Mọi người biết trời vừa đổ mưa, một con đường dốc uốn lượn quanh co bình thường phải đi bộ hơn ba mươi phút thì giờ phải đi hết bao nhiêu phút không? Mọi người có thể không biết nhưng tôi biết. Một tiếng đồng hồ. Đó là nếu may mắn không trượt chân ngã trên đường. Ngã xuống đường không cẩn thận đập vào đá thậm chí còn... Dẫm lên bùn sình nhầy nhụa, đạp lên đá nhọn li ti, dè chừng đất đá hai bên đường sạt lở, một tay bám lấy thân cây dại để vịn, một tay giữ lấy chiếc áo mưa in hình siêu nhân do “Mạnh thường quân” trao tặng, tôi bước từng bước chân thận trọng xuống núi. Sau này nhớ lại, tôi thường gọi đùa đây là con đường mà Thần tiên bị đày xuống trần gian phải đi qua. Tôi đã đi bộ ròng rã như thế gần chục năm trời, từ một cô nhóc không biết đi học có ý nghĩa gì cho đến một cô gái phấn đấu để bay cao bay xa. Không quản nắng mưa, tôi đã đến trường học như thế.
Đến năm học hết cấp hai, tôi giống như những đứa trẻ khác trên bản đứng giữa hai lựa chọn, hoặc lên tỉnh tiếp tục đi học bán trú được hỗ trợ học phí, trợ cấp sinh hoạt và ti tỉ thứ theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước hoặc không đi học nữa, ở lại bản: gái thì ở nhà nuôi tằm lấy kén thêu dệt mà trai thì theo mẹ cha lên rừng làm nương làm rẫy. Nói thì nói vậy, thực tế con gái chỉ có một sự lựa chọn duy nhất - đó là tảo hôn. Dù Nhà nước quy định thế nào, khuyên can giáo dục tuyên truyền ra sao, có những hủ tục lạc hậu vẫn không cách nào xoá bỏ được. Hơn nữa, văn hoá của chúng tôi đã định hình từ đời nào, sao có thể một sớm một chiều mà thay đổi. Hai người chị gái xếp trên tôi thậm chí còn không được đi học, vì lúc đó đường đến trường vừa xa vừa nguy hiểm, quan trọng hơn là không ai nhận ra ý nghĩa của việc học. Mọi người thấy học a-bờ-cờ không có ý nghĩa gì, còn chẳng bằng chăn rau cắt cỏ vỗ béo đàn heo để cuối năm đổi lấy rượu lấy gạo ăn Tết. Chúng tôi không cần giống người miền xuôi đi học làm gì, vẽ chuyện, lãng phí thời gian. Đến thời tôi đường xá được khơi thông phần nào, cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước nên được đi học. Khác với tôi, hai chị gái vừa mới mười bốn đã lấy chồng rồi. Một đứa trẻ lại trở thành mẹ của những đứa trẻ khác, trên bản ai cũng thế hết nên chẳng có gì lạ. Tôi nhìn thấy chị cả chị hai địu con trên vai, lưng còng hẳn xuống mà lòng chua xót. Vì tôi nghe lọt tai câu mà cô thầy hay cảm thán: thầy cô tiếc cho con gái các em cả đời không thể rời khỏi bản.
Tôi là một trong những đứa trẻ hiếm hoi rời khỏi bản.
Đánh đổi cho việc được đi lên tỉnh học bán trú là những ngày kinh hoàng nhất đời tôi. Nhà trai đưa sính lễ đến, tôi thà bị cha cột vào góc nhà dùng roi mây quất tới tấp cũng ương ngạnh không chịu đồng ý. Chỉ cần tôi cắn răng không hé nửa lời, Thần chưa nghe tôi trả lời thì ba ngày sau nhà trai sẽ quay về, xem như tôi và họ không có duyên phận. Ba ngày đó, tôi không được cho ăn gì, mẹ xót tôi lén cha đổ cho tôi vài ngụm nước cầm hơi. Mẹ đắp thuốc lá lên những vết thương vẫn không ngừng rướm máu, lau nước mắt nước mũi trên mặt tôi, vuốt ve khuôn mặt đầy căm phẫn của tôi. Nhưng như những người con gái bị giam cầm ở bản, mẹ muốn tôi ngoan ngoãn đồng ý lời cha. Tôi tuyệt vọng đập đầu vào cột gỗ đến mức chảy máu, vết sẹo vẫn lưu hằn trên trán đến tận giờ. Tôi không phải là nàng Mị, tôi không được A Phủ cứu, tôi phải tự cứu lấy mình khỏi sự giam cầm của núi rừng và tục lệ. Xong đợt đó, tôi thành công được đi học, song trong mắt mẹ cha, các chị em và những người trên bản, tôi đã trở thành đứa con gái không nghe lời bị Thần quở trách.
Tôi lên bản học xong, nhưng rồi kiên quyết không quay lại bản. Chỉ có những ngày lễ Tết lễ làng tôi mới quay về, còn lại ngày thường tôi không dám, một phần vì sợ bị cha giữ lại ở đó. Nếu đã vượt qua đại ngàn trùng trùng nguy hiểm, liệu có con chim nào còn muốn vỗ cánh về chốn ban sơ? Không phải là tôi không muốn góp một phần sức lực giúp bản thêm lớn mạnh, tôi đã quyên góp rất nhiều lần để sửa đường, xây trường học, gửi tặng áo ấm sách vở cho các em thơ... nhưng nếu phải ở lại đây hẳn mà cống hiến thì tôi không muốn. Hoặc nói đúng hơn, tôi đã không thể hòa nhập với bản được nữa. Không có nước sạch, một cái lán che sơ sài tạm bợ làm nhà xí, không có bếp ga bếp điện, không có máy nước nóng... sinh hoạt thật khó khăn. Không phải là ghét bỏ, mà tôi không thể trở về bản sau khi được hưởng thụ thứ tốt hơn, thuận lợi hơn.
