Bánh trứng mật ong vừa ra khỏi lò, bề mặt vẫn còn giòn giòn thơm phức, Hoa mama nếm một miếng, đôi mắt nhỏ trên khuôn mặt tròn chỉ còn lại một khe hở, khó khăn mở to: “Thơm quá, bánh này do cô làm à?”
Đợi Tống Lệ gật đầu, Hoa mama lại một lần nữa cảm thấy khi xưa mình bỏ 100 đồng xu để mua Tống Lệ đang sốt cao từ tay kẻ buôn người thật đúng là nhặt được báu vật.
Giữa răng môi, lớp vỏ giòn xốp của bánh, có chút tương tự với lát bánh bao nướng, phần bánh bên trong cũng giống như bánh bao trắng thường ăn, so với bánh bao thô, lại thêm phần mềm mịn, còn có hương thơm ngọt ngào của mật ong và trứng gà.
Hoa mama ba miếng đã hết một cái rồi lại cầm cái thứ hai lên cắn...
Mụ ăn hết cái thứ hai, muốn lấy thêm nhưng lại phát hiện đĩa đã trống không.
Trong lò treo vẫn còn vài cái, đó là để dành cho Phúc gia, Hoa mama liếʍ ngón tay còn mùi dầu thơm, vẻ mặt luyến tiếc.
Tống Lệ bận rộn trước bếp, tôm sông nhỏ sau khi được chiên dầu, thêm một nắm lá hẹ xanh mướt, dọn ra đĩa, màu sắc đẹp vô cùng.
Hoa mama nhìn mà nuốt nước miếng liên tục, tôm sông bình thường cũng có thể được nàng chế biến thành món có màu sắc, hương vị, mùi thơm đầy đủ.
Nói mới nhớ, đã lâu rồi mụ không ăn tôm sông, lát nữa mụ phải bảo Tống Lệ làm cho một phần tôm sông xào lá hẹ để thưởng thức mới được.
Còn bánh trứng mật ong nàng làm, cũng phải làm thêm một ít, Hoa mama dự định bổ sung vào thực đơn phần bánh ngọt.
Món xíu mại măng tươi mà Tống Lệ làm mỗi ngày phải mua bốn, năm khay, hôm nay lại để Hoa mama phát hiện Tống Lệ còn biết làm bánh ngọt ngon, khiến ánh mắt Hoa mama nhìn nàng càng thêm “dịu dàng yêu thương”.
Chỉ cần là người có thể kiếm tiền cho mụ thì mụ đều thích.
...
Cách huyện Phượng Tiên ngàn dặm là kinh đô, các sĩ tử áo xanh áo trắng cùng nhau hẹn ở Chiết Quế lầu để cầu may mắn. Đối với kỳ thi hội sắp diễn ra vào tháng ba, ai nấy đều vừa mong chờ lại vừa lo lắng.
Mười năm đèn sách khổ luyện, một sớm đỗ đạt, trở thành môn sinh của thiên tử, xuân phong đắc ý, một ngày ngắm hết hoa ở Trường An, thiếu niên cưỡi bạch mã, thật là tự do, thật là khí phách biết bao.
Lý Kính vừa mở cửa phòng đã bị gió lạnh kinh đô thổi cho tỉnh táo đôi chút, anh ta vội vàng bảo người hầu lấy áo bông dày khoác lên rồi xuống lầu. Chợt nhớ đến Kiều cử nhân ở phòng bên cạnh có vẻ đã mấy ngày chưa ra khỏi phòng, Lý Kính bèn gõ cửa phòng, mời anh ta cùng đi.
Rất nhanh cửa phòng được mở, Lý Kính nói rõ ý định nhưng bị đối phương khéo léo từ chối.
Lý Kính lắc đầu, lẩm bẩm: “Mấy hôm trước Kiều cử nhân thắp đèn đến giờ Hợi, mình sợ chưa đủ chăm chỉ nên cũng thắp đèn học đến giờ hợi. Kết quả Kiều cử nhân học đến giờ Tý, chẳng màng sống chết, không so được, không so được!”
Lại nói: “Chăm chỉ học hành như vậy, chẳng lẽ là đợi đến khi đỗ đạt mới cưới vợ hay sao?”
Anh ta đoán đúng thật, Kiều Tri Hành siêng năng học hành chính là để cưới vợ.
Anh ta đã cầu xin mẹ mình, chỉ cần lần này đỗ đạt, mẹ sẽ cho anh ta cưới A Phù.
Mỗi khi nghĩ đến A Phù, anh ta hận không thể lật thêm vài trang sách, đọc thêm vài cuốn kinh thư, để sớm ngày đỗ đạt, áo gấm về làng...
Đến khi đó, anh ta sẽ dành cho cô ấy những điều tốt đẹp nhất, vòng ngọc lụa xanh, kiệu đỏ mười dặm...
Những gì cô dâu nhà khác có, A Phù của anh ta cũng phải có.