Chap 21
Liễu ngả mình xuống bãi cỏ biếc, ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời, cô thấy an yên đến lạ…
Cuộc sống công việc bộn bề, đã rất lâu rồi cô lại mới tìm được chốn bình yên, có được phút giây thư thái tự tại như thế…
Bà Thanh – chủ quán ăn cũng ngồi xuống cạnh cô rồi nói:
– Cô thấy cảnh quê tôi có đẹp hơn nơi thị trấn không?
Liễu cười đáp:
– Đẹp lắm cô ạ, sao người xưa khéo chọn chỗ mà thờ phụng, ngôi đền nằm đây đúng là kì quan.
Sóc cũng ngả lưng xuống bãi cỏ nói hùa vào:
– Chỗ quê mình cũng có nhiều bãi cỏ nhưng toàn phân bò thôi, không có chỗ nào đẹp mà sạch như ở đây.
Cô thanh phá cười lên nói:
– Cỏ ở đây tốt thế nhưng người dân không thả bò vào bao giờ. Đền thờ Tử Hậu tướng quân thiêng lắm.
Liễu hỏi:
– Đền này dựng ở đây đã mấy trăm năm vẫn được gìn giữ trang nghiêm như vậy, hẳn là người được thờ phải có công lao sâu dày cô nhỉ? Thế sao cháu học lịch sử không có nghe qua tướng quân Tử Hậu?
Cô thanh liền trầm giọng, đoạn giảng giải cho Liễu nghe:
– Tướng quân Tử Hậu là phiêu kị tướng, hữu tướng quân dưới trướng Võ Viễn Hầu, vào thời vua Lăng Chính nhà Trần, tướng quân tài năng vang dội, dùng binh như thần, lập đươc nhiều công lao trong cuộc chiến chống giặc Mông Nguyên xâm lược nước ta, thế nhưng khi về thời bình, thì gặp phải đảo chính, thành Lăng Cô gặp hỏa hoạn cháy mất, Võ Viễn Hầu cũng qua đời do chính biến, triều đình ra lênh tróc nã thân quyến của Võ Viễn Hầu vì tội mưu phản, những ai là thuộc hạ cũ nếu hàng đều được tha cho, phong cho quan chức, nhưng Tử Hậu tướng quân khi ấy không hàng triều đình mà tiếp tục đi theo bảo vệ cho chính thất phu nhân của Võ Viễn Hầu, hai người lẩn tránh sự tróc nã rất cực khổ, lưu lạc tới huyện này. khi ấy không còn được cầm quân, nhưng phu nhân của viễn hầu thì lại là pháp sư, từ đó tướng quân mới lộ ra tài lạ về huyền thuật, do vậy trong sử sách tránh không ghi. Khi tướng quân và phu nhân của Võ Viễn Hầu qua đây đã giúp đất đai vùng này yểm lại long mạch, rồi trừ tà ma giữ cho thôn xóm nơi Đình Trạch yên bình, công lao hai ngài đối với vùng đất này rất lớn nên nhân dân tự lập miếu lên mà thờ, thực ra trong làng tôi vẫn còn một ngôi miếu khác thờ vị phu nhân của Võ Viễn Hầu, nhưng trong thời chiến tranh chống Mỹ bị bom đạn phá nát không khôi phục được, chỉ giữ lại được đền Tử Hậu.
Liễu nghe cô Thanh kể chuyện, trong lòng thầm cảm thán người xưa, thật là một lòng tận trung vì quốc gia xã tắc, khi chủ chết thì không màng vinh hoa, từ bỏ tiền tài danh vọng, địa vị chức tước tiếp tục theo hầu cho vợ của chủ.
Liễu lại hỏi:
– Thế vị phu nhân kia là ai? Người nữ mà cũng giỏi thế sao?
Cô thanh lại đáp:
– Người ngày xưa khổ lắm cháu ơi, nếu người nữ mà làm pháp sư là bị người ta dị nghị dày vò rất ghê, nên thời ấy tuy có công lớn nhưng người ta đâu dám lập đền thờ, chỉ dám xây một miếu nhỏ, rồi thờ tế trong thầm lặng vậy thôi.
Phải rồi…vào thời ấy e là vẫn còn trọng nam khinh nữ, đâu được như bây giờ?
Rồi Sóc chợt hỏi:
– Mà sao Gấu vào thắp hương lâu ra vậy nhỉ?
Liễu nghe mới sực nhớ ra thì giật mình, lại vội đứng dậy đi lai phía đền tìm Gấu.
…
Nói tới Gấu, mọi người vào trong đền thắp hương xong xuôi thì tản ra đi bộ trong đồng cỏ để vãn cảnh, bấy giờ Gấu mới vào thắp hương sau.
