Chém gió nhiều, bịa đặt nhiều, và kể chuyện của người khác cũng nhiều rồi, thế nên hôm nay Tòng xin phép kể chuyện thật, và là chuyện của chính Tòng. Vì là chuyện của Tòng nên các bạn đừng hi vọng sẽ có những chi tiết bậy bựa, bởi những thứ bậy bựa thường chỉ gắn liền với những thằng mất dạy, đểu, còn Tòng thì từ bé đến lớn đã nổi tiếng khắp làng vì sự trong sáng, đứng đắn, và ngoan, thế thì lấy đâu ra cái bậy bạ mà kể?
Chả là mấy bữa trước về quê dọn nhà cho mẹ, thấy một cuốn sổ bằng bàn tay, mốc meo, cũ mèm, nằm giắt và khuất vào giữa mép tủ với cái góc tường. Nhìn và nhận ra ngay đây là cuốn sổ có từ cái hồi Tòng đi thi đại học. Hồi hộp mở lại từng trang ố vàng, loang lổ trong cuốn sổ đầy kỉ niệm, mùi ẩm mốc nồng nồng xộc vào mũi, và mùi của những tháng ngày tuổi trẻ đầy hoài bão, nhiệt huyết cũng theo đó xộc vào tim, râm rỉ, cồn cào. Rồi Tòng dừng lại ở một trang giấy lấm lem có dòng chữ khá đẹp, tròn trịa, ghi: “Nguyễn Phương Linh, con thầy Tinh, hiệu trường trường tiểu học Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh”.
Nhìn mẩu giấy đó, Tòng bất giác mỉm cười, bởi nó gợi cho Tòng lại những chuyện khá buồn cười. Và bây giờ, Tòng xin bắt đầu kể lại cho các bạn nghe vì sao có cuốn sổ và có dòng chữ đó.
Từ bé, Tòng đã muốn trở thành họa sĩ. Thứ nhất bởi cũng thích vẽ, thứ hai là vì đợt ấy xem trên tivi, có một bộ phim về một ông họa sĩ tài ba chuyên vẽ tranh khỏa thân rất đẹp. Ông ấy thuê những người mẫu nữ về nhà riêng của ông ấy để vẽ, toàn là mấy cô xinh như hoa. Lập tức ước mơ được làm họa sĩ đã bùng cháy trong lòng Tòng, bởi làm quái gì có cái nghề nào mà chỉ phải ngồi trong nhà nhàn hạ, thoải mái ngắm gái đẹp khỏa thân, vẽ vời linh tinh và rồi mỗi bức tranh lại bán được cả gần triệu bạc. Tòng hồi đó còn bé, cũng chưa biết gần triệu bạc nó lớn thế nào nên mới chạy tới hỏi mẹ. Mẹ nghe xong thì bảo:
- Bằng gần tấn thóc con ạ! Bằng công mẹ mày cày mặt ngoài đồng, phơi lưng ngoài ruộng cả năm ròng đấy con!
- Dạ! Vậy mẹ yên tâm, lớn lên con sẽ làm họa sĩ, con vẽ vèo một phát xong bức tranh, bán cả triệu bạc, mẹ khỏi đi làm đồng chi cho vất vả!
- Mày ra sông vớt bèo về nấu cám cho lợn đi! Nó đang réo ầm ĩ ngoài chuồng kia kìa! Đứng đó mà lảm nhảm mãi!
Thế rồi đến năm lớp 12 cuối cấp, ước mơ ấy vẫn không tắt. Và trong khi cả lớp hối hả học thêm Toán, Hóa, Văn, Sử, Địa, Ngoại Ngữ, Sinh, Lý để thi các khối A, B, C, D thì riêng Tòng chỉ cặm cụi vẽ lưu bút cho các bạn, chả thiết học hành. Ai nhờ vẽ gì cũng vẽ hết: nào là hai con chim chu mỏ mổ nhau, rồi thì mũi tên xuyên qua trái tim rỉ máu, rồi cành phượng hồng nở tung tóe những cánh hoa; có bạn thích Bếch-Khăm, Đan Trường, có bạn thích diễn viên Hàn Quốc, ai cũng được, chỉ cần đưa sổ và đưa ảnh mẫu đây, một ngày sau sẽ xong hết.
