Tư Lĩnh vừa nói dứt lời, Hồng Quán liền cười, đáp: "Đến giờ em mới phát hiện sao? Chính vì nó là Toàn Can nên anh mới hứng thú như vậy đó!"
Phúc Nguyên nãy giờ nghe đến Mộ Thiên Can Quan La Sát đã ù ù cạc cạc, vốn kiến thức sơ sơ mà Văn Khởi nói lần trước, từ sớm đã không đủ giải thích, nên nhân dịp này cũng muốn hỏi kỹ về thứ bố cục mộ phần kỳ lạ đó.
Hồng Quán giải thích, Mộ Thiên Can Quan La Sát có hai loại, một là thứ du nhập vào cùng thời với sự xuất hiện của Hành Gia ở lục tỉnh, có thể gọi là khắc tinh số một của Hành Gia; hai là loại dành cho bát hương của Cổ Nhân, có từ xa xưa, chính là thứ để đời sau học theo mà ngăn chặn Hành Gia.
Chuyện mộ phần bị trộm, đời nào chẳng có, nhưng chỉ đến khi Hành Gia xuất hiện, chuyện thất đức như vậy được nâng lên tầm cao mới, khiến những nhà lắm tiền nhiều của không khỏi đau đầu khi lo sợ mộ phần của mình bị bốc bát hương, báu vật chôn theo thậm chí là cả thân xác cũng bị đem đi lừa lọc, nghĩ thôi ai mà chẳng tức, vậy nên mới sinh ra những người ngày đêm nghiên cứu các phần mộ đã bị bốc bát, hoặc những Hành Gia bị bắt lại, từ đó tạo ra một kiểu mộ phần an toàn, khiến con cháu Hành Gia Lão Tổ Tông bỏ mạng không ít. Thứ ấy là Mộ Thiên Can, Quan La Sát.
Thiên Can ở đây chính là mười Thiên Can, gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm Quý. La Sát là cạm bẫy.
Thiên Can được phân theo tính chất.
Giáp có nghĩa là mở, chỉ vạn vật bắt đầu phân tách.
Ất nghĩa là kéo, chỉ vạn vật hội tụ.
Bính là đột ngột, chỉ vạn vật xuất hiện.
Đinh là mạnh, chỉ vạn vật bắt đầu mạnh lớn lên.
Mậu là rậm rạp, chỉ vạn vật phát triển sinh sôi.
Kỷ là ghi nhớ, nghĩa là vạn vật bắt đầu có sự sai khác.
Canh là chắc lại, chỉ vạn vật bắt đầu có quả.
Tân là mới, chỉ sự thu hoạch.
Nhâm là gánh vác, chỉ vạn vật được nuôi dưỡng.
Quý là đo, chỉ vạn vật được đo đếm, tính toán, ghi chép.
Đó chỉ mới là sơ khởi về ý nghĩa của Thiên Can. Các Can này lại được chia theo Âm - Dương, Phương Vị, Ngũ Hành, mỗi thuộc tính lại sắp một số Can vào đó. Mộ Thiên Can thông thường, Hành Gia đơn sơ gọi là Nhất Can, chỉ được xây dựng dựa trên một cách chia của Can, và một Can được lấy theo tuổi của mộ chủ. Ứng với mộ kiểu này, cũng chỉ có một Sát được dùng, ấy vậy mà Hành Gia còn không bốc bát được, thì Toàn Can còn cỡ nào nữa. Nói về Toàn Can, Hành Gia chỉ biết ghi chép từ đời này qua đời khác, hỏi nhau về những trải nghiệm khi gặp Mộ Thiên Can, không phải vì mong muốn được bốc bát trọn vẹn, mà chỉ là mong còn cái mạng đi ra, rút nhanh khi thấy mà thôi.
Quan La Sát, nghĩa là quan tài của chủ mộ được chế tác đặc biệt, có khóa, có bẫy rập cơ quan, đa phần dùng khí độc, trùng độc, hễ mở quan ra thì lập tức dính bẫy, chết đau đớn vô cùng.
