Đánh Ghen Với Bạn Trai Của Chồng

Chương 26


Em vào trong Sài Gòn xóa hết mọi tài khoản zalo, facebook, thay số điện thoại, 2 cửa hàng thời trang cũng nhờ con Hoài sang nhượng . Cùng mẹ bình yên bắt đầu một cuộc sống mới. Hằng ngày chăm sóc mảnh vườn nhỏ, bình yên đọc sách, mỗi buổi chiều đợi bác sĩ tới thăm khám.

Con Hoài có lẽ vẫn còn ngại về việc thú nhận nó là đồng tính nữ cho nên ít liên lạc với em hẳn. Em không muốn nó bối rối hay phải nghĩ ngợi linh tinh cho nên cũng tự chủ động liên lạc với nó. Ban đầu cũng không tự nhiên cho lắm nhưng vài tuần sau bọn em cứ hihi haha cười nói cũng vượt qua sự xấu hổ ban đầu. Dự định của nó tháng sau sẽ đi trời Tây du học. Nó nói ” Như thế cũng tốt, ra bên ngoài mở mang đầu óc” .

Em dĩ nhiên muốn giữ nó lại bên mình, dù sao trước kia 2 đứa chưa từng nghĩ đến việc tách nhau ra. Nhưng con Hoài tính tình như con lừa, chuyện đã nhận định rồi thì có kéo cũng không động, tính tình cũng rất khác thường, khó lay chuyển đến doạ người… Chỉ tiếc là em không thể tiễn nó ra nước ngoài.

Đành ở lại Sài Gòn chờ đón ngày sinh em bé.

Ngày em trở dạ, chị gái từ Mỹ và bố em cũng bay về. Bọn họ có lẽ đều muốn bù đắp cho em, dù sao cũng không có một bóng dáng người bên nội.

Thai hơi to so với bình thường. Sức khỏe em cũng khá yếu cho nên các bác sĩ cũng chỉ có thể tiến hành mổ.

Mọi người ở bên ngoài chờ đợi. Em ở trong phòng mổ.

Một bác sĩ hỏi em.

– Bố đứa trẻ đâu.

– Chết rồi ạ.

– Vì sao mà chết?

– Chết vì của lạ.

Bác sĩ nhìn thấy có ý mỉa mai trong câu nói của em. Liền cười cười đáp.

– Loại đó. Chết cũng đáng quá.

– Vâng.

Lúc đó em cũng không cảm thấy đau đớn hay gì cả, bởi vì cũng đã chuẩn bị tâm lý từ trước . Đôi mắt vẫn thanh tỉnh, trợn tròn nhìn lên trên trần nhà. Nơi có chiếc gương phản chiếu. Em thậm chí còn cười cười khi nhìn thấy dao kéo loảng xoảng, bụng bị rạch ra một khoảng.

Đôi khi còn xen vào cùng bác sĩ nói mấy câu chuyện trên báo.

Bác sĩ nhìn em lắc đầu, có lẽ chưa thấy người phụ nữ nào gan dạ đến thế. Vào khoảnh khắc kì diệu nhất. Khi đứa trẻ ra đời. Em đã vui mừng đến nỗi òa lên khóc nức nở. Muốn giơ tay đón lấy đứa bé để ôm, để hôn cho thỏa nỗi lòng.

Bác sĩ nói :

– Không được khóc. Cẩn thận kẻo hậu sản. Bé là con trai nặng 3 kg 7. Để ông bà ngoại bên ngoài và bác gái đón cháu là được rồi. Sức khỏe cô cũng ổn 2 tiếng sau có thể gặp thằng bé được rồi. Cố lên cô gái kiên cường.

Em gật đầu. Mệt mỏi nằm nhắm mắt. Cố gắng chờ đợi. 2 tiếng dài như 2 năm vậy.

Lúc được đưa ra ngoài gặp con. Em chỉ muốn ngồi bật dậy ôm lấy con. Đáng tiếc lúc này vết mổ vẫn còn dính thuốc tê, chân tay còn không thể nào cử động nổi. Chỉ có thể cố gắng sờ lên má con trai một cái.

Chị gái em bế cháu trên tay lau nước mắt.

– Thằng bé kháu khỉnh đáng yêu quá. An. Mày đặt tên cháu tao là gì.

– Tiến Dũng. Lúc nào cũng phải dũng cảm, tiến lên phía trước.

Bố em khẽ gật đầu nắm tay em.

– Làm tốt lắm con gái.

– Con xin lỗi bố mẹ. Đã làm bố mẹ lo lắng.

