Nhật Ký Luyện Thành Phúc Hắc

Chương 7

Học toán, học thêm, rèn chữ... Cuộc sống năm lớp sáu của Ninh Mặc ngày càng bận rộn, việc này cũng là vi khuẩn gây nên bệnh tương tư của Quan Thước Hạ.

Đã một tuần rồi cô bé không được gặp Ninh Mặc, lần gặp gần nhất chính là trong hội thi thể dục thể thao. Ninh Mặc giống như bốc hơi khỏi nhân gian, biến mất không dấu vết.

Thành tích của Ninh Mặc vẫn luôn xếp trong top 3 của toàn khối, tham gia các cuộc thi vẫn có thể giành giải thưởng. Năm lớp ba, Ninh Mặc có học đàn piano. Mẹ Ninh cho cậu đi học đàn piano tại cung thiếu nhi, mục đích chủ yếu là không để cậu trở nên kiêu căng, tạo cơ hội để cậu tiếp xúc với người khác, nâng cao khả năng giao tiếp. Thật sự là dụng tâm lương khổ [1].

[1] Dụng tâm lương khổ: muốn tốt cho người khác mà người khác không biết

Tuy nhiên sau này cậu lại thích học thư pháp mà bắt đầu bỏ bê đàn piano. Mẹ Ninh cũng không dám yêu cầu nhiều bởi ông Ninh rất ủng hộ việc cậu luyện thư pháp. Người ta đều nói chữ tựa như người, chữ của Ninh Mặc lớn, nét bút cương nghị mạnh mẽ, ông cụ cũng thường nói đó là chân truyền của ông.

Quan Thước Hạ ngồi bên bàn học rất lâu nhưng không viết được mấy chữ, vài nét trên tờ giấy trắng, một ngang, một phẩy, cũng giày vò cô bé đủ kiểu. Nghiên mực bị đánh rơi vài lần, sàn nhà vốn màu trắng cũng chuyển thành đen, giống như khuôn mặt nhỏ nhắn của cô bé, cũng có vài điểm giống Bao đại nhân, một chữ "Đen".

Cuối cùng cô bé vẫn quyết định bỏ học thư pháp, chuyển sang học đàn. Mỗi người có ưu thế riêng của mình, mà cái phát huy tốt nhất vẫn là sở trường của mình. Cũng không biết bắt đầu từ bao giờ, Ninh Mặc nói với Quan Thước Hạ rằng từ sau cô bé phải tự về nhà một mình, nhưng phải về sớm một chút, về muộn người lớn sẽ lo lắng.

Nói xong, Quan Thước Hạ sửng sốt rất lâu, đến tận khi bóng dáng Ninh Mặc khuất dần cô bé mới nhớ tới phải hỏi cậu: "Vậy còn cậu? Cậu có lo lắng cho mình không?"

Cuối học kì, Ninh Mặc không đi học nữa. Thành tích thi tốt nghiệp cũng đủ để cậu vào Nhất Trung của thành phố, cậu cũng không cần thi học kì nữa.

Dòng đầu tiên trên giấy đỏ viết: – Xếp thứ nhất: Ninh Mặc. Ngữ văn 98 điểm, Toán 100 điểm, Tiếng Anh 100 điểm, Đạo đức: 50 điểm.

– Xếp thứ hai: Văn Dĩ Phong. Ngữ văn 98 điểm, Toán 95 điểm, Tiếng Anh 100 điểm, Đạo đức 50 điểm.

– Xếp thứ ba: Diêu Đình. Ngữ văn 100 điểm, Toán 95 điểm, Tiếng Anh 100 điểm, Đạo đức 40 điểm... S

au khi danh sách ba người đứng đầu kì thi được công bố chính là điểm thi tốt nghiệp của lớp sáu. Không quá chú ý, Quan Thước Hạ thoáng nhìn thấy một cái tên quen thuộc, Giang Nhược Vũ: Ngữ văn 0 điểm, Toán 9 điểm, Tiếng Anh 0 điểm, Đạo đức 50 điểm. Ha ha, chắc là ngủ trong lúc thi hoặc là không đi thi, môn nào cũng xơi trứng ngỗng, muốn ăn là có, không cần đi chợ mua.

Trái ngược với cô bé, căm giác tự ti ngày càng tăng lên. Ngoại trừ tiếng Anh, điểm các môn khác không tốt lắm, ngữ văn và toán giống như phải vượt núi, cao nhất thì 80 điểm. Nhất là toán, có khi không chú ý liền vượt đèn đỏ. Tuy điểm xuất phát của hai người không cách nhau quá xa nhưng bước chân của Ninh Mặc quá nhanh, Quan Thước Hạ còn chưa kịp định thần, cậu đã không còn tại bên người cô bé nữa.

"Quan Thước Hạ, lần này yêu cầu của ba không cao, thi toán được 70 điểm là được. Nếu con đạt được yêu cầu của ba, ba sẽ đồng ý yêu cầu của con."

