Chương 5: Câu chuyện thứ năm: Mẹ
Bởi Quốc NinhLý Quyền phạm tội trộm cắp, bị bắt đưa đi cải tạo ở một nông trường. Sau khi trốn khỏi nông trường, đi hai ngày hai đêm vượt đèo lội suối, trong túi không có một xu, người đói lả, hắn vào một quán cơm ven đường. Chủ quán là một người đàn ông thật thà, chất phác, có lòng hiếu khách. Ông ta không hề e ngại, liền mang cơm và mấy món ăn ngon ra cho Lý Quyền ăn mà không bắt trả tiền trước. Lý Quyền đến bên chiếc bàn kê ở góc tường, thản nhiên ngồi ăn. Hắn ngốn hết tất cả cơm canh do chủ quán mang ra như voi uống thuốc gió.
Khi Lý Quyền đang cắm đầu cắm cổ ăn thì có một bàn tay nhăn nheo, đen đủi chìa ra trước mặt hắn và bên tai hắn có tiếng nói yếu ớt: “Cháu ơi, cho xin một chút!”
Ánh mắt Lý Quyền dõi theo bàn tay ấy. Bỗng hắn ngẩn người ra, cổ họng nghẹn lại. Mãi sau hắn mới thì thào: “Mẹ, sao mẹ lại đến nông nỗi này? Sao mẹ lại đến đây?”
Bà lão xin cơm cũng giật mình, mãi sau mới cất tiếng hỏi: “A! Con… con là Lý Quyền phải không?”
Bà lão nâng vạt áo lên lau nước mắt, nói: “Mẹ nhớ con quá! Phải mấy năm mẹ mới dành dụm được ít tiền để đi thăm con. Không may khi lên xe, tiền bị bọn kẻ cắp móc hết cả. Mẹ nhớ con nên cứ đi ăn xin dọc đường lên đây!”
Nghe mẹ nói xong, Lý Quyền tự vả vào mặt mình liên hồi, miệng nói: “Con là đồ đáng chết!”
Chủ quán thấy hắn đã ăn xong liền hỏi: “Xin anh cho tiền cơm!”
Nghe tiếng “tiền”, Lý Quyền bỗng giật mình, cúi đầu xuống. Mẹ Lý Quyền run run móc trong túi áo ra đếm một hào, hai hào, ba hào, một xu, hai xu… số tiền bà đã xin được.
“Mẹ!”
Lý Quyền nhìn thấy tình cảnh này, gọi một tiếng thật to rồi quỳ xuống, khóc nức nở.
Một lúc sau hắn đứng dậy, lau nước mắt, đỡ mẹ dậy, dìu mẹ ra khỏi quán cơm và đi về hướng nông trường cải tạo, không quay lại.
Nguyễn Mạnh Tùng
(Dịch từ Truyện ngắn tinh tuyển 2012)