Kinh Doanh Quán Ăn Cổ Đại

Chương 22: Có tiền rồi

Nàng trả tiền xong, chào tạm biệt ông chủ rồi rời đi, không hề biết người đang từ ngoài cửa đi vào, lướt qua nàng chính là quản sự Lư Đằng của tửu lâu Du gia.

Lư Đằng nhìn nàng vài lần, nhất thời không nhớ ra là ai. Một lát sau, người đi cùng hắn vén rèm bước vào, khịt mũi nói: "Đây chính là Khương gia nhị cô nương." Giọng điệu có phần hung dữ.

"Nghe nói tiệm ăn Khương gia dạo này sống lại rồi." Lư Đằng cũng đến lấy hàng, đặt mua một lô bát đũa chén cốc mới cho tửu lâu.

"Chỉ là giãy chết thôi," người nọ rất khinh thường, "Cái tiệm nhỏ xíu đó, chỉ dựa vào bán đồ ăn sáng thì duy trì được bao lâu? Nhà nàng ta đến cả một đầu bếp tử tế cũng không có, chắc chắn chẳng làm nên trò trống gì."

Hắn ta đổi giọng, lại nói với vẻ nịnh nọt: "Quả nhiên là sản nghiệp của nhà giàu có tiếng tăm, nghe nói lại sắp mở chi nhánh ở Vĩnh An phường?"

Lư Đằng không lộ vẻ gì: "Đều nhờ vào kế hoạch của đại tiểu thư nhà chúng ta."

"Đó là điều đương nhiên, Du nương tử quả là kỳ tài, tuổi còn trẻ mà đã có thể quán xuyến việc buôn bán tốt như vậy, ta thật sự bội phục." Hai người vừa nói vừa cùng nhau rời đi.

Bên kia, sau khi Khương Uyển về nhà rửa sạch bát đũa, dùng nước sôi tráng qua, rồi gọi Chu Nghiêu đến, đưa cho hắn một tờ giấy: "Tiểu Nghiêu, dựa theo những nguyên liệu ta viết này, ngươi có thể làm ra những khuôn này không?"

Chu Nghiêu chà xát hai tay ướt vào người, rồi mới cẩn thận nhận lấy tờ giấy. Hắn không biết nhiều chữ, Khương Uyển chu đáo dùng hình vẽ đơn giản, phác họa sơ qua hình dáng, lại nói thêm một số yêu cầu với hắn.

Hắn suy nghĩ một lúc, gật đầu nói: "Có lẽ được, nhị tiểu thư cần gấp không? Ta có thể phải thử trước đã."

"Không gấp, ngươi cứ từ từ làm." Khương Uyển nói.

Tư Lăng đứng bên cạnh nhìn tờ giấy trong tay Chu Nghiêu, không khỏi tò mò: "Tiểu nương tử, những thứ này dùng để làm gì vậy?"

Khương Uyển nhìn nàng ấy với ánh mắt bí ẩn: "Rất hữu dụng, đợi làm ra sản phẩm rồi hãy xem."

Qua tìm hiểu và khảo sát, nàng biết người dân kinh thành vào ngày Thất Tịch, ngoài những phong tục truyền thống như xâu kim cầu xin Chức nữ giúp cho khéo tay canh cửi, ngắm sao bái nguyệt, còn thích rủ nhau đi chơi, thưởng thức các loại bánh điểm tâm, mua một số đồ thủ công tinh xảo. Mà mấy loại bánh điểm tâm họ thường ăn nhất chính là Xảo quả, Xảo Tô, Xảo Bính và các loại quả được chạm khắc thành hình dạng khác nhau. Muốn tạo ra sự khác biệt, không thể không đầu tư nhiều công sức vào hình dáng và hương vị của món ăn.

Thực ra ngoài những điều này, nàng còn có một dự tính khác, chỉ là không tiện nói ra. Ngày hôm đó ngoài bán những món ăn theo mùa, nàng còn dự định làm một ít bánh trung thu để quảng cáo trước. Sau Thất Tịch, tháng Tám chính là Trung Thu. Mà hầu như nhà nào cũng sẽ đặt bánh trung thu trước rất nhiều ngày. Nếu bánh trung thu của mình được mọi người ưa chuộng vào ngày Thất Tịch, có lẽ sẽ nhận được đơn đặt hàng trước, làm ăn buôn bán vào dịp Trung Thu.

Đương nhiên, chuyện này còn chưa chắc chắn, Khương Uyển cũng không hoàn toàn nắm chắc. Phần lớn hy vọng của nàng vẫn đặt vào những loại bánh điểm tâm được thưởng thức trong ngày Thất Tịch này.

Đợi Chu Nghiêu và Tư Lăng đều bận rộn, Khương Uyển xoa xoa cổ tay đau nhức rồi trở về phòng ngủ, ánh mắt dừng lại trên giá sách đơn sơ trong phòng. Ở đó có một quyển sách tổng hợp thơ từ các triều đại và một tập chữ lớn dành cho người học thư pháp luyện viết, đều là những thứ nàng nhất thời nổi hứng, không nhịn được bỏ tiền ra mua.

Tác giả của hai quyển sách là cùng một người - một vị đại nho nổi tiếng của triều đại này, Cố Nguyên Trực. Ông xuất thân từ gia đình thư hương, từ nhỏ đã bộc lộ tài năng xuất chúng, tinh thông thi thư, có thể gọi là "thần đồng" thời cổ đại. Mà trưởng bối Cố gia cũng không vì thế mà lơ là việc dạy dỗ ông, không để ông trở thành Phương Trọng Vĩnh thứ hai. Cố Nguyên Trực thuận buồm xuôi gió, thi đỗ khoa cử, được bổ nhiệm chức quan.

