Giữa bãi tha ma, lúc này đã qua canh bốn, xung quanh nổi lên từng trận gió lạnh, con mèo mù trên vai của Tư Lĩnh không biết vì lý do gì mà kêu lên hừ hừ, như lườm một địch thủ nào đó trong tưởng tượng. Giọng kêu cho thấy nó đang có điều bất an, nhưng nó dựng lông lên, nhưng chẳng di chuyển đi đâu mà ngồi lỳ trên vai của Tư Lĩnh.
Phúc Nguyên lúc này mới để ý đến con mèo, lấy tay vuốt thử đầu nó, làm nó kêu lên một tiếng sởn cả gai ốc. Phúc Nguyên nói: «Mèo Lộn Mắt, lại còn là lông đen ánh bạc, móng ngọc mũi hồng, ông anh có thú nuôi thật là quá khác người đó, không sợ có ngày chết thảm hay sao?»
Hồng Quán và Tư Lĩnh đều giật mình, đích thị Mèo Mắt Lộn này, với những miêu tả như vậy, là điềm bất tường, không sạch sẽ của dân Hành Gia, vậy nên nói đâu xa, ngay ban nãy Hồng Quán cũng thắc mắc sao Tư Lĩnh chưa gϊếŧ con mèo ấy đi. Tư Lĩnh nhìn Phúc Nguyên, nói: «Hình như huynh đây là người của Hành Gia luôn hay sao vậy? Vậy sao bảo là còn cần bọn tôi cho chuyến đi bốc bát hương?»
Phúc Nguyên cười hiền, đáp: «Sở dĩ tôi hiểu rõ về Hành Gia như vậy, âu cũng là do có cao nhân Hành Gia dạy bảo, chỉ biết được những thứ râu ria bên ngoài, ví như có biết về Mèo Mắt Lộn, chứ chẳng thể biết được cách bốc bát sàng tro, cắm nhang chạy mả của người trong nghề như các anh đây!»
Tư Lĩnh vuốt vài cái để trấn tĩnh con mèo, trả lời Phúc Nguyên: «Đừng gọi nó là Mèo Mắt Lộn hoài, nó nghe được đấy, tên nó là Bảo An. Xui xẻo thì chưa biết, mình thích thì mình nuôi thôi, không phải ngại gì cả.»
Hồng Quán nãy giờ quan sát thái độ, cử chỉ của Phúc Nguyên, thấy anh ta không thể nào là dân xoàng xĩnh tôm tép, ắt hẳn thuộc hàng phá núi ngăn sông chứ chẳng đùa, tự nhiên đương không xuất hiện một cách vô cùng trùng hợp, lại đề xuất cùng đi bốc bát hương, dĩ nhiên Hồng Quán không khỏi sinh nghi, liền hỏi: «Trở lại chuyện chính, anh nói có biết một bát hương của cổ nhân, là ở đâu, ở đó có cái gì?»
Phúc Nguyên rút tay về, xoa hai tay với nhau, chậc lưỡi, nói: «Nửa đêm nửa hôm, bàn chuyện lớn tại nơi như thế này quả là không phải lễ, hai huynh nếu không phiền, có thể về chung với tôi được không? Khi ấy cùng bàn, hẳn chưa muộn!»
Tư Lĩnh nhìn Hồng Quán, thấy nhị ca của mình gật đầu, cũng đồng ý đi về chung, dĩ nhiên hai người vẫn đề phòng, không đi trước Phúc Nguyên vì sợ bị dính bẫy. Phúc Nguyên hiểu ý thì nhoẻn cười, sấn bước lên đi trước cả hai người, vô cùng thoải mái khoan khoái, khiến Hồng Quán cảm thấy bản thân quá lo xa, thoáng chút xấu hổ. Tư Lĩnh từ đầu tới cuối đều cảm thấy chuyện này có gì đó chưa đúng, vẫn không thôi đề phòng, dù gì thì đây cũng là chốn giang hồ hiểm ác, chẳng thể dễ dàng tin người được.
