Hoa Khế

Chương 2.2

Chuyện tôi không đi học nữa chìm xuống, chỉ còn mỗi cô giáo lớp vỡ lòng thấy tiếc rẻ. Cô Hạnh từ thành phố lớn về, giọng cô ngòn ngọt mềm mại, khẩu âm không nặng như chúng tôi. Mỗi lần cô nói chuyện đều rất trang trọng, dù là nói với các thầy cô giáo khác hay là nói với chúng tôi.

Cô Hạnh cũng là người thành phố duy nhất về quê tôi mà không bị người ta bài xích. Những mụ miệng rộng cũng không dám soi mói cô.

Cô có đến nhà, mấy lần muốn gọi tôi ra nói chuyện cũng đều không gặp được. Trước khi chuyển công tác lên tỉnh, cô lại tìm đến nhà tôi. Khi tôi người đầy bùn đất trở về, cha chờ tôi rửa tay và thay quần áo rồi mới chỉ vào thứ mà cô để lại. Nghe đâu, nghe từ thằng Nhậm đó, cô đã nói chuyện với cha tôi rất lâu, hơn nữa còn khen tôi rất nhiều câu nữa.

Khi nhìn thấy chồng sách cô để lại, tôi hơi chần chừ, đưa tay lên mũi ngửi ngửi thật kĩ sau đó mới đưa tay ra chạm đến. Những quyển sách không còn mới nữa, đã nát hết gáy, có cả dấu tích của chủ nhân trước để lại, tôi nhẹ nhàng lật những trang sách. Trong những cuốn sách kết tinh tri thức ấy, tôi còn tìm thấy được một bức thư nhỏ màu trắng. Tôi cất thư vào trong hòm, không dám đả động đến. Cô Hạnh là cô giáo đầu tiên của tôi, cũng là người tâm huyết nhất, yêu thương và quan tâm học sinh nhất. Là một học sinh hư, tôi cảm thấy không còn mặt mũi nào để đối diện với những dòng chữ vừa đẹp đẽ vừa thẳng hàng đều tăm tắp của cô.

Sau đó, lần lượt mấy đứa em tôi đi học, khác với tôi, chúng là thật sự thích đi học, nhất là thằng Cần vốn có khiếu viết lách, bài văn tả về tôi cũng là do nó viết ra, rất cảm động lòng người.

Bà ngoại bảo thằng Cần giống mẹ nhất, có năng khiếu viết lách, đó là di truyền rồi. Lắm lúc bà còn ngắm nghía bài văn nó mà đôi mắt mơ màng tựa như đang chìm đắm vào hồi ức, tôi đoán bà có tâm sự. Mà không ngờ được hoá ra người mẹ thường xuyên ốm vặt và thường vô cớ cáu kỉnh của tôi cũng có một mặt “văn nghệ” đến vậy.

Nghe nói hồi mẹ cùng các chị em đi lấp đường, lốp hố bom trong thời chiến cũng từng là một cây văn nghệ xuất sắc. Mẹ làm thơ hay, lại biết đọc diễn cảm, giọng nói êm ái, khuôn mặt ưa nhìn, ai cũng say mê. Mê như điếu đổ. Tôi lại thấy là lạ, một người khiến cánh đàn ông đổ đứ đừ như mẹ tại sao lại chọn cha làm người bạn đời. Cha sinh ra trong gia đình nhà nông nhiều miệng ăn, tình cảm gia đình cũng không mấy mặn mà, càng không nói thân thể cha không lành lặn, làm công cho người ta đã hơn nửa đời người rồi. Có lẽ cả đời của ông chỉ có đức tính nhẫn nại và thấu hiểu là điểm cộng.

Chiến tranh chống Pháp qua, mẹ trở về nhà, sau đó mấy năm liền kết hôn cùng một người đàn ông bình thường đến tầm thường như cha tôi. Chị Thu sinh đầu tiên, mãi đến khi đất nước hoà bình thì mới sinh ra tôi rồi lần lượt đám em nhà tôi. Tôi đã từng nghĩ, có lẽ là bởi vì mẹ yêu mến tính cách và tâm hồn nhân hậu đó của cha.

Duy nhất một lần, tôi hỏi mẹ rằng chuyện gì đã đưa đẩy để cha và mẹ gặp nhau, lúc đó tôi giống như rất nhiều đứa trẻ khác, cũng chỉ đơn thuần là tò mò về mối tình đơm hoa kết trái của cha mẹ. Tôi hỏi rồi, mẹ từ trong buồng ho mấy tiếng nặng nề, không đáp trả. Tôi không hỏi thêm, vì dù có hỏi mẹ cũng không nói. Mẹ như thế tôi cũng quen rồi. Chỉ cần mẹ không muốn trả lời, cho dù là ai đổ nước sôi vào trong cổ họng bà cũng chẳng ừ hử rên lấy một tiếng.

