Điểm Sáng Của Tôi

Chương 5

Suốt mùa hè, tôi đều dính với Nguyên như keo. Chúng tôi gặp nhau ở căn lều trong khu vườn bị bỏ hoang. Đi loanh quanh tìm ve chai đưa cho Ông Kẹ, rồi được ông cho bánh kẹo, được ông kể chuyện cho nghe. Ông Kẹ tên thật là Lê Văn Nho, trước đây ông từng đi khắp nơi trên thế giới, trải qua rất nhiều thứ nên ông kể chúng tôi nghe rất nhiều truyện hay. Lâu lâu, ông móc ra vài quyển sách tiếng Anh có hình, lật tới hình nào ông lại dịch câu chuyện đó cho chúng tôi nghe. Chúng tôi quý ông, thích ở bên ông lắm.

Cơn mưa nào rồi cũng phải tạnh. Cuộc chơi nào cũng phải có điểm dừng. Tới ngày chúng tôi vào lớp, tôi dư sức biết mình và Nguyên sẽ không còn thời gian chơi với nhau như thế. Rồi đến mùa hè tiếp theo, Nguyên sẽ thay đổi thành một người khác mà tôi không biết. Đấy là nỗi lo sợ của tôi, còn chuyện gì sẽ xảy ra thì phải coi nhiều thứ khác nữa.

Ví dụ như trường lớp của tôi.

Trường tôi có ba lớp bảy, tôi đã đoán mình sẽ ở lớp 7a3, nối tiếp lớp 6a3 mà tôi học năm học trước. Còn Nguyên, tôi đoán sẽ tiếp tục học lên lớp 7a1, nối tiếp lớp 6a1 mà nó học năm ngoái. Chúng tôi cùng độ tuổi, cùng khối cùng trường nhưng chưa gặp nhau bao giờ cho đến khi thấy nhau trong căn chòi bí mật. Dù không bàn bạc trước với nhau nhưng tôi và Nguyên đều thống nhất một hành động là phớt lờ nhau nếu có vô tình gặp mặt. Như thể một thế lực nhiệm màu sẽ xuất hiện và kéo một người trong chúng tôi đi nếu chúng tôi quen biết nhau bên ngoài căn chòi ấy.

Ngày tựu trường, tôi được biết trường vừa trộn lớp. Giấy phân chia lớp học đã được dán lên bảng thông báo, tên Lê Thị Nữ của tôi ở trong tờ của lớp 7a2. Phía trên một chút là tên Nguyễn Nhật Khánh Nguyên. Thứ gì đó móc vào mu bàn tay tôi, nhìn qua thì tôi thấy Nguyên đang mỉm cười với mình. Tôi đáp lại bằng hai cái nhướng mày chuyên nghiệp: mỗi lần một bên mày, tôi nghĩ mình đã tạo ra một hình lượn sóng hoàn hảo. Vậy là năm nay chúng tôi học chung lớp.

Không một lời hẹn, chỉ bằng một cái liếc mắt tôi và Nguyên đã biết chúng tôi sẽ gặp nhau ở căn chòi đó sau khi đi học về. Cũng như thế, chúng tôi sẽ để việc trên trường vào một không gian khác mà chúng tôi không được nói đến.

Vừa đến nhà, tôi để cặp vào góc của mình, thay quần áo và chuẩn bị chạy đi chơi. Không quên mang theo bộ quần áo cũ của anh hai cho Nguyên mặc, để quần áo nó không dính bùn, và cũng để nó không bị đánh vì chơi dơ. Có những hôm tôi và Nguyên muốn chơi sìn, Nguyên cởi cả bộ quần áo của nó ra rồi nhào xuống nước chơi cùng tôi. Sau khi chơi xong nó quay lại, tắm bằng cái hồ nước mưa tôi làm trước đó, mặc quần áo cũ của nó vào rồi mới chạy về nhà.

– Nữ à.

Tim tôi như giật lên một nhịp khi cha tôi gọi. Tôi đang gấp đồ cũ của anh hai bỏ vào bọc ni lông màu đen đem cho Nguyên. Cha tôi có biết chuyện tôi đang làm không? Tôi không biết. Tuy vậy, tôi vẫn đáp:

– Dạ.

– Mày làm cái gì đó?

– Con gấp quần áo cũ của anh hai lại để đem đốt.

– Đồ ngu, đốt thì gấp làm gì! Mà thôi, sao cũng được. Mẹ đâu?

– Anh hai chở mẹ đi đám giỗ ở dưới nhà bà cóc rồi. Cha đói hả? Con có làm cơm để lên bàn rồi đó, cha ăn thì để con dọn ra cho cha ăn.

Cha tôi đang nằm quằn quại trên giường. Mắt ông vẫn nhắm nghiền khi tôi hỏi. Ông gầm gừ cái gì đó trong cổ họng một hồi lâu không lên tiếng. Tôi quay lại nhét phần quần áo vừa gấp xong bỏ vào bọc. Lúc đó cha tôi lại kêu:

– Nữ à!

