Sau Khi Thái Tử Phi Từ Hôn, Toàn Hoàng Cung Hối Hận Rồi

Chương 1: Trọng sinh

Tiết trời giữa mùa hè nóng bức, Đoan Ngọ vừa mới qua, khắp các cung vẫn còn hơi nóng hầm hập.

Trên hành lang sơn mộc của các điện khắp lục cung vẫn còn treo lá bồ ngải, gió nóng phất qua, tản ra mùi thơm hơi cay mũi.

Ngọc Chúc điện là nơi Trâm Anh ở, cũng là một nơi khá mát mẻ.

Thân thể nàng xưa nay mảnh khảnh, mùa đông sợ lạnh, mùa hè sợ nóng, đến tháng nóng nhất này, mỗi ngày phải cung cấp đá lạnh nhiều hơn ba phần.

Tòa băng đặt ngay giữa phòng mới xua tan hết cái nóng.

Hôm nay, trong nội điện lại không có cung tỳ nào đứng phẩy quạt.

Sáng sớm, Trâm Anh đã cho hai cung nhân lui xuống, ngồi một mình trước gương đồng.

Nàng giơ tay vén tóc mái lên để lộ cái trán trơn bóng, đối diện với tấm gương đồng, nàng yên lặng một lúc lâu.

Thiếu nữ trong gương có da thịt trắng nõn như tuyết, mi dài môi cong, trên cổ là một chuỗi ngọc, mặc một bộ y phục thường ngày, tay áo dài đến thắt lưng, trâm cài tinh xảo, không có chỗ nào không thỏa đáng.

Ngay cả tư thế ngồi, cho dù có đau lưng đến cỡ nào vẫn phải ngồi thẳng tắp như thước đo.

Trâm Anh nâng tay áo khẽ lay động, bóng dáng trong gương cũng nâng tay áo theo.

Nàng khẽ cong khóe môi, gương mặt không trang điểm trong gương kia cũng để lộ biểu cảm cứng ngắc, trông còn thảm hơn nhiều so với con rối gỗ.

Trâm Anh nghiêng người lại gần, con ngươi đen nhánh chăm chú nhìn mình trong gương, tựa như không nhận ra.

“Ai da tiểu thư à, sao người lại ngẩn người ngồi ở đây vậy?”

Rèm gấm dệt kim bách thảo trong nội điện đột nhiên bị vén lên, một lão phụ mặc y phục màu xanh sẫm bước vào.

Khi cất giọng có hơi lớn tiếng: “Trời ơi, yến tiệc cập kê của tiểu thư sắp đến rồi, người đã có túi tơ vàng dành cho Thái Tử điện hạ chưa? Ai da, là lão thân nhiều lời, thay vì tiểu thư ở đây lười biếng, không bằng người thêu thêm một cái túi nữa đi.”

Giọng điệu quen thuộc khiến ánh mắt Trâm Anh khẽ động.

Nàng lập tức buông tay xuống, phần tóc mái lập tức che đi cái trán, trong một khoảnh khắc, dung nhan uyển chuyển ma mị của hai người đã dung nhập vào nhau.

Không sai, Trâm Anh nghĩ, nàng trở về năm nàng mới mười lăm tuổi, còn chưa cập kê.

Ngọc Chúc điện là nơi thờ phụng của Hoàng Hậu trong Hiển Dương cung, từ khi có trí nhớ, nàng đã ở nơi này.

Trâm Anh họ Phó, là nữ nhi tam phòng của Phó gia. Phụ thân nàng là Phó Tử Tư, trong cuộc Bắc phạt đầu tiên đẩy lùi quân địch tiến về phía Nam, phụ thân nàng theo huynh trưởng là Phó Dung dẫn quân đến biên giới, không may cả hai huynh đệ đều hy sinh.

Mẫu thân Đường Tố của nàng có xuất thân từ gia đình phú quý, chẳng qua chữ ‘phú’ của Đường gia lại mang nghĩa phú khả địch quốc*.

Đường gia phát tài từ tiền triều, lúc đó đô thành vẫn còn ở Trường An vùng Trung Nguyên, Hồ Địch ở phương Bắc chưa dám xâm phạm đến. Đường thị lập nghiệp bằng việc buôn ngựa, sau đó kinh doanh đồ sứ, sản nghiệp phân bổ khắp nơi, tích lũy bốn đời đã được rất nhiều của cải. Tới đời Đường Tố, dưới gối Đường lão gia tử chỉ có duy nhất một ái nữ, cẩn thận giáo dưỡng lớn lên, sau đó giao toàn bộ sản nghiệp vào tay nữ nhi.

