Cuộc đời chúng ta nếu may mắn sẽ gặp được một người gọi là nhân duyên trời định. Người mà ta chỉ gặp một lần trong đời, nhưng đã để lại dấu ấn khó phai, người mà ta nghĩ rằng đã mất kết nối, đã lạc nhau đến khoảng cách là một vòng trái đất, tưởng không bao giờ, có thể gặp lại nhưng vào một ngày đẹp trời nào đó, họ vì chữ yêu mà lại trở về bên ta, ôm ấp, vỗ về con tim đã từng chịu tổn thương của ta.
Tất cả những đứa sinh ra ở quê, quanh năm gắn bó với xóm làng như tôi đều áo ước được một lần lên thành phố để ngắm những toà nhà cao tầng, đi thăm Lăng Bác, đi chơi Hồ Gươm.
Những địa danh mà chúng tôi chỉ được nghe người khác kể, được đọc ở trong sách đầy hấp dẫn mà lòng thầm ao ước được một ngày có thể nhìn trực tiếp.
Mùa hè năm tôi học lớp mười một, trước khi tôi lao đầu vào ôn thi đại học, bố tôi đã đồng ý cho hai chị em tôi lên công trình bố tôi làm, bố tôi là cai thầu công trình xây dựng ở thành phố.
Đêm trước khi lên thành phố, tôi được mẹ mua cho quần áo mới và không quên dặn dò:
- Vy, con nhớ lên đấy phải phụ anh họ nấu cơm cho thợ, đừng mải chơi nghe con.
- Vâng ạ, con biết rồi ạ!
Anh họ tôi hơn tôi năm tuổi, do sức khoẻ yếu nên bố tôi cho đi làm cùng để nấu cơm cho thợ.
Sáng hôm sau, tôi ngồi xe khách bà tiếng, sau đó tôi được bố thuê taxi trở vào công trình chỗ bố tôi làm.
Thủ đô, lần đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là những toà nhà cao chọc trời mà một đứa ở quê như tôi chưa từng thấy bao giờ, tôi với đứa em vừa cố ngước lên nhìn, vừa xuýt xoa mãi.
Xe trở chúng tôi dừng ở một khu đất rộng lớn với những toà nhà đang xây dựng dở, đây chính là công trình bố tôi đang thi công. Thường các công trình sẽ có hai mảng, một mảng về cơ khí và một mảng về xây dựng. Vì vậy, ngoài tổ của bố tôi chuyên làm cơ khí thì ở đây còn có một tổ tương tự như tổ bố tôi làm về mảng xây dựng.
Đến nơi tôi mới biết, chỗ bố tôi làm, mọi thứ đều bất tiện với một đứa con gái như tôi. Ngoài tôi và cô Vân, cô Vân là vợ chú chủ thầu bên xây dựng, đi cùng chú để nấu cơm cho thợ, thì tất cả đều là nam, thành ra suốt ngày tôi bị các anh bên xây dựng trêu.
Tổ bố tôi làm toàn người trưởng thành, còn tổ bên xây dựng thì toàn người trẻ, chắc họ chỉ hơn tôi hai, ba tuổi.
Tôi nghe anh họ bảo, các anh ấy là sinh viên, nhà nghèo, không có điều kiện nên mùa hè tranh thủ đi làm thêm mấy công việc nặng nhọc này, kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Tôi ở quê quen với việc học hành, không quen với việc trêu đùa, tán tỉnh nên mỗi lần bị trêu, tôi chỉ biết đỏ mặt mà không dám nói gì.
Các anh ấy thấy tôi như vậy, thì lại càng được đà lúc nào trạm mặt hoặc nhìn thấy tôi đi ra ngoài phòng lại trêu:- Vy ơi, sao em không nói gì cho tim anh thổn thức.
Lúc thì họ hát nghêu ngao:
- Vy ơi, anh thích em, em có biết hay không?
Mọi lời tỏ tình cho tôi đều thông qua anh họ tôi kể lại. Tôi biết họ trêu đùa nên chẳng quan tâm đến ai cả.
Duy chỉ có một người tôi cực kì ấn tượng, anh tên là Tuấn. Anh Tuấn đặc biệt hơn những người khác, điều đầu tiên thu hút tôi đó là vẻ đẹp trai, ôn hoà.
Tuấn cao ráo, dáng người cân đối, ngũ quan hài hoà, làn da phơi nắng nhưng vẫn trắng ửng hồng, dưới sống mũi cao thẳng tắp là nụ cười tươi toả nắng đầy thân thiện.