Cả ba người đi ra khỏi bãi tha ma, đi chừng trăm thước đã thấy có một ngã ba, thì ra hướng Tư Lĩnh đi từ làng Hưng Trị, nếu đi thêm vài chục thước nữa thì sẽ đến ngã này. Tại ngã ba có một cây gừa rất lớn, gốc dễ phải đến ba người ôm, tán rộng chừng chục thước, bên trong lấp lánh đầy đom đóm, trông vừa lung linh huyền ảo, vừa ma quái đến đáng sợ. Những đốm sáng chớp tắt giữa chốn hiu quạnh, trông chẳng khác gì âm hồn người chết đang vật vờ nơi tán cây.
Đứng tại cây gừa, nhìn về cuối con đường rẽ này là một thôn xóm, cách chừng hai trăm thước, trông cũng có vẻ trù phú. Phúc Nguyên lúc này lên tiếng, phá vỡ sự im lặng nãy giờ: «Đây là làng Hưng Phú, vẫn thuộc tổng Thanh Phong, trong làng có tay Cả Điều, hống hách bạo ngược, hai vợ chồng mới chết, chính là cái bát hương mà Cao huynh bốc nhầm đấy. Tên này tôi định dạy cho một bài học, nhưng thôi, hắn chết rồi thì lừa tiền con hắn cũng được!»
Tư Lĩnh vẫn còn thấy bối rối vì chuyện bốc bát nhầm mộ Y Nhân, lại sắp rước tang, lão còn chưa hết xấu hổ với Hồng Quán, giờ lại bị Phúc Nguyên nhắc lại, không khỏi hổ thẹn, liền nói: «Thì ra cùng là người đi sàng tro cả, đã là sàng tro đâu thể toàn thắng, ít ra cũng có lúc lọt hố chứ!»
Ý của Tư Lĩnh cho rằng Phúc Nguyên cũng chỉ là loại người lừa đảo hệt như mình mà thôi, vậy nên chuyện nhầm lẫn là không tránh khỏi, vì lừa đảo thì đều do tham mà ra, đã tham rồi thì mấy ai tỉnh táo.
Phúc Nguyên lại cười, nói: «Để cho Cao huynh chê cười rồi, thực ra Đoàn mỗ chỉ thích trừ tà diệt ma, săn bảo vật, chuyện lừa người, rất ít khi nhúng tay vào!»
Hồng Quán nghe vậy liền nói: «Nghe danh Đoàn Phúc Nguyên đã lâu, ai cũng nói anh có một thân võ nghệ cao cường, thích hành hiệp trượng nghĩa, nay có duyên được gặp, lại nghe anh tâm sự như vậy, Quán tôi tự lấy làm hổ thẹn!»
«Đường huynh chớ khách sao! Tới khách điếm của mỗ rồi, chúng ta vào trong cùng đàm đạo.»
Khách điếm này nằm ngay đầu làng, kế bên là cổng tam quan đã cũ, sau lưng khách điếm là một bến nước, có vẻ như buổi sáng ở đây cũng là chợ, từ đây có thể đến được nhiều nơi, lục tỉnh miền tây nổi tiếng nhiều kênh rạch, đan xen chằng chịt, vậy nên di chuyển tiện nhất bấy giờ phải kể đến là ghe, tàu.
Khách điếm không lớn, nhưng sạch sẽ, đẹp mắt. Bên trong vẫn còn một ông lão đang ngồi bên ánh đèn dầu uống trà, ve một điếu thuốc rê, mắt lim dim. Phúc Nguyên gật đầu chào rồi đi ra nhà sau, Hồng Quán và Tư Lĩnh cũng làm theo. Qua một dãy hành lang nhỏ hẹp, với hơn bảy phòng nhỏ, đến phòng cuối là chỗ của Phúc Nguyên. Phòng sàn đất, vách tre đan, cửa sổ sập, nhìn ra bến sông, bên dưới cửa sổ là bãi đất bồi với những rễ bần mọc ngược lên, tua tủa như hầm chông. Tán bần phủ kín trên phòng, gió đêm thổi qua làm cành lá cọ vào mái kêu xào xạc.
