Giác Quan Thứ 7

Chương 16: Rừng thiêng nước độc

Hôm sau Bá Văn cùng A Páo, Như Ngọc tiếp tục lên đường, đến trưa thì ba người đi đến một cây cầu trên quốc lộ 4, đó là cầu Bản Trại. Đây là cây cầu bắc qua sông Kỳ Cùng, vì thế Bá Văn đặc biệt bảo mọi người dừng lại nghỉ ngơi, rồi anh đi quan sát cây cầu và cả dòng sông cũng như hai bên bờ sông. Đoạn sông Kỳ Cùng nơi cây cầu Bản Trại bắc qua rộng khoảng 200m, thời điểm ấy chưa phải mùa mưa nên dưới lòng sông nước không nhiều, dòng nước chảy khá phẳng lặng. Bá Văn nhận định với dòng nước như vậy việc di chuyển bằng thuyền bè rất thuận lợi. Sau một hồi lâu quan sát Bá Văn hỏi A Páo:

-- A Páo, cầu này cách Bó Củng còn bao xa?

-- Báo cáo thủ trưởng, khoảng 6 giờ đi bộ liên tục ạ.

-- Vậy là khoảng 25km. Cơ sở gần nhất của ta là ở Thất Khê phải không?

-- Báo cáo thủ trưởng đúng vậy ạ, nhưng vì cầu Bản Trại là một cây cầu quan trọng trên tuyến đường này, vì thế A Páo có bố trí một đồng chí cơ sở ở gần đây. Nếu thủ trưởng cần tôi sẽ đi gọi đồng chí ấy tới.

-- Tốt lắm A Páo, anh đi gọi đồng chí cơ sở đến đây gặp tôi. Tôi và Như Ngọc sẽ chờ ở đây.

-- Rõ thưa thủ trưởng.

A Páo nói rồi vội vàng chạy đi, người miền núi quả nhiên nhanh nhẹn khỏe mạnh. Như Ngọc lúc này mệt mỏi rã rời, chân cô có cảm giác như không thể tiếp tục đi được nữa. Khi thấy Bá Văn nói sẽ ngồi đợi ở đây thì Như Ngọc mừng lắm. Bá Văn tiến lại gần Như Ngọc hỏi:

-- Cô có vẻ mệt mỏi Tố Tố?

-- Tôi ổn, chỉ không quen đi bộ nhiều như vậy thôi.

-- Hay để tôi nhờ A Páo kiếm một con ngựa giúp cô?

-- Không cần đâu anh Bảy, mọi người đi bộ được thì tôi cũng đi được.

-- Đừng cố sức quá, kẻo đến nơi lại không còn sức lực đối phó với kẻ địch.

-- Ở đây là nơi rừng núi hẻo lánh, tôi không phải lo lắng quân Pháp, vì thế tôi sẽ được thoải mái dùng súng đúng chứ, vậy nên anh yên tâm. - Như Ngọc nói.

Bá Văn mỉm cười không nói gì, anh không biết khả năng thiện xạ của Như Ngọc đến đâu. Nhưng anh tin cô phải là một tay súng cừ khôi. Bá Văn lại gần dòng sông và lấy nước để uống, anh cũng lấy luôn nước cho Như Ngọc:

-- Tố Tố, cô uống nước này.

-- Cảm ơn anh Bảy.

-- Ở đây có vẻ gió khá lớn, cô cẩn thận bị lạnh.

Bá Văn nói rồi quay người đi về phía con sông tiếp tục quan sát. Như Ngọc thấy Bá Văn quan tâm đến mình thì một cảm xúc dâng trào. Có lẽ trong lòng cô đã có hình bóng của người thủ trưởng mất rồi.

---------------------------------------------------------------------

Khoảng nửa giờ sau A Páo cùng một thanh niên khoảng 16 tuổi ăn mặc kiểu dân tộc thiểu số đến. Cậu thanh niên ấy nói tiếng Kinh rất kém vì thế A Páo là người phiên dịch cho cậu ta nói chuyện với Bá Văn. Bá Văn căn dặn cậu thanh niên chú ý tất cả tàu bè hoặc bất cứ thứ gì trôi trên sông, đặc biệt là thời điểm ban đêm, nếu có gì bất thường thì báo lại cho A Páo chứ không được tự ý hành động một mình. Sau khi Bá Văn căn dặn cậu thanh niên xong xuôi thì mọi người tiếp tục lên đường. Như Ngọc được ngồi nghỉ khá lâu vì thế cô đã có sức lực để tiếp tục cuộc hành trình.

