Bàn Có Năm Chỗ Ngồi

Chương 11

Quang gật đầu, sắp sửa rơi vào kịch bản của tôi nhưng không hiểu sao đến phút chót, nó lại đâm bướng:

- Tao thích màu vàng.

Tôi tức muốn ói máu:

- Thiệt không ?Quang khăng khăng:

- Thiệt mà.

- Thiệt thì thôi !

Tôi trả lời xụi lơ .Sau khi nghĩ thoáng trong đầu một đề tài mới, tôi lại hỏi Bảy:- Mày thích đi xe hơi hay đi xe lửa ?

Mặc dù chưa biết phương pháp giảng dạy của tôi hay dở thế nào, nhưng lần này Bảy không ngạc nhiên nữa . Nó đáp ngay:

- Xe lửa .

- Còn mày ?

Tôi hỏi Quang, cặp mắt chăm chú.

Một lần nữa, nó lại làm tôi thất vọng:

- Tao chưa đi xe lửa bao giờ làm sao trả lời .- Vậy thì mày cứ thích đi xe hơi đi ! - Tôi nóng ruột, mớm.

Quang lắc đầu:- Xe hơi mà thích quái gì ! Mùi xăng hôi thấy mồ !

Tôi lại suy nghĩ, đầu quay như chong chóng. Vừa nghĩ tôi vừa rủa thầm thằng Quang: Trăm sự rắc rối cũng tại nhà sinh vật khỉ gió này ! Cuối cùng tôi cũng đặt được một câu hỏi khác:

- Mày thích ăn món gì, Bảy ?

Thấy tôi hỏi loạn xạ mà chưa động gì tới văn nghị luận, mặt Bảy hơi lộ vẻ sốt ruột. Tuy vậy, nó vẫn trả lời nghiêm chỉnh:

- Hủ tiếu .

Tôi liếc Quang, trống ngực đập thình thịch một cách hồi hộp. Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì nó đã mau mắn:

- Còn tao, tao thích ăn bún hơn.

Tôi nghe nhẹ cả người . Đúng là, hễ dính đến ăn uống là có chuyện ngay . Về khoản này, chẳng đứa nào chịu đứa nào . Tôi đi bước thứ hai:

- Tại sao mày thích ăn hủ tiếu ? Nêu lý do coi !Bảy liếʍ mép, nói:

- Bở vì trên đời không có gì ngon bằng hủ tiếu . Từng sợi hủ tiếu trắng mịn, mềm mại nằm khêu gợi trong tô hủ tiếu ... Tôi chọc:

- Chớ chẳng lẽ hủ tiếu nằm trong tô phở ?

Bảy nguýt tôi một cái rồi tiếp tục thuyết trình về hủ tiếu:

- Nước xúp béo ngậy, gia vị thơm tho, thịt bò viên ngọt lịm ăn với hành lá, hành cọng giá, xà lách chấm tương ớt thì không chê vô đâu được. Đó là chưa nói đến hủ tiếu gà, hủ tiếu lòng, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Nam Vang...

Bảy nói tới đâu, tôi chảy nước miếng tới đó. Cái thằng ác nhơn thiệt, bảo nó nói sơ sơ nó lại tả chi tiết quá xá !

Nhưng thằng Quang thì không màng gì tới món bò viên của Bảy, nó trề môi:

- Hủ tiếu mà ngon lành gì, không bằng một góc bún. Tao kể mày nghe sơ sơ mấy loại bún nè:

Bún mọc, bún riêu, bún bò Huế, bún thịt nướng, bún xáo măng, bún thang...

Sau đó, nó đi vào mô tả kỹ lưỡng từng loại, còn chi tiết gấp mấy lần thằng Bảy, để chứng minh vị trí hàng đầu của bún.

Bảy đâu chịu để "bún" tấn công mình, nó nhún vai khinh thường:

- Bún đâu có ăn với lòng bò được. Còn hủ tiếu lòng bò ngon hết sẩy !

Quang nhếch mép:

- Nhưng hủ tiếu không có thịt nướng. Thịt nướng thơm thấy mồ !- Bún không thể ăn chung với mì. Còn tao có hủ tiếu mì.

Hai đứa cứ vậy ngoác mồm cãi nhau chí chóe . Tôi làm trọng tài, vừa theo dõi cuộc tranh luận vừa nuốt nước miếng, trong lòng tự trách mình đáng lẽ không nên đυ.ng đến cái đề tài quá sức hấp dẫn này . Đồng thời, tôi cũng lấy làm lạ khi hai đứa bài xích bún và hủ tiếu của nhau hung hăng như vậy . Gặp tôi, tôi khoái cả hai thứ, chẳng chê thứ nào .Thỉnh thoảng hai đứa bạn của tôi cũng lạc đề hệt như tôi với thằng Tin hôm trước.

Quang đỏ mặt tía tai:

- Mày chê bún sao bữa trước mày lại ăn ?

- Ăn ở đâu ? Đừng có xạo !

- Ăn trong căn-tin chớ đâu ! Tao thấy rõ ràng !

- Còn mày, mày làm như mày không ăn hủ tiếu vậy ! Hừ !

Chỉ đợi có vậy, tôi đập bàn như một quan tòa:

- Đề nghị tranh luận nghiêm túc !

Thế là hai đấu thủ vội vàng trấn tĩnh lại, nghỉ lấy hơi . "Lấy hơi" xong, cải hai lập tức "nhảy xổ" vào nhau, không cần đợi trọng tài ra hiệu . Bảy nhảy xổ vào "bún", khinh bỉ. Quang nhảy xổ vào "hủ tiếu" dè bỉu .