Phúc Nguyên đóng cửa phòng, cài then cửa sổ, châm một cây đèn dầu để lên bàn giữa phòng, rồi mời Hồng Quán và Tư Lĩnh ngồi. Phúc Nguyên lấy trong tay nải để đầu giường ra một túi vải, đặt giữa bàn, sau đó nhắm mắt tựa như quan sát bằng linh cảm, xem xung quanh có ai theo dõi hay không mới quyết định nói chuyện với Hồng Quán và Tư Lĩnh.
Phúc Nguyên cảm thấy an tâm, anh ta mới mở gói vải, có ba lớp vải, một lớp lụa vàng, bên trong là hai miếng vải. Một miếng vải vuông, màu xám tro, trông cũ kỹ vô cùng, thậm chí có cả một số vết ố màu đen, trông không khác gì vết máu khô, một miếng vải dài hơn, màu xanh rêu nhạt. Phúc Nguyên lấy ra tấm dài, cất tấm vuông lại vào.
Phúc Nguyên đặt tấm vải dài đó ra giữa bàn, nhờ Tư Lĩnh cầm cây đèn cầy lên cao một tí cho đừng bị khuất sáng. Ba người chụm vào nhau, xem một tấm bản đồ, chia làm ba phần, một phần ba bên trái là các chữ Hán, hai phần ba còn lại là đường đi nước bước đến một nơi gọi là Thiên Tướng Cung.
Hồng Quán nhìn sơ qua, nói với Phúc Nguyên: «Thiên Tướng Tiên Cung, có phải là thứ để lại từ loạn Lâm Sâm từ hồi tiền triều hay không?»
Phúc Nguyên gật đầu, bảo rằng đúng là vậy. Tư Lĩnh hỏi: «Loạn Lâm Sâm? Có phải vào triều vua Thiệu Trị Nguyên niên của tiền triều, từng làm mưa làm gió, chỉ thua khi gặp Nguyễn Tham tri cùng Nguyễn Tổng đốc*?»
(*: Thiệu Trị Nguyên niên tức năm 1841, Nguyễn Tham Tri tức Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tổng đốc tức Nguyễn Tri Phương.)
Kể rằng, thủ đoạn xách động của Lâm Sâm là dùng bùa ngải, do các tên thầy bùa đưa ra rồi loan tin thất thiệt, ai không theo chúng sẽ bị Trời Phật hại, ai theo thì được cứu thoát, nên có lúc loạn quân lên đến bảy, tám ngàn. Ngoài Lâm Sâm, còn có tên tổng Cộng và một tên tự xưng là phò mã Đội. Còn vũ khí là đao mác, chà gạc, phãng kéo cổ thẳng. Đám quân của Sâm đều bị huyễn hoặc, tự cho mình là tiên thánh hạ phàm, thậm chí lúc chết vẫn không tỏ ra run sợ, cứ bảo là sẽ hồi sinh tái thế, tiếp tục tạo phản đến kỳ được thì thôi.
Tư Lĩnh nói : «Loạn Lâm Sâm thì biết, nhưng nhị ca à, cái Thiên Tướng Tiên Cung gì đó, sao lại liên quan vào đây?»
Hồng Quán kể, theo sử viết, Lâm Sâm vì tin lời một thuộc hạ gọi là Đạo Liễn mới khởi binh tạo phản. Đạo Liễn xuất xứ bất minh, chẳng biết gốc gác ở đâu, chỉ thấy hay tu ở động Thâm Vân, núi Anh Vũ, An Giang, có tài đi mây về gió, nhờ vậy những lời y nói Lâm Sâm mới nghe. Khi Lâm Sâm bị xử trảm, Đạo Liễn không bị bắt, nghe đâu đã nương lại quanh quẩn ở vùng Ba Thắc, Trà Vang, Trà Vinh, tuy không thu thập đồ đệ, nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, dùng tài phép lừa gạt dân lành.
