè nào. Kiểu người thất bại như tôi thế này quả thật rất hiếm gặp. Đang suy nghĩ thì một tiếng nổ lớn vang lên, tôi hét lên một tiếng rồi bịt lấy tai. Trần Niên vội vã đi về nơi phát ra tiếng động. Bầu trời bên ngoài ban công có một chùm đốm sáng màu xanh đang dần rơi xuống đất, giống như chỉ cần vươn tay ra là có thể với lấy.

Nghĩ ra cái gì đó, tôi liền chạy ra ban công. Bầu trời bên ngoài rất tối, lại ở tầng cao như thế này, nhưng tôi vẫn nhìn thấy người đang đứng dưới kia. Đúng vào lúc đó, lại là một chùm sáng rực rỡ của pháo hoa chiếu sáng khuôn mặt đẹp trai của anh. Tôi quay người nhìn đồng hồ, đúng vừa qua mười một giờ.

Không thèm để ý đến ánh mắt của Trần Niên, tôi quên cả thay dép, chạy vội xuống rồi dừng lại ở chỗ cách anh khoảng mười mét. Đúng vào lúc bầu trời sáng lên một lần nữa, tôi nhào vào cánh tay đang mở rộng đón lấy tôi của anh.

“Biết em khó chịu khi chờ đợi, nhưng anh còn khó chịu hơn, nên đã đến sớm.” Tiếng pháo hoa nổ đì đùng khiến tiếng nói bên tai tôi trở nên bồng bềnh. “Sau này đến Tết, em nhất định phải vui vẻ, biết chưa?”

Rõ ràng là gật đầu nhưng nước mắt lại như những đốm lửa pháo hoa kia, thấm ướt vai áo anh.

Tuổi trẻ chính là một loại vốn, hay nói thẳng ra là một loại hạnh phúc. Khi còn trẻ, cho dù trong lòng có tuyệt vọng thế nào đi nữa nhưng vẫn còn có hy vọng dù là nhỏ nhoi trong tương lai. Cho dù giây trước vẫn đang oán trách cuộc sống lạnh nhạt vô tình thì sau đó, chỉ cần có một tia ấm áp cũng sẽ bắt đầu tin rằng tương lại nhất định tốt đẹp.

Tin tưởng tương lai sẽ tốt đẹp. Bảy chữ này, vào năm tôi mười tám tuối, đã chiếm lĩnh hoàn toàn cuộc sống của tôi.

Khúc Thành chính thức bước vào thời kỳ nước sôi lửa bỏng cuối cùng của năm lớp Mười hai. Anh học chuyên Văn, những thứ phải học thuộc nhiều đến mức hoàn toàn có thể chôn sống một người. Cũng bởi vậy nên anh không có thời gian tới tìm tôi, nhưng hàng ngày vẫn nhắn tin hoặc gọi điện cho tôi, nói vài câu đơn giản. Chúng tôi đều biết đây là thời điểm nước rút quan trọng nhất, vì vậy chúng tôi hiểu nhau đến mức ngay cả câu “cố lên” cũng không cần nói nhiều.

Lớp học thêm của tôi cũng bắt đầu tăng tốc độ giảng bài, đồng thời phát thêm đề thi thử cho học sinh, nhưng vẫn nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trường chính quy. Hằng ngày khi về nhà, tôi đều nhắn tin: “Em về nhà rồi” hoặc “Anh đừng học muộn quá” cho Khúc Thành như một thói quen. Thời gian đó anh chắc vẫn đang phải đi học ở trường. Giờ tan học của anh ngày càng muộn, có lúc sẽ về nhà, có lúc không, dù sao tôi cũng không câu nệ.

Có lẽ trong cuộc sống không thể tránh khỏi những việc tuần hoàn, ví dụ như lúc nửa đêm ngồi làm bài tập, tôi lại nhớ về năm lớp Mười. Khung cảnh vẫn thế, hành động vẫn thế, lý do vẫn thế. Chỉ có điều, lần này tôi càng không thể thua, tôi thật sự cảm thấy nếu thua lần này, tôi sẽ thua hoàn toàn.

So với những gì anh đã làm cho tôi thì những thứ tôi làm hiện giờ có là gì. Huống hồ tôi chẳng lẽ lại không biết những ước mong anh nói với tôi đều không có ý thúc ép mà chỉ hy vọng tôi có thể tốt hơn.