Không chỉ vẽ cho lớp Tòng mà cả mấy bạn lớp khác cũng nhờ vẽ, người nọ quảng cáo cho người kia, thế nên lúc cao điểm nhiều khi có tới gần hai chục quyển sổ lưu bút xếp chồng lên trước mặt chờ vẽ. Vẽ ở lớp chưa đủ, phải mang cả sổ về nhà, nhiều đêm ngồi chong đèn hì hụi vẽ đến 2,3 giờ sáng. Mẹ Tòng thấy vậy thì vô cùng phấn khởi, thường xuyên đi khoe với hàng xóm:
- Thằng con nhà tôi chăm học lắm! Nó ngồi vào bàn học từ lúc gà lên chuồng, ngồi miết đến tận lúc gà gáy thì nó mới chịu lên giường.
Thi tốt nghiệp xong, còn thời gian khoảng 1 tháng, Tòng quyết định lên Hà Nội học vẽ thêm cho khỏi bỡ ngỡ, và cũng là để biết xem cái trường đó nó thi thố kiểu gì. Hôm trước khi đi, mẹ gói ghém cho đủ thứ, nào quần áo, khăn mặt, rồi đồ ăn thức uống. Tưởng là đã đủ rồi, ai ngờ về sau mẹ còn dúi vào tay Tòng một cái túi ni-lông màu đen…
- Gì đây mẹ?
- Quần sịp đấy! Ai lại con trai lớn tướng rồi mà cứ không chịu mặc sịp!
- Con mặc quần đùi bên trong là được rồi mà! Mặc sịp nóng và khó chịu lắm!
- Ở quê thì sao cũng được, nhưng lên Hà Nội người ta lịch sự lắm, ai cũng đều mặc sịp cả, họ mà biết con không mặc, họ cười cho đấy!
Mẹ đã nói thế thì Tòng đành cầm. Lên Hà Nội, cũng có một đôi lần lôi ra mặc, nhưng quả thực là Tòng không quen, vì mấy cái đường may ở mép quần hơi cứng, nó cứ cọ vào đùi, vào mông rất khó chịu. Hơn nữa, cũng bởi quần khá chật và bí bích, nên lúc bình thường thì còn đỡ, chứ lúc không bình thường, tức là lúc ra đường, gặp mấy em xinh tươi ăn mặc theo kiểu gọi mời là cái khó chịu nó tăng lên. Mà hồi ấy mới lên Hà Nội nên còn háo hức, lại đang trẻ khỏe, thành ra cứ bước ra đường là lập tức rơi vào tình trạng không bình thường. Vì vậy nên cuối cùng Tòng vẫn quyết định là không mặc!
Sau một tháng học tập chăm chỉ thì Tòng cũng đã ngộ ra được nhiều thứ, rằng những cái mình vẫn vẽ trước đến giờ toàn là theo bản năng, chứ đi thi thì lại cần sự bài bản và nguyên tắc, phải chú trọng đến bố cục, sáng tối, mảng miếng, đến gam nóng, gam lạnh, đến sự tương phản hay ăn nhập của các hình, các khối. Tòng đã được vẽ người mẫu, nhưng không phải mẫu nữ mà là mẫu nam, và không phải mẫu khỏa thân mà là mẫu mặc quần sịp. Nhiều hôm về nhà tự luyện tập vẽ thêm nhưng không có mẫu, Tòng đành phải tự làm mẫu cho mình, tự cởϊ qυầи áo mình ra, mặc mỗi quần sịp, ngồi trước gương mà vẽ. Nói thật là lúc ấy mặc quần sịp cũng khó chịu lắm, nhưng vẫn phải cố, bởi nếu mặc quần đùi thì sẽ che hết các đường nét mơn mởn, căng tràn trên cơ thể của một câu thanh niên mới lớn, sẽ mất hết vẻ đẹp, sự quyến rũ trời phú. Còn nếu cởi hết ra thì lại càng không thể, bởi cái chỗ đó nó khá phức tạp và rối rắm, không vẽ thì không được mà vẽ thì sẽ mất rất nhiều thời gian tỉa tót.
