Chàng Rể Thần Thoại Vô Song

Chương 1: Giải thích

Trong văn hóa dân gian Trung Hoa, Trung Quốc là quê hương của các thần trong truyền thuyết, cũng là trạm đầu tiên mà các thần từ thiên thượng đến nhân gian chuyển sinh, do đó được gọi là Thần Châu (vùng đất của thần). Từ cổ đến nay, các con dân của thần phát hiện ra mảnh đất này vừa đúng nằm ở trung tâm của thế giới, do đó lại gọi nó là Trung Thổ hay Trung Nguyên (vùng đất trung tâm), hoặc Trung Quốc (quốc gia trung tâm). Cũng chính vì thế mà từ xưa đến nay, quốc gia thần bí này mới lưu truyền rộng rãi những truyền thuyết thần thoại như Bàn Cổ khai thiên địa, Nữ Oa tạo con người và Nữ Oa vá trời...

[1] Bàn Cổ được xem là vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo vũ trụ. Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, một tảng đá lớn trên núi Côn Lôn hấp thụ khí âm dương trong thời gian dài đã sinh ra Bàn Cổ. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, tảng đá nứt ra, khai sinh một vị thần có hình dáng con người.

Bàn Cổ vừa sinh ra đã có sức mạnh phi thường, cao trăm thước, đầu như rồng, toàn thân đầy lông. Một ngày, ông tìm thấy một chiếc búa và dùi nặng ngàn cân, rồi bắt đầu khai phá vũ trụ. Khi trời đất còn hỗn độn, ông mong muốn phân tách chúng. Ngay khi ước nguyện, sấm sét vang trời, trời đất dần rõ ràng, vạn vật sinh sôi. Ông tôn trời làm cha, đất làm mẹ, và xem muôn dân là con, tự xưng là thiên tử, trở thành vị vua đầu tiên của nhân gian, còn được gọi là Thái Thượng Đạo Quân hay Hỗn Độn thị.

Bàn Cổ sống 18.000 năm rồi quy tiên. Khi ông chết, cơ thể hóa thành thế gian: đầu thành núi non, mắt thành mặt trời và mặt trăng, mỡ thành sông biển, râu tóc thành cây cỏ. Dân gian thời Tần – Hán kể rằng: đầu ông là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay chân hóa thành Ngũ Nhạc. Nước mắt ông trở thành sông, hơi thở là gió, giọng nói thành sấm, đồng tử hóa thành ánh sáng.

(Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/sau-khi-khai-thien-lap-dia-ban-co-da-di-dau-204490844.htm)

[2] Nữ Oa – được coi là người mẹ của người dân Trung Quốc, vị thần nổi tiếng nhất và được tôn kính nhất trong những nữ Thần thượng cổ.

Trong các truyền thuyết, Nữ Oa được miêu tả là một vị Thần có nửa thân dưới giống loài rồng. Bà sống trên núi Côn Lôn linh thiêng – thiên đường trong truyền thuyết của người tu Đạo, cũng là nơi cư ngụ của nhiều vị thần nguyên thủy.

Khi địa cầu mới hình thành, là một nơi yên tĩnh và không có con người sinh sống. Một hôm, Nữ Oa tình cờ bắt gặp một dòng sông hiền hòa, bị thu hút bởi làn nước lấp lánh, bà đã dừng chân ngắm nhìn thật lâu bóng mình phản chiếu trên mặt nước. Trong thoáng chốc, Nữ Oa chợt nhận ra thế giới hoang sơ thiếu vắng một thứ gì đó. Bà cúi xuống, nhặt đất sét vàng và bắt đầu nặn ra những hình người tí hon giống hệt như bà. Những hình người lần lượt đứng dậy và nhảy múa. Tuy nhiên, vì công việc quá tốn thời gian và sức lực, bà bèn ngắt một cành liễu ở gần đó rồi vung mạnh xuống mặt nước, tạo thành vô số vết bùn bắn tung tóe. Khi những giọt bùn rơi xuống mặt đất, ngay lập tức mỗi giọt hóa thành một người tí hon có sự sống. Kể từ đó, nhân loại ra đời, xua tan sự cô quạnh của thế gian.