Mà quả thật Đường Tố cũng không phụ sự kỳ vọng của lão gia tử, chẳng những tiếp quản được phần gia nghiệp này mà còn lớn mật khám phá, bắt đầu giao thương bằng đường biển, tận lực đưa tơ lụa và đồ sứ của Đường thị ra hải ngoại và các nước phía Tây.

Cái tên “Đại Tấn Đường phu nhân” cũng dần lan truyền ra xa.

Phải biết tư tưởng mỗi thời mỗi khác, lúc này người đời đang khinh bỉ thương nhân nhất, vậy mà Tấn Đế Lý Dự lại phá lệ ban thưởng Đường Tố làm Quận Chúa Tân Xương.

Vệ Hoàng Hậu cực kỳ yêu thích người này, Hoàng Hậu còn kết nghĩa tỷ muội cùng Đường Tố, hai người từng thân thiết vô cùng.

Có người không hiểu chuyện lại chửi thầm: Đây đâu phải là cất nhắc, từ Nam Độ tới nay, triều đình bị phân quyền lộng binh, Hoàng quyền có cũng như không, đến quốc khố cũng chẳng có. Rõ ràng Đế Hậu này đang nịnh bợ cái túi tiền của Tấn triều rồi còn gì.

Bất kể là thật hay giả, Phó Trâm Anh và Thái Tử Tấn triều đã có hôn ước với nhau từ nhỏ, tất cả cũng là nhờ đoạn tình cảm gắn bó giữa Đường phu nhân và Vệ Hoàng Hậu.

Đáng tiếc trời không chiều lòng người, lúc Đường Tố dẫn theo thương đội ra biển, bất hạnh gặp phải một cơn lốc xoáy, không còn ai sống sót.

Năm đó Trâm Anh mới được ba tuổi đã phải kế thừa tất cả của cải của Đường gia, cũng đã trở thành cô nhi.

Vì thế Lý Dự hạ chỉ cho người đón nàng từ Phó gia vào trong cung nuôi dưỡng.

… Thế nên là, thiếu nữ cúi đầu, chăm chú nhìn chìa khóa bằng bạch ngọc ở thắt lưng: Thứ này vốn không phải tín vật định hôn.

Kiếp trước, Phó Trâm Anh vẫn luôn suy nghĩ, vì sao mình phải luôn cẩn thận dè dặt, luôn cảm thấy mình làm không đủ tốt thì sẽ không xứng với Lý Cảnh Hoán chứ?

Bộ kim chỉ để thêu túi thơm kia chính là thứ nàng không sợ đâm nát tay mình, không sợ thêu lâu đến đỏ cả hai mắt, cũng muốn hoàn thành một lễ vật tặng cho Cảnh Hoán ca ca.

Nhưng Kiến Khang Thành đã đi hỏi thăm, có nữ nhi nào trải qua lễ trưởng thành lại phải phí tâm tặng quà cho người khác vậy?

Nhưng kiếp trước, từ thuở nhỏ nàng đã được Hoàng Hậu tự mình dạy dỗ, không dưới một lần dạy nàng cách làm vui lòng phu quân, dạy nàng tam tòng, tứ đức; Hoàng Hậu còn luôn nhắc nhở, tương lai Thái Tử chính là chỗ dựa duy nhất của nàng, nàng phải sinh lòng yêu kính, mọi việc phải lấy Thái Tử làm đầu, lấy Hoàng thất làm đầu.

Trẻ con như tờ giấy trắng.

Nghe nhiều những lời này cũng dần dần thấm nhuần vào tư tưởng của nàng, từng tầng từng lớp dính chặt lên nhau.

Lý Cảnh Hoán lại phụ lòng nàng, trong lễ cập kê của nàng, y và nữ nhi Phó thị lén tâm sự với nhau ở nơi vắng người, cuối cùng còn bị nàng phát hiện.

Mà cô nương có dung mạo xinh đẹp kia tên là Phó Trang Tuyết, Trâm Anh đã từng gặp nàng ta một lần trước đây, đại huynh còn nói cho nàng biết đây là họ hàng xa của Phó gia, nàng ta tới Thượng Kinh để thăm người thân.

Cái gì mà họ hàng xa, đến tận ngày đó Trâm Anh mới biết, hóa ra Phó Trang Tuyết là đứa con riêng của đại bá phụ với nữ nhân ở vùng biên quan.

