Lê Thốc suy nghĩ đến nửa ngày cũng không rõ vì sao mình lại phải làm một học sinh trao đổi ở Zambia. Zambia không phải là quốc gia kế bên Congo sao? Nó đi tới một quốc gia châu Phi để học cái gì? Chẳng lẽ lại là học săn thú?
Nó nhớ lại toàn bộ lời nói của người áo đen, ý tứ đại khái đều đã hiểu. Xem ra kế hoạch của Ngô Tà cũng coi như đã thành công.
Không biết Dương Hảo và Tô Vạn ra sao rồi, người áo đen nói nó đã hôn mê khá lâu, trong khoảng thời gian mất đi ý thức, không biết trong biển cát kia đã xảy ra chuyện gì.
Dưới trời chiều, nghe âm thanh hò hét chạy nhảy ngoài sân bóng, giường nệm sạch sẽ, không khí trong lành. Mọi thứ đều thật tốt đẹp. Giờ nghĩ lại những việc bên dưới biển cát, bỗng thấy cảm giác hiện giờ có đôi chút không chân thực.
Chuyện xảy ra sau cùng nó cũng không rõ lắm, chỉ còn nhớ được tiếng súng và tiếng động cơ ô tô. Tuy nhiên, nó tin rằng mình sẽ sớm biết rõ chân tướng việc này.
Quay đầu nhìn tấm bản đồ để ngỏ, những dấu đỏ chi chít trên đó làm nó cảm thấy không được thoải mái. Lê Thốc muốn xuống giường lật nó lại, nhưng lại không đủ hơi sức, đành nhắm mắt lại. Mặc dù sự lo lâu tràn ngập trong lòng nó, thế nhưng nỗi đau thể xác không ngừng dày vò khiến đầu óc nó cũng trở nên trống rỗng.
Ba ngày tiếp theo, thời gian như ngừng lại. Mỗi ngày trôi qua, Lê Thốc lại hồi phục thêm được một chút. Giấc ngủ của nó đứt đoạn thành nhiều phần, mỗi lần tỉnh lại, tinh thần và thể lực đều được khôi phục. Một mặt cũng là nhờ vào tuổi trẻ của nó, nhưng mặt khác, những việc đã trải qua cũng khiến các chức năng trong cơ thể nó được nâng cao hơn.
Đồ ăn ở đây dù rất ngon, nhưng Lê Thốc phát hiện ra đồ dùng cũng như cái phòng bệnh này đều cũ kỹ như nhau. Bộ đồ ăn nó dùng đều được tráng men, mặt trên còn in nhiều chữ lớn màu đỏ của xưởng sản xuất, giống mấy kiểu ba mẹ nó hay dùng lúc còn trẻ.
Nhưng cho dù đã tráng men, cũng không phải sản phẩm tráng men mới. Trên mặt đồ dùng có rất nhiều vết nứt màu đen, rõ ràng là hình thành do va đập.
Đồ ăn ngày đầu tiên là canh xương nấu đậu phụ, thêm một chén thịt chim bồ câu hầm phủ một lớp hành băm, nó chưa từng ăn qua thứ hành băm nào vừa mảnh lại vừa thơm đến vậy. Lê Thốc ăn ba bát cơm, ăn tới khi bụng căng tròn mới thôi.
Con người Lê Thốc trong nhiều việc khá là quái đản. Thí dụ như đối với hành băm và gia vị, nó cực kỳ nhạy cảm. Nó không thể nào ăn được hành bị ôi hoặc chất lượng không tốt. Với nhiều loại đồ ăn, hành băm thực ra cũng không quá quan trọng, chỉ dùng để phối hợp màu sắc. Nhưng với nó, nếu đồ ăn không có hành băm thì nó sẽ không đυ.ng đũa.
Ngược lại, Tô Vạn lại là đứa không bao giờ ăn hành. Nếu để cho nó nhìn thấy bát thịt hầm này, nó sẽ cầm đũa ngồi nửa ngày mà gắp hành ra.