Ở Tuấn toát lên vẻ lôi cuốn mê hoặc người nhìn, mà ngay một đứa chưa biết yêu là gì như tôi cũng phải rung động.
Tuấn chưa bao giờ chọc tôi như người khác, anh nói chuyện với tôi rất tự nhiên, anh hỏi thăm tôi về quê quán, về tên tuổi và về cả việc học của tôi như một người bạn.
Qua nói chuyện, tôi biết Tuấn đang học năm hai đại học, gia đình anh kinh tế khó khăn, nên Tuấn đi làm thêm để tự trang trải tiền ăn học trên này.
Tôi nghe mọi người kể lại, công việc trên này rất vất vả, mặc dù đồng lương được trả rất cao nhưng bù lại các anh phải dùng sức khuân vác vật liệu khi thì ở ngoài trời, dưới cái nắng nóng cháy da, cháy thịt, lúc lại bê lên tầng cao.
Sinh viên như các anh không quen với lao động nặng nên cơ thể thường bị xước sát, hay đau ốm là chuyện không thể tránh khỏi. Ở đây, không có sự bao bọc của gia đình, có vấn đề gì về sức khoẻ thì tự bản thân phải lo lấy, thậm chí ốm nặng cũng mới dám nghỉ, mới nhờ chủ mua cho viên thuốc.
Bất tiện hơn nữa, khu đất này là đất quy hoạch ở xa khu dân cư, muốn mua thứ gì phải đi xa cả mấy cây số mới có cửa hàng để mua.
Tôi để ý Tuấn bị sây sát khắp nơi, có khi là trên cả hai vai sưng đỏ, đêm nằm vết sưng ấy chắc sẽ rất khó chịu, tiện đường đi chợ tôi mua cho Tuấn miếng dán urgo và cao dán giảm đau. Trước mặt mọi người, tôi không dám thể hiện sự quan tâm ấy ra ngoài, chỉ đưa cho Tuấn và nói:
- Em, em thấy bố em mua nhiều băng cao cho thợ mà bên cơ khí không dùng hết. Anh cầm lấy lúc nào cần thì dùng, ở đây khó mua lắm, cần lại không có ạ.
Tuấn nhìn túi thuốc trên tay tôi, giọng nói có chút cảm động, nhẹ nhàng nói:
- Anh cầm được không? Sợ lúc tổ bên ấy cần lại không có.
Tôi sợ anh nói thêm câu nữa lại từ chối, nên vội vàng ấn vào tay anh, rồi đi thật nhanh về phòng. Lúc đang đi, tôi nghe thấy đằng sau lưng, có tiếng nói đầy trêu trọc từ các anh cùng tổ Tuấn:
- Vy ơi, anh cũng bị đau, chỗ bố em còn băng cao không cho anh xin ít.
Kể từ khi đến đây, tôi chỉ có thể gặp Tuấn ở sân giếng vì ở đây là công trình chỉ xây tạm một bể bơm nước cho tất cả mọi người sinh hoạt chung.
Mặc dù công việc vất vả là thế, mỗi lần gặp Tuấn, anh vẫn vui vẻ cười nói, làm xong việc cá nhân Tuấn còn phụ tôi rửa rau, vừa làm Tuấn vừa trò chuyện với tôi về việc học hành, kinh nghiệm ôn thi vào đại học, hoặc có khi anh hỏi thăm tôi xem ngày hôm nay diễn ra như thế nào, có gặp vấn đề gì bất tiện không?
Cũng vì thế tôi cảm nhận được Tuấn sống tình cảm, học cũng rất giỏi, có hoài bão lớn, người như Tuấn thành công chỉ là sớm hay muộn.
Nhờ có Tuấn, tôi cũng dần thích nghi với cuộc sống bất tiện ở đây, coi đó như là một trải nghiệm trong đời.
Tôi dần quen với mấy lời trêu trọc từ tổ xây dựng, tôi nhận ra một điều rằng, công việc vất vả nên việc có một cô gái như tôi để trêu, lại là niềm vui nho nhỏ của các anh nên tôi cũng chẳng buồn giận.
Mỗi lần nghe Tuấn kể chuyện về những mảnh đời bất hạnh, Tuấn đã từng nghe, từng chứng kiến, làm khơi gợi trong tôi niềm cảm thương sâu sắc, khiến tôi cởi mở và hoà đồng hơn. Tuấn chính là vậy, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, luôn thấu hiểu và sẻ chia, kéo tôi lại gần hơn với mọi người.
Nơi này, cũng không hẳn chỉ là những ngày lao động vất vả, thi thoảng cũng có những bữa tiệc chiêu đãi nhỏ nhỏ.