Ba người vừa đi vừa nghỉ ngơi dọc đường, vì Bá Văn biết Như Ngọc không chịu được nếu phải đi bộ nhiều như vậy. Đến gần khu vực Lũng Vải, cách Bó Củng khoảng hơn một giờ đi bộ thì Bá Văn quyết định dừng chân tại đây. Anh nói với A Páo tìm chỗ nghỉ chân để ở dài ngày chứ không phải ngủ một đêm. A Páo thấy vậy nói với Bá Văn:

-- Báo cáo thủ trưởng, hay chúng ta chỉ nghỉ chân một đêm ở đây thôi, vì chỉ cần qua Bó Củng khoảng một giờ đi bộ là đến trung tâm của huyện Văn Lãng. Nơi đó dân cư tập trung đông đúc, một đơn vị bộ đội của ta cũng đóng quân ở đó. Tại sao chúng ta không đến đó hội quân và làm sở chỉ huy luôn ạ.

-- Bên đó có đơn vị của ta đóng quân thì yên tâm rồi. Nhưng còn bên này thì sao? Tôi thấy nơi đây địa hình cực kỳ hiểm trở, đèo dốc quanh co, một bên là núi bên kia là vực sâu. Xa xa tôi còn thấy rất nhiều hồ nước lớn nữa. Chúng ta nhất định phải ở nơi này, quãng đường nguy hiểm nhất chẳng phải là từ đây cho tới trung tâm huyện Văn Lãng hay sao.

-- Thủ trưởng nói đúng, những người mất tích đều là ở đoạn đường từ Lũng Vải đến trung tâm huyện Văn Lãng, mà ở giữa chính là Bó Củng.

-- Vậy A Páo lập tức đi tìm chỗ nghỉ đi, nhớ là càng gần đường 4 càng tốt.

-- Rõ thưa thủ trưởng !!!.

A Páo tìm được một nơi nghỉ chân, đó là một ngôi nhà gần ngã ba Lũng Vải, gia đình chủ nhà biết A Páo là người theo cách mạng vì thế họ rất nhiệt tình đón tiếp ba người. Từ ngã ba Lũng Vải đến trung tâm Văn Lãng chỉ có khoảng 2,5 giờ đi bộ, nhưng quãng đường ấy lại cực kỳ hiểm trở và vắng người qua lại. Mọi người có việc cần cũng chỉ đi ban ngày chứ chẳng mấy ai dám đi ban đêm. Đồng bào dân tộc ở đây đều đồn rằng quãng đường đó có thổ phỉ cướp bóc vì thế càng khiến cho mọi người hạn chế đi qua đó.

Sau khi ổn định chỗ ăn ngủ, Bá Văn để Như Ngọc nghỉ ngơi, còn anh đi một vòng xung quanh khu vực gần ngôi nhà để khảo sát thực địa. Tuy A Páo là người phụ trách tuyến đường nhưng khu vực này A Páo cũng chỉ nắm được sơ sơ chứ không thông thuộc hoàn toàn vì thế Bá Văn cũng không thể trông chờ vào A Páo.

Từ Lũng Vải đến Bó Củng là một khu vực với địa hình cực kỳ hiểm trở, Bá Văn có cảm giác những vụ việc về người mất tích ở Bó Củng có nhiều điểm đáng ngờ về vị trí. Theo những thông tin mà A Páo cung cấp thì những người liên lạc của ta vào địa phận Bó Củng thì không còn để lại liên lạc gì nữa. Nhưng Bó Củng chưa hẳn đã là nơi xảy ra chuyện với những người mất tích ấy, vì Bó Củng khá gần với trung tâm Văn Lãng, bọn thổ phỉ hay gì đi nữa có lẽ cũng sẽ không gây án ở đó. Mà đoạn đường từ Bó Củng tới Lũng Vải mới là nơi thuận lợi nhất trong việc gây án. Vậy tại sao khi vào Bó Củng những người mất tích lại không để lại ám hiệu liên lạc? Chẳng lẽ họ bị khống chế từ lúc bước chân vào Bó Củng? Hay còn nguyên nhân nào khác?... rất nhiều điều chưa thể được lý giải. Bá Văn vừa đi khảo sát địa hình xung quanh vừa suy nghĩ.

Đến khi trời tối không thể nhìn thấy đường đi thì Bá Văn quay trở về căn nhà sàn để nghỉ ngơi. Khi về đến khoảng sân trước nhà sàn, Bá Văn thấy Như Ngọc đang đứng đó có vẻ như cô đang chờ anh về. Như Ngọc nhìn thấy Bá Văn liền nói:

-- Trời tối chưa thấy anh về tôi lo lắng quá.