Đến khi cả hai cãi nhau mệt muốn đứt hơi, không đủ sức xỉ vả món ăn thù địch nữa, đang ngồi thở dốc trên ghế, tôi mới bắt đầu giảng bài, giọng trịnh trọng:

- Như vậy là các bạn đã cố chứng minh một điều và cố làm cho người khác tin điều đó là đúng. Để thuyết phục, các bạn đã phải vận dụng lý lẽ...

Tôi nói hệt những điều ba tôi đã nói với tôi .

Nghe tôi "giảng" xong, Bảy và Quang phục "phương pháp của tôi" sát đất. Bởi vì, mặc dù sau khi tranh cãi chúng vẫn chưa xác định được giữa bún và hủ tiếu thứ nào ngon hơn thứ nào, nhưng chúng đã có một khái niệm rõ ràng về thứ văn nghị luận hiểm hóc.

Buổi học chung đầu tiên kết thúc một cách tốt đẹp. Hai đứa bạn tôi ra về phấn khởi . Bảy không quên cầm theo cuốn sổ tay văn học của tôi .

Còn tôi, sau khi tiễn hai "học trò" ra về liền liếʍ mép một cái và chạy ngay xuống nhà dưới tìm má tôi, nằn nì:

- Má ơi, ngày mai nhà mình làm bún hoặc hủ tiếu ăn nghen má ?

Má tôi gật đầu làm tôi sung sướиɠ vô kể. Nhưng điều mà tôi sung sướиɠ nhất ngày hôm đó là sự vắng mặt của thằng Tin.

Nếu nó ở nhà, thế nào nó cũng "kê" tôi:

- Phần nói về văn nghị luận, anh học lỏm của ba ! Lêu lêu !

Vừa qua, ban giám hiệu và chi đoàn nhà trường liên hệ với nông trường Lê Minh Xuân mua được mấy trăm cây bạch đàn con, chuẩn bị phát động phong trào trồng cây trong nhà trường. Sáng nay, thứ hai đầu tuần, sau khi sinh hoạt lớp mười lăm phút, thầy Dân kêu tổ một và tổ hai lên văn phòng nhận cây về trồng. Các tổ còn lại thì lên nhà kho mượn cuốc về đào lỗ lên miếng đất trống phía sau lớp, chuẩn bị hạ cây xuống.

Chúng tôi vừa hò reo vừa túa ra ngoài, ba chân bốn cẳng chạy đi tim` dì Ba . Dì Ba là người trông kho dụng cụ lao động của trường, trong đó chất đầy những cuốc, xẻng, xà beng, thùng đổ rác, xô xách nước... Dì tính tình cởi mở, dễ gần, sẵn sàng cho chúng tôi mượn bất cứ dụng cụ cần thiết nào vào bất kỳ lúc nào . Nhưng ngược lại, dì rất nghiêm khắc trong chuyện bảo quản. Lớp nào trực quét sân trường mà trả thiếu một cây chổi thôi là đã chết với dì. Dì báo ban giám hiệu, báo giáo viên chủ nhiệm truy ra cho bằng được. Đứa nào làm mất thì phải đền. Không tìm ra kẻ làm mất thì lớp phải trích quỹ ra mua chổi mới . Mượn xẻng, khi trả, xẻng phải sạch. Đứa nào làm biếng, không chịu rửa xẻng trước khi mang tới kho, không bao giờ dì nhận. Tôi từng là nạn nhân của dì, mỗi lần nghĩ lại còn thấy mắc cỡ. Nhưng trong chúng tôi không đứa nào giận dì lâu . Bởi vì, đứa nào cũng thấy nhờ vậy mà kho dụng cụ trường tôi luôn luôn đầy đủ, cần gì có nấy .

Thầy Dân kêu chúng tôi đào mười hàng, mỗi hàng năm lỗ. Tôi đào cái lỗ của tôi ở chính giữa lô đất, hy vọng rằng nếu có gió bão hoặc có gà vịt hay học sinh buổi chiều chạy ngang thì những hàng cây phía ngoài bị gãy, còn cái cây của tôi sẽ chẳng hề gì.

Khi tổ một và tổ hai đem cây con về, thầy Dân hướng dẫn chúng tôi cách rọc bao ni-lông bọc ngoài sao cho khỏi rớt lớp đất bám chung quanh rễ. Tôi giành lấy một trong những cây tốt nhất đem đặt vào lỗ của mình. Thằng Chí bép xép ở tổ hai chạy theo, cự:

- Cây này tao xí phần rồi ! Chính tay tao đem từ văn phòng về !

Tôi gạt phắt:

- Kệ mày ! Đứa nào nhanh tay đứa đó lấy !

Thấy tôi làm dữ, Chí đành phải chạy đi chọn cây khác. Nhưng tôi bị hố to .

Sau khi trồng cây xong, thầy Dân giao ỗi tổ chăm sóc một hàng. Bắt đầu từ hàng ngoài cùng là tổ một, kế đến là tổ hai, cứ vậy mười hàng giao ười tổ. Tréo ngoe làm sao, cái cây "chiến" của tôi lại nằm trong hàng của tổ sáu . Tôi càng đau lòng hơn nữa khi hình lại hàng cây của tổ năm tôi chẳng có cây nào ra hồn cả. Cây thì nhỏ xíu, thấp lè tè, cây thì lơ thơ có hai, ba chiếc lá.