Tuy nhiên, tính cách của người này thẳng thắn như tên gọi, không chút linh hoạt, sau đó lại bị cuốn vào cuộc tranh đấu chốn triều đình, vô tội bị liên lụy, bị giáng chức. Cố Nguyên Trực càng thêm chán ghét tranh giành chính trị, liền kiên quyết từ quan, mở trường học trong dân gian, không phân biệt xuất thân, rộng rãi thu nhận học trò, dưới mái trường dần tụ tập đông đảo học tử.

Ngoài việc giảng dạy, ông còn biên soạn tập thơ, tập từ trên cơ sở của các triều đại trước, không chỉ thu thập tất cả tác phẩm của các danh gia đời trước, mà còn tìm kiếm được không ít tác phẩm thất lạc. Ngoài ra, ông còn viết chữ rất đẹp, chữ Khải của ông thanh tú, phóng khoáng, cốt cách cứng cáp, được người đương thời gọi là "Nguyên Trực thể". Chỉ là mấy năm trước, không biết vì lý do gì, ông đột nhiên mất tích, biến mất không dấu vết, lời đồn đều nói ông đổi tên họ, đi khắp nơi du học.

Còn Khương Uyển ở thời hiện đại từ nhỏ đã luyện thư pháp, nàng đặc biệt giỏi chữ Khải. Điều kỳ lạ là, nàng rõ ràng chưa từng nghe nói đến triều đại Cảnh này, nhưng lực độ đặt bút, kết cấu chữ viết của nàng đều có hơi hướng của Nguyên Trực thể.

Chính vì vậy, hôm đó nàng nhìn thấy nét chữ này ở hiệu sách, liền không chút do dự mua về, thường xuyên lấy ra luyện viết.

Khương Uyển vuốt ve bìa của hai quyển sách, trong đầu đột nhiên nảy ra một ý nghĩ.

Nàng lật mở tập thơ từ, lần theo mục lục bắt đầu đánh dấu.

-

Hôm nay sau khi kết thúc buôn bán, Khương Uyển tính toán ngày tháng, còn khoảng năm sáu ngày nữa là đến cuối tháng sáu. Việc cấp bách nhất hiện nay là phải trả tiền thuê nhà nửa năm, tổng cộng mười hai lượng bạc. Nghĩ đến đây, Khương Uyển có chút bồn chồn lật sổ sách, Tư Lăng thì ở bên cạnh kiểm kê sổ sách thu chi những ngày qua.

Hai người lẩm nhẩm đọc, Chu Nghiêu ở bên cạnh nghe mà tim đập thình thịch. Tuy rằng việc buôn bán những ngày qua khá tốt, nhưng chưa kiểm tra cuối cùng thì vẫn không yên tâm.

Kiểm kê xong, Khương Uyển và Tư Lăng nhìn nhau, đồng thời nói ra một con số: "Mười lăm."

Chu Nghiêu ngẩn người: "Nhị cô nương là nói, nửa tháng này chúng ta lãi ròng... mười lăm lượng bạc sao?"

Tư Lăng đỏ hoe mắt, xúc động suýt khóc, vội vàng nói: "Ta... ta ngày mai sẽ đến tiệm bạc, đổi những đồng tiền này thành tiền nguyên!" Nàng ấy lau khóe mắt, cười rạng rỡ: "Không ngờ, chúng ta không chỉ trả được tiền thuê nhà, mà còn dư được một khoản kha khá."

Khương Uyển thở phào nhẹ nhõm, nói: "Tiểu Nghiêu, gửi lời nhắn cho Chúc gia, mời họ chọn ngày đến thu tiền thuê nhà."

"Vâng, Nhị cô nương."

Buổi tối khi nghỉ ngơi, Tư Lăng gỡ tóc cho Khương Uyển, đưa khăn ấm qua, hỏi: "Hạn nửa năm đã đến, những ngày tiếp theo, tiểu nương tử có định tiếp tục thuê cửa hàng của Chúc gia nữa không?"

Chú thích:

Bánh Xảo quả là món ăn đặc trưng trong ngày lễ Thất tịch tại Trung Quốc. Tương truyền có một thiếu nữ có tên là Tiểu Xảo, cảm động trước chuyện tình của Ngưu Lang – Chức Nữ nên hàng năm cứ đến ngày mùng 7 tháng 7, Tiểu Xảo đều làm món bánh điểm tâm với mong muốn cầu chúc vợ chồng Ngưu Lang sơm ngày đoàn tụ. Việc này đã khiến Ngọc Hoàng cảm động và ban cho nàng một mối lương duyên. Vợ chồng Tiểu Xảo sống vô cùng hạnh phúc đến đầu bạc răng long và đượ rất nhiều người ngưỡng mộ. Rất nhiều thiếu nữ đã học theo Tiểu Xảo làm món điểm tâm này hàng năm mỗi ngày 7 tháng 7 với hy vọng sẽ tìm được tình yêu hạnh phúc. Từ đó món ăn điểm tâm có tên gọi Xảo Quả và thường được làm vào ngày Lễ Thất Tịch hàng năm với ý nghĩa cầu duyên. Bánh được làm từ cá nguyên liệu đơn giản như bột mỳ, vừng, trứng gà, đường và mật ong được trộn, ủ và được tạo hình bằng các khuôn gỗ lê (mang ý nghĩa một mối lương duyên bền chắc) rồi mang đi nướng.

Xảo Tô là loại bánh ngọt được nặn thành hình thiếu nữ (tượng trưng cho nàng Chức Nữ), ngày nay thường được nặn thành hình dạng như những bông hoa đẹp. Những cô gái ăn Xảo tô mang hy vọng càng ngày càng khéo léo, xinh đẹp hơn đồng thời ý muốn tìm được một lang quân như ý.