Bá Văn mỉm cười, không ngờ cũng có ngày Như Ngọc lo lắng cho anh như vậy:

-- Không sao đâu, tôi đi dạo một chút thôi. Cô khỏe hơn chưa?

-- Tôi ổn, anh có phát hiện gì mới không?

-- Vẫn chưa có gì, thôi chúng ta vào nhà đi. Sáng mai sẽ đi khảo sát đoạn đường từ Lũng Vải đến Bó Củng.

Hai người leo lên bậc thang rồi vào trong căn nhà sàn, lúc này A Páo cùng gia đình chủ nhà đang chuẩn bị bữa ăn tối. Khi đến đây xin nghỉ chân thì Bá Văn đã mang vài kg gạo mà anh mang theo để tặng gia đình chủ nhà, coi như đóng góp chút thực phẩm. Người chủ nhà ban đầu không nhận, sau đó được A Páo thuyết phục thì họ cũng vui vẻ nhận gạo từ Bá Văn. Ở vùng núi cao này thịt thường không thiếu, nhưng gạo lại thường xuyên bị thiếu, mọi người có xu hướng ăn khoai sắn thay cho cơm, hoặc tốt hơn là cơm độn khoai sắn. Nay có gạo từ Bá Văn mang theo vì thế bữa cơm chính thức là ăn cơm thực sự.

Đồng bào dân tộc Tày nhiều gia đình nấu rượu ngô, với nhiều người cơm có thể thiếu chứ rượu ngô thì không thể thiếu. Ông già chủ nhà lôi ra bình rượu ngô rồi uống cùng với Bá Văn và A Páo, Như Ngọc thì ngồi ăn cơm cùng với bà chủ nhà và những đứa cháu nội của ông bà. Con trai và con dâu ông bà chủ nhà ở trên nương không về, có nhiều khi họ đi cả tuần mới trở về nhà. Lũ trẻ con thì được ông bà nội của chúng chăm sóc. Ăn uống xong mọi người đi nghỉ sớm để lấy sức sáng hôm sau đi vào khu vực nguy hiểm.

---------------------------------------------------------------------

Sáng hôm sau, Bá Văn, Như Ngọc và A Páo chuẩn bị vũ khí đạn dược đầy đủ rồi lên đường. Họ để lại ám hiệu liên lạc cho những người đồng đội đề phòng họ không quay trở lại. Như Ngọc được nghỉ ngơi đầy đủ vì thế cô đã lấy lại sức lực để có thể bắt đầu cuộc hành trình.

Theo lịch trình mà Bá Văn tính toán thì ba người sẽ đi bộ một mạch từ ngã ba Lũng Vải đến trung tâm Văn Lãng, ước tính thời gian khoảng 3 tiếng. Sau đó liên lạc với lực lượng của ta đóng ở Văn Lãng rồi nghỉ ngơi đến chiều sẽ quay trở lại ngã ba Lũng Vải. Sở dĩ Bá Văn đi 2 lượt trong một ngày như vậy là để khảo sát tuyến đường vào cả buổi sáng và buổi chiều. Nếu gặp những tình huống bất ngờ anh sẽ xử lý tại chỗ. Di chuyển vào ban ngày có lẽ không gặp nhiều rủi ro vì thế Bá Văn mới quyết định chỉ có ba người đi mà không cần thêm người tiếp ứng.

Ba người đi bộ giữ khoảng cách nhất định với nhau và tiến vào khu vực địa hình hiểm trở. Đường đèo dốc rất quanh co, hai bên cây cối um tùm, đi cả km cũng không hề thấy bóng dáng một người dân hay nhà dân nào xuất hiện. Bá Văn suy nghĩ "với địa hình hiểm trở như thế này đối phương có thể dễ dàng quan sát và sát hại bất kỳ người nào đi qua". Khi ước chừng đi được nửa đường, qua khu vực đèo dốc hiểm trở thì đến một đoạn đường khá bằng phẳng, đoạn đường ấy dài khoảng 200m có lác đác nhà dân thấp thoáng ở gần hai bên đường. Bá Văn lúc này hỏi A Páo:

-- A Páo, đây là khu vực nào? Có nhà dân sinh sống kìa!

-- Báo cáo thủ trưởng, A Páo cũng không rõ khu vực này. Thường thì đoạn đường này do những liên lạc địa phương của A Páo đi.

