Chỉ cần nghĩ đến điều này, nỗi buồn bực trong lòng thứ phi Hách Xá Lý Thị liền tan biến, chỉ còn lại sự mong chờ tràn đầy: Trời đất phù hộ, chỉ mong ả tiện nhân kia gặp chút rủi ro, để đến 27 tháng 9 này hẵng sinh con!
Những phi tần khác ngoài mặt tuy không nói ra, nhưng trong lòng phần lớn cũng đều có chung suy nghĩ.
Ai bảo bên Vĩnh Thọ Cung đang yên đang lành, tự dưng lại la lối nào là mơ thấy bước lên vách núi ngũ sắc gì đó? Không chỉ khăng khăng nói rằng mình đang mang trong bụng một tiên nữ, mà còn lôi kéo cả Vạn tuế gia – bậc thiên tử cao quý vào cùng ả bịa chuyện.
Chỉ cần nghĩ đến sự che chở và những ân thưởng ban như nước chảy của Vạn tuế gia cho Vĩnh Thọ Cung, làm sao đám phi tần trong cung không cảm thấy ghen ghét cho được.
Nhưng trên thực tế, Khang Hi vốn rất hận Át Tất Long vì năm xưa đã lưỡng lự không dứt khoát. Biết rõ Ngao Bái đầy dã tâm nhưng lại im lặng không ngăn cản, cũng không tố cáo. Thậm chí còn để nữ nhi của ông ta, tức Hiếu Chiêu Hoàng hậu, nhận Ngao Bái làm nghĩa phụ, ngầm có ý đồng lõa với kẻ phản nghịch.
Chính vì những toan tính đó mà hắn đã đưa hai cô con gái của Át Tất Long vào cung, hứa hẹn phong cho họ chức vị cao, nhưng liệu có bao nhiêu phần là thật lòng?
Đến khi Quý Phi mang thai lần nữa, thái độ của hắn lại thay đổi, liên tục ban thưởng cho Vĩnh Thọ Cung. Tất cả chỉ vì hắn đã nhiều lần thật sự mơ thấy cảnh vách núi ngũ sắc.
Thậm chí liệt tổ liệt tông còn tranh nhau căn dặn hắn: Sẽ có tiên nữ giáng trần ứng kiếp, đầu thai làm con gái của hắn. Phải yêu thương, trân trọng và chăm sóc nàng cẩn thận, như vậy vận mệnh của Đại Thanh sẽ kéo dài thêm ít nhất là một trăm năm nữa...
Tự nhiên lại mơ thấy giấc mơ kỳ lạ như vậy, khiến Hoàng đế không thể không nghi ngờ.
Khang Hi tỉnh dậy liền lập tức ra lệnh điều tra lục cung.
Có đào sâu ba thước đất cũng không phát hiện ra bất kỳ thứ gì có thể là vật tà ma mê hoặc. Trớ trêu thay, hắn lại phát hiện ra rất nhiều bí mật chốn hậu cung, thậm chí còn lộ ra vài tàn dư của triều đại trước. Ngoài điều đó ra, vẫn không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Vĩnh Thọ Cung hay Nữu Hỗ Lộc gia có âm mưu nhằm mê hoặc thánh trí của Hoàng đế.
Sau đó, vào đêm ấy trong giấc mơ, Khang Hi lại bị Hoàng A Mã đã mất nhiều năm mắng cho một trận té tác.
Từ đó, Khang Hi không còn dám chểnh mảng chút nào nữa. hắn bận rộn triệu kiến công khai và bí mật vi hành khắp nơi, gặp gỡ tất cả các pháp sư, cao tăng và đạo sĩ có tiếng tăm trong triều đình. Và sau đó thì sao...?
Sau đó hắn theo đúng nguyên tắc "thà tin là có còn hơn là không", dốc lòng sủng ái Quý phi Nữu Hỗ Lộc thị vừa mới có tin mừng kia lên tận trời xanh!
Sự sủng ái này lớn đến nỗi ngay cả Thái hoàng thái hậu cũng phải ca cẩm.
Nhân lúc rảnh rỗi khi thỉnh an, bà liền giữ cháu đích tôn lại, tận tâm chỉ bảo. Chỉ thiếu nước bảo hắn phải chăm lo quốc sự, đừng ham mê mỹ sắc. Cũng đừng như câu "cha nào con nấy", sủng ái đến mức sinh ra một Đổng Ngạc phi thứ hai!
Vì không muốn bị Hoàng tổ mẫu cằn nhằn đến mức đau cả tai, Khang Hi chỉ biết khổ sở mỉm cười và cung kính giải thích rõ ngọn nguồn câu chuyện.
Cứ như vậy, người yêu quý Quý phi Nữu Hỗ Lộc thị ở Vĩnh Thọ Cung lại tăng thêm một người, à không, phải là hai người! Ai cũng biết rằng Nhân Hiến Hoàng Thái hậu trước nay luôn nghe theo Thái hoàng thái hậu. Thái hoàng thái hậu yêu ai thì bà cũng yêu, ghét ai thì bà cũng ghét.
Bây giờ, Thái hoàng thái hậu dù thân thể yếu ớt sau cơn bệnh vẫn cố gắng đến Vĩnh Thọ Cung, tất nhiên bà cũng theo hầu.
Thế là khi Hoàng quý phi dẫn các tỷ muội trong cung đội gió tuyết tới để bày tỏ sự quan tâm, hỏi han, thì thấy người vì bệnh mà được miễn cả việc thỉnh an là Thái hoàng thái hậu; người vốn ít khi rời khỏi Ninh Thọ Cung, nếu ra ngoài cũng chỉ đến Từ Ninh Cung là Thái hậu và người vì ngày giỗ của Hiếu Từ Cao Hoàng hậu mà không tham dự triều chính là Vạn tuế gia...