Nếu nói Mộ Thiên Can xưa nay chưa có Hành Gia vào được, vậy làm sao biết được có Quan La Sát? Thực ra phương thức sơ khai của Quan La Sát chính là muôn hình vạn trạng loại quan tài có cài bẫy mà người ta đặt vào hầm mộ, bảo vệ mộ chủ, vì lỡ như trộm mộ vào được rồi, cứ cho bọn chúng lấy hết báu vật, để yên cho thân xác mộ chủ là được.
Loại này Hành Gia trước đây vẫn hay gặp, gọi là bát hương cũ, kỳ thực phá giải không phải không được, nhưng rất mất thời gian và nguy hiểm, nên khi Hành Gia gặp thứ này, ít khi lấy xác ra làm gì cho thêm chuyện.
Vậy Mộ Toàn Can là sao? Khi người xây mộ áp dụng hết thảy các đặc tính của Thiên Can, mộ sẽ có nhiều lớp, đoán chừng là lớp Âm Dương, Phương Vị, Ngũ Hành. Mộ này vừa bảo vệ mộ chủ, vừa áp dụng phong thủy, xây được dĩ nhiên không phải dễ, Hành Gia xưa nay chỉ gọi như vậy, chưa nghe được người nào phá trận thành công.
Vậy điểm khác biệt giữa hai loại Mộ Thiên Can Quan La Sát, giữa một bên là có từ xa xưa, và một bên mới được tạo ra khi Hành Gia xuất hiện, nằm ở điểm nào, chính là không gì khác ngoài mộ thất.
Bát hương Cổ Nhân có mộ thất, rộng, thường có số đo theo quy chuẩn phong thủy, có đường đi, có cửa vào, dĩ nhiên sau khi hạ táng thì đã lấp lại. Miền tây do địa hình phần lớn đất mềm, ít đồi núi, bát hương Cổ Nhân tuy lớn, nhưng cũng ít khi to quá cái nhà tranh. Thiên Can ứng vào trường hợp này có diện tích lớn, bố phòng có khoảng cách, tường dày, đá cứng.
Bát hương sau này nhỏ, mộ phần lộ thiên, thường có người trông coi, chu vi mộ chỉ tầm trăm thước đã là lớn, nhưng phần mộ bên dưới không lớn, do vậy Thiên Can dùng có giới hạn, lại liền kề nhau liên tục, độ khó để phá giải cũng tăng lên.
Chung quy thì loại nào cũng khó cả, nhưng Hành Gia là nơi quy tụ những người liều mạng, chuyện thất đức phạm đến âm phần còn làm không ghê tay, chẳng sợ quả báo, vậy nên bát càng khó, thể nào cũng sẽ có những Hành Gia lại càng khoái.
Hồng Quán tuy tránh xa chuyện bốc bát sàng tro thất đức ấy, nhưng dù gì cũng là con cháu của Hành Gia Lão Tổ Tông, chuyện liều mạng đã ăn sâu vào máu, nghe có một bát hương Cổ Nhân thì lòng đã nóng hơ, chỉ tiếc không đến ngay được.
Lại nói chuyện nhìn bản đồ đoán được đó là mộ nào, đây không phải là chuyện gì cao siêu cả, chỉ là căn cứ vào Phương Vị, địa thế và bố phòng xung quanh, có thể luận ra ít nhiều về bát hương bên dưới. Vì muốn dùng Thiên Can, phải căn cứ Phương Vị, Âm Dương, Ngũ Hành của đất đó. Mộ này nằm gần sông, trong rừng, theo bản đồ thì hướng gió và nắng vẫn đủ đầy, đã nghe đến những lần bốc bát gặp loại này của tiền bối, nên đời sau luôn cẩn thận khi bốc bát Cổ Nhân, xem có vướng phải thứ khó gỡ này hay không.
Hồng Quán nói xong, Phúc Nguyên trầm trồ kinh ngạc, không ngờ được rằng một nhóm người như Hành Gia mới xuất hiện chưa được trăm năm lại đúc kết được nhiều thứ như vậy, nói thế chẳng phải bao nhiêu cái bát hương đã bị những người này vét sạch rồi? Phúc Nguyên thoáng chau mày, đúng là giới giang hồ ẩn mật tại lục tỉnh này, sống bằng đủ thứ nghề, có khi cái nghiệp tạo ra sẽ đến ngày giáng xuống một cách giận dữ!