Bận rộn đối với tôi mà nói lúc nào cũng là một việc tốt. Có lẽ bởi vì tôi luôn là một người hời hợt, nên một khi rảnh rỗi thì hố đên trong tâm hồn lại ra sức gào thét, giống như nếu không một sống một còn thì sẽ không chịu dừng lại. Vì vậy nếu có việc gì có thể hoàn toàn thu hút sự chú tâm của tôi thì tâm tình tôi sẽ trở nên ổn định, tất cả mọi thứ khác, bao gồm cả mối quan hệ với người khác cũng trở nên tốt hơn. Tôi quen vài cô bạn ở lớp học thêm. Vì đều học trường nghề, tình cảnh tương tự nhau, nên bắt đầu nói chuyện, dần dần có thể cùng ăn cơm, chuyện phiếm vào giờ nghỉ trưa hoặc lúc tan học.

Mối quan hệ này rất giống bạn bè.

Còn nữa, quan hệ của tôi và Trần Niên cũng dần dần trở nên ấm áp hơn, tuy phần lớn thời gian của hai bố con vẫn là sự trầm mặc, nhưng ít nhất tôi đã có thể cùng ông ngồi trên một chiếc sofa lâu hơn. Ít nhất tình hình này khiến chúng tôi giống một cặp bố con bình thường trong cuộc sống. Thậm chí khi nói chuyện, tôi cũng bắt đầu học cách hạ thấp ngữ điệu, không còn nói những lời gay gắt, không còn xù lông nhím lên nữa.

“Mộng Mộng, con đang học à?”

Trần Niên gõ cửa, tôi nhìn đồng hồ, hơn tám giờ. Bình thường vào giờ này, ông hay ngồi trong phòng soạn giáo án hoặc chấm bài. “Vâng, có chuyện gì sao?”

“Con ra đây, bố đưa con vài thứ.” Tôi mở cửa, thấy trên tay Trần Niên là một chồng sách. “Bố nhờ người tìm cho con một ít sách cũ, trên đó người ta đã gạch vào những phần trọng điểm. Còn có đề thi các năm, con làm thử xem.”

Tôi gật gật đầu. “Cảm ơn bố!”

Nói xong câu đó tôi cũng không thấy có gì đặc biệt, nhưng Trần Niên lại lặng người một lúc. Tôi nhìn ông, tự dưng thấy đau lòng. Những năm này, có một người con gái như tôi, cộng thêm sự mệt mỏi trong cuộc sống, có lẽ ông cũng không cảm nhận được sự ấm áp của một gia đình. Tôi quay người đặt sách lên bàn, sau đó ra khỏi phòng. “Bố, chúng ta nói chuyện đi.”

Tôi và Trần Niên ngồi trên sofa phòng khách, lúc đầu không bật đèn, nhưng không khí như vậy quá yên tĩnh khiến người ta không có cách nào mở lời. Một lúc sau, tôi đứng dậy bật đèn. Trần Niên tay cầm chén trà, ôn hòa mở lời, giọng ông trôi qua làn hơi đang bốc lên từ miệng cốc, khiến nó có phần không chân thực: “Con muốn nói gì?”

“Thực ra… từ lâu bố đã biết Khúc Thành bị bệnh có phải không?”

“Con biết rồi?” Khi nói ra những lời này, giọng điệu của tôi hoàn toàn bình thường, không nghĩ rằng phản ứng của Trần Niên lại kích động như vậy. Tôi chợt nhớ ra đúng là tôi chưa hề nói rằng tôi đã biết Khúc Thành bị bệnh. “Đúng! Lần đầu tiên nhìn thấy cậu ta, bố đã thấy sắc mặt đó có gì không ổn. Bố đã hỏi, cậu ta cũng không trốn tránh. Lúc đó, bố biết cậu ta là một đứa trẻ tốt.”

“Sao bố lại không nói cho con biết?”

Trần Niên trầm lặng một lúc rồi lắc đầu nói: “Bố không biết phải làm thế nào con mới có thể chấp nhận được chuyện này.”

“Bố sợ con không chấp nhận được, hay sợ con bị lăng mạ? Nhưng bố nhìn con bây giờ xem, không phải rất tốt sao? Con thực sự không để bụng chuyện đó.”