Đại huynh Phó Tắc An là trưởng tôn đại phòng Phó gia, nữ tử kia chính là muội muội cùng cha khác mẹ của đại huynh.

Bọn họ đã sớm biết thân phận thật sự của Phó Trang Tuyết, còn nàng lại chẳng hay biết gì cả. Thật là nực cười, chẳng lẽ nàng là người có tính tình ương ngạnh, sẽ khi dể tiểu cô nương đó sao?

Đại huynh là người nàng tín nhiệm nhất, biết rõ nàng có hôn ước với Thái Tử nhưng vẫn âm thầm giúp đỡ Thái Tử lui tới cùng Phó Trang Tuyết. Mà nàng ỷ lại vào vị “Mẫu hậu” kia, mặc dù bà ta biết rõ nhưng vẫn mặc kệ.

Đến cả người nàng cực kỳ hâm mộ - Lý Cảnh Hoán…

“A Anh à, nàng luôn suy nghĩ cẩn thận nhưng Cô không muốn nàng hiểu lầm rồi trách oan A Tuyết! Nàng yên tâm đi, bất luận như thế nào thì vị trí chính thế của Cô vẫn thuộc về nàng.”

Đối mặt với sự truy vấn của nàng, Lý Cảnh Hoán chỉ giải thích một câu như thế.

Lúc nói những lời này, cánh tay của Trâm Anh đã bị phế bỏ trong trận hỏa hoạn kia.

Lúc nàng phát hiện ra Thái Tử và Phó Trang Tuyết có tư tình, tuy trong lòng nàng tràn đầy ủy khuất nhưng vẫn phải nhẫn nhịn vì mặt mũi của Thái Tử và vì nàng không muốn làm ầm mọi chuyện ngay trong yến tiệc cập kê.

Lý Cảnh Hoán hứa hẹn sẽ cho nàng một câu trả lời thỏa đáng.

Trâm Anh cho rằng cái gọi là câu trả lời thỏa đáng của y nghĩa là y sẽ cắt đứt sạch sẽ quan hệ với Phó Trang Tuyết, không ngờ chờ qua chờ lại, lại chờ đến khi Phó Trang Tuyết vào cung tìm nàng.

Là Phó Tắc An mang nàng ta vào cung cấm.

Lúc ấy Trâm Anh đang ở Tây Uyển thư các, nghe thấy đại huynh vốn trầm ổn, phong đồ lại dùng giọng điệu khẩn cầu nói với nàng.

“A Anh, mong muội cho A Tuyết một cơ hội giải thích.”

“Mấy năm nay A Tuyết... sống không dễ dàng gì, muội ở lâu trong cung đình nên chắc không biết Bắc triều che khuất mặt trời, chinh phạt khắp nơi, từ Bắc tới Nam chỉ có dân lưu vong đói khát lang thang, là huynh cứu muội ấy từ cửa tử về… A Anh, A Tuyết vốn không hiểu chuyện, muội làm tỷ tỷ nên nhẫn nhịn một chút, có được không?”

Ngay sau khi cửa vừa đóng lại, Phó Trang Tuyết bắt đầu than thở khóc lóc kể lể việc mình sống khổ sở như thế nào suốt nhiều năm qua, cầu xin nàng tha thứ.

Trong lòng Trâm Anh buồn bực, lạnh lùng vòng qua giá sách bỏ đi. Phó Trang Tuyết không hề nhận ra, nhắm mắt đuổi theo.

Rốt cuộc trận hỏa hoạn kia bắt nguồn như thế nào, Trâm Anh nghĩ mãi mà vẫn không rõ.

Chỉ nhớ rõ trong tiếng khóc lóc của Phó Trang Tuyết, Trâm Anh mơ hồ ngửi được mùi khét, lúc ấy nàng còn trong tình cảnh khốn cùng nên không hề chú ý tới. Sau đó Phó Trang Tuyết kinh hô một tiếng, bấy giờ đống lửa phía sau hai người đã lớn hơn.

Ba vách tường trong gian phòng đều làm bằng tre trúc, chỉ cần một mồi lửa là đủ để tạo ra đám cháy lớn. Phó Tắc An đứng bên ngoài phát hiện ra động tĩnh lập tức chạy vào thư các, thấy Phó Trang Tuyết sợ tới mức hai chân mềm nhũn khó di chuyển rồi lại liếc mắt nhìn Trâm Anh một cái, quả nhiên hắn ta chỉ ôm lấy Phó Trang Tuyết chạy ra khỏi đám cháy.

