Phu Quân Cũ Ngoan Ngoãn Hắc Hóa Rồi

Chương 2

Linh Chiểu bước đến bên giường, ngồi xổm dưới chân Phù Vy, ngẩng mặt lên, mỉm cười để lộ đôi má đồng tiền: “Chủ tử muốn nghe hát không? Nô tì hát một bài nhé!”

Phù Vy ngước mắt nhìn thiếu nữ tràn trề sức sống, nỗi u ám trong lòng nàng cũng dịu đi đôi phần. Khóe môi nàng nở một nụ cười dịu dàng, nàng đưa tay nhéo đôi má tròn của Linh Chiểu.

“Chủ tử vui như này mới phải chứ.” Linh Chiểu cười chân thành hơn: “Đến Giang Nam để lòng khuây khỏa, quan tâm đến chuyện Kinh thành làm gì? Không quan tâm không quan tâm, chuyện gì vui thì làm!”

Phù Vy cũng cảm thấy những gì Linh Chiểu nói rất đúng.

“Đưa cho ta cuốn thoại bản [] ta đã đọc ngày hôm qua.” Phù Vy nói và rời khỏi giường.

[]: Thoại bản: thoại bản (một hình thức tiểu thuyết Bạch thoại phát triển từ thời Tống, chủ yếu kể chuyện lịch sử và đời sống xã hội đương thời, thường dùng làm cốt truyện cho các nghệ nhân sau này.)

Linh Chiểu vội vàng giúp nàng mang giày ngủ và đỡ nàng ngồi xuống chiếc ghế mềm trước cửa sổ phía Nam. Trám Bích đã đặt cuốn thoại bản Phù Vy đang đọc dở ngày hôm qua lên chiếc bàn nhỏ, sau đó quay lại đưa cho nàng một cốc nước ấm.

Trước đây, Phù Vy thích uống trà hảo hạng, rượu mạnh, đồ uống thơm ngậy, bất cứ thứ gì có hương vị. Nhưng sau khi bị trúng độc, lá lách và dạ dày của nàng bị tổn thương nên bây giờ nàng chỉ uống nước ấm.

Phù Vy bảo Linh Chiểu nâng cửa sổ lên và để khung cảnh bên ngoài cửa sổ lọt vào căn phòng. Mưa bên ngoài đã tạnh, sương mù ẩm ướt dường như vẫn còn bồng bềnh trong cõi trần, trời đất mông lung và sạch sẽ.

Phù Vy nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc rồi rũ mắt nhìn cuốn thoại bản. Trám Bích đã mở cuốn thoại bản đến đoạn Phù Vy ngừng đọc ngày hôm qua.

Trong bảy năm qua, Phù Vy đọc bản tấu nhiều nhất, tiếp theo là sách lịch sử, chính trị, luật pháp, thiên văn và địa lý. Nàng không còn sức lực hay tâm trạng để đọc tạp thư []. Lần này nàng đến Giang Nam để giải sầu và hồi phục sức khỏe. Nàng muốn tìm lại niềm hứng thú khi ngồi dưới gốc cây đọc truyện ngày bé nhưng lật qua mấy tập thoại bản vẫn thấy nhàm chán.

[]: Tạp thư: thời khoa cử chỉ những sách vở không liên quan trực tiếp đến thi cử.

Những câu chuyện tình yêu đọc mở đầu đã đoán được kết thúc này có gì đáng xem chứ?

Nhưng nàng luôn phải tìm cách sống khác.

Tiểu nha đầu Phù Vy ham ăn mải chơi có thể bồi dưỡng nên năng lực cầm quyền và cai trị thì giờ đây nàng cũng có thể bồi dưỡng tâm thế sống nhàn nhã.

Phù Vy bình tĩnh lại và nghiêm túc đọc từng con chữ.

Thời gian chậm rãi trôi qua. Trước đây Phù Vy luôn cảm thấy thời gian không đủ nhưng bây giờ nàng lại cảm thấy ngày và đêm quá dài.

Hồi lâu sau, Trám Bích đoán nên thay nước trong tay Phù Vy, nàng ấy bưng nước ấm bước vào, thấy Phù Vy không đọc truyện nữa mà đang nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời đã tối, con phố buôn bán sôi động hơn thấy rõ.

Trám Bích nhìn theo ánh mắt của Phù Vy, ánh mắt nàng ấy lướt ra ngoài cửa sổ và nhìn thấy một bóng dáng trắng trẻo đang ngồi lặng lẽ trong con phố sầm uất. Nàng ấy hơi sửng sốt rồi vỡ lẽ. Sau khi ngẫm nghĩ một lúc, nàng ấy chậm rãi bước đến cửa, dịu dàng gọi: “Linh Chiểu?”

