Làng Sọ một vùng quê nghèo có con sông Cà Lồ chảy kề bên, những mái nhà tranh rách vá lấp bên những bụi tre, tường bùn trộn rơm chằng chịt lỗ hổng. Gió sông thổi cái nghèo len vào từng kẽ bếp, từng bữa cơm chan chát vị muối mặn.
Bên cạch gốc cây Đa to nhất làng có một căn nhà tranh nhỏ xiêu vẹo, mái lá đã úa nhuộm màu khói đen, chân cột liêu xiêu vì mối mọt, tường đất nứt chân chim, nhiều chỗ bị hở do bong tróc đó là nhà Mẹ Hậu.
Mẹ Hậu người đàn bà gầy guộc như thân tre héo, lưng đã còng khi tuổi vẫn còn xanh. Mẹ gánh cả gia đình bằng đôi vai khô khốc, bàn tay chai sạn sần sùi như vỏ cây khô. Trong đợt lũ mấy năm trước, chồng bà vì cứu con trai cả không kịp thoát thân bị lũ cuốn trôi, để lại năm mẹ con nương tựa nhau mà sống.
Mất trụ cột gia đình, mỗi sớm khi sương còn chưa tan Mẹ đã vác cuốc ra đồng, khi ánh mặt trời lên Mẹ lom khom bên dòng suối bắt từng con ốc, khi trăng lên Mẹ chặt tre đan giỏ.
Bốn đứa con của Mẹ đều được sinh ra giữa những mùa gặt thiếu đói, lớn lên cùng tiếng gió rít qua phên nứa, trưởng thành bằng cơm độn bo bo.
Hiền, con cả, ít nói chững chạc như cha, từ nhỏ đã học nấu cơm, nhóm lửa, phụ cha mẹ ra đồng. Lành, con thứ 2, lanh lợi hay hát hò, đôi mắt như biết cười, ước mơ lên trấn đi làm kiếm tiền đỡ đần cha mẹ. Khoẻ, con thứ 3, lầm lì ít nói hay làm dáng người nhỏ nhắn thoăn thoắt không ngại khó ngại khổ. Em út Mạnh, gầy nhẳng như tàu lá chuối, hay mít ướt nhưng thương mẹ nhất nhà. Nhà có bốn anh em mỗi người một tính, nhưng lại chung một điều: chưa từng được no bụng qua ba ngày liền.
Căn nhà nhỏ không có gì quý giá ngoài cái chum gạo đã sứt mẻ vài miếng, bộ bàn thờ tổ tiên bằng gỗ dầu đen sạm đã mối một hết bốn chân, và chiếc võng đã cũ kỹ treo chỏng chơ giữa hai cột. Cuộc sống tuy nghèo nhưng họ sống có nhau. Bữa cơm một khúc cá mặn nhỏ ăn vài bữa, vài cọng rau dại nhưng vẫn đầy tiếng cười. Mẹ ngồi trước hiên nhìn những đứa trẻ dù rách rưới nhưng sạch sẽ vẫn chạy loanh quanh sân đất cùng tiếng cười dòn dã, bàn tay khô gầy thoăn thoắt đan rơm làm bện lạt nghĩ về tương lai: Chừng nào chúng nó lớn hơn, lên trấn làm việc, gia đình chắc sẽ đỡ hơn.
Không ngờ cái “lớn lên” Mẹ mong chờ ấy sẽ mang những đứa trẻ đi thật xa, không phải lên trấn tìm việc làm, mà ra chiến trường. Không phải để đổi đời mà là đổi mạng sống.