Thấy tình hình không ổn, lại trùng hợp phụ thân đưa người thân về nhà thì bị kẻ khác chặn đường vu oan, rước lấy kiện tụng, Cẩm Nương liền kiên quyết khuyên Ngụy Hùng và mẫu thân dọn đến Giang Lăng mua nhà.
Giang Lăng là thủ phủ của Kinh Hồ Bắc, tuy không thể sánh với Hàng Châu hay Bình Giang của Lưỡng Chiết, nhưng cũng được xưng là nơi “Bình thời mười vạn hộ, ngói uyên khu chợ rộng. Nửa đêm xe va bánh, thuyền rồng đậu san sát”.[1]
[1] Dịch nghĩa: Thành thị phồn hoa, dân cư đông đúc, phố phường tấp nập cả ngày lẫn đêm, thuyền xe san sát.
Hơn nữa, nơi này là điểm giao thương quan trọng, thuyền bè từ nam ra bắc đều phải đi qua. Đặc biệt là khu Giang Tân phía nam thành nơi họ đang ở, được mệnh danh là “nơi tụ hội của thuyền xe”.
Ngụy Hùng luôn sợ người thành thị xem thường người nhà quê, cứ muốn mua nhà gần thành lũy. Lại là Cẩm Nương cứng rắn, khiến phụ thân phải mua nhà ngay trung tâm thành Giang Lăng. Nhà hạng nhất hay trung thì họ không kham nổi, chỉ mua được căn nhà hạng bét cực nhỏ này, không có sân, chỉ có hai gian phòng, một sảnh nhỏ kèm bếp chật hẹp.
Như vậy mà cũng tốn hết một trăm tám mươi quan. Ngụy Hùng tích góp bao năm cũng chỉ có hai trăm quan, còn dư lại mười quan, cha nương cũng không tiếc, hai người bỏ ra ba quan tiền mua đồ dùng cho nàng: một chiếc giường, cái tủ đầu giường nhỏ và hẹp và một chiếc bàn viết. Giờ thì tủ gần như tróc sơn, cửa tủ cũng đóng không khít, góc bàn thậm chí gãy mất nửa miếng.
Không phải nàng ác độc bắt phụ thân tiêu tiền, thật sự là phụ thân nàng không giữ được tiền. Họ hàng, bạn bè, cả gia gia bà bà đều muốn vét sạch nhà nàng. Có mua được căn nhà thì dù sao cũng còn chút sản nghiệp.
Từ ba năm trước khi cả nhà ba người định cư tại hẻm Kê Minh này, mẫu thân còn sinh thêm một đứa con, chính là đệ đệ ruột của Cẩm Nương, nay mới có ba tuổi.
Cả nhà bốn người chia ba nơi làm việc. Phụ thân nàng lái xe thuê, một tháng được một xâu tiền khoảng ba năm trăm văn. Mẫu thân thì dẫn theo đệ đệ, làm việc ở bếp sau một tiệm giày, còn nàng làm tú nương tại một tiệm thêu.
Ba năm đầu học nghề đều không có tiền công hằng tháng, chỉ được phát cho một bộ y phục mới mỗi năm. Cẩm Nương cũng khá may mắn, khi nàng vào tiệm thêu đó, những học trò cùng đợt với nàng đã học được một năm rồi, nhưng vì nàng biết viết biết vẽ, chưởng quầy của tiệm thêu chỉ tính cho nàng hai năm là được lĩnh tiền công.
Khó khăn lắm mới bắt đầu có lương mỗi tháng từ năm ngoái, trong nhà mới đỡ túng thiếu đôi chút, ai ngờ Ngụy gia gia qua đời, lại thêm bá phụ nằm liệt giường, tang sự của Ngụy gia gia đều do phụ thân nàng đứng ra lo liệu.
Tang sự trôi qua, số bạc tích góp khó khăn của Ngụy gia gần như tiêu tán sạch, ngay cả tiền riêng của Cẩm Nương cũng bỏ vào không ít.
Cứ mơ mơ màng màng suy nghĩ như vậy, chẳng biết đã ngủ thϊếp đi từ lúc nào, lại bị tiếng gõ cửa đánh thức. Cẩm Nương lẹp kẹp mang giày ra mở cửa, ngoài cửa là một phụ nhân trẻ tuổi. Bên trong nàng ta mặc yếm màu hương thu bằng vải gai xanh, phía dưới là quần lụa cùng màu, thắt đai vải xanh nhạt, ngoài khoác áo mỏng dệt từ vải hoa thuốc, trên đầu đội khăn đầu bằng vải gai màu trầm.