Bá Văn thở dài nghĩ "xem ra phải tự tìm hiểu thôi", sau đó anh nói:

-- Bây giờ chúng ta sẽ vào thử một nhà dân để hỏi thăm, A Páo sẽ trực tiếp hỏi người dân, còn tôi và Tố Tố ở bên ngoài quan sát. Nhớ là nói người đi qua đường, không được để lộ thân phận.

-- Rõ thưa thủ trưởng !!!

Ba người cùng đi vào một căn nhà gần đường nhất, đi khoảng vài chục mét là đến trước cửa căn nhà. A Páo dùng tiếng dân tộc để gọi cửa hỏi thăm, có tiếng người bên trong nói vọng ra, nhưng họ không hề ra mở cửa. Sau một vài câu qua lại thì A Páo chạy lại chỗ của Bá Văn đứng và nói:

-- Thưa thủ trưởng, đây được gọi là Nà Liệt, những người ở đây họ rất sợ có thổ phỉ vì thế nhà nào cũng làm cửa chắc chắn, chứ bình thường nhà dân ở đây không có cửa đâu. Họ bảo không tiếp người lạ thưa thủ trưởng.

Bá Văn lúc này suy nghĩ "Khu vực Nà Liệt này tại sao không nghe một ai nhắc đến, người dân ở đây sống khép kín chứ không cởi mở như những người đồng bào dân tộc thiểu số khác. Chắc chắn khu vực này có vấn đề", Bá Văn nói:

-- Chúng ta quay lại con đường, tìm một vị trí thích hợp ngồi nghỉ chân.

Ba người đi bộ quay lại đường chính, Bá Văn tìm một vị trí dễ ẩn nấp nếu bất ngờ bị tấn công rồi cùng Như Ngọc và A Páo ngồi nghỉ. Lúc này Như Ngọc mới hỏi:

-- Tại sao người dân ở đây lại không thân thiện vậy anh Bảy?

Bá Văn trả lời:

-- Chắc họ có lý do riêng.

Lúc này A Páo nói:

-- Chị Tố Tố đừng trách họ, họ sợ người lạ tất cả là do bọn thổ phỉ cướp bóc.

Như Ngọc mỉm cười nói:

-- Tôi không trách họ đâu A Páo, tôi chỉ tò mò thôi.

Bá Văn ngồi im lặng suy nghĩ:

" Không đơn giản chỉ là thổ phỉ, nếu là thổ phỉ cướp bóc thì những người dân ở đây đã phải bỏ xứ mà đi rồi, đến lực lượng cách mạng có trang bị súng còn mất tích bí ẩn thì người dân bình thường dù có làm cửa kiên cố cũng không thể ngăn được thổ phỉ. Khả năng cao là họ đã biết một số chuyện gì đó, sợ bị vạ lây vì thế mới sống khép kín như vậy."

A Páo thấy Bá Văn trầm tư suy nghĩ định lên tiếng hỏi thì bị Như Ngọc ngăn lại. Cô ra hiệu cho A Páo im lặng, Như Ngọc biết khi Bá Văn ngồi như vậy thì anh cần được yên tĩnh để tập trung tinh thần từ đó mới đưa ra những phán đoán chính xác. Không hiểu từ bao giờ mà Như Ngọc lại hiểu về Bá Văn như vậy, bản thân cô cũng không nhận ra được rằng chính cô đang ngày một quan tâm đến Bá Văn, ngày một hiểu anh nhiều hơn.

Sau một hồi suy nghĩ và suy luận, Bá Văn dần dần hình thành được một sơ lược về tình hình tại nơi đây. Ba người tiếp tục lên đường, đi qua khu vực bằng phẳng lại là đoạn đường địa hình hiểm trở. Sau đoạn đường hiểm trở thì đến địa phận Bó Củng, điểm đầu của Bó Củng khá bằng phẳng, và có một chỗ đường rất gần sông Kỳ Cùng khiến Bá Văn dừng lại quan sát kỹ càng. Ở đoạn đường ấy cách sông Kỳ Cùng chỉ vài chục mét, có thể dễ dàng di chuyển từ đường 4 xuống dưới sông. Bá Văn nhận định "đây là địa điểm thích hợp để di chuyển hàng hóa từ dưới sông lên đường số 4 và ngược lại". "Ở phía xa xa có lác đác những ngôi nhà sàn, đây có thể là nơi ẩn mình của kẻ địch" ...

