Lớn hơn chút nữa, tôi... phải đi học.
Lần đầu tiên tôi nhận thức được ngã rẽ mới trong cuộc đời của mình. Người ta động viên trẻ con thôn quê đến trường đi học, học lấy con chữ. Có lẽ vì trước đó động viên không thể đả động được hệ tư tưởng “đi học không bằng đi cày”, năm nay, các thầy cô giáo lặn lội đến tận nhà động viên từng đứa trẻ một, thấy mà tội.
Thầy Bộ là anh em xa với nhà tôi, chắc là thầy đoán không động viên được nhà tôi, thế nên thầy chỉ ghé qua đưa cho mỗi đứa nhỏ một cái kẹo cau rồi cắp chiếc túi vải sang nhà những đứa trẻ khác. Thầy đoán không sai, với hoàn cảnh nhà tôi, chuyện trẻ con trong nhà không đi học cũng là hợp tình hợp lí thôi, tôi đã nghĩ như thế thật.
Tôi không nghĩ mình sẽ đi học, chưa bao giờ mơ đến.
Thử tưởng tượng nếu như đi học xem, tôi sẽ mất đi nửa ngày công làm việc, cũng không được chạy nhảy từ xóm này đến xóm nọ nữa. Quan trọng hơn, ai sẽ thay tôi chăm coi cánh đồng lúa chứ. Đi học rồi, ai sẽ giúp tôi làm đồng? Ai sẽ giúp tôi trông chừng mấy thằng em, hơn nữa còn có con Ngọc chưa dứt sữa mẹ nữa. Nhà tôi còn có thể để tôi đi học hay sao?
Thế mà cha lại nhất quyết bắt tôi đi cho bằng được.
Ngày đó nhìn thấy ánh mắt kiên quyết ấy của ông, tôi không khỏi có một chút bứt rứt. Tôi không muốn đi nhưng tôi lại càng không muốn làm cha buồn lòng. Có lẽ vì muốn kí©ɧ ŧɧí©ɧ niềm yêu thích học tập trong tôi và các em, mỗi khi từ kho nông cụ trở về nhà, việc cuối cùng trước khi ngủ của cha là sẽ gọi bọn tôi đến nằm lên chiếc chõng tre, nghe ông khi thì kể những câu chuyện cổ tích và khi thì đọc cả bài thơ dài lê thê. Vài lần sau quen chước (3), con Huyên với thằng Nhậm đã ở trên sẵn, chỉ chờ tôi đến là liền đòi cha kể “Sọ dừa”. Thằng Cần luôn là người cuối cùng thổi đèn dầu, chạy ù một hơi rồi lên chõng như sợ bị ma đuổi.
Chuyện cổ tích xa lắc xa lơ đã có tự bao giờ, giọng cha khàn khàn ấm áp, chả mấy chốc tôi liền ngủ một mạch đến sáng. Vì cha thường xuyên ở kho nông cụ không về nhà, tôi rất hiếm khi được thân cận với ông. Nhưng những đêm ấy đã cho tôi được gần gũi hơn với cha, có những kí ức đẹp đẽ thuở niên thiếu bên cạnh bên cha.
Bên ngoài đen thui như mực, có tiếng sột soạt của con bò gãi chân, thỉnh thoảng lại có tiếng chim cú lợn kêu ré lên những tiếng ớn lạnh sống lưng từ bóng tối vọng lại – một dấu hiệu chẳng lành. Tôi thường từ trong nhà lá dòm ra ngoài cửa sổ, trông thấy cảnh hoang vắng đìu hiu vô cùng, nhưng lúc này không hề thấy sợ hãi. Ngoài kia tối tăm không thấy gì, bên trong nhà lại ấm áp an tâm.
Tôi quý những ngày này lắm, ở bên cha, sự ấm áp cha trao không chỉ đơn thuần sưởi ấm mỗi bàn tay tôi đâu. Đương nhiên, cả các em tôi nữa.
Sau đó trước ngày cha rời nhà, cha mượn chú Hộ chiếc xe đạp Phượng Hoàng sang chảnh cùng tôi đến làm thủ tục nhập học, bởi vì trường học ở xa lắm, ngày trước tôi chăn trâu đi qua suốt nên biết rõ. Chiếc xe đạp vừa đẹp vừa mới đến mức bàn tay cầm tay lái của tôi run rẩy, sợ ngã uỵch ra, sợ xây xát thì phải đền không biết đền bao nhiêu thóc mới đủ. Cha ở phía sau lại dường như rất an tâm, cha vỗ về khích lệ tôi.
Con đường đất nhỏ hẹp, hai bên là hàng dài bụi cỏ đắng trâu không thèm gặm, cha ngồi phía sau dùng bàn tay lớn đầy xương xẩu áp lên vai tôi, bàn tay vừa ấm áp vừa nặng nề đặt lên, lòng tôi vui như mở cờ trong bụng. Ngày đầu tiên đến trường của tôi khác người như thế đó, không có quần áo mới, không có bất cứ cái gì liên quan đến việc học.
Xe dừng, cha giúp tôi dựng xe, tôi từ trạng thái hừng hực khí thế bỗng chốc bẽn lẽn núp sau lưng ông ngó đầu ra nhìn ngôi trường mới của mình. Ngôi trường ấy rõ ràng ngày trước tôi thường trèo lên tường trêu ghẹo cả cô giáo, thế mà bây giờ trước mắt tôi nó sao mà vừa trang nghiêm vừa xa lạ đến thế. Cha dẫn tôi vào trường, tôi bước từng bước, lén lút như tên trộm vậy, chẳng còn mang bộ dáng lưu manh như trước.
Cô giáo Hạnh thở dài nói với cha tôi rằng “tuổi của Q...” nhưng rồi sau đó tôi vẫn được nhét vào lớp vỡ lòng, học với những đứa trẻ thua mình mấy tuổi lận. Chúng nó thường xuyên gọi tôi là “anh” để trêu chọc, khiến tôi vừa tức vừa nhục, nhiều lúc muốn chui xuống ngăn bàn mà trốn luôn. Tôi đi học, bữa đực bữa cái, cứ thế vượt qua hết năm học vỡ lòng thì không đi nữa.
Ông nội biết vậy liền trách tôi sao mà không biết ham học; o Đan cũng bảo tôi ngu, là đứa trẻ nhà nông mà không trân trọng con chữ... Thực ra tôi biết tỏng là o đang ghen ghét chuyện nhà tôi được trợ cấp miễn học phí. O Đan trước giờ vẫn luôn nhăm nhe cái gói trợ cấp ấy, dù cho o sắp chuyển lên huyện ở.
Con Mùi chơi chung với tôi mấy năm rồi mà cũng vì chuyện này mà giận. Nó thích được đi học cùng tôi, ngày ngày cùng nhau đến trường, thế mà tôi cuối cùng bỏ nó lại một mình. Ai cũng cảm thấy so với những dòng mực đen ấy thì đứa trẻ như tôi thích kiếm thêm mấy con dế nướng hay rau dại ngoài đồng hơn. Từ đầu đến cuối, tôi vẫn dửng dưng nhìn ra phía mảnh ruộng không có bóng người, câu nghe lọt câu không.
Ngày ấy cha thường gửi thư về nhà hỏi thăm tình hình học tập, tôi không dám giấu, liền nói thẳng hết với cha trong thư hồi âm, chữ tôi xiêu xiêu vẹo vẹo, sai chính tả tùm lum, vậy mà cha vẫn gắng đọc hết, còn sửa lỗi cho tôi nữa. Tôi chưa bao giờ thắc mắc chuyện vì sao cha tôi biết chữ, bởi tôi có cảm giác cứ như sinh ra cha đã biết ấy. Cha trong lòng tôi tồn tại như người toàn năng, cái gì cũng biết hết.
Trong thư cha gửi về không có những lời trách móc nào, ông chỉ nói nếu không đi học nữa thì ở giúp mẹ chăm sóc các em. Có thể cha sợ tôi đọc không ra nên chỉ viết những từ đơn đơn giản, tôi ghép từng chữ lại, ngẫm một chút liền hiểu. Cha còn nói bao giờ cha về, cha sẽ mua cho tôi cần câu cá mà tôi mê mể mề mê từ lâu rồi.
Mẹ thì không giống vậy, lúc biết tôi bỏ học dù không mắng mỏ gì nhưng thỉnh thoảng nghe thấy tiếng mấy đứa trẻ đi học gọi nhau í ới ngoài cửa, mẹ sẽ ở trong buồng quay đầu nhìn tôi rồi liếc tôi một cái. Tôi chẳng hiểu vì sao mẹ lại như vậy, vì dù sao thì mẹ cũng đâu có muốn tôi đi học.
Sau khi tôi bỏ học thì cuộc sống lại quay về như xưa, gắn liền với cơm áo gạo tiền, những đứa em nhỏ ngây thơ và mảnh ruộng mảnh vườn. Tôi không biết mình thích bụi phấn ở trường học hay là mùi ngai ngái của đất, chỉ là tôi thấy đứng dưới bầu trời này, tôi luôn muốn làm một người con trai có trách nhiệm.
Tôi lớn rồi, không thể không suy tính hơn thiệt được. Huống hồ tôi vẫn không quên nhiệm vụ mà cha giao phó – không được làm mẹ phiền lòng. Cha nói vậy, tôi nghe theo răm rắp, ở nhà chăm em cho mẹ, làm đồng làm vườn. Đến ngày cha về, quả nhiên tôi nhận được chiếc cần câu mới tinh, đẹp đến mức tôi vừa muốn dùng ngay lại tiếc rẻ không nỡ, muốn cất giữ làm báu vật.
(3) Quen thuộc thành thói quen