– Không sao mẹ tròn con vuông là tốt rồi. Ngủ một lát đi An có mẹ với chị Yên trông cu Dũng là được rồi. Ngủ đi. Con nhìn xem cu Dũng cười kìa, đứa trẻ này, sau này sẽ được người ta thích, nụ cười ngọt ngào trên khuôn mặt đó, không biết sẽ làm bao nhiêu người vui rồi. Con đừng nghĩ ngợi quá nhiều.

– Để bé ở bên cạnh con được không?

– Thôi để chị bế. Tí cháu ngủ thì chị cho nằm cạnh mày.

– Vâng.

Thật sự em cảm thấy mình thật sự may mắn vì ở trong bất kì hoàn cảnh nào cũng đều có gia đình bên cạnh.. Những ngày đầu mới mổ xong đau đớn vẫn là mẹ và chị gái bên cạnh. Em bế con vụng về, cho bé uống sữa cũng vụng vẫn là mẹ và chị dạy em cách chăm sóc cu Dũng.

Thấm thoát thằng bé cũng đã tròn 6 tháng tuổi mà không có bố nó và gia đình nội bên cạnh. Em cũng không dự định trở về Hà Nội nữa. Cũng nghĩ có lẽ khi em ra đi. Mọi thứ ngoài đó sẽ tốt đẹp.

Cho đến một ngày.

Một buổi sáng em đến bệnh viện khám bệnh , lấy thuốc, lúc em định rời khỏi, nghe thấy tiếng loa thông báo khẩn cấp truyền ra:

Xin chú ý, xin chú ý, bác sĩ điều trị của bệnh nhân Lê Ngọc Long xin đến phòng trọng bệnh số 206, ba mẹ của bệnh nhân Long phòng bệnh 206 xin mời đến phòng trọng bệnh 206, nhắc lại lần nữa, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân xin mời đến phòng trọng bệnh 206, người thân của bệnh nhân Lê Ngọc Long xin mời đến phòng trọng bệnh 206….

Tiếng chân vội vã, mấy gương mặt nôn nóng đi qua cạnh mình, em có thể nhìn thấy nước mắt trên mặt những người đó, còn người tên Lê Ngọc Long kia cũng giằng xé nội tâm em. Em từng đọc qua hồ sơ của thằng Long mấy lần. Nó đúng là tên Lê Ngọc Long. Nhưng giờ này lẽ ra nó phải hạnh phúc bên Việt mới đúng chứ nhỉ.

Thang máy mở ra, nhìn thấy mấy vị y tá bác sĩ chạy vào phòng bệnh, em thông qua chiếc cửa sổ bằng kiếng, nhìn thấy là hình dáng của thằng Long như bộ xương khô, hô hấp yếu ớt dồn dập, ống dẫn cắm vào mũi, bốn bề xung quanh là chai lọ, như đang nói rõ, người này mấy tháng trước vẫn vui vẻ hoạt bát, xuân phong đắc ý hiện tại đang cận kề với cái chết….

Thuốc trong tay em rơi xuống. Chẳng phải em luôn mong 1 ngày thằng Long sẽ gặp báo ứng hay sao?

Bác sĩ y tá lui ra, vẻ mặt mệt mỏi….

Hắn sao vậy?

– Cô là ai?

– Tôi là bạn cũ của Long ngoài Hà Nội..

– Suy tim, hơn nữa, hơn nữa không dùng thuốc khống chế. Thời gian còn lại không nhiều. Tạm thời ổn định rồi, nhưng, nếu như không có nhịp tim, sợ rằng cũng chỉ là chuyện hai ngày thôi.

Bác sĩ đi khỏi, ba mẹ anh em của thằng Long ào vào phòng bệnh, chỉ còn lại một mình em ngây ngốc đứng đó. Việt đâu? Sao lại không thấy anh ta nhỉ.

Thằng Long sắp chết rồi…. Sao lại như vậy? Chẳng phải em nên vui mừng hay sao tự nhiên lại thương tâm như thế. Có lẽ Long không báo cho anh ta. Âm thầm vào đây chờ chết. Đôi khi tình yêu là sự cho đi chứ không đòi hỏi phải nhận lại là có thật sao? Em vẫn luôn cho là thằng Long khờ vì yêu anh ta. Nó cuối cùng cũng được nhận nhưng tất cả chỉ nhận trong vô vọng. Người nhắm mắt ra đi thì có bao giờ trở lại… Trong khi kẻ đã gây nên bao đau khổ cho người khác vẫn nhởn nhơ sống.

---------