– Dạ.

– Đem cho tao gói thuốc.

Đem gói thuốc, nghĩa là phải đem theo hột quẹt cùng với gạt tàn. Thuốc không tự cháy được, mà tàn không thể tự rớt vào đồ đựng được. Nó cần ở đủ gần để cha có thể với tay tới, đủ xa để tay ông không làm đổ nó khi ngủ. Tôi để cái gạt tàn xuống đất, đặt gói thuốc trên giường cạnh cha mình.

Cha với tay kéo tôi vào lòng, đè tôi nằm xuống bên cạnh ông. Tay ông luồng vào áo tôi và chà sát lên phần ngực của tôi. Người tôi bấy giờ cứng lại, không dám nói lời nào. Tôi chỉ nghe cha lẩm bẩm gì đó trong cổ họng ông, và ông giữ tôi chặt hơn. Mùi bia, mùi đồ nhắm và khói thuốc lá xộc vào mũi tôi ngứa ngáy. Nhìn lên trần nhà lợp bằng lớp tôn bóng loáng, tôi chờ đợi cha chìm vào giấc ngủ.

Cha thật sự ít khi ôm tôi như thế này. Tôi cũng chưa bao giờ gần cha mình như vậy. Tôi cảm thấy bàn tay chai sần của ông trên da tôi. Người ông ấm nóng và bốc mùi như bãi rác mà tôi và Nguyên thường dấn thân vào nhặt ve chai. Ông Kẹ nói rằng nếu chúng tôi là người tốt thì hãy dọn đống rác đó vào một bọc lớn, đem lại nhà ông rồi ông đem đổ. Rõ ràng khu đất đó là của người khác, nhưng khi thấy nó sạch sẽ thế nào khi chúng tôi dọn dẹp làm tôi thấy vui vẻ phần nào. Có lẽ Nguyên cũng vậy.

Có tiếng động đột ngột vang lên đằng trước nhà, tôi ngó ra hay mới phát hiện ra rằng em gái của tôi, Trinh đã trở về. Con bé vào nhà, khi đi ngang qua tôi, nó dừng lại rồi ngó tôi một cách khó hiểu. Tôi giả vờ cười với nó, thế là em gái tôi đi ra sau bếp. Tiếng lổn cổn ở sau nhà giúp tôi suy đoán rằng nó đang ăn cơm.

Tôi trở lại với bãi đất mà chúng tôi vừa dọn nọ. Khoảng một tuần sau đó rác lại lấp đầy nơi ấy, nó lại ẩm nóng và hôi thối như người cha tôi lúc này. Dường như người ta cho rằng việc bãi rác hôi thối đột nhiên mất đi là điều bình thường đến mức không quan tâm. Không những thế còn nghĩ đó là bãi đất thần kỳ, sẽ tự động làm biến mất rác của họ, và họ lại đổ rác vào đó một lần nữa. Phí hết mọi công sức của chúng tôi.

Thời gian đang trôi đi. Ngực cha đã phập phồng đều đặn và lòng bàn tay cộm cộm của ông không còn chạm vào da thịt của tôi nữa. Nhưng tôi vẫn không dám rời đi. Tâm trí của tôi tê liệt bởi mùi hôi bốc ra từ người ông. Như thể ông là một cái xác chết, chỉ cần tôi mạo phạm một chút thì hồn ông sẽ đeo bám tôi suốt khoảng thời gian sau đó. Có lẽ Nguyên đang đợi tôi ở căn lều nọ, và tôi cần phải trốn đi trước khi cha tôi thức dậy một lần nữa.

Run rẩy nhấc tay ông ra khỏi áo của mình, tôi từ từ ngồi dậy. Khi chân tôi chạm đất, tôi cứ nghĩ điều đó là không thật và không hiểu vì sao tôi lại khó chịu với chính mình như thế. Có lẽ vì tôi nằm im đã lâu nên chân tôi châm chích để trách hờn tại sao lại ở đó lâu như thế.

Chộp lấy cái bọc quần áo mà tôi đã soạn cho Nguyên, tôi chạy ra khỏi nhà. Đi trên bờ đê nhưng tôi không thể ngừng nhớ lại cái chạm của cha trên da thịt tôi. Cái chỗ ấy như thể đang thối rữa và bốc lên mùi hôi thối của ông. Tôi nhắc nhở mình rằng không gì dễ lây lan qua một cái chạm như thế, và da thịt tôi sẽ không thối rữa như tôi nghĩ. Khi đến cây cầu dừa bắt qua bên kia, chân tôi như đang bước nhanh hơn. Nhất là khi thấy Nguyên đứng lên chào mừng tôi đến, tôi có thể cảm thấy khuôn miệng mình chảy xệ xuống. Muốn trút bỏ những cảm giác tồi tệ này ra ngoài. Nguyên bối rối hỏi tôi:

– Bà sao vậy? Mặt nhìn buồn lắm.