Vẽ người thì thường là vẽ bằng chì, còn vẽ màu thì các thầy thường mang hoa và trái cây đến để làm mẫu vẽ. Sau một vài buổi học vẽ màu thì Tòng rút ra được kinh nghiệm đó là phải vẽ trái cây trước, còn hoa hoặc mấy cái chai lọ khác sẽ vẽ sau. Bởi ở lớp có một thằng rất bựa, nó chỉ rình rình lấy trộm mẫu để ăn. Cứ hôm nào mẫu vẽ có cam, bưởi, xoài, thanh long là thế nào cũng sẽ có lúc đang cắm cúi vẽ, ngẩng lên đã không thấy mẫu đâu, nhìn ra góc lớp thì đã thấy thằng đó đang núp sau tấm bảng, bóc cam ăn ngon lành. Mọi người có kêu ca, phàn nàn hay chửi mắng thì thằng đó vẫn cười hềnh hệch, giọng nhăn nhở:
- Tôi ăn là muốn tốt cho mọi người thôi! Bởi một họa sĩ giỏi không phải chỉ ở đôi mắt quan sát mà còn là ở bộ óc biết tưởng tượng. Không có mẫu mà vẫn vẽ được, ấy mới là người họa sĩ tài!
Nói mãi không ăn thua nên về sau, những hôm học vẽ màu, thầy giáo thường mang chuối xanh, bắp cải, xu hào đến để làm mẫu, thay vì là cam, bưởi, xoài như trước đó.
Thế rồi ngày thi Đại học quan trọng cũng đã tới. Buổi đầu tiên thi môn Văn, vì sợ tắc đường nên Tòng đạp xe đến địa điểm thi khá sớm. Sớm quá nên chả biết làm gì, đành dắt xe vào cái công viên gần ngay đó, nằm ngả lưng lên ghế đá tí cho đỡ mỏi. Ấy vậy mà thϊếp đi lúc nào không hay, lúc giật mình tỉnh dậy thì ôi thôi, cái xe đạp dựng bên cạnh đã không cánh mà bay, cái ba lô ôm trên bụng cũng mất tiêu, cả đôi dép quai hậu cũng mất nốt (về sau mới biết rằng cái công viên Tòng nằm là tụ điểm của bọn nghiện). Lúc ấy Tòng không tiếc của, bởi cái xe đạp cũ mèm, chả đáng gì, dép quai hậu thì một bên đã đứt mõm, một bên cũng rách quai, Tòng chỉ tiếc cái balo, dù là cái balo đã cũ sờn, sắp rách, nhưng trong ấy lại chứa tất cả các giấy tờ quan trọng: nào thẻ dự thi, chứng minh thư, giấy chứng nhận tốt nghiệp…
Đến giờ vào phòng thi rồi mà lại mất hết giấy tờ nên Tòng hoảng loạn lắm, muốn khóc mà không khóc nổi (chứ không phải là “cười rồi khóc, khóc rồi cười” đâu). Rồi mắt Tòng lóe lên khi thấy cái balo của mình đang nổi lềnh phềnh giữa hồ như con chó chết trôi. Lập tức Tòng nhảy ùm xuống, bơi ra vồ lấy cái balo rồi lại hối hả bơi vào, cuống cuồng lục tìm. Thằng nghiện khốn nạn, nó lấy hết tất cả những gì có thể dùng được, từ cái bút, quyển vở, cái thước kẻ, cũng may là mấy cái giấy tờ của mình chẳng có giá trị gì với nó nên nó không thèm lấy, và cũng may là cái balo đã nát quá, nên nó mới quẳng xuống hồ.