Tôi rẽ đám lông ở tai chó ra, bắt lấy con rận ú nu, đè nó xuống nền đất ấn một cái “rốp”, máu đỏ dính đầy tay, lại một xác rận nữa được ném vào cái lá chuối bên cạnh. Con chó cựa quậy đòi giơ đầu về hướng xác rận xám ngắt liếʍ láp, tôi liền vung tay đập một phát, nó ngừng cựa. Con Huyên khăng khăng muốn bắt rận bị tôi đẩy ra, chỉ đành ở bên dòm, đầu nó ghé sát quá, từ trong miệng phả ra mùi l*иg đỏ. Tôi ghét nhất là trái l*иg đỏ, ăn không ngon mà mùi cũng kì kì, con Huyên lại là đứa ăn tạp, cái gì cũng nuốt được. Tôi hích đầu nó ra, nó lại gan, sán đến, tôi trừng mắt cảnh cáo. Con bé liền rớm rớm nước mắt, định khóc, thế mà nó chưa khóc thì mẹ ở trong buồng đã khóc rồi.

Tôi và con Huyên đều ngớ người, cho đến khi tiếng mẹ thút thít rồi nhỏ dần, cả hai đứa vẫn chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Mẹ đột nhiên khóc mà đứa con như tôi lại chẳng hiểu mẹ đã khóc vì cớ gì? Hai đứa chúng tôi bị doạ sợ, đối mặt nhìn nhau, trong lòng đều rối như tơ vò. Mà mẹ ở phía sau, chẳng đứa nào dám lại hỏi han.

Dường như từ khi tôi có kí ức, số lần mẹ vỗ về chúng tôi và bước xuống khỏi giường đều ít ỏi đến mức đếm trên đầu bàn tay. Lúc mang thai Ngọc, mẹ còn chả buồn ra khỏi giường, không biết có phải thế hay không, con bé sinh ra vừa xanh xao vừa yếu ớt. Con bé chưa được đầy ba tháng đã rời bỏ nhà tôi mà đi. Cha nói em Ngọc không có duyên với nhà tôi, âu cũng là số trời. Em đi rồi, thỉnh thoảng tôi lại thấy cha rít thuốc lào, tôi biết là cha nhớ em, nhớ cô con gái út.

Cũng từ ngày Ngọc đi, mẹ dường như chẳng còn tha thiết với cuộc sống nữa, ngày ngày lầm lầm lì lì, miệng cứ lẩm bẩm cái gì đó giống như phát điên. Tôi biết mình không nên nói thế nhưng chẳng còn từ nào có thể diễn tả được trạng thái tinh thần của mẹ nữa. Mỗi lần vô tình lướt qua hai mắt xám xịt mơ mơ màng màng của mẹ thì não tôi liền bật ra một suy nghĩ đáng sợ: mẹ có bệnh rồi. Tâm bệnh. Chữa không khỏi. Cả nhà tôi không ai dám làm mẹ phật lòng, bởi vì sợ mẹ đột nhiên phát bệnh.

Chẳng hiểu sao từ đó mẹ khóc nhiều hơn, những lần đột nhiên khóc của mẹ đều không rõ lí do cũng không có thời gian cụ thể. Tôi không đoán được và cũng không ai đoán được vì sao mẹ lại khóc, trừ mẹ.

Rồi có một ngày, tôi mới bất chợt nhận ra được một sự thật đau đớn: không phải là mẹ kì lạ mà là do mẹ chê bai cha, bài xích cha, bài xích cả chúng tôi.

Hồi còn bé tôi ngây thơ lắm, tôi cứ tưởng mẹ ốm nên không ôm tôi vì sợ lây bệnh. Tôi chờ mẹ khỏi ốm, chờ mãi, chờ hoài, chờ đến mấy năm lận, thế mà cũng không được cái ôm của mẹ. Hồi bé tôi chỉ biết quấn chân cậu nhỏ, chân ngoại, chân cha; mấy đứa em thì quấn chân tôi, chưa ai từng dám quấn lấy chân mẹ đòi hỏi điều gì. Lớn tôi mới biết không phải là mẹ ốm, mà là mẹ không thương ai. Sự xa cách và lẩn trốn của mẹ giống như đầm lầy, tôi muốn vượt qua nhưng vẫn luôn chìm nghỉm trong đầm trước khi chạm vào người mẹ.

Ngày ấy, tôi còn chưa thấy hết bất ngờ vì mẹ ra khỏi nhà thì đã thấy mẹ cắp chiếc mành vải mới tinh trở về, tôi dường như còn thấy được nụ cười nhẹ nhõm hiếm hoi của bà. Sự kinh ngạc ấy biến mất, tôi bắt đầu dần dần vui vẻ, đã lâu lắm rồi tôi mới thấy mẹ vui như thế. Nhưng khi tấm mành ấy được treo lên che khuất căn buồng riêng tư, tôi lại cảm thấy lòng lạnh dần. Giữa chúng tôi bây giờ không chỉ bị ngăn cách bởi một bức tường vô hình mà ngay trước mắt đã có thêm một lớp vải khác. Tôi chưa đập tan được bức tường vô hình, lại phải đối đầu thêm một tấm vải lạnh ngắt. Có phải hay không, mẹ không còn thương chúng tôi?!

