Lão Đại Huyền Môn Lại Đi Bày Sạp Đoán Mệnh

Chương 8: Một ngày ba quẻ, mỗi quẻ một nghìn tệ

Trong các đệ tử của Chính Dương Tông không thiếu người nhập thế, người nào cũng là đại sư phong thủy nổi danh lừng lẫy.

Nó cũng khiến Chính Dương Tông phất lên như diều gặp gió, được người bỏ ra rất nhiều tiền để cầu họ chỉ dạy.

Bỏ đi, chỗ này có một câu nói rất đúng, đó là hảo hán không nhắc đến chuyện năm xưa.

Vẫn phải nghĩ xem bây giờ kiếm tiền kiểu gì đi!

Vệ Miên xem một quẻ cho mình trước khi ra khỏi cửa, hôm nay tài vị ở hướng Đông Bắc.

Mà công viên Bắc Sơn nằm ở hướng Đông Bắc của nhà Vệ Miên.

Cô bỏ la bàn và tiền đồng vào trong cặp sách rồi lại mang theo chai nước suối, sau đó mới xuống lầu.

Công viên Bắc Sơn cũng được gọi là công viên thể thao, bên trong còn xây sân chuyên dụng cho rất nhiều hạng mục thể thao, còn có không ít thiết bị tập luyện miễn phí nữa, cho nên người già tới nơi này tập thể dục rất đông.

Cũng có vài người bày quán, Vệ Miên đứng trước quầy hàng của một người già vẽ tranh nhìn một lúc, đợi ông ta vẽ xong một bức tranh mới tiếp tục rời đi.

Một đường đi này cô thấy các cửa hàng ở đây khá đa dạng.

Có người bán hoa, chim, cá, giun, có người bán đồ thủ công mỹ nghệ, có người bán dưa muối do các cụ nhà mình tự làm.

Vệ Miên còn nhìn thấy một quầy hàng xem bói, bên trên tờ giấy đỏ trước mặt người này viết: Đặt tên, chuyển nhà, xem tang sự, xem bói, giải mộng, xem tướng, xem bói nhân duyên…

Phạm vi nghiệp vụ rất rộng!

Cô liếc mắt nhìn gương mặt của người già kia, biết ngay người này là một tên gà mờ đến ngay cả nhập môn còn không bói ra được gì thì thôi.

Chẳng qua, sạp hàng này cũng đã chỉ ra một con đường có thể giải quyết vấn đề cơm ăn áo mặc, lại có thể kiếm thêm công đức cho Vệ Miên.

Cô đến một sạp hàng mua một phần mì lạnh để lấp no cái bụng trước, nhưng ăn hết sạch cũng chỉ được lưng lửng bụng.

Sau đó cô lại mua một giấy từ chỗ ông cụ vẽ tranh kia, tự tay viết hai chữ “xem bói.”

Nghĩ ngợi một lúc, Vệ Miên thêm một câu vào bên dưới: “Một ngày ba quẻ, mỗi quẻ một nghìn tệ.”

Cô vừa mới viết xong đã nghe thấy ông cụ vẽ tranh khen: “Chữ đẹp!”

Đều nói thư họa không chia phái, ông cụ Trương thích hội họa nên hiển nhiên cũng có một chút nghiên cứu đối với thư pháp.

Nhưng chữ viết tay của Vệ Miên không hề giống chữ mà một cô gái ở độ tuổi này có thể viết ra được.

Trong nét chữ hơi lộ ra vẻ sắc bén, trong sắc bén lại lộ rõ vẻ hàm súc, có thể thấy được bản lĩnh không tệ.

Vệ Miên định trả tiền thì ông Trương có thế nào thế nào cũng không chịu nhận, chỉ cười ha ha hỏi cô có thể để lại một chữ cho mình được không.

Vệ Miên dời tầm nhìn lên gương mặt của ông cụ.

Ông cụ này khoảng hơn sáu mươi tuổi, dáng người không tính là cao, thể hình còn hơi gầy.

Kiểu mặt cũng gầy và dài, sống mũi cao, tai to, sắc mặt hồng hào, nhìn mặt đã khiến người cảm thấy hiền hậu nhân từ rồi.

Đây là cảm giác của người bình thường khi nhìn vào ông cụ nhưng Vệ Miên lại có thể nhìn ra chi tiết hơn.

Theo quan điểm của cô thì đường nét tai của ông cụ rõ ràng, dái tai dính thịt, màu sắc hồng tươi, nhĩ môn to rộng, thịt tai hồng mà lại dày, hình dáng tai cao mà dài.

Người có đôi tai như vậy đại đa số đều trường thọ.

Huống chi, đôi mắt của ông cụ còn tỉnh táo, nhân trung sâu dài, đều mà lại thẳng, đây cũng là tướng trường thọ nốt.

Vì thế, cô vô cùng sảng khoái cho ông cụ một chữ “Thọ.”

Vừa vặn lưu lượng người ở gần đó khá đông, Vệ Miên còn mượn ông cụ một cái ghế.