Hồng Quán thấy Phúc Nguyên suy tư liền hỏi: "Vậy đại ca của tôi có đưa anh Thiên Tướng Tiên Cung Đồ này, dặn đi lấy bảo vật bên trong mộ Đạo Liễn, sau đó anh mới đi đến mộ còn lại?"
"Đúng vậy. Cũng may tìm được các anh, không thì biết đến bao giờ tôi mới vào được hai cái mộ đó!" Phúc Nguyên thấy Hồng Quán hỏi thì đáp, trong bụng vẫn không thoát khỏi gánh nặng của suy nghĩ vừa rồi.
Tư Lĩnh nói: "Bốc bát hương Cổ Nhân đã khó, gặp Toàn Can nữa thì làm sao đây nhị ca?"
"Chúng ta phải chuẩn bị dụng cụ lại mới được, Tỏa Sơn Tiên của anh, e là không dùng được trong mộ đó rồi!"
Hồng Quán vừa nói, vừa cầm cây tre mà ban nãy đã thít thòng lọng hai con cương thi. Thứ này là dụng cụ của Hành Gia, làm từ cây tre già, ngâm dầu, hơ lửa, dẻo dai cứng chắc vô cùng. Bên trong đυ.c rỗng, một đầu là thòng lọng, một đầu là dây kéo, nói thẳng ra chẳng khác gì thòng lọng chụp đầu chó kéo đi cả. Hành Gia gọi là Tỏa Sơn Tiên cũng là nói lên công dụng của thứ này, Tiên là "roi", thường dùng cho loại vũ khí bằng sắt, đập vào một phát xương cốt gãy nát. Cây tre ngâm dầu cứng chắc, lại có thòng lọng trói chặt, nên gọi là Tỏa Sơn Tiên.
Hành Gia cũng không thể thiếu thứ vải trắng bó thành cuộn, gọi là đắp chiếu mộ tổ, trên ấy ghi rất nhiều những bùa chú, làm cho ma quỷ đều khó lòng dùng được tài phép, thường đắp chiếu chỉ dành cho khi cắm chân nhang gặp mộ tổ mà thôi.
Phúc Nguyên nói: "Vậy chuẩn bị cần những gì, cứ nói, Phúc Nguyên tôi sẽ chuẩn bị chu đáo!"
Hồng Quán cười: "Những thứ ấy cần phải gặp thợ chuyên rồi. Tôi có quen một người thợ rèn rất có tiếng ở Mỹ Tho, anh ta sẽ làm được những thứ mà tôi cần, giờ chúng ta nằm nghỉ một chút, sớm mai bắt ghe đi Mỹ Tho một chuyến cũng không muộn!"
Phúc Nguyên cứ lo rằng không chuẩn bị được, nghe Hồng Quán nói có người quen có thể làm những thứ ấy thì vui vẻ hẳn, liền đích thân chuẩn bị chỗ ngủ cho Hồng Quán và Tư Lĩnh.
Đêm ấy cả ba chẳng ngủ được bao nhiêu, mỗi người đều lo một kiểu.
Giữa giờ Mão, ba người đã chuẩn bị sẵn sàng, nai nịt gọn gàng, đón ghe ở bến sông. Tư Lĩnh sợ Bảo An bị người ta để ý, nên bỏ nó vào túi vải, chừa một khoảng để nó thở.
Mỹ Tho ngày ấy là nơi phồn hoa, muốn đi cũng không khó, có điều ngồi ghe hơn hai ngày mới đến, ghe dừng ở nhiều nơi để đón trả khách. Thường là các ghe chở hàng, đón thêm khách để kiếm thêm tiền mà thôi, người quá giang sẽ mắc võng trên khoang, hay trước mũi, hoặc trải chiếu uống trà, đánh bài, ghe rộng hơn tí thì đá gà giải khuây.