Tôi lắc đầu. Đưa cho Nguyên bọc quần áo của hai. Chui vào trong lều mà ngồi xếp bằng trong nó, tóm lấy không khí như thể đang học lại cách thở của mình.

Khi Nguyên chui vào trong lều, nó đã mặc quần áo của anh hai tôi rồi. Đó là một cái áo thun thể thao màu xanh tay cộc và quần thể dục những năm lớp mười hai của anh. Nguyên xắn ống quần lên tận đùi rồi bò vào chỗ của tôi. Nó không tiếp tục hỏi thêm chuyện gì đang xảy ra nữa. Nguyên chỉ ngồi đó cạnh tôi. Như thể để tôi biết rằng tôi chưa bao giờ cô độc trong cuộc hành trình này, và điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Tôi quay sang nhìn Nguyên và nói:

– Bọn mình đi dọn rác đi. Có chai thì lụm về bán lấy tiền mua kẹo ăn.

Tôi và Nguyên đi lại bãi rác cũ, cả hai hốt hết mớ rác đó vào bọc. Phân ra bên nào là chai, bên nào là thanh sắt trước rồi mới buộc bọc lại. Mùi của rác bây giờ tốt hơn mùi của cha tôi nhiều, tôi ước gì mùi hôi tôi ngửi được là mùi của cái xác đang phân hủy thật sự chứ không phải của một người đàn ông trung niên ba con đang ngáy. Nếu vậy thì khi tôi về, xác của cha đã thành một đống bầy nhầy chảy nước và đầy giòi bọ.

Ông Kẹ cũng vừa đi về khi chúng tôi đem rác đến chỗ của ông. Thấy hai bọc to của chúng tôi, ông cười khà khà rồi nói:

– Nay bội thu à nhe. Thảy lên cân đi, được bao nhiêu ông trả tiền cho đi mua kẹo.

Tôi thảy bọc đầy chai của mình lên cân, được một ký. Sau đó, Nguyên đặt bọc đựng sắt lên, được ký rưỡi. Chúng tôi có được ba nghìn để mua bánh ăn. Mỗi bịch một nghìn, vậy thì tôi để dành lại một nghìn. Nguyên thì đòi lấy một nghìn đó mua nước uống. Nhưng tôi nhất quyết không chịu, tôi muốn để dành để khi nào không còn tiền nữa thì xài. Với lại, mẹ nó cũng mới vừa mở ra quán nước, uống gì mà uống hoài.

Ông Kẹ nhìn chúng tôi cãi nhau mà cứ cười khanh khách. Bực bội, Nguyên hỏi ông:

– Có gì mà ông cười vậy? Lần nào Nữ cũng tự quyết hết.

Ông Kẹ nhấp một ngụm trà:

– Tao cười không phải vì ông thấy có đứa sai. Tao cười vì tao thấy chúng mày tranh nhau một ngàn nên tao cười.

– Bạn bè mà tranh giành tiền của nhau thì có gì mà mắc cười chớ? Khó chịu muốn chết. – Tôi nhếch môi.

– Hai đứa bây tranh nhau thì hai đứa bây khó chịu. Tao không có tranh, tao nhìn ở ngoài vào nên tao mắc cười. Hai đứa đang khắng khít với nhau, tự nhiên vì một tờ giấy mà chửi lộn. Hỏi thiệt là nếu mấy đứa không có một ngàn đó thì mấy đứa làm gì.

– Thì bọn con ăn bánh.

– Vậy sao không ăn?

– Tại vì vẫn còn một ngàn đó ông! Nếu như hông thống nhất ngay từ đầu một ngàn để ở đâu, sau này mới bắt đầu cãi cho việc đó thì còn lớn hơn. Con là con thấy Nguyên có phần đúng vì có một ngàn chia ra thì ít. Thôi lấy nó đi mua lon nước về hai đứa uống cho ngon rồi khỏi suy nghĩ nhiều. Nhưng rõ ràng là con cũng đâu có sai. Đâu phải hôm nào bọn con cũng có tiền, hôm nay thì ăn ngập mặt còn ngày mai lại chẳng có gì. Con hông thích chuyện đó. Ăn no rồi uống nước cũng không ngon. Nên cứ để dành lại mai mốt. Vậy là với ba ngàn mà bọn con vui vẻ được hai ngày. – Tôi nói xong, một lúc sau lại đẩy tờ một nghìn cho Nguyên. – Ông khát nước thì cứ lấy đi mua nước uống. Tui no rồi, uống không nổi đâu.

Nguyên xụ mặt ngồi xuống cạnh tôi:

– Uống thì uống chung chứ uống một mình thì vui vẻ gì.

Ông Kẹ xoa đầu hai đứa tôi, rồi ông vào trong nhà, đem ra cho chúng tôi hai ly nước, ông gằn giọng:

– Nước đây. Ai khát thì uống, còn ai muốn để dành thì cứ để dành.