Cái liếc mắt đó đã khiến Trâm Anh hoàn toàn chết tâm.

Nàng cũng muốn chạy nhưng thế lửa thật sự quá lớn, lửa chặn hết các cửa, may mà lúc này, nàng nghe thấy âm thanh quen thuộc.

Bên ngoài ra lệnh: “Mau cứu người!”

Là Thái Tử.

Trâm Anh dấy lên hy vọng từ trong sợ hãi.

Rồi sau đó, nàng trơ mắt nhìn Thái Tử chạy tới cửa thư các, che chở huynh muội Phó Tắc An rời đi.

Ngọn lửa cuồn cuộn mang theo mấy thanh gỗ rơi xuống lả tả ngay trong tầm mắt mơ hồ của Phó Trâm Anh.

Nàng theo bản năng giơ cánh tay lên bảo vệ đầu, chờ đến thị vệ xông vào cứu người thì cánh tay phải của nàng đã bị thiêu nát.

Một đoạn tóc của Phó Trang Tuyết bị đốt cháy, nàng ta mềm nhũn ngã vào lòng đại huynh, thất kinh nhìn nàng.

“A Anh, thật xin lỗi.”

Sau đó, đại huynh ghé bên giường bệnh của nàng.

Vẻ mặt xấu hổ giải thích: “Huynh trưởng còn cho rằng Thái Tử điện hạ đã dẫn binh đến, tất nhiên sẽ bảo vệ muội chu toàn, còn huynh sẽ cứu A Tuyết, vậy thì tỷ muội hai người có thể bình an vô sự…”

Còn Lý Cảnh Hoán lại giải thích rằng: Y cho rằng Phó Tắc An và Trâm Anh có giao tình hơn mười năm, mãi sau này mới tìm được A Tuyết trở về. Vào thời khắc nguy cấp, y cho rằng Phó Tắc An sẽ cứu muội muội đã quen biết nhiều năm kia, y sợ A Tuyết hoảng sợ nên mới hạ lệnh cứu A Tuyết trước.

Đúng thật là mỉa mai.

Bởi vì hai người đều cảm thấy phân lượng của nàng hẳn là rất nặng, gặp phải nguy hiểm luôn luôn có người bảo vệ nàng. Cho nên, bọn họ đều cùng nhau xem nhẹ nàng.

Nhưng kiếp trước Trâm Anh vốn mềm lòng, lại không có chủ kiến, tuy chịu oan khuất nhưng vẫn thuyết phục bản thân tin vào lời giải thích này.

Khi thái y chẩn đoán cánh tay phải của nàng đã bị bỏng quá nặng, chỉ có thể cắt bỏ để bảo vệ tính mạng, trong lòng nàng chỉ có một ý niệm:

Đã trở thành kẻ tàn phế, Cảnh Hoán ca ca sẽ không cần ta nữa.

Nàng đã sống được mười lăm năm, chỉ vì truy đuổi một thân ảnh mà hủy hoại cả tương lai, thứ này còn khiến nàng sợ hãi, bất lực hơn nhiều là việc dùng đao đâm vào tim nàng.

“Ngoại trừ việc cắt chi thì vẫn còn một cách khác, đó là cứ cách mấy ngày phải cắt thịt thối một lần.”

Vị thái y kia đối mặt với tiểu nữ đau khổ cầu xin, lộ vẻ không đành lòng: “Mong tiểu thư nghĩ lại, cánh tay tiểu thư đã bị bỏng không nhẹ. Miệng vết thương quá lớn, phương pháp này chỉ trị phần ngọn không trị tận gốc, chỉ tăng thêm thống khổ mà thôi.”

Cơ thể nàng bị mỡ heo che kín.

Thà chịu đựng thống khổ vô tận cũng không dám cắt chi.

Lúc đó, mỗi ngày Hoàng Hậu nương nương còn đem thuốc bổ tốt nhất đến tẩm điện của Trâm Anh, khuyên giải nàng cứ yên tâm, dù sao nàng đã hoàn thành xong lễ cập kê, đợi đến khi dưỡng thương xong, vị trí Thái Tử Phi vẫn thuộc về nàng. Rồi sau đó, bà ta lấy chìa khóa bằng ngọc trên người Trâm Anh, ra vẻ mình không hề quên hẹn ước.

Lý Cảnh Hoán cũng tới thăm nàng vài lần, nhìn cánh tay nhỏ bị băng gạc bao bọc của nàng, y lộ vẻ thương tiếc, muốn nói lại thôi.