Những lần như vậy, Đạo Liễn nói rằng sẽ dùng tiên thuật, thỉnh ý nguyện của Tam Thanh mà tái sinh cho Lâm Sâm, hoàn thành cơ nghiệp. Từ đó, rất nhiều xác của quân Lâm Sâm biến mất, quan trọng nhất là bốn mươi chín ngày sau khi xử trảm Lâm Sâm, xác ông ta cũng biến mất. Bỗng nhiên có thêm một số vụ mất tích, sau có người về báo, rằng anh ta bị Đạo Liễn bắt cóc, bỏ bùa ngải, bắt làm nhân công xây dựng hầm mộ, nghe đâu là chỗ để tu luyện, gọi là Thiên Tướng Tiên Cung, nằm trong một khu rừng nhỏ, cách sông Cổ Chiên về hướng Tây chừng bốn dặm.
Khi quan binh đến, trong rừng khắp nơi vương vãi đất đá, dấu vết xây dựng đúng là còn, nhưng chẳng thấy có cung điện thành quách gì cả, chỉ là cái chằm nước ngập quá mắt cá một chút, lau sậy mọc đầy, chướng khí dày đặc. Người kia nói mãi chẳng ai tin, chuyện từ đó chìm vào quên lãng, người này mới nhân chuyện bị bắt cóc đó mà vẽ bản đồ lại nơi mà Đạo Liễn xây dựng Thiên Tướng Tiên Cung, định bụng sẽ cùng những người khác điều tra, nhưng mãi vẫn không thấy tung tích. Người này truyền bản đồ lại cho con cháu, để sau này đừng quên đường đến khu rừng năm xưa, chung quy lại, ông ta vẫn tin rằng, Đạo Liễn cất giấu bên dưới là rất nhiều châu báu tiên đơn.
Tư Lĩnh nhìn kỹ lần nữa tấm bản đồ, nó vẽ một khu rừng cách sông Cổ Chiên bốn dặm, nằm giữa sông Long Bình và Rạch Thuồng Luồng, trông như là địa phận của làng Cái Xuôi, quận Bàng Đa, Trà Vinh.
Chữ Hán bên trái mô tả lại các vật mốc và cách đi đứng, hoặc mô tả lại quy mô của thứ gọi là Thiên Tướng Tiên Cung.
Hồng Quán trầm ngâm, hỏi: «Cái bát này không phải là cái bát khó mà anh nói đúng không? Tôi cho rằng, vẫn còn một cái nữa!»
Phúc Nguyên vỗ đùi, nói: «Đúng là không qua mắt được Đường Hồng Quán anh mà!»
Hồng Quán đặt tay lên bàn, nhích người về phía Phúc Nguyên, hạ giọng nói nhỏ: «Tôi đoán ra sơ sơ. Nhưng trước hết, tôi cứ nghĩ không cần phải biết quá nhiều về anh, nhưng sau khi xem thứ này, tôi phải hỏi kỹ, anh là ai? Tại sao có được thứ này?»
Phúc Nguyên chậc lưỡi, nói: «Không phải tôi muốn giấu, mà chuyện khá dài, và không biết nói ra các anh có tin hay không, thôi thì trước khi bốc cái bát nhỏ này, tôi cũng muốn kể lại một chút truyện có liên quan đến các anh.»
Phúc Nguyên nhân đó kể lại câu chuyện hơn ba tháng trước.
