Cá Mặn Cầm Nhầm Kịch Bản Của Nữ Chính

Chương 4: Chuyện di dời (1)

Tô Từ là sinh viên y khoa, cũng xuất thân từ gia đình học y, cha là bác sĩ Tây y, mẹ là bác sĩ Trung y, gia đình sở hữu cổ phần của một bệnh viện tư nhân nổi tiếng trong tỉnh, nhà không thiếu tiền, nàng khá lười, có thuộc tính cá mặn, không có hứng thú với nghề y mệt nhọc này. Sau khi tốt nghiệp, Tô Từ hợp tác với anh họ làm một chương hình truyền hình trực tiếp về sinh tồn nơi hoang dã, trước khi chuyển kiếp, họ đã tập hợp thành một team, bay đi bay về trong và ngoài nước, khá nổi tiếng.

Nàng xuyên qua mới được một năm nhưng đã ở bên ngoài tự nhiên mất nửa năm.

Nguyên nhân cơ bản có lẽ là lãnh đạo cấp cao, lão hoàng đế không có con trai.

Cũng không hiểu vì sao chỉ cần một ông vua không có người thừa kế một cái là tông thất lại giống như cá mập trắng đánh hơi được mùi máu tươi, gió tanh mưa máu thường sẽ kéo dài mấy năm, thậm chí hơn mười năm.

Cụ thể sẽ kéo dài trong bao lâu thì còn phải xem lão hoàng đế sống được đến khi nào.

Dù sao thì từ kinh thành ra đến bên ngoài, không cần biết là quân triều đình hay quân địa phương đều đã chủ động hoặc bị động tham gia vào cuộc tranh đấu này.

Chỗ Tô Lệ và những người khác ở là nơi đóng quân ở biên giới phía bắc, nơi đã trải qua nhiều lần chiến đấu ác liệt, là lực lượng mạnh nhất ở Đại Khánh nhưng rất ít người có thể chạy thoát được.

Lần này, gió bão ập đến là do hoàng đế ngự giá thân chinh bị thương. Lục vương gia mà hai nhà Tô - Dương đi theo đang ở khu vực trung tâm của vòng xoáy. Tình hình ngày càng hung hiểm nên đầu năm, cha nàng đã âm thầm thu xếp đưa mấy khuê nữ nhà mình đi trước.

Ngoài việc cứu mạng họ trong trường hợp khẩn cấp ra, quan trọng hơn hết là những cô nương chưa xuất giá không thể chịu được cảnh ngược đãi trong tù giống nam nhân. Dù cuối cùng có thoát thân được thì về cơ bản đã bị hành cho nát người rồi.

Tô Từ kinh hồn bạt vía gần nửa năm, trong thời gian đó nàng đã chuyển đến mấy chỗ liền, may mắn thay, thời tiết tốt, bên ngoài cũng không quá hỗn loạn, cuối cùng mọi người đều an toàn. Cho đến khi mọi chuyện lắng xuống, hai ngày trước cha mới cử người đến đón nàng về.

Hừm, nếu nàng nhớ ra sớm hơn thì đã không về rồi.

Được rồi, hiện tại đã có biện pháp, chỉ còn một bước cuối cùng, làm sao mới có thể khiến hai nhà thay đổi lộ trình đây?

Cái này ấy hả, Tô Từ chớp mắt, nàng cũng đã nghĩ ra cách rồi!



Cháo trong nồi gốm sôi lên, Tô Từ rửa sạch tay, mở nồi lớn dùng để khử trùng ra, nhấc ba tấm ván ép nhàu nát bên trong ra, dùng sợi dây bông đã được luộc chín phơi khô để bó lại rồi gói vào vải lanh sạch.

Sau đó nàng ngồi xổm xuống, lôi thẳng từ đống củi dưới bếp ra một khung gỗ lớn, bên trong là những dải thân rễ lớn màu nâu đã được rửa sạch, Tô Từ dùng dao băm nhỏ ra, ném vào một cái nồi lớn khác, đổ nước sôi vào đun lên.

Trên thớt có dính chút nước tinh bột trắng, sau khi nấu có thể bỏ vỏ để ăn, dĩ nhiên là không cần bỏ vỏ cũng được, bên ngoài là lớp vỏ sần sùi, bên trong là phần bột nếp.

Cháo vàng là cơm dành cho bệnh nhân, nàng múc một phần đưa đến phòng cho cha mẹ, sau đó bày hạt kê và bánh đậu mới chiên ra đĩa, ngoài ra còn cho một đĩa rễ cây cắt nhỏ vào một chiếc nồi lớn, phần cháo vàng còn lại được đổ vào nồi đất nhỏ, mọi thứ được cho vào giỏ, tay còn lại của nàng cầm một chiếc túi vải lanh.