Vậy là cắm đầu cắm cổ chạy vào phòng thi, quần áo ướt sũng, nước nhỏ tong tong, mỗi bước chạy đạp xuống đường là mỗi lần nghe tiếng lép nhép, trơn trượt, từng viên đá dăm nhọn găm vào gan bàn chân trần đau điếng. Kệ, Tòng vẫn chạy…
- Thưa thầy cho em vào thi ạ!
Tòng vừa nói vừa thở hồng hộc. Tức thì cả phòng thi đồng loạt quay ra, trợn mắt lên nhìn Tòng như nhìn một sinh vật lạ. Cũng phải thôi, bạn đã thấy ai vào phòng thi mà đi chân đất, không sách vở, không bút thước, và quần áo thì ướt như vừa ngâm nước chưa? Trong khi chúng nó thì ngay ngắn, chỉnh tề, còn Tòng thì lôi thôi, lếch thếch như con ếch. Nhưng lúc ấy Tòng cũng đếch quan tâm, được vào thi là ngon rồi!
Đọc xong đề thi, chuẩn bị làm bài thì mới nhớ ra là không có bút. Đang nhìn ngó xung quanh xem ai có hai bút để mượn thì Tòng bỗng thấy có cái gì đó chọc chọc vào lưng mình. Quay lại thì ra là một con bé khá xinh, cười rất tươi khoe hàm răng trắng tinh. Nó đang hươ hươ cái bút, ý bảo Tòng cầm lấy mà dùng. Có bút rồi, Tòng ngồi im cặm cụi làm bài. Nhưng được một lát lại thấy con bé ấy đập đập vào lưng. Quay lại thì thấy nó đang phe phẩy tờ giấy, giọng thều thào:
- Cậu không có giấy nháp hả? Cho cậu một tờ làm nháp này!”.
Nhận tờ giấy của con bé ấy mà Tòng thấy khá buồn cười. Không biết nó đi thi hay là đi làʍ t̠ìиɦ nguyện viên phục vụ cho zai đẹp đây? Nhưng thôi, mặc xác nó, phải tập trung làm bài đã.
Nói là phải tập trung, nhưng tập trung không nổi, không phải bởi con bé xinh xắn ngồi sau, mà là bởi bộ quần áo ướt sũng vẫn đang bết từng mảng trên người Tòng bắt đầu gây khó chịu, ngứa ngáy. Lúc trước hoảng loạn thì chẳng để ý gì nhiều, nhưng giờ bị ngứa thì Tòng mới nhớ ra là cái hồ ở trong công viên ấy rất bẩn, nước đen ngòm, rêu váng bám vào nhau cả tảng, rồi rác rưởi, cặn bã hôi thối dồn đống, tích tụ, nồng nặc cả một góc hồ. Bởi vậy, cứ viết được vài dòng thì Tòng lại phải dừng bút, cho tay vào trong quần gãi say sưa. Bao nhiêu ngôn từ lãng mạn, bao nhiêu ý văn bay bổng vừa chực chui ra thì đã bị cơn ngứa hung hãn chồm tới nuốt chửng. Thế nhưng đang gãi khí thế thì Tòng lại bị làm phiền, lần này không phải là con bé xinh xắn ngồi sau mà là cái thằng bị đao ngồi ngay bên cạnh:
- Mày có thể đợi lát nữa thi xong rồi hẵng gãi được không? Mày gãi rung hết cả bàn ghế, tao không viết được!
- Vậy mày có thể đợi lát nữa thi xong hẵng viết được không? Chứ tao đang ngứa lắm, không gãi không được!
Thằng bị đao đó nghe vậy thì cái mặt lì lì, chẳng nói thêm gì, cặm cụi viết tiếp. Còn Tòng cũng chẳng nói thêm gì, cặm cụi cho tay vào trong quần gãi tiếp.