Sau đó dường như y không đành lòng thấy nàng chịu khổ nên dần dần cũng không tới nữa.

Về sau, vết bỏng trên cánh tay nàng càng ngày càng bị khoét nhiều thịt hơn, còn có thể thấy rõ xương trắng nhưng vẫn không có chuyển biến tốt đẹp.

Bởi vì lúc ấy nàng bị vây hãm trong đám cháy quá lâu, tro bụi gây tổn thương đến phổi nên nàng bắt đầu ho.

Cung nhân lén lút nghị luận, sợ là nàng mắc bệnh lao.

Không lâu sau, Hoàng Hậu liền hạ lệnh chuyển nàng đến La Chỉ điện ở Bắc Uyển để tĩnh dưỡng.

Cuối thu năm đó, thời tiết lạnh lẽo dị thường.

Tòa lầu hoang vu, đơn độc, lạnh lẽo kia.

Không có ai đến thăm nàng, chỉ có một vị thái y cứ cách bảy ngày lại đến một lần để cắt bỏ thịt thối trên cánh tay nàng.

Da thịt liền gân, dưới gân chôn xương.

Âm thanh máu thịt chia lìa đánh không lại cơn cuồng nộ của mùa thu năm đó.

Suốt hai năm ròng rã, Phó Trâm Anh ở lại La Chỉ điện kéo dài hơi tàn.

Hai năm sau, Lý Dự băng hà, Lý Cảnh Hoán lên ngôi xưng đế.

Nàng làm “Thái Tử Phi” suốt mười lăm năm nhưng không được phong danh hiệu, không được phong Hậu, cũng không xuống giường được, không ra khỏi phòng được.

Bị đám cung nhân gọi là “Nữ quân”, dường như chỉ là một quân cờ dự bị.

Nghe nói Phó Trang Tuyết được phong làm Quý phi.

Mà thân thể của Trâm Anh không còn chống đỡ được nữa.

Nàng tỉnh ngộ quá muộn, lúc đó đã không thể xoay chuyển được tình thế. Trong lúc hấp hối chỉ hy vọng của cải mà ngoại tổ và mẫu thân để lại được dùng vào việc tốt cho bách tính. Nếu không cho dù nàng chết đi, cũng không còn mặt mũi nào gặp tổ tiên nữa.

Ai ngờ tạo hóa lại đối nghịch với câu chuyện thương tâm của nàng, nghe nói sau khi Lý Cảnh Hoán đăng cơ đã kiên quyết diệt trừ gia môn, thu lại binh quyền, kết quả thế gia khắp nơi vùng lên phản loạn, lưu dân khắp nơi thừa dịp khởi nghĩa xưng vương.

Cuối cùng có một vị Tân An Vương khí thế ngang trời xuất thế, dẫn hai mươi vạn binh sĩ thẳng xuống Kiến Khang, thiêu rụi cầu Chu Tước, dễ dàng chiếm được cửa thành phía Nam.

Hắn chỉ muốn Phó Trâm Anh, lấy nàng làm con tin để trao đổi sự an toàn cho cả Hoàng Thành.

Trên chiếc giường lạnh lẽo, Phó Trâm Anh sốt cao không thể ngồi dậy nổi, nghe được tin tức do Xuân Cẩn truyền vào, suy nghĩ đầu tiên hiện lên chỉ là muốn bật cười.

Tự nhiên lại xuất hiện tên phản vương này thế, chẳng lẽ hắn chưa từng nghe thấy tin tức nàng đã là một viên ngọc mất đi giá trị lợi dụng của Thái Tử, không còn đáng một đồng hay sao?

Sau đó truyền đến tin tức khiến nàng cười không nổi nữa… Lý Cảnh Hoán bị nhốt trong thành, suốt đêm triệu tập Lễ bộ.

Triệu Lễ bộ mà không phải Binh bộ, đường đường là Hoàng Đế Đại Tấn lại có ý hòa đàm khuất phục.

Cái giá phải trả là hy sinh một nữ nhân bệnh tật vô dụng, ép khô chút giá trị cuối cùng của nàng.

Mang theo lòng tuyệt vọng cùng sự hối hận và không cam lòng

Phó Trâm Anh chết trong đêm dài đằng đẵng, giữa màn đêm đen kịt, lạnh lẽo.

Một lần nữa mở mắt, nàng đã trở lại năm mười lăm tuổi.

Chú thích:

(*) Phú khả địch quốc (thành ngữ): cực kỳ giàu có, của cải tương đương với cả một quốc gia. (Hanzii)