Nếu Gặp Lại Cô Lần Nữa

Chương 10: Tâm sự buổi đêm (2)

Khi màn đêm buông rèm, Vân Anh ngồi ở ngạch cửa nhìn ra ban công, lưng tựa vách tường phía sau, mắt mơ màng nhìn đám dơi từ ngoài sông tràn vào, bay nhanh như chớp, lượn lên lượn xuống biểu diễn nhào lộn trên nóc nhà đối diện. Khúc đường trước cửa đèn có cũng như không, ánh sáng lờ mờ, cách rất xa mới thấy dựng một cột.

Cô khẽ nghiêng đầu, lọt vào tầm mắt một một người phụ nữ tóc dài ngang eo, gió mang hơi ẩm thổi vào mát rượi, đem mấy sợi tóc lòa xòa trước trán người đó nhẹ lay. Bộ quần áo xanh lơ chất phi bóng rộng rãi làm nổi bật làn da trắng trẻo.

Đường nét trên gương mặt cô Châu lúc này chẳng khác nào họa từ ra từ tranh thủy mặc, mềm mại uyển chuyển. Lông mi dài cong nhẹ, sợi mảnh như lá lúa. Trong đôi ngươi nhìn như xa xăm ấy phản chiếu màu của bầu trời đêm thăm thẳm. Khuỷu tay cô gác trên đùi, người tự nhiên đổ về phía trước, hai lòng bàn tay ôm một cái tách sứ trắng, trên thân trang trí họa tiết lá tre. Sóng sánh trong tách nước trà vàng nhạt, bốc khói nghi ngút.

Đáng lẽ mấy tháng này trời ít khi mưa lắm, không biết vì sao chiều nay lại dở chứng trút nước ầm ầm, tới tám giờ mấy tối rồi mà vẫn còn lai rai rớt hột. Nhìn màn nước dày đặc, Vân Anh khuyên cô Châu hay là ở lại nhà em một đêm, đến sáng hẳn về.

Bình thường đi đường vườn ban đêm đã nguy hiểm, gặp hôm trời mưa càng nguy hiểm hơn. Trên hết là khúc đường chỗ nhà cô đang trong giai đoạn sửa chữa nâng cấp, cát đá lộn xộn, đi không cẩn thận té ngã như chơi.

Vân Anh cứ tưởng sẽ phải thuyết phục cô Châu dài dài, nào ngỡ mới nói vừa nói ra cô giáo đã đồng ý ngay, làm cho cô vì quá thuận lợi mà nghi ngờ bản thân nghe nhầm, thỉnh thoảng lại nhìn nhiều thêm mấy cái, âm thầm đánh giá tâm tình người này.

Lúc chiều Ngọc Châu còn đang lưỡng lự, trong suốt bữa ăn cô không thấy Vân Anh ăn bao nhiêu, sắc mặt thì ngày càng kém, giống như sắp đổ bệnh tới nơi. Dù biết còn có người nhà nhưng Ngọc Châu cuối cùng vẫn không yên tâm để Vân Anh một mình. Trời mưa lớn thật ra lại vừa may, giúp cô có lý do chính đáng ở lại nhà em, thuận tiện chăm sóc nếu Vân Anh bệnh thật.

Không nhắc thì thôi, nhắc tới là muốn đem má người này nhéo một cái cho bõ, bản thân bệnh không lo mà tối ngày cứ lo cho người khác. Trước khi về tới nhà còn dặn đi dặn lại nếu lỡ người nhà có hỏi thì cô nói em mệt thôi nhen, không cần kể chi tiết chi cho ba mẹ em lo thêm.

Ngọc Châu thở dài, đến bó tay với Vân Anh. Đã sợ người nhà lo lắng mà suốt ngày toàn làm ra mấy chuyện không đâu, chưa tới lượt ba mẹ thì người làm cô giáo như cô đã lo sốt vó rồi. Coi bộ lần trước dặn dò em chẳng khác nào nước đổ đầu vịt, gặp chuyện mà không nói năng gì hết, để cô cái gì cũng không biết, nghĩ vụ của cô Hà đã êm xuôi rồi, đâu có hỏi lại.