Nộp bài xong, Tòng lững thững đi bộ ra ngoài cổng. Quần áo đã khô, nhưng cáu bẩn, rong rêu và cái mùi hôi thối của nước hồ thì vẫn bám theo dai dẳng. Đang đi thì Tòng nghe ai đó gọi giật tên mình. Lạ nhỉ! Tòng có quen ai ở cái chốn phồn hoa âʍ ɦộ, à nhầm, phồn hoa đô hội này đâu, sao lại có người biết tên được? Quay lại thì ra là con bé xinh xắn ngồi sau mình vừa nãy:
- Sao biết tên tao? Mày gọi để đòi bút hả? Đây! Trả đây! Có mỗi cái bút mà cũng…
- Đùa, trông người không đến nỗi nào mà ăn nói thì… Có biết tại sao tớ cho cậu mượn bút, mượn giấy nháp không?
- Chắc tại vẻ ngoài khôi ngô, tuấn tú?
- Đúng nhưng chưa đủ!
- Còn thiếu gì?
- Tại thấy cậu không mặc quần sịp! Ha ha ha!
Con bé đó cười sằng sặc rồi chạy vụt đi, rẽ vào trong cái ngõ bé tí tẹo, sâu thăm thẳm…
Hôm sau là buổi thi vẽ chì, cụ thể hơn là vẽ mẫu nam cởi trần mặc quần sịp. Cái này thì trong một tháng ôn luyện Tòng đã được vẽ nhiều rồi, nên rất tự tin. Đặc thù của mấy cái môn năng khiếu này đó là thời gian thi rất dài: 8 tiếng đồng hồ, suốt từ 8h sáng đến tận 16h chiều mới kết thúc, buổi trưa thí sinh không được ra ngoài mà phải mang theo bánh mì, sữa, nước uống để tranh thủ ăn ngay tại phòng thi. Tòng thấy thời gian 8 tiếng là quá nhiều, bởi bình thường, với những bức vẽ kiểu này, Tòng chỉ cần khoảng 4 tiếng là đủ. Vậy nên khi thời gian mới chỉ trôi qua được 2 tiếng, Tòng đã phác xong bố cục và những đường khối cơ bản, chỉ còn đánh bóng và tạo mảng sáng tối nữa là xong, thế nên Tòng vẽ rất nhởn nhơ, vừa vẽ vừa nhìn quanh, nghiêng ngó vu vơ.
Nhìn mấy đứa khác trong phòng vẽ thì Tòng biết ngay đứa nào đã được học vẽ, được ôn luyện, và đứa nào chỉ vẽ bằng bản năng. Đứa đã được học, được luyện, dù là một tuần hoặc chục ngày thì nhìn cũng vẫn khác, bởi nó sẽ đo tỉ lệ, phác thảo, phân mảng, chia bố cục ba phần đầu, thân và tay chân rất bài bản, đúng quy trình. Còn cái đứa vẽ theo bản năng thì cứ thích chỗ nào là tập trung vẽ cho xong chỗ ấy, những chỗ khác tính sau. Có đứa mới chỉ vẽ được cái chân, có đứa được cái tay, và có đứa đã vẽ gần xong cái đầu, đang tô mắt, kẻ râu.
Đang ngắm nghía lung tung thì chợt có ai đó chọc chọc vào lưng Tòng. Quay lại, vẫn là con bé xinh xinh hôm qua…
- Chọc cái gì? Hôm nay tao có bút rồi, khỏi cần mượn!
- Vẽ hộ tớ với! Tớ vẽ mãi mà chửa đâu vào đâu!