Nhưng thế giới chẳng bình yên được lâu – thiên tai, hỏa hoạn và quái vật hoành hành. Bốn cây trụ trời sụp đổ, khiến vòm trời đổ nát, mặt đất bị chia cắt. Hành tinh bắt đầu lệch về hướng Đông Nam, ảnh hưởng đến quỹ đạo thiên thể và dòng chảy sông ngòi.

Để cứu thế gian, Nữ Oa nung chảy đá ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen) – đại diện cho Ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) – để vá trời trong chín ngày. Sau đó, bà dùng chân rùa khổng lồ để thay thế những cột trụ chống trời. Nữ Oa bôn ba khắp nơi để ngăn chặn hỏa hoạn, lũ lụt và đánh đuổi ma quỷ. Cuối cùng, sự yên bình đã trở lại, những người con của bà có thể tiếp tục ca hát, nhảy múa.

Trong thần thoại Trung Hoa, Nữ Oa thường được xếp vào một trong Tam Hoàng. Bà là người sáng tạo, cũng là người bảo vệ thế giới. Bà đã đặt định quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ, đồng thời trở thành thần bảo hộ cho hôn nhân và sự sinh nở. Bà còn phát minh ra các loại nhạc cụ cổ đại như sáo bầu, sáo trúc và kèn. Nữ Oa cùng với phu quân là Phục Hy, hai người đã khôi phục lại trật tự thế giới và định ra nhân luân cho loài người.

(Nguồn: Câu chuyện thần thoại về Nữ Oa – trang Shen Yun Performing Arts)

[3] Thần Nông là một vị hoàng đế trí huệ và nhân từ. Ông có thân người, đầu bò và vùng bụng trong suốt như thủy tinh. Mặc dù Thần Nông có rất nhiều tên gọi khác nhau nhưng người ta thường gọi ông là Viêm Đế. Với những đóng góp về nông nghiệp, thảo mộc và y dược, ông được tôn là “Vua ngũ cốc” và “Thần thảo mộc của Trung Quốc”. Ngày nay, ông được nhớ đến nhiều nhất với tên gọi Thần Nông có nghĩa là “vị thần nông nghiệp”.

Tương truyền một hôm có vị tể tướng đến gặp Thần Nông và thỉnh cầu ông giúp đỡ một ông lão đang trong tình trạng vô cùng đau đớn. Không ai biết ông lão đáng thương bị đau thế nào hay làm cách nào để giúp ông, bởi vì thời ấy không có thuốc men hay hệ thống chăm sóc y tế. Không lâu sau, ông lão đã qua đời. Sự việc này khiến Thần Nông vô cùng thương tâm. Làm sao ông có thể khoanh tay đứng nhìn người dân của mình chịu khổ và chết dần như vậy? Ông quyết tâm làm mọi cách có thể để mở mang tri thức về y dược.

Kể từ ngày đó, ngày nào ông cũng lặn lội vào rừng tìm kiếm các loài cây dại, nếm thử nhiều loại cây nhất có thể. Ông phân loại chúng theo mùi vị và thuộc tính – đây là khi vùng bụng trong suốt của ông phát huy tác dụng. Ông phát hiện ra được cây nào có độc và cây nào có đặc tính chữa bệnh. Ông đã xác định tổng cộng 365 loài thảo mộc, nhiều loại trái cây rau củ và 5 loại cây lương thực chính của Trung Quốc thời cưa là gạo, lúa mì, cao lương, kê và đậu.

Thông qua hành trình nếm thử mùi vị của mình, Thần Nông đã có thêm hiểu biết về cách trồng các loại thực vật khác nhau, cũng như loại đất thích hợp nhất cho từng loại thảo mộc và mùa sinh trưởng tốt nhất của chúng.