Mà thực tế thì sao? Cô Hà một hai nói Vân Anh làm sai, mà cô chỉ làm đúng chức trách của người giáo viên, thấy học sinh lầm lỡ thì khuyên can dạy dỗ. Thậm chí Ngọc Châu nói chưa được mấy câu cô Hà đã chen ngang vào, không cho cô nói nữa. Sau đó cười mỉa mai, nói Vân Anh vô lễ với giáo viên phạt vậy là nhẹ rồi, còn nghi ngờ em mách lẻo với cô nên vừa qua tới là cô đã nói đỡ cho.

Cô Hà khuyên Ngọc Châu đừng nên quá tin lời học sinh nói, dù là mấy đứa lớp cô chủ nhiệm đi nữa. Đứa nào mắc lỗi mà không xài chiêu này để kiếm cớ biện hộ cho bản thân, đổ oan cho người khác. Cô làm vậy hoài tụi nó không có lớn được, suốt ngày cứ ỉ lại, dựa dẫm riết thành quen, sau này thành người lớn rồi càng thêm lười biếng, vô trách nhiệm.

Ngọc Châu nghe mà vừa buồn vừa giận, làm sao mà một người làm nghề giáo lại có thái độ cứng nhắc, thiếu tin tưởng như vậy. Nếu không phải Vân Anh đúng lúc chen ngang, cô thật sự không nể mặt cô Hà được nữa. Cho dù là người đi trước trong nghề, lễ nghĩa cùng kính trọng phải có, nhưng không phải cái gì cô Hà nói Ngọc Châu cũng mặc nhiên chấp nhận.

Quan điểm trái ngược nhau mà không đem ra tranh luận cho rõ ràng, đến cuối cùng trong lòng mỗi người đều sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu.

Nghĩ đến đây Ngọc Châu đặt tách trà xuống, vươn tay qua vừa nhéo má Vân Anh vừa dặn cô làm gì thì tranh thủ làm, tối đi ngủ sớm chút cho mau khỏe.

Vân Anh ghét bỏ đẩy tay cô Châu ra, không hiểu sao cô giáo dạo này hễ ngồi gần là kiếm đường ngắt nhéo cô, ngỡ cô là búp bê rồi khi nào ngứa tay là đem ra nựng à?

Lặng lẽ di chuyển, kéo rộng khoảng cách giữa hai người ra, tạm thời đem mớ suy nghĩ ngổn ngang trong lòng quăng sang bên. Vân Anh điều chỉnh lại cảm xúc, hỏi han cô Châu.

“Trà uống được không cô?”

Nghe Vân Anh hỏi, Ngọc Châu thu hồi tay, im lặng vài giây, sau đó nhẹ giọng đáp.

“Ngon lắm, uống vô cảm thấy dìu dịu mà còn có vị ngòn ngọt.”

Bình thường lúc làm việc Ngọc Châu cũng hay tự pha cho bản thân một ly trà để cạnh bên, khi nào khát thì với tay lấy uống. Trà cô dùng là loại trà túi lọc, ưu tiên tính tiện lợi, nhanh gọn lẹ, ngâm trong nước nóng vài ba phút là có uống liền.

Nhưng nhìn mấy bông hoa cúc chìm dưới đáy tách, Ngọc Châu đoán loại trà hôm nay cô uống cần nhiều công phu hơn so với loại túi lọc rẻ tiền mua ở cửa hàng tạp hóa.

“Này là trà hoa cúc, lúc cho trà ra tách em có bỏ thêm chút mật ong nên cô mới thấy ngọt.”

Vân Anh giải thích. Sau đó nói thêm.

