Sau một ca làm việc, không phải là chân bị tụ máu sưng tấy, thì cũng là mắt cá chân, ngón chân đi đến biến dạng. Gặp phải "Tháng Năm Đỏ" thì có khi mười mấy tiếng đồng hồ không được tan làm.
Hơn nữa, nhà máy bụi bặm, tiếng ồn cũng lớn. Lúc cô mới xuyên qua, bố mẹ vẫn còn sống, một người tai nghe không rõ, một người thường xuyên ho khan, đây đều là bệnh nghề nghiệp của công nhân nhà máy dệt kim.
Là một người hiện đại đến 996 còn không chịu nổi, cô không thể và cũng không muốn thực sự giống như bố mẹ ở kiếp này, mở mắt ra là làm bạn với máy móc.
Tống Minh Du không muốn thế chỗ làm việc, thứ cô muốn là căn nhà kia. Năm 1984, làn gió cải cách mở cửa đã sớm thổi khắp các thành phố ven biển, Nam Thành nằm ở Tây Nam, chính sách theo sau đều chậm hơn. Phía trước nhà máy dệt kim đã cho phép phá tường mở cửa tiệm, nhưng người hưởng ứng cũng không nhiều.
Công nhân cho rằng nhà máy là "bát cơm sắt" cả đời, chỉ có điên mới đi làm kinh tế cá thể. Nhưng đối với cô, đây lại là một cơ hội tốt.
Tống Minh Du lại biết rằng kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất trong những năm tám mươi chính là kinh tế cá thể, bỏ việc nhà nước ra ngoài kinh doanh mới là con đường đúng đắn. Căn nhà số 1 ngõ Dệt Kim được phân cho cô, chẳng khác nào kiếp trước sở hữu một căn nhà có sẵn mặt tiền, tự mình kinh doanh, nhà máy không quản được.
Cô thậm chí đã nghĩ xong mình sẽ kinh doanh gì. Kiếp trước cô khởi nghiệp bằng ẩm thực, kiếp này vẫn có thể tiếp tục làm ẩm thực. Mở một quán ăn nhỏ trong ngõ, cuộc sống chẳng phải cũng rất tuyệt vời sao?
So với cái nhà nhỏ có thể mở quán ăn kia, một vị trí công việc căn bản chẳng là gì.
Nhưng cô không thể hạ mình cầu xin bí thư Ngô, nhà máy dệt kim dựa vào đâu mà nắm đóp hai chị em cô, chẳng phải là chắc chắn rằng cô vẫn là Tống Minh Du hiền lành, không có tính khí như trước đây sao.
Hôm nay, Tống Minh Du đã dùng hành động thực tế để nói cho bí thư Ngô biết, đừng có giở trò đó với cô.
Họ sợ những kẻ gai góc, cô lại chính là một kẻ gai góc, lại còn là một kẻ gai góc thông minh. Cô biết nếu mình thẳng thừng đòi nhà, bí thư Ngô sẽ không đồng ý, nên không nhắc đến chuyện đó, mà từng bước ép sát chuyện thế chỗ làm việc. Quả nhiên bí thư Ngô phải tìm một biện pháp dung hòa, hứa miệng căn nhà số 1 ngõ Dệt Kim cho cô.
Tống Minh Du không sợ ông đổi ý. Hôm nay làm ầm ĩ lớn như vậy, cô chỉ là một thanh niên thất nghiệp, chân đất không sợ đi giày, người nên sợ phải là bí thư Ngô.
Mưa đêm xuân càng lúc càng lớn, chiếc áo khoác mỏng manh đội lên đầu, thoáng chốc đã ướt sũng. Quần áo ướt dính vào người, khó chịu vô cùng.
Tống Minh Du chạy như bay trong mưa. Đèn đường của nhà máy dệt kim mờ mờ ảo ảo, chiếu lên khẩu hiệu lớn màu đỏ "Đoàn kết một lòng, phấn đấu hàng đầu", chiếu lên bóng dáng mảnh khảnh của cô, kéo theo một cái bóng dài lê thê.
Tống Minh Du vội vã về nhà, chạy qua cây đa lớn ở cổng nhà máy, lại nhìn thấy một bóng dáng nhỏ bé, đen kịt đang ngồi dưới gốc cây. Dáng vẻ đó có chút quen thuộc, cô đã chạy qua cái cây đó rồi, lại quay ngược lại.
"Ngôn Xuyên?"
Bóng dáng nhỏ bé đó ngẩng mặt lên, dưới chiếc áo mưa ni lông rộng thùng thình không vừa người, lộ ra một khuôn mặt nhỏ nhắn trắng xanh, thanh tú. Quả nhiên là em trai cô, Tống Ngôn Xuyên.
"Chị?" Tống Ngôn Xuyên mơ màng bị đẩy tỉnh, cậu cử động tay, nhưng vì đứng trong gió lạnh quá lâu, động tác của cậu vô cùng cứng nhắc, thậm chí có phần buồn cười. Cậu cúi đầu, cố gắng ôm vật trong lòng ra.
Một cây dù cán dài còn hơi ấm, không bị mưa làm ướt, sạch sẽ.
Tống Ngôn Xuyên lạnh đến mức răng va vào nhau lập cập, nhưng nụ cười trên mặt lại có chút ngây ngô: "Chị, trời mưa rồi, em che ô cho chị!"