“Được rồi… Mộng Mộng! Bố biết bố khuyên thế nào đi nữa cũng không có tác dụng. Bố làm giáo viên cả đời, cả đời đi dạy đạo lý cho người khác, nhưng cuối cùng lại thấy tất cả những thứ đó hoàn toàn không có ý nghĩa gì đối với con. Nếu bố nói các con bây giờ còn trẻ, không thể quyết định được việc gì, con nhất định sẽ cho rằng bố giả dối, các con nhất định sẽ cho rằng chỉ cần hai đứa cố gắng sẽ có thể vượt qua mọi thứ. Trong cuộc đời, mỗi người sẽ phải diễn rất nhiều vai khác nhau. Một trong những vai diễn thất bại nhất của bố là làm một người bố. Nói ở một góc độ nào đó, bố thậm chí còn làm không tốt bằng cậu thanh niên kia, vì vậy, bố không có tư cách yêu cầu con quá nhiều. Bố cũng không biết có cách nào ngăn cấm con. Bố chỉ có thể nói, hãy tin tưởng vào tình yêu, yêu không bao giờ là việc sai trái, nhưng con phải chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ mất đi tình yêu bất cứ lúc nào. Con đã lớn, con phải học cách chống đỡ thế giới của riêng mình, rồi dần dần còn phải học cách làm chỗ dựa cho người khác nữa.”

Đây là đoạn nói chuyện dài nhất của Trần Niên mà tôi còn nhớ được, cũng là một đoạn không có tư tưởng chủ đạo. Tôi chỉ có thể nghe ra sự lực bất tòng tâm của ông, cũng như sự lo lắng cho tương lai của tôi và Khúc Thành. Chỉ có điều sự lo lắng đó không có cách nào ngăn cản được bước chân tôi tiến về phía trước. Cuộc đời tôi trước giờ đều vậy, phải dựa vào một hy vọng nào đó để tỏa sáng, phải dựa vào một điểm nào đó để chứng minh – tôi vẫn còn tồn tại.

Ngày hôm đó, thời tiết chuyển nóng, ngày quan trọng nhất trong cuộc đời tôi đã đến. Kỳ thi đại học diễn ra vào tháng Tư, sớm hai tháng so với thi đại học thông thường, cũng không có quá nhiều người quan tâm đến kỳ thi này. Thậm chí, tôi tin rằng rất nhiều người còn không biết có loại thi này nữa. Vẫn là tôi một mình đến địa điểm thi. Tới cổng trường thi, tôi nhận được tin nhắn của Khúc Thành. Anh nói: “Cố gắng vượt qua hai ngày này sau đó nhanh chóng tới gặp anh. Nhớ em rất nhiều?” Anh không nói những câu áp lực như “thi tốt nhé” hay “cố lên”, mà tìm một cách khác khiến tôi vui. Vì vậy, tôi đi thi với một tâm trạng nhẹ nhàng hơn bất cứ ai.

Hai ngày đó trôi qua vô cùng nhanh, nhanh đến mức khi thi xong môn cuối cùng bước ra, tôi vẫn tưởng ngày tiếp theo vẫn còn phải thi nữa. May mắn là thời gian hiển thị trên điện thoại đã nói rõ cho tôi biết: đã kết thúc. Tôi không dám nói mình thi tốt như thế nào, chỉ biết tôi đã phát huy toàn bộ năng lực của mình, trừ phi… trừ phi ác mộng lại diễn ra. Tôi nhìn thời gian vẫn còn sớm, đi thẳng tới trường Khúc Thành.

Không báo cho anh biết trước, tôi muốn anh bất ngờ. Phải tám giờ anh mới hết giờ tự học. Tôi mua gà rán chạy đến lớp anh. Đi đến cửa lớp cũng là lúc tan học. Một người đã từng nhìn thấy tôi trước đây chào tôi rất thân thiết. Tôi ngượng ngùng cười cười, đi đến cửa thò đầu vào bên trong. Không đợi tôi phải gọi anh đã trông thấy tôi.

“Sốt ruột đến thế này cơ à, vừa thi xong đã chạy ngay đến đây?” Anh cười cười bước ra khỏi lớp, không để ý đến ánh mắt người khác mà giơ tay vén lọn tóc đang lòa xòa trước trán vào hai bên tai cho tôi.

“Em muốn đem đồ ăn đến cho anh đã được chưa? Hứ!” Tôi giơ chiếc túi ra trước mặt anh. “Nhân lúc nóng ăn đi này!”