Hành Gia đặt dấu chân của mình tại lục tỉnh ngót ngét gần sáu mươi năm, môn đệ kỳ thực không nhiều, nhưng đa phần đều là những người học một biết mười, gan dạ. Vùng lục tỉnh địa hình đồng bằng, nếp sống khác xa Hồ Nam quê cũ, chẳng có ai chết xa nhà để mà dùng lại cái mánh tống xác, đành dựa vào những bí thuật tống xác như «hóa bích», «đào thủy», «tiềm thi» mà tạo ra các bí quyết «hành hương», làm cho xác bị kéo ra khỏi quan mà vẫn còn tươi mới, lâu phân hủy, thậm chí dùng Miêu Ngọc còn có thể khiển thây dễ như múa rối. Trong các môn đồ của Hành Gia Lão Tổ Tông có một người xưng là Hành Gia Thiên Quân, vốn từ nhỏ theo sư phụ đi tống xác, sau về lục tỉnh cũng là những người đầu tiên đi hành hương, bảy mươi tuổi mới nhận đồ đệ. Thiên Quân có ba đệ tử, người thứ nhất là Thái Văn Khởi, thứ hai là Đường Hồng Quán, thứ ba là Cao Ma Lĩnh.
Thiên Quân về sau đi săn Thi Nhân Hành Gia, bị vật, tuy chưa chết ngay nhưng nội thương rất nặng, chẳng lâu sau thì mất. Thiên Quân để lại cho Văn Khởi một số đồ vật, trong đó có Thiên Tướng Tiên Cung Đồ, là thứ đang ở trong tay của Phúc Nguyên.
Ba tháng trước, Phúc Nguyên kể, trong một lần y tìm bảo vật tại mộ cổ hơn bốn trăm năm tại Vĩnh Long thì phát hiện ra một bức mật đồ. Trên đường đi tìm thêm tung tích để có thể hiểu được mật đồ, Phúc Nguyên gặp một toán thổ phỉ đang vây đánh một người. Phúc Nguyên liền trợ ứng, hai người liên thủ đuổi được phỉ. Người kia sau đó mới xưng là Văn Khởi. Hai người kết giao, đối ẩm cảm thấy như tri kỷ lâu năm, cả hai đều đem tuyệt kỹ trong giới của mình ra để trao đổi nhau.
Qua lời kể, Phúc Nguyên mới biết được tên gọi chính thức của Hành Gia, dù trước đây cũng đã biết về những người chuyên đi trộm mộ. Việc làm tuy nghe qua có vẻ thất đức, nhưng thời cuộc vốn là thứ khó định, chẳng dễ dàng gì phân định được tính đúng sai phải trái, thông qua lời kể của Văn Khởi, Hành Gia chỉ chuyên trộm mộ của kẻ cường hào ác bá mà thôi.
Văn Khởi kể qua về Hồng Quán và Tư Lĩnh thì Phúc Nguyên đều đã nghe qua danh. Đường Hồng Quán vốn mồ côi từ nhỏ, làm nghề khiêng hòm, đào huyệt, lấy cốt từ nhỏ, bản tính lanh lẹ, gan dạ, hay hành hiệp trượng nghĩa, từ ngày học xong đạo thuật của Thiên Quân thì thường đi đó đây trừ cương thi.
Tư Lĩnh thực chất lớn tuổi hơn cả Văn Khởi, nhưng vì nhập môn sau hai người kia, Hành Gia lại là nơi có bang quy khắt khe, Tư Lĩnh phải xưng em với hai người sư huynh. Tư Lĩnh vốn có xuất thân thương gia, nhưng gia sản sớm lụn bại, sau đó học đạo, làm thầy pháp, trên vai lúc nào cũng có con Mèo Mắt Lộn.