Tôi nhìn tấm màn, thấy ngứa mắt, chỉ muốn băm nó ra làm trăm mảnh cho hả giận. Nhưng đó chỉ là nghĩ thế, tôi chưa bao giờ dám chạm đến tấm mành ấy. Tấm mành cũ đi theo năm tháng, tôi cũng chẳng còn là đứa trẻ năm ấy với suy nghĩ ngây thơ vén chiếc rèm lên nữa rồi.

Mẹ đột nhiên vén rèm lên, giọng khàn khàn giục con Huyên:

- Bật... khụ...

Mẹ chưa nói hết câu đã bật ho, ho mãi không dừng, đúng lúc tôi vác khúc gỗ đi qua, thuận tiện lấy cho mẹ chiếc khăn mỏng vắt trên móc treo đưa sang. Mẹ cầm lấy, dùng khăn bịt miệng, lại ho. Con Huyên không nghe hết câu nhưng như con sâu trong bụng mẹ, nó hớn hở chạy lại bàn lớn. Nó tay ngắn chạm tới chiếc cát-xét màu đen chi chít vết xước, nhạc bỗng chốc nổi lên, tôi hết nhìn khúc gỗ rồi lại nhìn mụn cưa, tay lại dỏng lên, nghe ra đó là bài hát về người lính trên đường hành quân. Đó là bài mẹ thích nhất, nghe mãi không chán, nghe mãi không muốn đổi.

Ngoài cửa, tôi còn nghe thấy thấp thoáng tiếng anh Lạng điên điên chập chập đang chọc cười bọn trẻ nhỏ. Câu cửa miệng của anh là “Hôm nay ai mặc áo hoa xanh? Bắt áo xanh bỏ vào trong rọ”. Bọn trẻ nghe vậy sẽ liền ầm ĩ lên, mỗi đứa nắm lấy nắm đất cát ném túi bụi vào l*иg ngực phanh trần đỏ au của anh. Anh Lạng cũng không làm gì chúng cả, cứ đứng đực ra mà chịu trận. Lũ trẻ ồn ào đã như thế, thế nhưng tiếng ho của mẹ tôi còn lấn át cả tiếng cười của chúng, bên tai tôi chỉ toàn là những trận ho không dứt của bà, và cả bài hát quen thuộc đến mức không thể quen thuộc hơn.

Trời bắt đầu trở lạnh rồi, tôi biết, bởi vì mẹ vốn rất nhạy cảm với việc thời tiết chuyển mùa như thế này. Tôi thả khúc gỗ xuống, đi lại rót cốc nước ấm trong phích ra, pha thêm một ít nước sôi nguội, chần chừ một chút rồi đưa miệng sát cốc hớp thử một chút, nước không nóng quá mà cũng không nguội quá. Tôi để cốc nước trên bàn rồi lại ôm khúc gỗ ra trước hiên, trước đó còn cố tình đẩy rèm sang một bên. Mẹ cũng không vội vươn tay ra lấy, cốc nước bốc hơi trắng xoá, ho xong một đợt nữa thì mẹ mới cầm lên.

Tôi ở ngoài hiên dùng bào bào nhẵn khúc gỗ, thỉnh thoảng quay đầu vào trong nhòm một chút, liền thấy được khuôn mặt héo ú rũ rượi của mẹ.

Tôi chạy ù ra trước sân nhà:

- Về nhà đi bây. – Tôi làm động tác “lùa vịt về chuồng” lên với mấy đứa nhỏ.

- Tụi bây tha cho anh Lạng về ăn cơm đi.

Lũ trẻ nào có nghe lời, vẫn đồng thanh “màu xanh” với “màu vàng” gì đó, đùa nghịch không dứt. Bọn này lì lợm như thế lâu rồi, chửi thì trơ trơ như đá ra mà đánh thì chả dám, sợ chúng nó méc cha méc mẹ. May mà con Huyên nhà tôi không chơi với lũ đó, không lại trở thành cái đứa vừa hay mè nheo lại vừa cứng đầu mất.

Khi tôi vào nhà, nhạc đã đến điệp khúc. Âm nhạc rạo rực, trái tim yêu nước của tôi cũng rạo rực, cháy bỏng. Con Huyên không hiểu ca từ nhưng vì lấy lòng mẹ, nó cười với mẹ, lắc người nhún nhảy, tay thì vỗ vỗ theo nhịp điệu, miệng không ngừng khen:

- Hay quá mẹ nhỉ?

Mẹ hiếm hoi cũng nở nụ cười lại với nó, sau đó mẹ nhắm mắt lại, khuôn mặt đầy vẻ mãn nguyện.