Ngồi bên cạnh sân vận động, tôi cầm cốc Coca nghe anh kể đã làm những gì trong thời gian chúng tôi không gặp nhau. Anh không hỏi bất kỳ câu nào về tình hình thi cử của tôi, làm ra vẻ trong lòng đã biết rõ tất cả. Tôi chọc chọc vào người anh. “Sau này em sẽ thường xuyên đến tìm anh nhé, dù gì em cũng không bận nữa rồi.”

“Không cần!” Không ngờ anh lại dứt khoát từ chối như vậy. Tôi không cam tâm, đặt cốc Coca xuống, dùng đôi bàn tay vừa lạnh vừa ướt xoay mặt anh lại hỏi: “Tại sao?”

“Em đến thì anh còn học thế nào được?” Anh kéo hai bàn tay tôi ra, nắm chặt. “Một tuần đến một lần.”

Tôi dẩu dẩu môi. “Được thôi!”

“Ngoắc tay nào!” Anh đưa ngón tay út ngoắc vào ngón út của tôi. “Đến lúc đó không được phép ngày nào cũng đến đây gây rối.”

Điểm thi được gửi đến nhà tôi vào một buổi sáng. Tôi mặc quần áo ngủ, cầm chứng minh thư ra lấy bức thư được gửi đến. Cầm điện thoại, tôi nhắn tin cho Khúc Thành: “Có kết quả rồi, em không dám xem.” Sau khi gửi xong, tôi lại cười thầm mình có thể ngốc đến như thế.

Không ngờ Khúc Thành ngay lập tức nhắn tin lại: “Mang đến đây rồi mở. Anh muốn là người đầu tiên xem.”

Đọc xong câu đó, tôi sợ tới mức run lập cập, nhanh chóng mở ra xem điểm. Tôi thực sự không dám cứ thế mang đến cho anh xem, ngộ nhỡ… Tôi sợ phải nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của anh. Nhưng thực sự là điểm số quá mức đáng mừng. Mỗi môn đều đạt đến điểm tối đa trong khả năng của tôi. Tôi có thể vào học một trường đại học chính quy tốt một cách đường hoàng. Nếu đồng ý bỏ thêm chút tiền có lẽ còn có thể vào học ở trường đại học hạng ba. Đây có lẽ là kết quả thi tốt nhất trong tất cả các kỳ thi của tôi.

Tôi lấy hơi mấy lần, gấp tờ giấy báo điểm lại, làm bộ như chưa hề động tới, chạy như bay đến trường Khúc Thành.

“Không tồi!” Khúc Thành mở tờ giấy báo ra xem. “Anh đã lên mạng xem qua, số điểm này cao hơn điểm chuẩn rất nhiều.”

“Thật không? Em không biết!”

Anh đột nhiên cười, vừa cười vừa vỗ trán tôi, bất lực nói: “Đúng là em đang giả bộ. Em nhất định đã xem qua, rồi mới đến đây nghe người ta khen.”

Bị nhìn thấu, tôi chỉ còn cách thuận thế làm nũng, lắc lắc cánh tay anh. “Thế rốt cuộc có khen hay không?”

“Có!” Khúc Thành đột nhiên hơi nghiêng người rồi nhẹ nhàng hôn lên má tôi. Nụ hôn của anh lúc nào cũng dịu dàng như vậy, như có như không nhưng lại mang theo sự ấm áp rất lâu mới tan hết.

Tôi nhìn trái nhìn phải, không có ai để ý đến chúng tôi, mới làm như đáp lễ mà hôn thật nhanh lên mặt anh. “Anh cũng cố gắng nhé, em đi đây!” Tôi chạy một đoạn rồi mới quay lại, thấy anh vẫn đang đứng đó, dùng ánh mắt biết cười để tiễn tôi. Tia sáng trong đáy mắt anh làm tôi thấy mình lần đầu tiên được tỏa sáng.

Trần Niên sau khi biết điểm số của tôi đã không nói năng gì một lúc lâu. Sau đó, ông mới quay người nói với di ảnh của mẹ tôi: “Em nhìn xem, Mộng Mộng rất giỏi.”

Thời khắc đó, tôi vốn đang rất hưng phấn lại đột nhiên muốn khóc. Tôi khụt khịt mũi, trốn vào trong phòng.

Sau khi Khúc Thành được nghỉ ôn thi, tôi đã đến nhà anh một lần. May mắn là cả bố mẹ anh đều không có nhà, tôi cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nói rằng nhìn bề ngoài bố mẹ Khúc Thành dường như đã chấp nhận tôi, nhưng không hiểu vì lẽ gì mà tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đúng, luôn thấy chân tay lúng túng khi đứng trước mặt họ. Khúc Thành lúc nào cũng cười tôi căng thẳng thái quá.