“Nếu thích vị đắng nhẹ nhà em có trà tim sen uống cũng được lắm.”

Đôi khi ăn cơm xong Vân Anh sẽ muốn uống một tách trà nóng. Sẵn tiện pha cho cô Châu một tách. Thế nhưng cô không biết cô giáo thích uống loại trà nào, đi lên phòng hỏi mới hay người đi tắm rồi. Đành lấy đại gói trà hoa cúc ra pha.

Dù sao đây cũng là một lựa chọn an toàn do loại trà này nhìn chung không kén người thưởng thức. Vị trà ngọt nhẹ, dịu dịu, thanh thanh, thêm mật ong nữa thì dù cho người lớn hay con nít đi nữa cũng khó chối từ.

Tuy nói nóng lạnh gì uống cũng được nhưng nhiều người vẫn cho rằng trà nên uống lúc còn ấm sẽ ngon hơn, để nguội không còn giữ được mùi vị nguyên bản.

Nhà Vân Anh có bốn người mà hết ba người thích uống trà.

Mẹ cô thích trà vị ẩn nhẫn, hơi đắng, dư vị chát nhẹ. Nhớ có đợt mẹ cùng mấy bà bạn đi du lịch ngoài Đà Lạt, lúc về mua bốn năm ký trà xanh, trà tim sen, uống mấy tháng trời vẫn chưa hết. Đợt đó mẹ đi tham quan đồi chè, chắc thấy người ta trồng, phơi sấy, đóng gói tại chỗ ham quá nên mua nhiều vậy chứ bình thường uống được bao nhiêu.

Khẩu vị của Vân Anh thiên về ngọt thanh, dịu nhẹ nên cô chuộng dòng trà thảo mộc hơn.

Thành phần của trà thảo mộc không chỉ lá trà mà còn có cành, vỏ, thân, nụ, quả, hạt và rễ cây. Người ta đem phơi nắng, sau đó sấy lại cho thật khô để bảo quản được lâu. Tùy từng loại nguyên liệu mà có thể giữ nguyên hoặc đem thái lát, băm nhỏ để tiện cho việc sử dụng.

Ngày trước lúc chị Vân Anh chưa lấy chồng, còn ở nhà với ba mẹ chị cũng thích uống trà lắm. Vân Trang giống mẹ thích uống trà xanh, nhưng cô lại khá chú trọng thương hiệu, bởi tin rằng chất lượng luôn đồng hành với độ uy tín đã qua kiểm chứng của thị trường người tiêu dùng. Vì thế trước giờ cô chỉ trung thành với duy nhất một nhãn hiệu trà lâu năm.

Mỗi lần mở tủ bếp trong nhà ra, ngoài hộp cà phê gói của ba nằm khiêm tốn trong góc còn lại bảy tám túi trà to tướng đủ thể loại đều do hai mẹ con Vân Anh gom góp về.

“Mấy bữa nay bận quá cô không có pha trà uống. Đó giờ cô uống trà túi lọc nhiều chứ ít khi uống trà hoa như vầy.” Vừa nói Ngọc Châu vừa nhìn xuống tách trong tay, bông hoa cúc trắng dưới đáy im lìm, cánh hoa dài, mảnh, trong suốt như cánh chuồn chuồn, từ nhụy tỏa ra xung quanh như tia nắng mặt trời, cứ thế hai ba lớp xếp chồng lên nhau,.

Ngọc Châu uống trà cho vui miệng vậy thôi chứ không phải kiểu uống trà ghiền. Ngày nào không uống là cảm thấy bức rức, thiêu thiếu cái gì đó như cha cô.

Hồi ở nhà, mới tờ mờ sáng mắt còn chưa kịp mở đã thấy ông lật đật xuống bếp kiếm ấm đun nước, mở chạn chén lấy ra một cái khay bằng tre mộc mạc. Trên đó để sẵn một bình trà tráng men trắng đυ.c, giữa thân in họa tiết hoa mẫu đơn màu hồng nổi bật cùng với bốn cái tách con con lật úp.

