Vào buổi chiều tối của ba ngày sau đó, Thượng thư Nguyễn Hữu Bài người trong Hội đồng Phụ chính ra Cửu Tùng thăm vua. Duy Tân cùng thượng thư và một số quan lại khác đi câu cá, anh em nhà Thượng thư Hồ Đắc Trung cũng theo cùng, tuy nhiên Tô Vân Du và Hồ Thị Hạnh chỉ ngồi một bên xem trong khi hai anh của cô mà nhà vua cùng những người khác ngồi câu cá.
Bầu không khí có phần yên lặng, Tô Vân du để ý thấy ngồi cạnh Duy Tân là phụ thân của cô và vị thượng thư vừa đến hôm nay, thượng thư Nguyễn Hữu Bài. Vừa buông cần câu xong, Duy Tân nhìn sang thượng thư Nguyễn Hữu Bài mặt không lộ cảm xúc khẽ nói.
"Ta chợt nghĩ đến vế đối, không biết Thương thư có nhã hứng đáp cùng"
"Bệ hạ cứ nói, thần sẽ gắng sức"
Nguyễn Hữu Bài hiện là Thượng thư bộ Lại, là người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần, ông không để râu nên có phần trẻ hơn so với một số quan viên khác.
"Ngồi trên nước không ngăn được nước
Buông cần câu ra đã lỡ phải lần"
Nguyễn Hữu Bài không nhìn vua mà nhìn vào mặt nước dập dềnh trước mặt, không phải ông không hiểu ý của nhà vua nhưng mà ông không biết nói sao cho phải. Nguyễn Hữu Bài hiểu rằng nhà vua đang có ý định hoạt động cứu nước, ông sợ nguy hiểm cho ngài và chợt ông nghĩ đến vế đối nhằm khuyên vua không nên có ý nghĩ táo bạo ấy.
"Thưa bệ hạ, thần xin đáp:
Sống ở đời mà ngán cho đời
Nhắm mắt lại đến đâu hay đến đó"
Mặt Duy Tân tối sầm lại, mặt đượm buồn:
"Hóa ra thầy là người bó tay cam chịu trước số mạng. Theo ý trẫm, sống như thế thì buồn lắm. Phải có ý chí vượt qua gian khổ, khó khăn tiến lên thì mới sống có ý nghĩa."
"Thưa bệ hạ..."
Tình thế đang tiến thoái lưỡng nan, Tô Vân Du không tiện can thiệp, đây là vấn đề giữa vua và quần thần, phận nữ nhi như cô không thể xen vào. Hồ Đắc Trung cũng nhận thấy sự khó xử của người bạn đồng liêu của mình, ông nhìn vào cần câu của vua, thốt lên.
"Thưa bệ hạ, cần của người có động tĩnh"
Duy Tân chuyên nghiệp kéo cần lên, tuy nhiên trên lưỡi câu không có con cá nào cắn câu mà ngược lại mồi câu đã hết. Duy Tân chợt thở dài, cậu miên man suy nghĩ về con đường phía trước, liệu có hay không như Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã nói.
Buổi câu cá vẫn cứ tiếp diễn trong không khí tĩnh mịch và có phần gượng gạo.
Tranh thủ lúc mọi người đang thu cần câu, không có ai để ý đến bên này, Tô Vân Du tiến lại gần Duy Tân, đưa cho cậu một mảnh giấy rồi chạy về phía anh trai và phụ thân của mình. Duy Tân nhìn theo bóng người bé nhỏ đang cười nói vui vẻ với phụ thân và em gái rồi nhìn vào mảnh giấy, tâm của vị vua trẻ khẽ xao động.
Về phòng Duy Tân cầm mảnh giấy ra dưới ánh nến xem Tô Vân Du đã viết những gì. Trên mảnh giấy là những dòng chữ thanh tú, tuy có chút lệch có lẽ do người viết viết vội vàng.
"Thà dám thử và chấp nhận hậu quả nếu có còn hơn là đứng ngó mà không dám làm gì hết trong suốt quãng đời còn lại "
Một câu nói không đầu không cuối nhưng lại khiến cậu suy nghĩ rất nhiều.
Sáng hôm sau, khoảng thời gian vừa qua giờ dần (hơn 5h sáng), Tô Vân Du tỉnh giấc, cô nhẹ nhàng xuống giường một mình ra chum nước trước phòng rửa mặt. Lúc quay người chuẩn bị bước về phòng thì cô chợt thấy bóng người dưới tán cây xoài mạn phải căn phòng. Người đó là vua Duy Tân, Tô Vân Du không biết cậu đã đứng đó bao lâu rồi.
Duy Tân rất ngại ngùng, sáng nay khoảng canh năm cậu đã tỉnh, cậu không mang theo cận vệ, ra ngoài đi dạo của khuây khỏa nỗi lòng. Chẳng biết như thế nào lại lạc bước đến đây, cậu không hề nghĩ đến việc đứng trước phòng một cô gái lúc sớm mai là không phải đạo, cho đến lúc Tô Vân Du nhìn vào cậu mới sực tỉnh.
Chắc hẳn là do mảnh giấy tối qua khiến cậu suy nghĩ vẩn vơ. Vị vua trẻ cũng không hề biết rằng, trong suốt 7 năm trị vì lần đầu tiên có việc ngoài việc nước, việc dân khiến cậu trăn trở.
"khụ..khụ..." Duy Tân lên giọng, cố giữ vẻ nghiêm trang, trưng lên bộ mặt không lộ cảm xúc "Đi dạo cùng ta"
Tô Vân Du cười méo méo miệng, cô không nghĩ vị vua trẻ lại có thuộc tính ngạo kiều như vậy, đi dạo cùng ta chắc có hàm nghĩa là ta có chuyện muốn tâm sự.
