Đường Đi Không Nổi Nữa Ca Ca

Chương 36

Tiết Hoàn tuy chỉ là môn khách của thái tử nhưng chưa bao giờ bị ai làm mất mặt, lại còn bị A Na Côi đẩy đúng chỗ trúng tên, lập tức nổi giận. Nhíu mày nhẫn nhịn một hồi, toan nhấc chân thì bị một món đồ mềm mại từ trên trời giáng xuống đập trúng đầu. Cúi đầu xuống nhìn, là chiếc giày tơ của A Na Côi. Đại khái là nàng ghét hắn nên đến độ cái giày này nàng cũng ruồng bỏ vì nó từng bị Tiết Hoàn nắm trong tay.

Tiết Hoàn nghiến răng cười gằn, giẫm lên giày tơ đi về phía sảnh hoa.

Khách đã về hết, trăng lên giữa trời, Đàn Tế cười góp cả một buổi tối, cơ mặt cũng phải nhức mỏi, ông uể oải ngồi xuống sập, phân phó người hầu: “Gọi Đàn Đạo Nhất tới đây, gọi cả A Tùng nữa.”

Đàn Đạo Nhất còn chưa nguôi giận, chẳng buồn nể nang Đàn Tế, chỉ nói mình đã ngủ, bị gia nô mời giục ba bốn hồi mới bưng cái mặt lạnh tanh tới gặp Đàn Tế.

Nửa đêm canh ba không được ngủ, mắt A Na Côi dại ra, hoa sơn trà đã rơi mất, giày tơ dưới chân cũng thiếu một chiếc, đang ngẩn ngơ bên sập Đàn Tế.

Nàng đang ngáp dở thì trông thấy Đàn Đạo Nhất, mắt lập tức cong cong rộ cười.

Đàn Đạo Nhất áo quần chỉnh tề, không hề có vẻ gì là buồn ngủ. Chàng không nhìn A Na Côi, chỉ lãnh đạm chào phụ thân.

Đàn Tế im lặng nhìn kĩ Đàn Đạo Nhất – con trai ông tuổi còn nhỏ mà nặng lòng dạ, chỉ sợ đêm nay lại trằn trọc trăn trở, nghĩ đến là Đàn Tế thấy đau lòng, bèn dứt khoát sớm nói cho rõ ràng. “Đạo Nhất,” ông nhấp một ngụm trà nhuận họng, trỏ vào A Na Côi, “Sao còn chưa gọi muội muội?”

Sắc mặt Đàn Đạo Nhất cứng đờ, hồi lâu không lên tiếng. Đàn Tế cũng chẳng giục chàng, chỉ nhẹ nhàng thổi hơi trà nóng bốc lên. Ngồi khoanh chân một lúc, ông đổi tư thế, xoa hông ho vài tiếng trầm đυ.c.

Bấy giờ Đàn Đạo Nhất mới cất tiếng, cực kì không tình nguyện, chàng gọi: “A Tùng muội muội.”

A Na Côi đã chờ đến sắp không nhịn nổi nữa, nghe thấy câu này, mắt nàng đong đầy nụ cười, lập tức đáp giòn tan: “Đạo Nhất ca ca.”

Đàn Tế hài lòng, còn muốn căn dặn thêm vài câu anh em như thể tay chân, đã bị Đàn Đạo Nhất ngắt ngang, “Muội lui xuống trước đi.” Chàng nói với A Na Côi, miệng thì gọi muội muội nhưng mặt thì lạnh lùng hất hàm sai khiến.

A Na Côi chỉ ước mỗi câu này, nhún gối chào Đàn Tế rồi xoay người chạy biến. Đàn Tế trừng Đàn Đạo Nhất mấy lượt, nghe thấy cửa được người bên ngoài khép lại, Đàn Tế đặt âu trà xuống, thở dài: “Đạo Nhất, người khác suốt ngày khen con, một là vì gia thế nhà họ Đàn chúng ta, hai là vì nom mặt mũi con bình thường cũng có mấy phần thông minh, con đừng tưởng thật quá – Ta nói thẳng cho con nghe, từ nhỏ con đã được ông trời ưu ái, chưa gặp phải sóng gió gì, dưỡng ra tính tình tự phụ bộc trực như vậy, sau này ắt sẽ chịu thiệt thòi.”

Mỗi câu mỗi chữ Đàn Tế nói đều là lời gan ruột trâu già liếʍ nghé1, vào tai một thiếu niên mười bảy, mười tám tuổi cực nặng lòng tự ái thì lại rất chói tai. Đàn Đạo Nhất hơi cau mày, nhẫn nhịn không phản bác.

1 Thành ngữ xuất phát từ “Hậu hán thư – Dương Bưu truyện”, chỉ tình thương yêu sâu nặng của cha mẹ đối với con cái.

Đàn Tế “ha” một tiếng, “Làm sao, con còn không phục?”

Đàn Đạo Nhất nghĩ một đằng đáp một nẻo, “Không ạ.”

“Không phải không phục thì bĩu môi cái gì?”

Đàn Đạo Nhất mím môi, sau cùng không nhịn nổi nữa, chàng vụt ngước mắt: “Phụ thân chướng mắt nhị điện hạ cũng là bình thường, nhưng vì sao phải lấy lòng thái tử? Dựa vào gia thế họ Đàn chúng ta mà lại bắt chước phường nịnh nọt bợ đỡ, lợi dụng sắc đẹp ton hót thái tử, động thái của phụ thân tối nay sẽ bị người đời cười đến hết đời!”

Trước mặt khách khứa, Đàn Tế còn dày mặt được, bị con trai khiển trách thẳng mặt, mặt ông không kìm được đỏ lên, ngồi thẳng người dậy, nói: “Cười thì cười đi, bị người ta cười mấy tiếng thì có làm sao? Con ngồi xuống đi,” Ông chỉ vào sập nhỏ cạnh giường, dự định nói chuyện trắng đêm với Đàn Đạo Nhất, “Đạo Nhất, con biết ta không coi trọng Nguyên Dực, nhưng có biết vì sao không? Con người nó có chút trí tuệ, tính tình cũng xem như hiền lành, không kém gì thái tử, nhưng chuyện nó trù tính ắt sẽ không thành.”