Rốt cuộc cuối tuần này, ba Quan có thể ngồi ngay ngắn trên bàn ăn nghe ông cụ Quan tụng kinh, và cũng có thể tụng kinh cho cháu gái của ông cụ nghe nữa.

"Ba cũng đừng làm quá! Điểm sao có thể nói là được. Ba xem đi, các bạn trong đại viện đều được đi, vì sao ba có thể để con ở lại một mình trông phòng chứ?"

Vẫn nên chơi ăn gian một chút, môn toán của cô bé mà đạt yêu cầu thì cô bé còn có thể ngủ ngon?

"Con nói quá rồi, gì mà một mình trông phòng..."

Ba Quan vừa định giải thích, bỗng nhiên lại vỗ đùi: "Ôi suýt nữa bị nhóc con này lừa. Tôi trịnh trọng cảnh cáo tiểu thư Quan Thước Hạ: Điểm thi cuối kì môn toán của Quan Thước Hạ con không được 70 điểm thì không có trại hè dã ngoại gì hết!"

"Mẹ ơi! Ba không phải ba ruột của con!"

Một tay Quan Thước Hạ sờ cằm, vừa khóc vừa la: "Đây là việc quan trọng, con phải gọi điện cho mẹ!"

"Ba có thể chắc chắn trăm phần trăm để nói với con rằng ba là đúng ba ruột của con, con là con ruột của ba, thật hơn cả kim cương! Tốt nhất con không nên lãng phí tiền điện thoại, càng không cần lãng phí nửa giờ đồng hồ. Việc con nên làm là lên phòng đọc sách, ngày kia con phải thi rồi đó, người đẹp Quan ạ."

Ba Quan vừa nói vừa bày ra vẻ mặt lo cho nước cho dân, nói xong trong lòng không ngừng cười thầm. Quan Thước Hạ bị đả kích không còn manh giáp, nịnh nọt chạy đến chỗ ông nội: "Ông nội, con trai của ông bắt nạt cháu. Cháu còn nhỏ mà không được vui chơi, sau này sẽ tạo thành bóng ma trong lòng."

Ông nội Quan nói một cách rõ ràng: "Ông rất đồng ý với cháu nhưng việc lớn như học tập, ông càng đồng ý với ba cháu hơn. Nhiệm vụ của ông là dạy ba cháu thành tài, mà bây giờ ba cháu đã thành tài rồi, ông không cần quan tâm nhiều. Bây giờ là lúc ba cháu dạy con mình, ông là người cách một thế hệ, không thể hỏi nhiều."

"Ông nội, ông không thấy lời nói của ông rất mâu thuẫn sao? Chẳng lẽ, chẳng lẽ là do lần trước cháu chơi cờ với ông trong công viên không cho ông ăn gian, làm ông thua cháu trước mặt mọi người, làm ông thấy mất mặt nên bây giờ ông lại hãm hại cháu? Hay là lần trước nửa đêm ông ăn vụng, đun hỏng cái nồi, bị cháu nói với cô bảo mẫu mà ông vẫn ghi hận trong lòng? Hay là..."

Ba Quan cốc đầu Quan Thước Hạ: "Sao con lại vạch trần ông con? Con nói gì nữa cũng vô ích, nhanh đi học bài đi, đừng để đến lúc ấy lại khóc nhè."

Quan Thước Hạ khéo mồm khéo miệng là tuyệt kĩ di truyền từ cha già nhà mình, đúng là hổ phụ sinh khuyển nữ. Nhưng đấu võ mồm cùng ba thì vẫn còn kém một bậc, ai là ba người ấy làm chủ. Quan Thước Hạ vì cách mạng thắng lợi cũng chỉ có thể lựa chọn đi núi tuyết, bỏ qua đồng cỏ.

Cô bé ngồi vào bàn học, bắt đầu luyện đề môn toán bất lương. Ban đêm, ánh trăng trong suốt chiếu lên cửa sổ giống như dòng sông nhỏ im lặng chảy. Quan Thước Hạ không khỏi liên tưởng đến phong cảnh dã ngoại tươi đẹp, suy nghĩ đi quá xa, chỉ có thể lắc lắc đầu, lôi kéo sự chú ý trở về. Có một cô bé vì điểm 70 môn toán mà thực sự học tập.

Có một cô bé vì đi chơi mà cố gắng học tập. Có một cô bé vì muốn gặp Ninh Mặc mà vui vẻ học tập. Nửa đêm, trong lúc tất cả mọi người đang ngủ say, người nào đó đột nhiên hét chói tai:

"Môn Toán, ta hận mi!"

Giọng nói tràn ngập oán hận, sầu bi. Âm thanh ấy quanh quẩn ba vòng, bay ra ngoài cửa sổ mấy dặm, tiếng vọng rất lâu không ngừng.