Nghênh Xuân

Chương 5

Mấy ngày sau kết hôn, ta luôn ở bên công chúa.

Nàng và mẫu thân chung sống với nhau rất hòa hợp, trên dưới phủ An Quốc hầu tôn kính nàng, nàng và ta cũng quen thuộc hơn, dần trở nên giống một đôi vợ chồng mới cưới. Chạng vạng, sau khi dùng bữa tối, chúng ta tản bộ trong sân nhỏ, khi nói về việc lúc nào nên đi phủ công chúa, công chúa giữ chặt tay áo của ta, muốn nói lại thôi:

- Ta rất thích ở đây.

Ta cười nói:

- Thích cũng tốt, sau này có thể thường trở về.

Nàng do dự hồi lâu:

- Nếu chàng không muốn, chúng ta cũng không cần hồi phủ.

Ta giật mình, sau đó nhìn chăm chú khuôn mặt của nàng, hỏi ngược lại:

- Vậy nàng thì sao?

- Ta?

- Công chúa có muốn không?

Giọng ta ấm áp:

- Ta nghe nói, cảnh quan trong phủ công chúa, từ một nhành cây, một ngọn cỏ đều do công chúa thiết kế. Đó là ngôi nhà mà công chúa chăm sóc tỉ mỉ, tại đây công chúa là con dâu, trong phủ công chúa nàng là chủ nhân. Công chúa thật sự không muốn về nhà hay chỉ vì ta mà lui một bước.

Công chúa nhìn ta, mãi không nói nên lời.

Đêm nay trăng rất đẹp, chiếu xuống những ánh bạc lấp lánh. Nàng đột nhiên rũ mắt, nói thật nhỏ:

- Bùi Thính Hòa.

Bùi là quốc họ, ta ngơ ngác mấy giây mới nhớ ra đây là khuê danh của nàng.

Đã kết hôn được mấy ngày, thế mà chúng ta còn chưa chính thức tự giới thiệu.

- Ta tên Dung Tự, tên thân mật là Cẩn Nhiên.

Ý cười nhiễm lên mắt ta, ta chuyển trọng tâm câu chuyện qua nàng:

- Công chúa có tên thân mật không?

Nàng nói:

- Là Nhiễm Nhiễm.

Thính Hòa, Nhiễm Nhiễm.

Thái Hậu rất coi trọng đất đai.

Khi thân thể còn khỏe mạnh, ngài ấy từng mang con cháu tôn thất đi điền trang ở vùng ngoại ô để xem người nông dân trồng trọt, thường xuyên tự mình xuống ruộng giúp đỡ, luôn dành sự tôn trọng và vẻ vang cho những người nông dân kia, luôn tủm tỉm cười, không hề kiêu ngạo.

Ngài ấy trân trọng lương thực, bản thân cũng không hề xa hoa lãng phí, thường xuyên phát cháo cứu tế, quyên tặng rất nhiều ngân lượng cho những người nông dân, mẹ góa con côi và học sinh nghèo khổ, là một người lương thiện chân chính.

Ngài ấy từng nói, so với một đóa hoa ganh đua sắc đẹp, ngài ấy càng thích một cây lúa trĩu bông. So với hoàng cung xa hoa, ngài ấy càng thêm yêu những vùng quê rộng lớn, tịnh tu bên ngoài lâu dài, thể nghiệm và quan sát dân tình, sống cùng bách tính.

Một người Thái Hậu như vậy đã nuôi dưỡng công chúa Hòa Nghi, công chúa có rất nhiều phẩm chất giống với ngài.

- Hoàng tổ mẫu nói, bà thích nghe tiếng thở của những cây lúa, bà hy vọng ta cũng có thể nghe được những âm thanh đó, nên đã đặt tên ta là Thính Hòa (nghe tiếng của mạ non).

Công chúa chìm trong hồi ức:

- Bà còn nói, mùa bội thu là thời khắc hạnh phúc nhất của bách tính, khắp nơi ruộng đồng tươi tốt. Bà cũng hy vọng ta sẽ luôn tràn đầy sức sống, luôn tự mang đến hạnh phúc cho chính mình, nên gọi ta là Nhiễm Nhiễm (cỏ mọc um tùm)

Từng câu từng chữ đều là tình cảm chân thành đối với công chúa Hòa Nghi.

- Thái Hậu có trái tim hướng về bách tính.

Ta xoa đầu công chúa:

- Công chúa cũng vậy.

- Ta vẫn không bằng được Hoàng tổ mẫu.

Nàng lắc đầu:

- Nhưng ta sẽ cố hết sức.

- Không phải công chúa có rất nhiều dự định sao?