Tòng quay sang nhìn vào bài vẽ của con bé ấy và suýt nữa thì sặc, may mà còn kịp đưa tay lên bịt mồm chứ nếu phá ra cười thì cả phòng thi sẽ chửi Tòng là thằng điên. Nhưng thực sự là không thể không cười, bởi con bé đó mới chỉ vẽ được một đoạn từ rốn trở xuống và từ bẹn trở lên, trên đó nổi bật nhất là cái sịp của anh người mẫu, màu đen tuyền, u lên một cục. Thôi thì con gái đã nhờ, mình là đàn ông, chả lẽ lại không giúp? Hơn nữa, hôm qua, chính nó đã cho Tòng mượn bút và giấy nháp. Vậy là Tòng cầm bút, nheo mắt đo tỉ lệ, rồi múa những nét chì điêu luyện, liến thoắng và nhoang nhoáng trên tờ giấy vẽ (đoạn này Tòng có miêu tả hơi quá một tí cho nó thêm phần lôi cuốn). Con bé đó đứng bên cạnh vừa tròn mắt nhìn Tòng vẽ, vừa tỉ tê hỏi chuyện:
- Cậu được học vẽ bài bản đúng không? Chả bù cho tớ, chỉ vẽ theo bản năng.
- Biết chứ!
- Sao biết?
- Thì mấy người vẽ theo bản năng họ không vẽ tổng thể mà thường tập trung vẽ từng bộ phận một, bộ phận nào thu hút họ nhất thì họ sẽ vẽ bộ phận đó trước.
Con bé nghe xong thì đá cái “bụp” vào chân Tòng một phát khá đau. Nhưng Tòng vẫn thản nhiên như không, rồi lại hỏi nó:
- Sao hôm qua mày biết tao không mặc sịp?
- Không chỉ mình tớ biết, mà cả phòng đều biết! Lúc cậu đứng trước cửa phòng, quần áo ướt sũng bết chặt vào người, nhìn rõ luôn!
Tòng cúi gằm mặt, không nói gì, chăm chú vẽ tiếp. Lúc này, không chỉ con bé đó mà cả mấy đứa xung quanh cũng xúm lại xem Tòng vẽ, và mọi rắc rối xảy ra cũng đều bắt đầu từ đó. Giám thị trong phòng thì khá trẻ nên thoải mái, thấy Tòng vẽ hộ cũng chẳng thèm ý kiến gì, nhưng con mụ giám thị hành lang thì không thế, nó thấy một nhóm túm tụm lại thì xồng xộc lao vào, quát um lên:
- Cái gì thế này? Phòng thi hay cái chợ? Xúm lại chỗ này làm cái gì?
Mấy đứa nghe vậy thì tản hết, ai về chỗ người nấy. Còn Tòng thì vẫn hốt hoảng chưa biết phải làm sao. Nếu Tòng cũng bỏ về chỗ của Tòng thì khác nào Tòng thú nhận với mụ ta là Tòng đang vẽ hộ con bé đó, bởi vì mụ ta đã nhìn thấy Tòng vẽ nãy giờ rồi. Mà không về cũng không ổn, bởi cái bài thi của Tòng vẫn ở kia và không có ai đứng đó cả, và bà ấy sẽ nghi ngay. Đang rối bời thì con bé đó đã lập tức chạy lại chỗ bài vẽ của Tòng, cầm bút đưa đi đưa lại, vờ như đấy là bài của nó. Nhưng con mụ giám thị hành lang có vẻ như đã đánh hơi thấy sự bất thường, mụ lập tức nhào tới chỗ bài thi của Tòng nghiêng ngó, kiểm tra. Tất nhiên là đến lúc đó thì không thể cứu vãn được nữa rồi, bởi Tòng đang vẽ bài của nó, còn nó thì lại vẽ bài của Tòng. Cả hai đều bị lập biên bản và lập tức đình chỉ thi.
Con mụ đó lôi biên bản ra, hí hoáy viết cái gì đó rồi đưa bút bắt Tòng ký. Tòng cầm bút, ngẫm nghĩ một lát rồi cái cảm giác uất ức không hiểu từ đâu nó ập tới, ứ nghẹn nơi cổ họng. Tòng đập mạnh cái bút xuống nền nhà rồi gào lên:
- Đéo ký! Đằng đéo nào cũng trượt rồi! Ký làm đéo gì!