Nhóm ba người đón được một chiếc ghe lúa đi lên Mỹ Tho, trên ghe có hai vợ chồng già chủ ghe, ba người khách quá giang khác. Ghe đi đến chiều thì vào đoạn kênh nhỏ, theo lời chủ ghe thì từ đây đổ ra sông Hậu còn chạy đến tầm giữa đêm.
Ba người nhìn hai bên bờ toàn một cảnh rừng cây âm u rậm rạp, thê lương vô cùng. Những đoạn đất yếu, sóng dập nhẹ gây ra xói lở, hình ảnh sông đôi bờ bên lở bên bồi không hề thơ mộng chút nào. Một số nơi, lâu lắm trước kia còn là đất xa sông, người ta chôn cất ở đó, sau này do nhiều lý do mà ly tán khỏi cố hương, mồ mả không ai trông coi, bờ sông sạt lở vào tận trong, khiến mộ sụp xuống, một số chỗ còn lòi ra cả quan tài, hay quan tài bị mục lòi ra tay chân người chết không phải là hiếm. Nãy giờ có hơn chục ngôi mộ bị như vậy, trong cái không gian chập choạng sáng tối, hình ảnh ấy vừa ma quái vừa buồn bã đến nao lòng.
Kỳ thực những đoạn kênh kiểu như vầy ở lục tỉnh nơi nào chẳng có, bản thân ba người bọn họ đi qua không biết bao nhiêu lần, ấy vậy mà lần này đi lại thấy lạnh lẽo đến lạ, khỏi cần nói cũng đủ biết họ đã dự phòng tình huống xấu nhất, dù gì cũng đều là dân lăn lộn qua không ít hiểm nguy.
Tư Lĩnh nói: "Sao đệ thấy có chút bất an nhị ca? Phen này có khi nào bị quấy phá không?"
Hồng Quán nói: "Chưa biết được, cứ chuẩn bị là hơn."
Đột nhiên ông chủ ghe nóng lạnh như trúng gió, cứ thế đổ gục ra, mọi người chạy vào xem thì thấy bị trúng gió thật, mắt đờ đẫn. Người vợ liền nhờ một người trong nhóm khách lên chạy tiếp, để ông chủ đắp mền nằm kế bên, rên lên hừ hừ, trông sốt cao lắm, miệng cứ lẩm nhẩm: "Sắp tới rồi, sắp tới rồi..."
Người vợ thấy vậy mới nói đợi bà cạo gió cho thì ông ta không chịu, nói lí nhí: "Tôi lạnh quá, lạnh quá, đừng cạo gió, đoạn đằng trước quẹo trái, chạy xíu tới xóm Nhà Lá tìm ông Tư, cho tôi uống thuốc..."
Người vợ vuốt trán, thấy trán ông nóng hổi, sợ quá, nói: "Ráng lên ông ơi để tui nhờ cậu này chạy vào đó..."
Người vợ nhờ người khách đánh ghe quẹo trái, quả nhiên chạy xíu đã thấy ngã rẽ, nhỏ hơn con kênh này, nhưng cũng đủ chạy, lát sau thì dần rộng ra. Đã qua cuối giờ Dậu, trên trời đã thấy sao hiện ra lốm đốm phân nửa, nửa kia chìm dần sang tối. Trước mặt có một thôn xóm đúng như lời ông chủ ghe nói, có chừng bốn, năm mái nhà lá bắt sàn ra một phần ba con kênh. Bên trên có đường đi và đèn đuốc, người cầm lái liền cho ghe tấp vào một bến nước duy nhất ở đây, cầu ở bến có treo mấy cái đèn l*иg màu đỏ, cả bọn hè nhau cõng ông chủ ghe lên bờ, tìm thầy Tư gì gì đó.
Phúc Nguyên nhìn Hồng Quán và Tư Lĩnh, cả ba ngờ ngợ chuyện xảy ra quá đột ngột.
Tư Lĩnh nói: "Có khi nào là ma trêu quỷ chọc mình không hả nhị ca? Khúc sông này sao có thôn xóm được?"