Ta hỏi:

- Ví dụ như cải tiến nông cụ cùng hạt giống và phân bón, mở Từ Tế Đường, mở y quán và cả học đường dành cho nữ tử.

Nàng luôn nỗ lực đi thực hiện những việc như vậy. Năm ngoái, gặp tháng hạn hán, mặc dù trong kinh có dẫn nước để tưới cho ruộng đồng, những cây nông sản vẫn mỗi ngày một khô héo, phảng phất bị bệnh hại. Kinh thành gặp nạn, sản lượng lương thực cực thấp, giá lương thực dâng cao, công chúa Hòa Nghi lúc này cầu được gặp Bệ hạ, dâng sớ trình bày các biện pháp cứu tế.

Lúc đó cha ta cũng đang ở ngự thư phòng, tất nhiên biết rõ chuyện này.

Một công chúa lại quan tâm đến những thứ liên quan đến những tên nông dân hạ đẳng, thậm chí còn viết rõ ràng quá trình chế tạo phân bón, điều này dẫn tới Bệ hạ không vui, nói nàng ấy không nên tìm hiểu những thứ dơ bẩn như vậy.

Nhưng chỉ có ta biết, thuở nhỏ công chúa đã đọc nhiều sách, kiến thức uyên bác, lại cùng Thái Hậu thường xuyên trao đổi với người nông dân, thậm chí đã từng tự mình làm ruộng, bên cạnh không thiếu những kỳ nhân dị sĩ đến từ những nơi khác nhau, những thứ nàng dâng sớ đều có thể thực hiện.

Nhìn khắp kinh thành, chỉ có ruộng đồng của công chúa không bị ảnh hưởng đến sản lượng.

- Nhưng cuối cùng phụ hoàng cũng không nghe ta.

Đôi mắt Bùi Thính Hòa hơi ảm đạm:

- Những việc ta có thể làm, quá ít.

- Vậy để ta giúp nàng.

Ta nói:

- Ta là phò mã, cao hay thấp thì cũng là chức quan, lại là đích thứ tử của phủ An Quốc hầu, có thể thuận tiện làm việc hơn công chúa.

Bùi Thính Hòa ngạc nhiên:

- Nhưng chàng bị giới hạn trong thân phận phò mã, dù làm ra công trạng cũng không thể thăng chức.

- Thì có sao.

Ta nhặt cánh hoa rơi trên mái tóc của công chúa, hững hờ nói:

- Chiến công của ta vốn là công trạng của công chúa, ghi nhớ trên người nàng mới là đúng.

Nàng bị ta chọc cười, hai mắt cong cong:

- Ta chỉ là một công chúa, tranh công trạng làm gì chứ?

Một câu đương nhiên như thế, ta nghe mà trong lòng căng thẳng.

Một công chúa không được coi trọng, chỉ dùng để liên hôn, làm ra những công trạng kia có tác dụng gì?

Khi ta bị nhốt trong thân thể, không thời khắc nào là không tự hỏi vấn đề đó.

Ác quỷ có thể không chút kiêng kỵ mà làm hại công chúa chỉ vì công chúa là thê tử của hắn, là sự “đền bù” của bệ hạ, là vì công chúa không được yêu thích, không có người để dựa vào, … là vì nữ nhân không có quyền để lên tiếng.

Cuối cùng ta phải đề phòng khả năng bị đoạt xác một lần nữa, ta không cho phép bất cứ kẻ nào có cơ hội làm hại đến công chúa.

Nàng ấy có khát vọng và lý tưởng, vì sao không thể đứng ở vị trí cao hơn chứ?

Ta đã suy nghĩ chuyện này quá lâu rồi.

- Công chúa có từng nghe chuyện về Thái sư tiền triều, Quan Sơn Nguyệt chưa?

Vị quan Trạng nguyên kinh tài tuyệt diễm đó đã dùng sức của bản thân cứu lại cả một vương triều sắp lật đổ, nuôi dưỡng thánh quân đời thứ ba, quyền khuynh thiên hạ rồi lại tự nguyện buông tất cả khi về già để dạo chơi khắp nơi.

Ngài ấy là nữ tử … là một vị nữ quan duy nhất trong mấy trăm năm qua.

Ta hỏi:

- Công chúa vì sao không học theo ngài ấy ?

Màn đêm buông xuống, những ánh sao như rơi vào trong mắt nàng, nàng sững sờ:

- Ta có thể sao?

Không phải không tự tin vào bản thân, chỉ là sự mờ mịt vì những điều chưa từng nghĩ đến, còn có một chút chờ đợi đang dần lộ ra ánh sáng.

- Tất nhiên.

Ta hành lễ với nàng, thản nhiên ngẩng đầu:

- Vi thần nguyện vì công chúa mà ra sức trâu ngựa.