Có một hôm, bố tôi vui vẻ về phòng thông báo với anh họ tôi và tôi rằng hôm nay không phải nấu cơm cho thợ nữa, vì vừa hoàn thiện xong một khu nhà nên được ông chủ thưởng tiền liên hoan.
Chiều nay, tôi với anh họ sẽ sang tổ xây dựng phụ làm thức ăn, chúng tôi sẽ liên hoan chung với tổ xây dựng.
Buổi liên hoan đó ai cũng vui vẻ, vừa được ăn ngon, lại được uống bia tươi, cả một góc công trình, rôm rả tiếng cười nói.
Bữa đó, bố tôi và ông chủ cai bên xây dựng ngồi cùng nhau, tôi ngồi cạnh cô Vân, đối diện với Tuấn.
Cả bữa ăn, tôi thấy Tuấn chăm chú lắng nghe mọi người nói chuyện, thi thoảng chỉ cười góp vui, Tuấn ăn hay uống bia cũng rất từ tốn rất khác với mọi người ở đây.
Mải ngắm Tuấn, tôi quên cả ăn, tôi thấy anh nâng cốc lên giơ về phía tôi, tôi mới giật mình, cảm giác như làm chuyện xấu bị phát hiện, tôi nâng cốc lên theo phép lịch sự rồi cúi xuống ăn, từ lúc đó tôi chỉ dám lén nhìn Tuấn.
Bữa liên hoan hôm ấy kết thúc sớm để mai mọi người còn đi làm. Dọn dẹp xong, mấy anh bên xây dựng rủ đi uống trà đá, vì có anh họ đi cùng nên bố tôi đồng ý cho tôi đi, đương nhiên có cả Tuấn đi cùng nữa.
Đến nơi mỗi người gọi một cốc chà đá thêm đĩa hướng dương. Đến lượt tôi, tôi cũng định gọi trà đá theo mọi người, thì có tiếng nói nhỏ bên tai:
- Anh gọi nhân trần cho em nhé, trà đá em uống không quen là mất ngủ đấy.
Tôi nhìn Tuấn, chỉ khẽ gật đầu nói:
- Vâng, em cảm ơn anh ạ!
Nhờ buổi đi uống trà đá hôm ấy, mà tôi được nghe một anh gần nhà Tuấn kể về hoàn cảnh của anh:
- Tuấn học rất giỏi, thi đại học đỗ thủ khoa, gia đình chỉ có mỗi một người con là Tuấn, bố mất sớm, cậu ấy ở với mẹ, hai mẹ con nương tựa nhau. Tuy nhà nghèo nhưng cậu ấy vẫn quyết tâm đi học để sau này có thể cho mẹ một cuộc sống đầy đủ hơn.
Không hiểu sao khi nghe đến đây, trong sâu thẳm, tôi thấy cuộn trào một cảm xúc khó tả, giống như là vừa thương mà lại vừa khâm phục ý chí, nghị lực của Tuấn. Anh chỉ kể tôi nghe nỗi vất vả của người lao động ở đây, chưa bao giờ tôi nghe Tuấn kêu mệt hay kể một lời nào về nỗi khổ của cuộc đời mình.
Người ta thường nói mưa dầm thấm lâu, dần dần những cuộc trò chuyện của tôi và Tuấn đã trở thành thói quen mà đã là thói quen thì sẽ khó bỏ. Không biết từ bao giờ, trong lòng tôi đã tương tư về Tuấn, giấc ngủ của tôi không còn vô tư như những ngày đầu đến đây mà dần dà lại đúng như câu thơ mà bạn tôi hay trêu:
- Đêm nằm lưng chẳng tới giường, mong trời mau sáng ra đường gặp anh.
Hôm ấy, tôi đang rửa rau, thì thấy Tuấn nhìn tôi rất chăm chú, rồi anh lại gần lo lắng hỏi tôi:
- Vy, tay em làm sao đấy? Em cắt vào tay à?
Tôi nghe anh nói, mới nhìn vào tay, vừa nãy tôi cắt rau, không may cắt vào tay. Tôi cứ nghĩ nhẹ không sao, giờ nghe anh hỏi tôi mới để ý, vết thương có vẻ hơi sâu. Tôi dấu tay ra đằng sau, rồi nhanh nhẩu đáp:
- Em không sao, bị nhẹ ấy mà anh, mai lại lành ngay thôi ạ!
Anh cầm tay tôi, rút trong túi áo ra miếng dán urgo hôm trước tôi đưa cho, ân cần quấn vết thương trên tay tôi, rồi nhẹ nhàng nói:
- Em ngồi nghỉ đi, anh rửa rau cho. Vết thương này cần để khô, em động vào nước nhiều sẽ dễ bị nhiễm trùng tay đấy, nước ở công trình không tốt cho vết thương hở đâu.