Rồi Tòng cứ thế chạy ù ra cổng như để thoát khỏi cái cảm giác bực bội, nghèn nghẹn khó chịu đang dồn lên đầy ngập trong lòng. Có người đang chạy đuổi theo Tòng thì phải. Quay lại, vẫn là con bé ấy…
- Mày đuổi theo tao làm cái quái gì vậy?
Con bé vừa mếu, vừa khóc, nức nở…
- Tớ xin lỗi đã liên lụy đến cậu! Là lỗi tại tớ…
- Không phải lỗi tại mày!
Nói xong, Tòng lại cắm đầu bước đi. Nhưng con bé đó vẫn chạy theo…
- Cậu định đi đâu?
- Thi xong rồi, ra bắt xe về quê chứ còn đi đâu!
Rồi Tòng lại tiếp tục đi, và rồi con bé đó lại chạy theo, dúi vào tay Tòng quyển sổ bằng bàn tay…
- Tớ có ghi địa chỉ của tớ ở trong này! Nhớ viết thư cho tớ nhé! Đợi thư của cậu!
Nói xong, con bé lầm lũi rẽ vào trong cái ngõ bé tí tẹo, sâu thăm thẳm.
Thi đại học gì mà chưa biết điểm đã biết trượt, nên từ hôm đi thi về, Tòng đâm ra chán nản, bỏ đi chơi cùng lũ bạn miết. Ngày thì đá bóng, tắm sông, tối thì rượu sung, rượu ốc, Tòng quên luôn cả cuốn sổ mà con bé đó đã đưa, và cũng chẳng biết đã vứt nó ở xó nào.
Nhưng chơi mãi cũng chán, và cũng đến lúc phải vạch ra một kế hoạch cho tương lai. Tòng đã định lên Hà Nội ôn để thi lại cái trường đó, nhưng rồi một hôm đi chợ, gặp một bà thầy bói, bà ấy chỉ thẳng vào mặt Tòng và bảo rằng: Mày thi bất kì cái gì cũng đỗ, nhưng thi vẽ thì không bao giờ đỗ con ạ! Không đỗ không phải bởi con không đủ tài, mà bởi con bị gái nó ám! Không tin thì con cứ thi vẽ đi! Thi 10 năm sẽ trượt cả 10, và lý do thì chỉ có một: vì gái!
Tòng nghe vậy thì thấy đúng quá và sợ quá, lập tức chuyển sang khối D thi Ngoại Ngữ! Mà đúng là thi Ngoại Ngữ thì đỗ luôn thật! Tiên sư bố bà thầy bói!
Hơn 10 năm trôi qua, cuốn sổ ấy vẫn nằm giắt và khuất vào giữa mép tủ với cái góc tường. Mãi đến hôm dọn nhà vừa rồi mới là lần đầu tiên Tòng đọc, và cũng mãi hôm đó Tòng mới biết con bé ấy tên là Nguyễn Phương Linh, con thầy Tinh, hiệu trường trường tiểu học Phương Đông, Uông Bí, Quảng Ninh. Và rồi Tòng tự hỏi: nếu bây giờ mình viết thư tới địa chỉ này, liệu con bé ấy có nhận được không nhỉ? Chắc là không, bởi nhiều khả năng thầy Tinh đã về hưu, hoặc bị chuyển công tác, hoặc nếu có nhận được thì chắc con bé đó cũng không thể nhớ nổi Tòng là ai – trừ khi Tòng gửi kèm cho nó bức ảnh chụp lúc Tòng vừa mới bơi từ dưới hồ lên, quần áo bết dính vào người, và không mặc quần sịp!
Tòng không vứt cuốn sổ đi mà lau chùi nó sạch sẽ rồi cất vào góc cái hòm gỗ cũ để trên gác, dù biết rằng sẽ chẳng bao giờ dùng cuốn sổ này, và dù biết rằng giá trị sử dụng của nó gần như không còn. Bởi nếu người ta chỉ chăm chăm giữ cho mình những thứ mà họ cho rằng vẫn còn giá trị sử dụng, và lấy giá trị sử dụng làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi thứ, thì cuộc đời này sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu!