Giấu Một Chút Nắng Hè

Chương 6: Hi vọng

Năm nay, Hạnh Đào lên lớp mười.

Có lẽ, điều may mắn nhất của cô trong suốt mười lăm năm qua là cô vẫn được đến lớp.

Một phần là nhờ công sức của các cán bộ xã, cùng các giáo viên chủ nhiệm của cô liên tục đến nhà làm công tác tư tưởng. Một phần lớn, Hạnh Đào nghĩ có lẽ là nhờ chú ba của cô.

Chú ba giỏi giang, đã học xong ba năm cao đẳng nghề, đang làm kế toán cho một siêu thị lớn ở trong thị trấn. Ông ấy có hai cô con gái song sinh nhỏ hơn Hạnh Đào một tuổi, đều được chú cho đi học.

Bà nội cô mất sớm, ông nội lấy thêm người vợ nữa sinh ra chú ba.

Ông Chương xưa nay luôn ghét bà mẹ kế này, lại càng ganh đua với chú ba, thế nên dù không thích Hạnh Đào thì ông ta vẫn cho cô đến lớp, để không coi là thua kém chú ấy.

Ít nhất, trong tâm thức của ông ta luôn tự nói với mình như vậy.

Ông Chương trong một lần say khướt còn hùng hổ tuyên bố, sau này nếu Hạnh Đào có thể thi đỗ trong lần đầu thi đại học, thì ông ta sẽ cho cô đi học tiếp.

Hạnh Đào nghĩ, có lẽ cha cô nói những điều này khi có mặt của một cán bộ nào đó, có thể ông ta muốn thể hiện sự thay đổi của bản thân sau khi được mang đi cải tạo, rằng mình đã trở thành người cha có trách nhiệm.

Có vậy, cán bộ sẽ không đưa ông ta đi nữa.

Khi Hạnh Đào nghe được những lời này, cô lần đầu tiên không sợ hãi dùng đôi mắt lấp lánh nhìn ông Chương. Đáp lại cô, ông ta nói.

"Nếu tao biết mày trai gái vớ vẩn mà thi không đỗ, tao sẽ bắt mày ở nhà lấy chồng cho rảnh nợ."

Sau lần ông ta đánh mẹ cô đến nỗi xảy mất cái thai, bà ấy không thể tiếp tục mang thai được nữa. Dù vậy, mỗi lần mắng chửi, ông ta đều nói Hạnh Đào - đứa con duy nhất của ông ta là của nợ.

Hạnh Đào nhìn cuộc sống của mẹ, nhìn lại hoàn cảnh của bản thân, cô rùng mình.

Trong tâm thức, cô cực kỳ bài xích hôn nhân.

Mỗi lần cô giáo đến nhà vận động đều sẽ nói, đi học sẽ thay đổi được rất nhiều thứ, sẽ giúp ích cho xã hội, sẽ thay đổi được tương lai, nói đến rất nhiều điều lớn lao, nhưng Đào chỉ nghe được một câu "đi học sẽ tạo ra cơ hội". Hạnh Đào dùng lý do đó để cổ vũ cho mình.

Hạnh Đào sợ hãi cuộc sống hiện tại, cô muốn đi học tiếp, muốn giành lấy một cơ hội tự làm chủ cuộc đời mình.

Hạnh Đào luôn cầu mong những điều cha cô nói khi ấy là thật. Và cô, vẫn luôn từng ngày cố gắng.