Gấu đứng trước ngôi đền một mình khá lâu, anh thầm lặng im quan sát…
Ngôi đền rêu phong cổ kính những dấu ấn của thời gian, thế nhưng nét phiêu linh hãy còn đọng nguyên ở đó…
Đền cũng nhỏ thôi, đã được tu sửa lại nhiều, nhưng vẫn giữ được hai câu đối khắc trên hai cây cột lớn hai bên bằng mực đỏ xưa.
“Trông trời xanh, tận trung cho xã tắc
Nhìn đất thẳm, tận nghĩa với gia môn.”
Trên là hàng mái ngói, có chạm hình rồng uốn quanh, hai bên chân cột là hai con nghê lớn, miệng con nào con nấy đều ngậm một thanh kiếm bằng đá xanh.
Kết quanh đền không dùng tường bao, mà là một hàng liễu rủ, bước qua hai cột lớn tiến vào trong thì thấy trồng hai cây tùng lớn hai bên cửa đền, nơi bên trái cửa đền là tượng một con đại bàng được chạm bằng đã cũ, trông đã mài mòn không còn được nét tinh xảo, nhưng khí chất từ đại bàng toát ra vẫn thâm nhập bao trùm, hút mắt người nhìn…
Quả là một nơi anh linh tôn nghĩa mang một vẻ đẹp kì diệu phiêu linh lắm thay…
Gấu hít một hơi dài, mạnh dạn tiến tới trước cánh cửa gỗ đã cũ, định bước vào thắp cho người trong đền một nén nhang.
Thật là,
Đền thiêng giữ bóng anh linh
Thờ người quân tử bỏ mình vì dân
Tháng năm đã ngấm bụi trần
Nay duyên hội đủ huyền nhân đến chào.
Đoạn Gấu toan bước vào trong thì chợt nơi đồng cỏ thanh vắng im lìm, bốc chốc gió lốc từ đâu nổi lên ầm ầm, cát bay đá chạy, giông giật mịt mù ngỡ như trời sắp đổ cơn mưa lớn.
Rồi bỗng một cơn gió mạnh xô từ bên ngoài thốc vào cánh cửa, cửa đền chợt đóng sầm một cái, gió lại đẩy ngược Gấu ra xa cửa…
Rồi bỗng từ nơi tượng con đại bàng đá đặt trước cửa đền bốc lên một làn khói bạc, nó tụ hình dần dần lại thành hình một con đại bàng, đậu ngay vào nơi giữa cánh cửa, đại bàng ấy trông to lớn hơn người, sải cánh rất rộng, móng vuốt sắc lẻm, đôi mắt hau háu nhìn chăm chăm vào Gấu, rồi đại bàng lên tiếng nói như người:
– Tiên sinh kia là ai, tới đây có việc gì?
Gấu không thấy được đại bàng, chỉ thấy chợt nổi lạnh khắp thân, lại thấy cánh cửa đền bị gió quật cho đóng lại thì hoảng sợ còn chưa biết ra sao, đi cũng chẳng được, tiến cũng không được, lại như chẳng muốn nhúc nhích, nên lại đứng im quan sát.
Bấy giờ từ nơi con dao vu giắt bên hông Gấu xuất ra một làn khói đen, tụ dần thành hình quỷ lửa Hoả Thiên Di, quỷ khấu đầu chào đại bàng rồi nói:
– Chủ tôi nay muốn thăm vị thần trong đền chứ không có ý phá, xin cho chủ vào thì tôi cảm kích.
Đại bàng lại trừng mắt quát:
– Tao đang hỏi người huyền nhân, cái thứ ngạ quỷ mày sao dám lên tiếng nói càn?
Hỏa thiên di nghe vậy chợt giận sôi gan tím ruột, nhưng cũng kiềm lại nói:
– Thưa thần, chủ tôi đang mang bệnh nên không nhanh nhạy được như thường, không thể nghe biết được thần, xin cho tôi thay lời chủ.
Thế rồi chợt gió lại nổi lên một chập nữa, nhưng lần này cơn gió lại từ trong đền thổi xốc ra, chợt đẩy mở tung cánh cửa đền…
Đại bàng thấy thế thì biết thần cho vào, liền nói:
– Vậy người huyền nhân vào trong, còn âm binh xin đứng ngoài chờ.
Hỏa thiên di bấy giờ không kìm được, bực tức quá hét lớn vào mặt chim:
– Cái thứ đồ súc sinh như mày, nãy giờ tao nhịn mà mày quá lắm, mày có muốn nát thây không thì bảo?
