Nữ Chính Có Trăm Cách “Nấu” Quỷ

Chương 3: Thím đúng là tốt bụng quá

Đối tượng lần này cũng là người góa vợ, hoàn cảnh và suy nghĩ cũng tương tự bà ta. Thế nên qua người giới thiệu, hai bên gặp mặt một lần là nhanh chóng đi đến quyết định.

Cũng chẳng có đám cưới rình rang gì, hai bên chọn ngày lành tháng tốt, đến hôm đó nhà trai lái xe qua đón người. Đón dâu về đến nơi, đốt một tràng pháo là coi như xong chuyện.

Đương nhiên, trước khi quyết định, cả hai bên đều đã hỏi ý kiến con cái mình. Thấy không ai phản đối nên chuyện mới được định như vậy. Nhưng ai mà biết được lại không may thế, Triệu Quế Anh mắt thấy ngày vui sắp đến nơi thì con gái lại sinh non.

Sinh non ba tháng, mà lại còn là sinh đôi một trai một gái mới đáng nói chứ.

Con gái sinh đôi trai gái là chuyện đại hỷ, Triệu Quế Anh cũng mừng lắm. Nhưng mừng xong thì chuyện đau đầu lại kéo đến.

Ai sẽ sang chăm cháu cho con gái đây?

Bố mẹ chồng của con gái thì thiên vị thấy rõ, trông mong gì họ sang chăm cháu, không khéo lại thêm phiền thêm bực mình. Ông bà nội không sang được thì chỉ còn cách bà ngoại này phải đi thôi.

Nhưng mà… ngày vui của bà ta sắp tới rồi còn gì? Dù không cưới xin, không cỗ bàn gì nhưng cũng không có chuyện vừa mới về nhà chồng, ghế còn chưa kịp ấm chỗ đã phải chạy sang nhà con gái trông cháu mấy tháng trời không về chứ?

Thế nên, lúc này Triệu Quế Anh thực sự phiền muộn! Phiền đến mức không chịu nổi!

Cuối cùng, Triệu Quế Anh mặt nặng mày nhẹ bỏ về.

Dọc đường gặp người trong thôn, bà ta không quên kể lể về Tiền Tiểu Đa mấy câu: “Các bác nói xem, tôi bảo nó sang nhà con gái tôi trông cháu thì có phải là tốt cho nó không... Tôi thấy nhà nó chẳng còn người lớn nào, lủi thủi một mình nên mới nghĩ cách giúp nó một tay... Cứ một hai đòi đi học nhưng đi học thì không tốn tiền chắc?”

Đúng như Tiền Tiểu Đa đã nghĩ, lời đề nghị của Triệu Quế Anh tuy không hoàn toàn vô tư như lời bà ta nói, nhưng trong mắt dân thôn, người ta đúng là đang tỏ ra quan tâm đến Tiền Tiểu Đa thật. Ngược lại, cách làm của Tiền Tiểu Đa lại có vẻ… hơi “không biết điều”.

Thế là có người lên tiếng: “Thím đúng là tốt bụng quá… Thôi, trẻ con nó không biết nhận tình thì đành chịu vậy.”

Lại có người nói: "Còn nhỏ tuổi đã biết gì đâu! Đợi đến lúc khai giảng, chỗ nào cũng cần tiền, lúc đó mới biết khổ."

Nghe mọi người đều nói vậy, sắc mặt Triệu Quế Anh mới khá hơn một chút. Bà ta khẽ hừ một tiếng, nói: "Thôi thôi, người ta đã có chủ kiến riêng rồi... tôi cũng chẳng hơi đâu đi chuốc ghét."