Nghe nói Thần Nông đã phát minh ra lịch, lưỡi cày và chiếc rìu. Ngoài ra, ông còn hoạch định mùa vụ, phương pháp bảo quản và dự trữ lương thực. Nhờ đó, người dân lúc nào cũng có cuộc sống ấm no. Việc này cũng đánh dấu sự bắt đầu của nền nông nghiệp ở Trung Quốc.

(Nguồn: Câu chuyện thần thoại về Thần Nông – trang Shen Yun Performing Arts)

[4] Hậu Nghệ - một cung thủ nổi tiếng với tài bắn cung thiện xạ.

Theo truyền thuyết Trung Quốc, Hậu Nghệ có vợ là Hằng Nga. Hai vợ chồng là những vị thần bất tử sống trên thượng giới.

Một hôm, mười người con trai ngỗ nghịch của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời, ngang nhiên ở trên trời thiêu đốt Trái Đất, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn. Ngọc Hoàng ra lệnh cho các con của mình ngừng phá hủy mặt đất nhưng không được bèn triệu Hậu Nghệ đến cứu giúp.

Hậu Nghệ đã xuống trái đất và tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ ở đây. Mọi thứ đều bị thiêu rụi, loài người thống khổ lầm than. Lòng phẫn nộ vì chính nghĩa dâng trào, Hậu Nghệ đã ra tay hành động. Chàng rút một mũi tên ra và nhắm thẳng về phía mặt trời để bắn. Từng mặt trời bị bắn rơi. Cuối cùng, chín người con trai của Ngọc Hoàng đều bỏ mạng. Hậu Nghệ chỉ chừa lại một mặt trời để chiếu sáng và sưởi ấm cho trái đất.

Sau khi biết chuyện, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình, ngài đã trục xuất Hậu Nghệ và thê tử của chàng là Hằng Nga khỏi Thiên Đình, đồng thời tước bỏ quả vị Thần tiên của họ. Lúc bấy giờ, họ buộc phải sống trên Trái Đất như những người phàm.

Thấy Hằng Nga rất đau khổ vì bị mất khả năng bất tử, Hậu Nghệ quyết định lên đường đi tìm thuốc trường sinh để hai người có thể trở lại cuộc sống bất tử. Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, cuối cùng Hậu Nghệ đã gặp được Tây Vương Mẫu – một vị thần tiên sống trên Trái Đất xin bà giúp đỡ. Sau khi biết hoàn cảnh của họ, Tây Vương Mẫu đã từ bi ban cho Hậu Nghệ hai thứ, đó là một viên thuốc và dặn rằng mỗi người uống nửa viên thì sẽ được trường sinh, còn nếu uống hết một viên thì sẽ bay lên trời trở thành Thần tiên bất tử.

Khi Hậu Nghệ đoàn tụ với Hằng Nga, nàng rất vui vì phu quân đã thành công. Nhân lúc phu quân nghỉ ngơi sau chuyến đi, Hằng Nga đã trộm xem viên thuốc tiên phu quân mang về. Mong muốn trở nên bất tử đã khiến Hằng Nga uống hết viên thuốc. Trong chốc lát, nàng cảm thấy thân thể nhẹ nhàng và bắt đầu bay lơ lửng trên không trung.

Là một vị Thần bị đọa xuống trần gian, Hằng Nga không thể quay về Trời được nữa và bây giờ nàng cũng không thể ở lại Trái Đất. Không có nơi nào để đi, Hằng Nga đã bay đến Cung Trăng xa xôi hẻo lánh. Ở trên đó, nàng trải qua những tháng ngày còn lại nơi cung điện tịch mịch cùng với Thỏ Ngọc. Nàng khóc thương cho phu quân là Hậu Nghệ, người bị kết tội phải sống những ngày còn lại trên Trái Đất như một người phàm.

(Nguồn: - Hậu Nghệ và Hằng Nga trên Cung Trăng – trang Shen Yun Performing Arts)