Không đợi tôi đáp lại, Tuấn lại nói:
- Mà tối nay sau bữa ăn cơm em có thời gian không? Anh mượn được xe đạp của cô Vân, anh trở em một vòng quanh khu này. Lúc ấy vẫn còn sớm, anh trở em đi một lúc rồi về.
Trước lời đề nghị bất ngờ của anh, trong lòng tôi trào dâng niềm hạnh phúc, tôi như mở cờ trong bụng nhưng bên ngoài vẫn phải bình tĩnh nhất có thể, tôi suy nghĩ một hồi, rồi đáp:
- Vâng, vậy em hẹn anh ăn cơm xong, khi nào em ra đây rửa bát anh ra ạ. Em ngại vào gọi anh, các anh tổ anh lại trêu ạ.
- Ừ em, quyết định thế nhé.
- Dạ vâng ạ! Quyết định thế đi ạ.
Tôi biết bây giờ xin bố tôi, chắc chắn bố tôi sẽ không đồng ý. Vì năm sau là tôi vào lớp 12, chuẩn bị thi đại học. Bố tôi không muốn tôi dính dáng đến chuyện yêu đương, để tập trung vào ôn thi đại học.
Nghĩ vậy, nên tôi nhờ anh họ tôi trước:
- Lát nữa ăn cơm xong, em đi với anh Tuấn một chút, rồi em về ngay. Lúc anh ra rửa bát thì em đi cùng coi như đi rửa bát cùng anh, anh đừng nói gì với bố em nhé.
Anh họ tôi nhìn tôi đầy nghi hoặc:
- Đi với Tuấn? Cũng được thôi, nhưng phải hối lộ cái gì. Nếu không anh mách bố em.
Tôi thấy vậy miệng cười trừ:
- Em nấu cơm cho anh cả tuần là được chứ gì.
- Được cứ thoả thuận thế đi.
Vậy là một cửa ải đã qua, tôi biết, nếu là người khác anh họ tôi sẽ không đồng ý, vì có mình tôi là con gái vô cùng phức tạp. Còn là Tuấn thì anh họ tôi không cần suy nghĩ nhiều, ai cũng biết Tuấn của tôi hiền lành, ôn hoà lại chịu khó nhất tổ xây dựng. Độ uy tín là tuyệt đối không có nhưng.
Theo kế hoạch từ trước, ăn cơm xong tôi với anh họ đi rửa bát, bố tôi không chút nghi ngờ. Ra đến sân giếng, Tuấn đã chờ sẵn tôi, Tuấn xin phép anh họ tôi, rồi hai chúng tôi lên xe đi dạo. Ngồi sau xe Tuấn trở, cảm giác bình yên đến lạ, giữa một phố thị náo nhiệt, vẫn có một nơi như ở đây, không có xe cộ đi lại đông đúc, đặc biệt lại được ngồi sau lưng người mình thầm thích.
Khung cảnh thật nên thơ, tôi hướng tầm mắt ra xa, nhìn về nơi thành phố náo nhiệt, những ánh đèn đường nối nhau chạy dài, không nghe được tiếng xe cộ đi lại, chỉ nhìn thấy những đốm ánh sáng nhỏ đang nối tiếp nhau di chuyển.
Trên con đường chúng tôi đang đi, đường mới được đổ nhựa, hai bên đường, hoa bằng lăng nở màu tím biếc, thi thoảng chạy xen hàng phượng hoa vàng đang mùa nở rộ, đung đưa trong gió. Tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào bức tranh mùa hè trong câu truyện ngôn tình.
Tôi ngồi sau xe nghe Tuấn kể chuyện về khu đất này. Tuấn nói trước khi xây dựng nó như thế nào, sau này sẽ có hình dáng ra sao, sử dụng làm gì.
Tuấn làm tôi thấy ngạc nhiên, vì tôi vẫn nghĩ anh đến đây đơn giản chỉ là làm thuê để kiếm tiền, không ngờ anh lại có hiểu biết sâu về nơi này như vậy.
Đây là buổi đi chơi hiếm hoi chỉ có riêng hai chúng tôi, tôi không rõ Tuấn có cảm giác gì không? Riêng trong lòng tôi đang nảy nở tình cảm mới, tôi cũng không biết gọi là thích hay yêu. Chỉ biết rằng trong trái tim tôi đã cất giữ một hình bóng không thể xoá nhoà.