Thành tích của anh luôn rất tốt. Như tôi thấy thì cứ vậy mà đi thi cũng chẳng vấn đề gì, nhưng anh vẫn học rất chuyên tâm, ngoại trừ việc chốc chốc lại quay sang nhìn xem tôi đang làm gì. Mà thực ra tôi cũng chỉ ngồi ngắm anh mà thôi.

Tháng Sáu nóng nực, nhiệt độ liên tục tăng, nhiệt độ ngoài trời đạt đến mức bốn mươi độ C. Thi đại học vốn là việc rất được mọi người quan tâm. Cấm xe, cấm tiếng ồn, nên taxi rất đắt khách, đương nhiên còn cả từng hàng xe riêng đỗ trước trường thi. Biết mẹ Khúc Thành sẽ đưa anh đến trường thi nên tôi không đi mà ngồi ở nhà không ngừng xem đồng hồ.

Hai tháng vừa rồi của tôi trôi qua một cách lặng lẽ. Tôi đăng ký vào trường cao đẳng nghề nổi tiếng nhất An Thành, học chuyên ngành “hot” nhất tại đó. Sau đó, tôi chỉ việc ngồi đợi anh thực hiện một nửa còn lại lời hứa của chúng tôi. Như thế, trái tim tôi sẽ yên tâm một cách triệt để. Khó khăn lắm mới đợi đến lúc anh thi xong môn đầu tiên, tôi vội vã soạn một tin nhắn tốt lành gửi cho anh. Nhưng một giây trước khi gửi đi lại do dự rồi quyết định xóa đi.

Trên tivi nói có thể hỏi những câu như “thi thế nào”. Tôi cố gắng nhẫn nhịn, vứt điện thoại sang một bên, yên lặng chờ anh gửi tin nhắn cho tôi.

Không ngờ tới lúc tất cả các môn đã thi xong, Khúc Thành mới gọi điện cho tôi. Lúc đó, tôi đã sốt ruột đến mức muốn thổ huyết. Mỗi ngày đều không ngừng nhìn điện thoại, đến tối còn chuyển sang chế độ rung rồi nắm nó trong tay. Nghe khẩu khí của tôi không được vui lắm, Khúc Thành cười trong điện thoại: Mấy hôm đi thi anh hoàn toàn không mở máy. Anh đã biết em nhất định sẽ suy nghĩ vẩn vơ cả nửa ngày, rồi cuối cùng quyết định không làm phiền anh.”

“Anh đúng là nhìn thấu hết con người em! Thế… anh thi thế nào?”

“Cũng tạm, không có sự cố gì lớn.” Khúc Thành vờ trầm ngâm một lúc. “Anh đang suy nghĩ xem mai có nên hẹn em ra ngoài hay không. Trời nóng quá, hay là…”

“Anh dám nói “thôi vậy”!”

“Haizz… dám uy hϊếp anh. Được rồi, ngày mai anh đến nhà tìm em.”

Tôi nhìn bầu trời bên ngoài, nắng chói chang, đúng là nắng đến không chịu nổi. “Hay là để em đến nhà anh?”

“Em ngoan ngoãn đợi đi.”

Vĩnh viễn không thể làm trái lời anh. Rõ ràng anh không dùng giọng điệu ép buộc, nhưng cuối cùng vẫn là tôi nhượng bộ. Nghĩ đến đó, tôi lại vô cớ chạy vào nhà vệ sinh soi gương. Sau vụ vỡ gương lần trước, Trần Niên đã mua chiếc gương mới cho tôi, to hơn nhiều so với cái cũ, móc treo cũng đổi sang loại chắc chắn hơn. Trông gương là tôi với mái tóc đen tuyền, tóc mái gọn gàng, gương mặt không có bóng dáng của phấn trang điểm, nhìn qua giống hệt mấy cô nàng ngoan ngoãn mặc váy ngắn chạm gối hay đi trên phố. Con người hung hăng trước kia của tôi đã biến đâu mất, con người buông thả lúc nào cũng coi cả thế giới như kẻ thù đã biến đâu mất. Thời gian ở bên Khúc Thành, anh đã dùng phương thức bí mật độc quyền để trị căn bệnh ngang ngược của tôi.