“Chủ tử phân phó gì à?” Linh Chiểu lập tức chạy tới.

Trám Bích lắc đầu, cười nói: “Ngươi hay chạy ra ngoài nên hiểu rõ huyện Thủy Trúc nhất. Ngươi có biết điều gì về chàng thư sinh kỳ lạ kia không?”

Linh Chiểu lập tức hiểu ra, ngọt ngào nói: “Ta biết! Người ấy tên là Túc Thanh Yên - một người có tài nổi tiếng khắp gần xa. Vì sức khỏe không tốt nên chàng ấy chưa bao giờ tham gia khoa cử [], rất nhiều đồng môn đều tiếc nuối cho chàng ấy. Chàng ấy thường bày sạp và viết gia thư giúp người không biết chữ.”

[]: Khoa cử: thi cử ngày xưa ba năm tổ chức một lần.

“Không khỏe à? Có bệnh gì không tiện nói ra à?” Trám Bích hỏi.

“Ta nghe nói chàng ấy có bệnh dễ ngất xỉu nên không thể lặn lội đường xa. Hơn nữa, mẫu thân của chàng ấy cũng không khỏe, bào đệ [] của chàng ấy ở ngoài quanh năm nên chàng ấy luôn ở lại quê không đi đâu xa cả.”

[]: Bào đệ: em trai ruột.

“Ồ.” Trám Bích liếc nhìn Phù Vy, rồi hỏi: “Ngoài mẫu thân và đệ đệ ra, nhà chàng ấy còn ai khác không? Có ai phạm tội gì không?”

“Chỉ có ba người, mẫu thân và đệ đệ song sinh, chàng ấy và gia đình đều trong sạch.”

“Thế… đã thành thân chưa?”

Linh Chiểu do dự một lát rồi nói: “Chàng ấy không cưới vợ đâu. Mấy năm trước, có rất nhiều cô nương chủ động tìm bà mối tới tận nhà chàng ấy làm mai mối. Nhưng bát tự của chàng ấy vừa khắc mẫu thân lại khắc thê tử. Chính miệng chàng ấy nói sẽ không thành thân kẻo hại người khác. Sau đó, không còn bà mối nào tới nhà chàng ấy nữa.”

“Chẳng phải mẫu thân chàng ấy vẫn còn sống đó ư? Sao lại nói khắc mẫu?”

Đôi mắt của Linh Chiểu sáng lên, nàng ấy dạt dào hứng thú nói: “Bát tự của chàng ấy vốn đã khắc mẫu thân và đệ đệ rồi. Hai huynh đệ lại là cặp song sinh nên bát tự khắc gấp đôi. Chỉ cần hai huynh đệ họ gặp nhau thì mẫu thân của họ sẽ ốm nặng một trận! Mẫu thân họ từng bị ốm phải nằm liền hai tháng trên giường trong dịp Tết Nguyên Đán vì tử vi xung khắc rồi.”

Hoa Ảnh đứng bên ngoài nghe chối tai quá, lạnh lùng nói: “Toàn mấy lời lẽ vớ vẩn gì thế? Người ta bịa chuyện gạt ngươi đó thôi!”

Linh Chiểu mỉm cười nói: “Chuyện này đều do ta nghe ngóng được. Đã là tai nghe thì kiểu gì chẳng có thật và giả, Trám Bích hỏi nên ta nói chứ đâu phải chủ tử hỏi đâu. Nếu chủ tử hỏi thì mới cần kêu ám vệ điều tra rõ ràng chứ.”

Trám Bích và Linh Chiểu nhìn nhau mỉm cười, ánh mắt liếc về phía cửa sổ.

Phù Vy nhìn Túc Thanh Yên đang đọc sách trong con phố sầm uất. Nàng uống một ngụm nước ấm, vẻ mặt hờ hững khiến người ta khó lòng dò đoán được nàng đang nghĩ gì.

Tất nhiên, Linh Chiểu và Trám Bích không thể ngu ngốc đến mức tùy tiện bàn tán mấy việc đâu đâu của người khác trước mặt trưởng công chúa, họ vốn dĩ đang nói để Phù Vy nghe.

Mấy ngày nay, khi ngồi xem thoại bản bên cửa sổ, Phù Vy thường liếc nhìn chàng thư sinh mặc trường sam [] trắng vài lần, thậm chí còn khen vu vơ — “Chốn thôn quê mà lại có người sở hữu dung mạo như ngọc vậy ư.”

[]: Trường sam: áo dài nam (kiểu Trung Quốc, dài quá đầu gối).