Lê Thốc không biết giữa chuyện đó với thứ gọi là pheromone có quan hệ hay không, chẳng lẽ bản thân nó có thể chấp nhận cả hành băm và pheromone?
Ngày hôm sau và ngày thứ ba, đổi sang móng heo nấu đậu tương và dạ dày heo làm món chính. Gia vị vẫn được chú trọng như trước, canh dạ dày heo tuy rằng bị mặn, nhưng đã được rắc thêm một ít đậu phộng khiến hương vị trở nên vô cùng đặc biệt. (không đạo mộ, chắc đã đi làm nhà phê bình ẩm thực)
Buổi sáng ngày thứ tư sau khi Lê Thốc tỉnh lại, cảm giác sức lực bỗng tràn trề, nó cảm giác nếu bản thân không chạy điên cuồng mấy trăm mét thì sẽ nổ tung mất.
Trong cả ba ngày, người áo đen đều không thấy tới. Lê Thốc vẫn cứ cho rằng hôm nay hắn sẽ xuất hiện, nhưng vẫn chẳng thấy người đâu. Xuất hiện không ngờ lại là một người trung niên đeo mắt kính.
Người trung niên này vô cùng thấp bé, kính mắt khá mỏng, có lẽ chỉ là kính thường hoặc cận thị không nặng. Ông ta còn mang tới một thiết bị chiếu phim, rồi đem lật lại tấm bản đồ phiền chết người dán trên màn chiếu màu trắng.
Sau đó ông ta tới ngồi cạnh Lê Thốc, bắt tay nó, nhưng lại không giới thiệu về mình, chỉ bảo: “Tôi có trách nhiệm tới giảng cho cậu một số kiến thức cơ bản.”
Lê Thốc đành tỏ vẻ cảm kích. Người kia cũng không lãng phí thời gian, ngay lập tức kéo bức màn, đóng cửa lại, bật thiết bị chiếu phim lên, rồi bắt đầu dạy Lê Thốc học.
Lê Thốc cực kỳ không thích tới trường, không phải nó không thích học, mà là hệ thống giáo dục bảo thủ kia làm nó không thể thích ứng.
Cho nên lúc người kia mới bắt đầu giảng giải về đoạn phim trình chiếu, sự chán ngán chất chứa trong lòng Lê Thốc đã dần lộ ra.
Tuy nhiên, sau khi nó nghe xong được hai câu thì đã bị thu hút sự chú ý.
Người ta nói, khả năng học tập của con người chia làm hai loại. Một loại là kiểu truyền thụ tri thức đã được sắp xếp, tức là đem toàn bộ kiến thức đã được tóm lược rồi dùng loại ngôn ngữ logic, rõ ràng nói lại với học sinh. Học sinh đầu tiên sẽ phải hiểu về những tri thức đó, sau đó dựa trên tri thức mà giải quyết vấn đề.
Không thể phủ nhận rằng có nhiều người thích hợp với phương pháp này. Vấn đề duy nhất của nó chính là giữa tri thức và vấn đề cần giải quyết, cầm một cái “linh cảm”. Ưu điểm ở chỗ nền tảng vững chắc rồi thì một khi tìm ra “linh cảm”, chắc chắn không thể rơi vào thế bất lợi.
Nhưng Lê Thốc lại không thích hợp với kiểu học này. Thứ đầu tiên nó đòi hỏi là một vấn đề, giải quyết vấn đề này có thể cần tới sáu loại tri thức khác nhau. Nó có thể giải quyết vấn đề đó, đồng thời cũng có thể nắm vững kiến thức. Nhưng chỗ phiền toái là những kiến thức này thường không có trong phạm vi đề cương ôn tập.
Phương thức giảng giải dùng máy chiếu của người trung niên, đã đáp ứng được cách thức học tập của Lê Thốc, bởi vì trước khi ông ấy bật máy chiếu, đã đưa ra một vấn đề.