Sau khi ra khỏi bếp, nắng vẫn chói chang nhức mắt.

Sau hai năm hạn hán, đến một tiếng ve cũng không nghe thấy, hai thiếu nữ ngồi xổm bên giếng giặt y phục, tuy nhiên giếng đã sắp cạn nên họ đánh phần nước tích trữ suốt một ngày lên, hầu như chỉ dùng để ăn uống, rồi lấy phần nước đυ.c dưới đáy lên, cho thêm chút phèn chua cho cặn lắng xuống dùng để giặt y phục.

Về cơ bản, chỉ những người bị thương mới được giặt cả bộ, còn những người khác chỉ giặt đồ lót.

"Muội muội!"

Một trong số người ở bên giếng là Tô Yến, nàng ấy đang giặt y phục cho bốn người, mồ hôi đổ như tắm. Đang vùi đầu chà xát thì thấy Tô Từ đi ra, Tô Yến nở nụ cười thật tươi.

Tô Từ gọi một tiếng: "Nấu xong cơm rồi đó, muội mang về phòng cùng mẹ ăn trước đi."

"Biết rồi!"

Tô Yến ở bên trái giếng, còn cô nương kia ở bên phải, khoảng cách giữa hai người không quá xa cũng không quá gần, nhìn thì có vẻ không phải cố ý ngồi cách xa nhưng xem xét kỹ hơn một chút thì rõ ràng có cảm giác khác biệt một cách vi diệu.

Cô nương kia cũng ngẩng đầu lên, lộ ra một khuôn mặt xinh đẹp, trắng nõn, không có anh khí linh động như Tô Yến, cũng không đẹp tinh xảo như Tô Từ, nhưng khuôn mặt lại như trăng rằm, đoan trang thanh tú, khí chất toát ra cũng tương tự như vậy.

"Nhị tỷ, tỷ cực khổ rồi."

Người này chính là thứ muội của Tô Từ, nữ chính của nguyên tác, Tô Dung.

Lúc sinh Tô Từ, mẹ nàng bị khó sinh, đại phu nói sợ sau này bà không mang thai được nữa. Cha mẹ Tô Từ là thanh mai trúc mã có tình cảm sâu đậm, cha nàng muốn bảo vệ thê tử và hai khuê nữ nên không thèm quan tâm đến việc có con trai hay không.

Nhưng tổ mẫu không đồng ý, bà ấy đưa theo cháu gái nhà mẹ đẻ thân thiết nhiều năm đến, vừa hay gặp đúng dịp này, vì vậy cô cháu hai người đã liên thủ với nhau bỏ thuốc cha nàng, lợi dụng thời gian mẹ nàng đang ở cữ để ra tay, cuối cùng đã thành công, Bạch di nương vô cùng may mắn, trúng số ngay ở lần đầu tiên, Tô Lệ không còn cách nào khác đành phải nạp bà ta vào cửa, cuối cùng bà ta sinh được một cặp song sinh một trai một gái.

Bé gái chính là nữ chính trong nguyên tác, Tô Dung.

Dưới con mắt đánh giá của Tô Từ thì theo nguyên tác, Tô Dung là một người thông minh.

Trong nguyên tác, khi phát hiện ra mình có thể dùng sự "dịu dàng" làm phương tiện đối phó với nam nhân lạnh lùng, ưu tú Dương Diên Tông, nàng ấy lập tức thu hết lại sự gai góc của mình, bỏ đi tính cách nóng nảy của bản thân, dùng sự dịu dàng làm vũ khí, phải mất mấy chục năm nỗ lực mới giành được thành công trong đời.

Trên thực tế, Tô Lệ có ấn tượng khá tốt với Tô Dung, tuy không phải là đứa bé được sinh ra bằng sự kết tinh của tình yêu nhưng cũng rất khá, vẫn quan tâm hỏi han đến tỷ muội Tô Từ, sống hòa thuận với đệ đệ và mẹ đẻ của nàng.

Nàng ta đã vượt qua bài kiểm tra nhân phẩm của Tô Lệ, đương nhiên ông ấy sẽ không làm ra chuyện gì quá đáng hay hà khắc, nhưng từ tận đáy lòng, ông ấy cũng không thể nào yêu quý Bạch di nương và những đứa bé do bà ta sinh ra.

Đặc biệt là đối với Bạch di nương, đương nhiên là rất ghét.

Trong hoàn cảnh như vậy, nàng ấy vẫn có thể xoa dịu được mẹ đẻ hay gây chuyện của mình, khiến cho cha đối xử ôn hòa với mình và đệ đệ, đúng là một người có năng lực.