Tô Vân Du chậm rãi sải bước cạnh vua Duy Tân.
"Ừm...chuyện mẫu giấy"
"Bản thân ngài chắc cũng hiểu hàm ý trong đó, hà cớ chi phải hỏi lại"
"Ta chỉ muốn biết, vì sao một cô bé có thể có cách nhìn nhạy bén như vậy."
"Thưa ngài, em không chỉ là một cô bé, em còn là con gái của Thượng thư Hồ Đắc Trung"
Đối với những câu hỏi mang tính nghi ngờ, cách tốt nhất là chuyển hướng câu hỏi và chuyển hướng đối tượng, tùy vào người nghe sẽ có suy đoán khác nhau. Và tất nhiên thông thường sẽ không ai bắt bẻ lại câu trả lời mông lung mà lại chí lý như vậy.
"Ngài thất vọng lắm phải không?"
Im lặng một lúc Tô Vân Du nhẹ nhàng ngước nhìn vào Duy Tân vừa hỏi, hiện nay vua Duy Tân mới 14 tuổi nhưng đã rất cao, đối với một cô bé mới 12 tuổi như Hồ Thị Chỉ thì khoảng cách chênh lệch khá lớn.
"Thầy Nguyễn Hữu Bài là một người tài, biết dùng người. Một năm sau ngày ta lên ngôi (1908), thầy mới bắt đầu lãnh chức Thượng thư bộ Lại. Nhớ lúc đấy, khi Khâm sứ Pháp Mahé đề nghị đào vàng bạc ở lăng vua Tự Đức, Thầy đã nhất quyết phản đối.
"Phế vua không Khả, đào mả không Bài "
Em có hiểu câu này không?"
Theo trí nhớ và kiến thức của Hồ Thị Chỉ, Tô Vân Du lưu loát trả lời.
"Phế vua không Khả: nói đến quan Thị vệ đại thần Ngô Đình Khả trước đây đã phản kháng Pháp, không chịu ký giấy phế phụ hoàng của ngài, vua Thành Thái. Đào mả không Bài: chắc là nói đến sự kiện ngài vừa nói, chữ Bài ở đây là Thượng thư Nguyễn Hữu Bài."
"Đúng thế. Nhưng cái tinh thần ấy nay còn đâu."
Duy Tân chắp hai tay ra sau lưng nhìn mặt trời đang nhô lên từ mặt biển khẽ thở dài, mới chỉ có 14 tuổi nhưng trên mặt cậu tràn đầy phiền muộn.
"Như người nói Thượng thư Nguyên Hữu Bài là người tài nhưng em xin mạn phép đánh giá, ông ấy là vị đại thần của triều đình nhưng ông ấy cũng là một vị quan ôn hòa, một nhà cách mạng ôn hòa. Có thể trong triều đại khác là một người tài nhưng thời đại này, ôn hòa không phải là một điểm mạnh mà chính là yếu điểm. Là người tài nhưng không hợp thời.
Ví dụ một vị tướng giỏi trong thời loạn là đại thần là anh hùng nhưng nếu sinh ra trong thời bình thì có thể trở thành mối họa"
"Em nói rất đúng" Duy Tân Một lần nữa nhìn vào cô bé trước mặt. Lúc này cậu mới thực sự chú ý đến vẻ ngoài của cô. Hồ Thị Chỉ là một cô bé rất xinh đẹp, khả ái và cũng rất nhẹ nhàng lại thông minh hiểu chuyện. Trong lòng cậu thầm khen Thầy Hồ Đắc Trung khéo dạy con, hai người con trai đầu thông thái và giỏi giang, hai cô con gái sau vừa duyên dáng lại vừa hiểu chuyện. Chỉ tiếc là cô chỉ là một cô gái nếu là con trai chắc chắn cậu sẽ mang cô về cung để có thể trao đổi và đàm đạo cũng như học tập.
Vua Duy Tân quên mất một điều rằng là con gái cậu cũng có thể giữ ở bên cạnh nhưng bằng một cách khác.
"Chỉ tiếc..."
"Ngài định nói chỉ tiếc em là con gái phải không? Trên đời này có rất nhiều người, rồi Ngài sẽ tìm thấy những người cùng chí hướng với mình"
Không hẳn là Duy Tân tiếc nuối như Tô Vân Du vừa nói. Cậu chỉ cảm thấy tiếc cho khoảng thời gian không được gặp cô sớm hơn, không thể nói chuyện cùng cô sau đợt nghỉ mát này, nhưng cậu không thể nói ra.
"Hy vọng... ngày đó sẽ đến"
"Thế giới bao la rộng lớn, em chỉ như hạt cát giữa bãi biển này, Ngài tiếp xúc với nhiều người ắt hẳn sẽ học hỏi được nhiều, sẽ biết được nhiều hơn. Em nghĩ đó chính là lý do phụ hoàng của Ngài rất thích đi vi hành"
Nhớ đến vua Thành Thái, tâm của Duy Tân lại bị khuấy động: vua cha bị lưu đày, bản thân mất chủ quyền, đồng bào sống trong lầm than đói khổ...
"Hôm nay đi vi hành cùng ta"
Nhanh chóng quyết định, cả Tô Vân Du và Duy Tân đều không biết buổi vi hành ngẫu nhiên này sẽ mang đến cái gì, chuyện gì và trải nghiệm gì cho cả hai người.
********
Thế giới 2 ít người đọc quá, là do truyện không hay hay mọi người đang chờ truyện hoàn nhỉ?