Sau đó ba người tiếp tục di chuyển. Đoạn đường từ Bó Củng đến trung tâm Văn Lãng cũng rất hiểm trở, địa hình quanh co đèo dốc. Nếu có một cuộc chiến tại đây thì ưu thế sẽ hoàn toàn thuộc về những người ở trên cao. Những người đi dưới đường số 4 có muốn phản công có lẽ cũng "lực bất tòng tâm". Qua Bó Củng một cách an toàn ba người đến Na Sầm, đây chính là trung tâm huyện Văn Lãng. Đó là một khu vực bằng phẳng khá rộng lớn với đông đúc dân cư sinh sống. Một đơn vị của ta với vài chục cán bộ chiến sĩ cũng đóng quân tại đây. Na Sầm là ngã ba đường khá quan trọng, từ đây có thể đi quốc lộ 1, đi cửa khẩu Đồng Đăng sang Trung Quốc và một đường để đi Bắc Kạn mà Bá Văn cùng mọi người vừa trải qua.

Bá Văn cùng A Páo, Như Ngọc tìm đến cơ sở của ta. Sau một vài mật hiệu để nhận diện thì mọi người được đón tiếp chu đáo. Bá Văn đi gặp riêng đồng chí phụ trách an ninh khu vực Na Sầm, cũng là người đứng đầu của Công An toàn bộ huyện Văn Lãng. Đồng chí phụ trách Văn Lãng chào Bá Văn kiểu nhà binh:

-- Tôi, Hoàng A Dương chào thủ trưởng.

-- Chào đồng chí, tôi là Bảy. - Bá Văn dơ tay chào lại rồi bắt tay Hoàng A Dương.

-- Vâng, tôi được nghe rất nhiều về thủ trưởng, nay mới gặp mặt. Thủ trưởng đến đây chắc vì vụ việc ở Bó Củng?

-- Đúng vậy, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề ở Bó Củng. Có một số điều tôi cần đồng chí giải đáp.

-- Thủ trưởng cứ nói.

Bá Văn nói với giọng nghiêm túc:

-- Bó Củng cách nơi đây chỉ khoảng một giờ đi bộ. Tại sao các đồng chí lại để xảy ra những chuyện không may như vậy? Các đồng chí đã làm gì để giải quyết vụ việc? Và đã tìm hiểu được những gì?

Hoàng A Dương bật dậy nói:

-- Báo cáo thủ trưởng, trước hết tôi là người đứng đầu tại cơ sở vì thế tôi xin nhận trách nhiệm. Tôi xin báo cáo tình hình như sau:

Sau khi nghe thông tin một số liên lạc viên của chúng ta bị mất tích ở khu vực Bó Củng, và có một đoàn vận chuyển hàng hóa cũng mất tích khi đi qua khu vực đó, tôi đã cử một số đồng chí của lực lượng an ninh được trang bị súng trực tiếp đi tìm hiểu vấn đề. Nhưng họ đi vào Bó Củng thì cũng mất liên lạc luôn, tôi thấy tình hình rất phức tạp vì thế không tự ý điều động người mà đã gửi thông tin đến đồng chí A Páo qua trung gian, để đồng chí A Páo báo lại tình hình đến cấp trên, chờ chỉ đạo của cấp trên. Trong thời gian ấy luôn có lực lượng của ta túc trực ở khu vực giáp ranh giữa Na Sầm và Bó Củng để đề phòng thổ phỉ hoặc những kẻ đại loại như vậy tiến vào Na Sầm. Tôi cũng cử một số đồng chí đi dò la tin tức từ những người dân địa phương, những người thường xuyên qua lại khu vực Bó Củng, Nà Liệt và nghe được thông tin rằng ở đó có thổ phỉ chuyên cướp của gϊếŧ người dọc đường, đặc biệt là vào ban đêm... Địa hình ở Bó Củng, Nà Liệt rất hiểm trở, dễ phòng thủ khó tấn công, nếu cố tình đưa người của chúng ta nên đó tìm kiếm e rằng cũng không có tác dụng gì, thậm chí là hi sinh vô ích... Tình hình là như vậy, tôi đã báo cáo xong.

Sau khi nghe xong báo cáo của Hoàng A Dương, Bá Văn suy nghĩ rồi nói:

-- Thì ra là vậy, quả thực cũng khó cho đồng chí. Từ giờ tôi sẽ trực tiếp giải quyết và chỉ đạo vụ việc lần này. Bất kỳ ai, lực lượng nào tại đây cũng phải nghe theo sự sắp xếp chỉ đạo từ tôi, tuyệt đối không được tự ý hành động.

-- Rõ thưa thủ trưởng.

....

Sau đó Bá Văn căn dặn Hoàng A Dương một số việc cần làm rồi anh đi gặp Như Ngọc và A Páo để chuẩn bị hành trình quay trở lại ngã ba Lũng Vải.

Còn tiếp...