Nói đoạn đưa tay lên miệng lầm rầm niệm chú, tức thì thấy nơi cánh tay trái bị băng trắng của Gấu có biến đổi, lớp băng đen dần rồi từ từ bốc lên một làn khói đen, chúng nó tụ lại thành hình hai con quỷ, một con dài lêu nghêu như cây sao, không có mắt mũi gì, tên nó là Vô Diện, một con thì tụ lại thành hình con thú bốn chân, nhìn nửa trông như hổ, nửa lại như chó sói, nanh vuốt sáng lòa, tên nó là Kỉ Như.
Quỷ Kỉ Như nhìn Hoả Thiên Di nói:
– Thưa quan nhân, chớ làm kinh động chốn linh thiêng kẻo phải tội thì mất công đức của chủ ta.
Hỏa thiên di nghe thế mới thôi, liền niệm chú cho bọn nó tan đi, rồi mình thì nhập lại vào dao vu.
Đại bàng cũng liền bay đi nhập lại vào mỏm đá.
Bấy giờ Gấu thấy đôi chân như nhẹ hẫng đi, lại linh tính như có sự thôi thúc cho bước vào, liền cứ theo tiềm thức mà đi vào, nhưng đi được hai bước thì chợt thấy nơi cánh tay trái nhẹ hẫng, hóa ra ma quỷ ở nơi tay trái thoát ra hết, rồi tiến thêm một bước lại thấy con dao vu dắt rất chắc chắn nơi thắt lưng bỗng tuột rơi ra xuống đất.
Gấu cúi xuống định nhặt thì chợt trong tai lại vang lên tiếng nói nghe rất rõ:
– Thôi cứ để đó rồi vào đi cho ta gặp.
Gấu giật mình ngước mặt lên nhìn quanh quất chẳng thấy ai thì bán tín bán nghi, nhưng lạ kì thay trong lòng lại chẳng có chút sợ hãi nào, liền cứ để dao dưới đất, mạnh dạn bước vào trong đền.
Gấu bước vào trong thì liền quan sát một hồi, ngôi đền đặt nhiều hoa nhang ngũ quả năm màu, hương khói đủ đầy, hai bên đền là hai giá gỗ, trên giá treo nhiều thứ binh khí minh họa đúc bằng sắt đầy đủ từ trường côn, đoản côn, trường kiếm, đại đao, cung tên, roi mây, treo giăng đầy lên hai cái giá để binh khí.
Đoạn lại nhìn vào ngay giữa đền thì thấy là một tượng người mặc áo giáp chiến, tóc dài ngang vai, khuôn mặt đỏ lử quắc thước, không có để râu, dáng cũng nhỏ người thanh mảnh, chân mang giày cao, tay cầm thanh kiếm xanh, người ấy được tạc đôi mắt long lanh, trông như thư sinh chứ không giống tướng, nhãn quan rất cao, miệng khẽ cười mỉm, dưới chân tượng có tấm bia ghi hàng chữ:
“Phiêu Kị tướng quân – .”
Rồi chợt tượng như mỉm cười nói:
– Hai bên là binh khí ta dùng khi còn sinh thời, ngươi biết dùng không?
Gấu lại nhìn lại một lượt, vẫn chẳng thấy ai, chẳng biết âm thanh từ đâu mà có, thì tiếng người ấy lại vang lên:
– Chính ta nói đây, ngươi nghe được tiếng ta mà không thấy được ta sao?
Gấu giật mình nhìn lên giữa tượng…
Là bức tượng đang nói chuyện với anh sao?
Gấu chợt cất tiếng nói mạnh dạn;
– Tôi thấy quen lắm, hình như cũng từng học dùng ở đâu rồi…
Tượng lại nói:
– Ngươi căn cơ u ẩn sâu dày, sao mà lại ra nông nỗi này, để đánh mất hết cả thần thức, phải nương vào ma quỷ mà sống, để chúng nó thao túng cơ thể sao?
Gấu giật mình nói:
– Tôi sao?
Tượng trả lời:
– Ở đây chỉ có ta và ngươi, ngoài ra không còn ai khác, ngươi mới tới là ta nhận biết được ngay, nay để ta giúp ngươi một phen.
Nói đoạn từ tượng bay lên một hình hài, chính là anh linh của Tử Hậu tướng quân, nhưng Gấu không thấy được, chỉ nghe được giọng mà thôi.
Đoạn tướng đứng sừng sững trên tượng, tay bắt quyết miệng niệm chú, tức thì từ ngoài cửa bay vào hai bóng hình, chính là hai con nghê giữ hai cây cột ở cửa đền, rồi tướng quân nói với chúng:
– Các người xem cứu chữa được cho hắn tới đâu thì làm…
Hai con nghê cúi đầu vâng mệnh rồi bay nhập vào người Gấu…
Ngay khi ấy Gấu thấy trời đất điên đảo, vạn vật quay cuồng, chợt thấy như hồn phách lên mây, kinh hãi ngã vật ra ngay giữa đền mà ngất lịm đi…
…
———————–