Hồng Quán chậc lưỡi: "Dĩ nhiên thiên hạ rộng lớn, mình làm sao biết chính xác hết được, với lại nhìn thì không thấy âm khí, nếu có thì cái đầu mèo này đã cảnh báo anh rồi!"
Hồng Quán vừa nói vừa sờ vào đầu lâu mèo đeo trước ngực. Phúc Nguyên cũng đồng ý, cho rằng dù gì cũng lên bờ xem thế nào, trông nơi này không giống như có ma quỷ gì cả.
Hồng Quán nói: "Dĩ thiên biến ứng vạn biến, nếu có gì bất tường, cứ uyển chuyển mà hành xử, tránh hiểu lầm người tốt!"
Ba người phụ giúp bà chủ ghe, chuẩn bị một số thứ, đem ông lão lên bờ thì thấy có một ông già chừng tám mươi, tóc bạc trắng, búi thành củ hành, râu dài bạc phơ, mặc áo bà ba nâu, đang cầm chổi tre quét sân, bên trong là một tiệm mì, có vài người khách đang ngồi ăn. Cuối phòng có một bàn thờ, không thấy bài vị hay tượng tranh gì cả, chỉ có một tấm vải đề chữ Thiện rất to.
Bà chủ ghe thấy người, liền chạy đến hỏi: "Ông ơi, cho tui hỏi ở đây là xóm Nhà Lá đúng không?"
Ông lão đưa mắt nhìn, đôi mắt rất sáng, như quét qua cả bọn một lượt, rồi hỏi: "Phải. Mọi người tìm ai?"
"Tui tìm nhà thầy Tư, chồng tui bệnh đột ngột, ổng nói đến đây tìm thầy Tư...Ông thương tình chỉ giúp tui với!"
"Tui là Tư đây, để tôi xem!"
Ông Tư nói xong liền chạy đến bên cạnh ông chủ ghe, lúc này đã hôn mê, đưa tay sờ vào cổ, nói: "Nguy hiểm, bị âm phong nhập thể, may mà tới sớm, vào đây, vào đây nhanh lên!"
Dứt lời, hai người khách quá giang liền bế ông chủ ghe vào trong, đặt xuống giường, thầy Tư liền lấy ra một hũ thuốc cao đơn hoàn tán màu đen, nói: " m phong ai cũng bị nhiễm, trước khi bị nó công tâm thì uống thuốc này ức chế lại, Tư tôi xem cho ông này rồi sẽ coi qua mọi người!"
Bảy người còn lại đều chia nhau, mỗi người uống một viên, thuốc rất thơm, vị đắng, hậu ngọt. Hai người khách mới bế ông chủ ghe khi nãy thấy sẵn nhà thầy Tư có bán mì, lại có vài người khách đến ăn, họ đói bụng quá liền kêu hai tô.
Chỉ có bà chủ ghe vào ngồi kế chồng, còn lại ai cũng ăn một phần. Người bán là một đứa bé gái, tầm mười ba tuổi, là cháu nội thầy Tư. Nó kể thầy Tư trước đây làm nghề đạo sĩ bắt ma, về già thì dựng xóm ở đây, bán đồ chay và làm thuốc cứu người.
Đứa bé vô cùng lanh lợi hoạt bát, ai nhìn cũng thấy mến. Bên trong thầy Tư đang châm cứu cho ông chủ ghe. Phúc Nguyên, Hồng Quán cùng với Tư Lĩnh ban đầu không định ăn mì, nhưng thấy mọi người ăn thì thèm quá, cũng ăn rất mạnh.
Hồng Quán với Phúc Nguyên ăn xong, bảo rằng muốn đi nhà xí, đứa bé gái chỉ ra sau nhà, tối đen và có mấy bụi chuối.
Hai người vừa đi khuất, Tư Lĩnh đột nhiên gào lên, thổ huyết, ngã lăn ra, trúng vào cái lò than đỏ rực, làm nồi nước đổ lênh láng, vài cái đầu lâu lăn lông lốc trên nền đất!
P/s: đừng quên quyển 2 lục lâm vẫn còn đang bân nha quý dị ơi :((( ủng hộ Hùng Bonsai đi quý dị ơi