Được đi học rồi tôi mới biết, tảo hôn không phải là tục lệ, mà là hủ tục. Kinh nguyệt không phải thứ gì ghê tởm, nó chỉ là một thứ rất bình thường của phái nữ. Sinh nở không “bẩn”, sinh nở rất thiêng liêng, người phụ nữ sẽ được ở bệnh viện sẽ có người chăm sóc để chào đón sinh mệnh quý giá chứ không phải là thai phụ phải tự dựng lều tự sinh nở. Lên tỉnh rồi tôi mới hay, hóa ra con cái người miền xuôi không chỉ học hát mà còn được học múa học hát học vẽ tranh đánh đàn. Con gái không cần lấy chồng sớm mà có thể được đi học đi làm kiếm rất nhiều tiền; con trai không cần lấy vợ sớm mà có thể lập nghiệp xây dựng cơ ngơi vững chắc. Rời ra núi rừng bạt ngàn mà tầm nhìn tôi được mở to. Hóa ra con gái cũng như con trai, ai ai cũng bình đẳng và quý giá như nhau. Hóa ra mọi người đều có quyền tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc.
Ngày cha đi, ông cứ nắm chặt tay tôi hoài, bắt tôi trước mặt Thần hứa với ông phải lấy chồng ở bản cho bằng được. Cả đời tôi theo đuổi tự do đã để lại điều tiếng cho người thân, đặc biệt là cha tôi, ông không muốn lúc đi rồi vẫn bị người trên bản cười cợt. Tục lệ ở bản tôi không cho phép tôi lấy chồng ngoại bản. Nhưng nghĩ xem, một người con gái đã xa bản nhiều năm như tôi, đã nhìn thấy thế giới phồn hoa rộng lớn, đã tiếp xúc qua với những người con trai tự do phóng khoáng, liệu có thể chấp nhận ở lại bản, lấy một chàng trai không có việc làm cố định, sinh con đẻ cái rồi chết mòn ở bản không?
Tôi đã chạy khỏi nơi đó, chạy rớt dép rồi vẫn tiếp tục chạy, chạy đến kiệt sức thì nằm trền đất mà bò đi. Bỏ qua những ánh nhìn, đánh giá, những lời nguyền rủa và giọt nước mắt của người thân. Tôi chạy, thoát khỏi bản, không dám quay đầu lại. Mãi về sau, cái nhìn đăm đăm không cam chịu của cha vẫn khiến tôi áy náy tột cùng. Tôi thật sự không thể thực hiện lời nguyện cầu cuối đời của ông. Tôi biết mình không thể làm thế được.
Tôi vô cùng cảm kích việc được tự do yêu đương, tự do hôn nhân trong thời đại này.
Tôi kết hôn với đồng nghiệp ở đơn vị, anh cũng giống tôi - là một trong số những người hiếm hoi chạy đi rồi không quay lại bản. Chúng tôi thực hiện đúng kế hoạch hóa gia đình, chỉ sinh hai con để chăm sóc chúng tốt nhất. Tuy nhiên, tôi và anh dù được đi học thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tục lệ cũ, khi đối xử với các con thường thiên vị con trai hơn. Những lúc phát giác được mình đang làm gì, tôi như phảng phất nhìn thấy hình bóng mẹ cha trong tôi và anh. Rõ ràng chúng tôi đã chạy xa nhưng sợi dây số phận ràng buộc giữa chúng tôi và bản vẫn luôn ở đó, luôn luôn hiện hữu. Tôi đưa ba em trai xuống miền xuôi tìm việc, em út ở được vài ngày liền bỏ về, còn hai đứa em còn lại cũng ráng tập quen với cuộc sống dưới miền xuôi. Hai chị gái tôi thì thôi... họ đã bám trụ với bản nửa đời người, thỉnh thoảng tôi gửi tiền và đồ đạc cho hai chị, mong cuộc sống của hai chị tôi dễ chịu hơn phần nào.
Vợ chồng chúng tôi ở miền xuôi nhiều năm, với cả nói tiếng Việt nhiều hơn nên thành ra quên đi một ít tiếng dân tộc mình, nhưng tôi vẫn cố dạy cho các con biết tiếng nói, gìn giữ những nét đẹp văn hóa bản làng. Còn đối với hủ tục lạc hậu, tôi cũng kể với con, nhưng mà để nhắc nhở con đừng giẫm lên chúng... Nếu có giẫm, hãy giống như mẹ, dẫm lên con đường đi tới trường học, học cao rồi bay thật cao thật xa, thoát khỏi những gông cùm xiềng xích.
Nếu tôi cũng giống như đứa trẻ khác, ngoan ngoãn ở lại bản, lấy chồng sinh con đẻ cái, sống cả đời ở bản, có lẽ trái tim tôi sẽ không đau đáu nỗi day dứt áy náy với mẹ cha. Nhưng đứa trẻ dân tộc ấy, năm mười bốn tuổi đã không tảo hôn, mang theo vết sẹo ở trán mà chọn đi con đường khác, khó khăn hơn, gian nan hơn, nhưng đầy hoa thơm cỏ lạ. Rồi sau cùng tìm được bến đỗ của riêng mình.