Người trung niên hỏi Lê Thốc: “Cậu có biết con người làm sao mới có thể bất tử?”
Lê Thốc tất nhiên không biết, hơn nữa nó còn cảm thấy chuyện này khá vô vị. Từ nhỏ tới giờ, trong đầu nó có một suy nghĩ không bao giờ thay đổi, con người thì luôn phải chết.
Nói cách khác, trước thứ quyền lợi lớn nhất trên thế giới này, tất cả mọi người đều phải đối mặt công bằng, không thể kháng cự.
Nó và Tô Vạn từng thảo luận về chuyện này, có điều cũng không giống thảo luận, chỉ là suy nghĩ đôi chút. Khi đó, Tô Vạn đã hỏi nó: “Nếu mày có thể bất tử, mày có đồng ý chịu lấy sự bất công?”
Hay nói cách khác, trong tình huống mọi người đều không thể chết, những thứ bất công sẽ trở nên không còn quan trọng.
Đây là vấn đề không có lời giải đáp, dưới các thời điểm khác nhau, cảm xúc khác nhau, mỗi cá nhân sẽ có câu trả lời khác nhau.
Đương nhiên, những lời này mới chỉ là màn dạo đầu của giáo viên, “Nếu có một hoàng đế thời cổ đại hỏi cậu vấn đề này, và cậu là quân sư của ông ta, cậu sẽ trả lời ra sao? Nhớ kỹ, ông hoàng này là người vô cùng thiếu kiên nhẫn, đây cũng không phải câu hỏi cân não, tùy tiện trả lời có thể khiến đầu cậu rơi xuống đất.”
Lê Thốc im lặng. Người trung niên nhìn nhìn đồng hồ, sau đó ra dấu trên cổ mình: “Cậu phản ứng như vậy, cho dù cậu có biết, thì hiện tại cũng đã chết nghẻo.” Ông ta ấn công tắc, máy chiếu chạy đoạn phim đầu tiên.
Đó là một cái mặt nạ khá giống hồ ly, bên trên là các hoa văn cổ thường thấy trên khí cụ Thanh Đồng. Lê Thốc không tài nào hiểu được mấy cái này.
“Người này chính là kẻ bị hỏi vấn đề kia, vấn đề được đưa ra vào thời điểm khoảng 1000 năm trước công nguyên. Chủ nhân của cái mặt nạ, đã trả lời như thế này về vấn đề hoàng đế đưa ra: “Thần không rõ, nhưng thần biết nơi có thể.”
Loại văn cổ này Lê Thốc vẫn có thể nghe hiểu, nhưng nếu ông ta đã không rõ, sao lại biết chỗ nào có thể tìm ra chuyện này.
Xem ra EQ ông ta cũng thực cao, 3000 năm trước, cổ nhân đã có được trí tuệ này. Có thể thấy hoàn cảnh sinh tồn thật sự rất khốc liệt.
Hoàng đế đương nhiên rất vui sướиɠ. Vì sao ông ta vui sướиɠ, lúc ấy là thời điểm loạn thế vừa bình, chế độ cha truyền con nối vừa mới bắt đầu. Nói cách khác, ông ta là người kiến quốc, đám con trai thời điểm lập quốc đều là võ tướng, cháu trai tranh đoạt quyền lực. Trong vòng ba thế hệ, sẽ không xuất hiện vị hoàng đế tầm thường.
Hoàng đế biết, vấn đề này thường chắc không ai rõ câu trả lời, hay có thể nói câu hỏi kia cũng chỉ là tùy tiện hỏi ra.
Ông ta cũng không thể ngờ, kẻ trả lời, lại có tin tức.
“Thần biết chỗ nào có câu trả lời.”
Hoàng đế lập tức truy hỏi: “Ở đâu?”
Người kia chỉ xuống mặt đất: “Dưới đất này.” Rồi chỉ về dãy núi xa xa, “Bên trong những dãy núi kia.”