Trong cơn say, Phúc Nguyên kể về mật đồ mà mình tìm được, Văn Khởi hết sức tò mò, mới lấy tấm của mình ra, thấy cách trình bày của cả hai rất giống nhau, đều nói đến hai khu mộ, đối xứng nhau qua con sông Cổ Chiên, hệt như vòng âm dương vậy! Hai bát hương Cổ Nhân này, theo lời Văn Khởi, sư phụ Thiên Quân từng nói bên dưới mộ «âm» có «dương», và bên dưới mộ «dương» có «âm». Thứ mà Phúc Nguyên đang tìm, chính là thứ cực âm, nên nó sẽ để trong mộ dương. Văn Khởi nói bản thân không quan tâm đến việc bốc cái bát cổ nhân ấy, vì nó quá nguy hiểm!
Phúc Nguyên từ ngày đặt chân vào giới giang hồ ẩn mật, nghe truyền thuyết về thứ cực âm bên trong mộ dương kia, lòng đã luôn nghĩ về nó, nay manh mối lại xuất hiện sờ sờ trước mặt, dễ gì vì hiểm nguy mà bỏ qua. Phúc Nguyên bèn hỏi nguy hiểm ấy là gì, Văn Khởi nói: «Bố cục mộ vô cùng hung hiểm, chính là thứ mà Hành Gia bọn huynh gọi là Mộ Thiên Can, Quan La Sát, mười người vào đều không ai trở ra, nói gì đến việc bốc bát!»
Cả đêm ấy, Văn Khởi trình bày cho Phúc Nguyên nghe sơ lược về cái gọi là Mộ Thiên Can, Quan La Sát, nhưng tiếc là không thể đi theo Phúc Nguyên được, vì lòng đã quyết là sẽ rửa tay gác kiếm, rút khỏi giới giang hồ, lui về sống cùng vợ con. Phúc Nguyên thấy không thể thuyết phục được cũng thoáng buồn, Văn Khởi nói: «Việc này, ta tin hai sư đệ của ta có thể sẽ đồng ý đi bốc bát hương với đệ, đệ cứ đi tìm Hồng Quán và Ma Lĩnh, hai đứa bọn nó rất giỏi, đặc biệt là thằng Quán, đem theo Thiên Tướng Tiên Cung Đồ này làm tin cho bọn nó, bảo rằng đã gặp được ta, hẹn chúng mồng một tết năm nay nhớ đến nhà ta uống rượu mừng!»
Phúc Nguyên cầm Thiên Tướng Tiên Cung Đồ trên tay, định hỏi thêm thì Văn Khởi đã hiểu ý, nói: «Dù gì thì đệ cũng sẽ cần đồ này cho chuyến bốc bát sắp tới, đây là mộ âm có vật dương bên dưới, thu được vật dương, ít nhiều sẽ giúp ích cho chuyến vào mộ dương lấy vật âm!»
Phúc Nguyên từ biệt Văn Khởi, sau ngày ấy thì đi khắp lục tỉnh, tìm kiếm tung tích của Hồng Quán, mãi không xong, ai ngờ vừa lúc hết tiền, định «sàng tro» một ít từ nhà Cả Điều thì lại gặp ngay Hồng Quán và Tư Lĩnh.
Phúc Nguyên kể xong, Hồng Quán và Tư Lĩnh đều trầm ngâm, hồi lâu sau, Hồng Quán mới nói: «Mộ Thiên Can, Quan La Sát thú thực trước giờ Quán tôi chỉ nghe thôi, chưa bốc được bát hương nào bố phòng theo kiểu ấy cả, nhưng nay nghe anh nói vậy, trong lòng không khỏi phấn khích, muốn liều cái mạng này một phen!»
Tư Lĩnh cầm bản đồ, xem qua địa thế, phát hiện được gì đó, liền kéo Hồng Quán đến xem: «Nhị ca, cái này là Toàn Can đó, trên dưới trái phải, tất cả đều hung hiểm, sao vào được đây?»
Phúc Nguyên nghe xong không tránh khỏi hàng tá câu hỏi trong đầu về độ nguy hiểm của thứ gọi là Mộ Thiên Can Quan La Sát này!