Tôi Làm Thợ Điện Những Năm 80

Chương 11

Sau khi mua xong mọi thứ, Diệp Thu Oánh không chậm trễ quay trở về nhà luôn.

Điều đầu tiên cô làm khi về đến nhà, Diệp Thu Oánh vừa mệt vừa khát đã uống một ngụm lớn nước sôi để nguội. Đi cả ngày thấy sắp chết đến nơi cuối cùng cũng có cảm giác sống lại.

Ngay lập tức, cô lại chạy đi sửa đèn pin.

Nhân lúc trời còn chưa tối, cô mang trả chiếc đèn pin đã được sửa xong, việc hôm nay đã làm hết rồi.

Sau khi suýt ngất xỉu vào buổi chiều, Diệp Thu Oánh quyết định nghỉ ngơi vài ngày trước khi lên huyện tìm việc làm. Thông thường, những bệnh nhân gần chết do mất máu quá nhiều sẽ nằm trên giường tĩnh dưỡng.

Cô lại ngược đời, vừa tỉnh dậy đã chạy ngược chạy xuôi nên sinh lực bị tổn thương nghiêm trọng.

Diệp Thu Oánh không dám tìm đường chết nữa nên cô ngoan ngoãn ở trong nhà chơi với hộp dụng cụ của ba nguyên thân để lại.

Nói chính xác hơn thì bây giờ nó là của cô.

Diệp Thu Oánh vui vẻ cầm dụng cụ đi vòng quanh nhà, kiểm tra những chỗ rò rỉ trên tường, sàn nhà, cửa ra vào và cửa sổ, đồng thời sửa chữa những hư hỏng. Cô luôn thích một ngôi nhà sạch sẽ, rộng rãi và đơn giản nên chỉ cần tháo dỡ những tấm gỗ và mảnh vải vô dụng ra, cả căn phòng bỗng trở nên thoáng hơn rất nhiều, trông sáng sủa rộng rãi hơn.

Điều tiếc nuối duy nhất là - không có điện!

Không có điện nên cô phải chẻ củi để nấu ăn.

Diệp Thu Oánh khóc không ra nước mắt. Một bệnh nhân bị thương không còn sức lực để hoàn thành ba bữa ăn một ngày.

Điều đáng nói là trong lúc cô đang dưỡng bệnh cũng có một số người dân trong thôn đến nhờ cô làm mới đồ dùng trong nhà. Công việc này cần cưa lại gỗ để sửa chữa những chỗ hư hỏng, đồng thời phải đẽo và đánh bóng dăm gỗ, lượng công việc nhiều mà lương thấp nên cô đã từ chối.

Sau khi nghỉ ngơi liên tục ba ngày, triệu chứng ngất xỉu giảm dần. Nhìn lượng đồ ăn ít ỏi, Diệp Thu Oánh đành phải lên đường đến huyện.

Cuối tháng năm, ngày thứ năm xuyên qua.

Sợ lỡ chuyến xe buýt sớm, Diệp Thu Oánh đi bộ đến thị trấn khi trời còn chưa sáng, trên xe đã ngồi không ít người, may mà cô đến sớm chiếm được chỗ ngồi trước. Trong túi chỉ còn lại bảy xu, vé xe cả đi cả về cũng tốn mất bốn xu rồi.

Diệp Thu Oánh cũng không để ý, vì cô sẽ sớm tìm được việc làm và đi nhận chức.

Ở Trung Quốc năm 1982, vị trí công nhân được coi là bát cơm sắt. Lương của một công nhân bình thường khoảng sáu mươi tệ, trong khi lương của thợ điện là tám mươi chín mươi tệ. Còn kỹ thuật viên, kỹ thuật viên cao cấp thì hầu hết đều khoảng một trăm tệ, còn kỹ sư vẽ và thiết kế thì tối thiểu cũng phải hai trăm đấy nhỉ?

Bảo trì điện và tự động hóa máy CNC (*) đều là những kiến

thức cơ bản của chuyên ngành cơ điện. Kể cả cô không thể phỏng vấn làm kỹ sư, thì làm kỹ thuật viên cao cấp cũng được.

(*): Máy CNC là loại máy gia công vật liệu hoạt động dưới sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử được số hóa. Trong đó, CNC là viết tắt của từ Computerized Numerical Control (điều khiển số bằng máy tính), nghĩa là mọi hoạt động gia công mà máy CNC thực hiện đều dựa trên sự điều khiển của một hệ thống máy tính.

Chuyến đi tới huyện Phong Nguyên gập ghềnh suốt ba tiếng đồng hồ.

Con đường đất xóc nảy khiến cả xe nghiêng ngả, lúc xuống xe sắc mặt của Diệp Thu Oánh trông rất tệ. Cô cảm thấy trạng thái của mình không tốt nên cũng không vội đi tìm việc.

Đã gần đến trưa, người đi đi lại lại ở huyện Phong Nguyên có người ăn mặc giản dị, cũng có rất nhiều nhân viên văn phòng tan làm đạp xe, thỉnh thoảng có một chiếc ô tô chạy qua thu hút ánh nhìn xung quanh.