Chúng tôi cứ lặng lẽ quan tâm, lặng lẽ bước vào cuộc sống của nhau. Tình cảm ấy đã lớn lên trong tôi như chính những công trình đang dần mọc lên ở đây.
Mọi chuyện cứ tưởng êm đềm như vậy cho đến lúc tôi về, nhưng một chuyện bất ngờ đã xảy ra, hôm đó, tôi và anh họ đang nhặt rau, chuẩn bị thức ăn cho bữa cơm trưa thì nghe có toán người đang cõng một người bên tổ xây dựng, nghe loáng thoáng bị chóng mặt rồi ngã.
Tôi với anh họ vội chạy ra, vừa nhìn thấy Tuấn được cõng trên lưng, tôi thấy tay, chân bủn rủn, tôi và anh họ chạy theo mấy người bên tổ xây dựng đưa anh vào phòng, cũng may Tuấn không sao chỉ bị xây xước bên ngoài.
Họ đặt Tuấn xuống giường nằm nghỉ, nhờ cô Vân trông giúp, rồi vội vàng quay lại công trường tiếp tục làm việc.
Khi họ đi hết, chỉ còn lại mỗi ba người tôi, cô Vân và anh họ tôi.
Sau một hồi cô Vân hỏi han thấy anh không sao, chúng tôi quyết định để anh họ tôi và cô Vân tiếp tục đi nấu cơm để kịp cơm trưa cho thợ, tôi sẽ ở lại theo dõi và chăm sóc cho anh. Lúc chỉ còn mình Tuấn với tôi, nhìn khuôn mặt Tuấn tái đi, ánh mắt lộ rõ sự mệt mỏi, tay, chân xước sát chảy máu.
Tôi thấy thương anh vô cùng, tôi đã cố dặn lòng không được khóc mà nước mắt vẫn rơi.
Tôi lại gần cầm tay anh, mắt anh hơi mở nhìn tôi, miệng cố gượng nở một nụ cười cho tôi an lòng. Lúc đó chẳng hiểu sao tôi lại khóc to hơn, anh vội dỗ dành tôi:
- Em nín đi, đồ ngốc sao em lại khóc? Anh không sao, nghỉ ngơi một ngày rồi sẽ khoẻ thôi.
- Anh như thế này mà còn bảo không sao? Anh mệt thì phải nghỉ chứ, cố làm gì rồi ngã ra như vậy. May mà chỉ bị bên ngoài thôi.
- Anh xin lỗi đã làm em phải lo lắng, lần sau anh sẽ cẩn thận hơn.
- Anh lại còn muốn có lần sau nữa ạ?
Nói xong, tôi chẳng đợi anh đáp lại, chạy về phòng lấy thuốc của bố tôi mua phòng sẵn, rồi ra giếng giặt khăn mặt.
Quay lại phòng Tuấn, tôi nhẹ nhàng lau sạch vết thương trên người anh.
Rồi lấy bông thấm cồn vừa thổi, vừa sát trùng cho anh. Tôi biết anh xót lắm nhưng chẳng thấy anh kêu lên tiếng nào cả, không biết anh sợ tôi lo lắng hay từ trước đến giờ anh chịu quen như vậy rồi.
Sát khuẩn xong, tôi kẹp nhiệt độ kiểm tra thân nhiệt, rồi đưa thuốc hạ sốt cho anh uống, giọng tôi dịu xuống:
- Anh nghỉ ngơi đi, có gì thì gọi em. Em về nấu bát cháo cho anh dễ ăn. Tạm thời anh cứ nghỉ ngơi cho khoẻ hẳn rồi hãy làm. Có sức khoẻ là có tất cả, em thấy tình trạng này của anh mai chưa đi làm được đâu.
- Ừ anh nhớ rồi, anh cảm ơn em nhé Vy!
- Anh không cần phải cảm ơn em đâu, anh mau khoẻ là em thấy an lòng rồi.
- Anh biết rồi, đồ gà tre già.
Tôi giật mình, đang trong hoàn cảnh này anh lại gọi cái biệt danh chết tiệt mà anh họ tôi đặt cho tôi.
Anh tôi bảo tôi tuổi con gà, người thì bé, nhưng thích lý sự nên anh họ tôi hay gọi tôi là gà tre già.
Giờ nghe thấy anh gọi, tôi tức lắm, hình như anh đọc được suy nghĩ của tôi, lại nở thêm một nụ cười. Tôi ôm bụng tức không thèm nói thêm câu gì.
Thật may, chỉ hai ngày sau, anh khỏi ốm, cơ thể dần hồi phục, anh đã có thể đi làm lại.