Năm 1965.
Sau ngày mồng Hai tháng Hai, gió ở Hải Thị bắt đầu mang chút hơi ấm. Những chị em trong thành phố vốn yêu thích sự điệu đà đã vội cởi bỏ những chiếc áo bông cồng kềnh để thay bằng những chiếc áo khoác nhẹ nhàng bay bổng.
Bé con Hạ Thấm Thấm, vừa kết thúc một ngày học ở trường mẫu giáo, ngồi trên ghế sau của xe đạp mẹ chở. Bé len lén rút từ túi áo bông màu đỏ như đèn l*иg ra một viên sô-cô-la.
Đây là món quà của bạn thân cùng lớp – Tráng Tráng tặng. Cha của Tráng Tráng làm việc ở hải quan, nên gia đình được nhận phiếu mua hàng ngoại hối. Viên sô-cô-la này là hàng nhập khẩu từ cửa hàng hữu nghị.
Hạ Thấm Thấm nhỏ bé chưa biết thế nào là hàng nhập khẩu, bé chỉ biết viên sô-cô-la màu nâu đen này vừa ngọt vừa ngon. Nhưng mẹ không cho bé ăn nhiều, thế nên Thấm Thấm đã lén cất vào túi áo, nhân lúc trên đường về nhà nhanh chóng ăn hết. Nếu về đến nhà, chắc chắn sẽ bị mẹ phát hiện.
“Hihi... mình thật thông minh!” Thấm Thấm nghĩ thầm trong lòng, đôi mắt to tròn lim dim tận hưởng hương vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Hàng mi dài cong vυ't in bóng trên làn da trắng hồng, đôi môi hồng chúm chím khẽ nhếch lên, trông chẳng khác nào chú mèo nhỏ đang lén ăn vụng.
Ghế sau xe đạp là chiếc ghế trẻ em mà cậu út đặc biệt đặt làm riêng. Ghế không chỉ có lan can bao quanh mà còn được thêm tấm chắn hai bên chân để bảo vệ bé không bị kẹt vào nan xe.
Ngồi trong ghế, ăn sô-cô-la, Thấm Thấm thích thú đung đưa đôi chân nhỏ. Dây lưng áo khoác của mẹ phía trước thỉnh thoảng bị gió thổi bay, đập vào tay bé. Thấm Thấm không nhịn được, đưa tay túm lấy, nhưng chẳng may để lại một vết đen nhỏ trên đó.
Chết rồi, làm dính sô-cô-la lên rồi!
Bé vội thả tay khỏi dây áo, chùi tay vào quần đen của mình. Nhìn lòng bàn tay trắng trẻo đã sạch sẽ, Thấm Thấm thầm nghĩ: “Chắc mẹ sẽ không phát hiện đâu nhỉ?”
Trời ấm dần, ban ngày cũng dài hơn. Chiều hơn năm giờ, mặt trời vẫn chưa lặn. Trong con hẻm Hoài Hà, mùi cơm chiều đã lan tỏa khắp nơi. Những đứa trẻ tan học rủ nhau chạy chơi trên con đường lát đá, còn người lớn đi làm về thì liên tục bấm chuông xe đạp, luồn lách qua những con ngõ chật hẹp.
“Ngọc Phỉ, tan làm rồi đấy à?”
“Ôi, Ngọc Phỉ, hôm nay lại là cô đi đón Thấm Thấm à?”
“Ngọc Phỉ này, mai tôi định ra ngân hàng gửi tiền, lúc đó ghé qua tìm cô nhé.”
Trong con hẻm nhỏ toàn là hàng xóm lâu năm, chuyện chào hỏi, trò chuyện mỗi khi đi làm về là không thể thiếu. Mạnh Ngọc Phỉ mỉm cười đáp lại từng lời, chở con gái dừng lại trước một căn nhà ba tầng kiểu Tây.