Đó giờ Ngọc Châu chỉ thấy cha trung thành với một loại trà duy nhất. Ông kể hồi đó thử qua nhiều thứ trà, ngon có dở có, nhưng cuối cùng cảm thấy không trà nào qua được trà bắc thái, từ đó mới chỉ uống độc mình nó tới giờ.

Trà bắc hay trà mạn là cách người miền Nam gọi chung các loại trà trồng ở miền Bắc, không kể xuất xứ từ tỉnh nào. Còn từ “thái” trong trà bắc thái ý chỉ những lá trà được thu hoạch và sơ chế duy nhất ở vùng Thái Nguyên. Nghe nói loại trà này tuy có vị chát nhưng không gắt, hậu ngọt. Rót ra chén đưa lên gần mũi ngửi thấy hương thoang thoảng, tựa như hương cốm non.

Thái Nguyên xanh mát nương chè

Chè xanh xứ Thái đậm đà ngát hương

Bà con một nắng, hai sương

Nụ cười chíu nắng bên nương dưới đồi

Gặp dịp khách tới nhà chơi, gia chủ bưng một bình trà nóng với mấy cái tách con ra mời. Có bánh trái sẵn trong nhà chêm thêm vào thì tốt, còn không có cũng không sao. Quan trọng ở tấm lòng, chứ còn ăn uống nhiều ít đâu có đáng kể. Bạn bè anh em lâu ngày gặp lại, nhấp một ngụm trà ấm, tâm sự với nhau đôi ba câu. Đơn giản vậy nhưng lòng ai cũng cảm thấy vui vẻ, tình cảm càng thêm khắt khít.

Mà đôi khi đâu cần khách khứa gì. Như cha cô thèm thì cứ pha một ấm trà, lẳng lặng đem khay đặt lên mặt bàn gỗ đơn sơ kê trước sân. Ngồi đó vừa nhâm nhi vừa nhìn ngắm mấy chậu bông kiểng, thưởng thức cái khí trời lành lạnh buổi sớm, mắt ngóng hướng Đông chờ mặt trời lên.

Cuộc sống mỗi người mỗi khác, khó lòng mang ra so sánh.

Cha Ngọc Châu làm vườn ngày bận ngày rảnh, còn cô hầu như ngày nào cũng có đủ thứ công chuyện để làm. Có khi đi dạy tới tầm bốn giờ mấy năm giờ chiều tan ra, về phòng dọn dẹp, nấu ăn rửa chén xong xuôi đến tầm bảy mấy tám giờ tối. Sau lại tiếp tục làm việc tới chín mười giờ rồi tranh thủ đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm đi dạy.

Ngày nào cũng như ngày nấy, đều đặn như cái đồng hồ đã được lập trình sẵn. Đến cuối tuần mới có chút thời gian để nghỉ ngơi.

Hơn nữa ở nhà tập thể cũng na ná như ở trọ, nói gì thì nói chứ chuyện nấu nướng lúc nào cũng bất tiện hơn so với bếp nhà. Bởi vậy Ngọc Châu ít khi bày vẽ, cơm canh hay đồ ăn thức uống món nào cũng phải thật gọn nhẹ, đơn giản, chuẩn bị nhanh chóng, dẹp rửa dễ dàng.

“Cô thích uống trà ngọt thì bữa nào em cho cô mấy gói trà bảy vị đem về pha uống thử, vị ngọt thanh dịu dịu ngon lắm.” Thấy cô Châu có vẻ cũng khá thích trà, Vân Anh hào hứng đề nghị.

Trà thảo mộc đặc biệt ở chỗ, có thể chọn pha riêng từng loại hoặc phối các nguyên liệu với nhau để tạo ra hương vị ưa thích. Trà bảy vị cô vừa nhắc tới gồm hoa cúc, hoa nhài, hoa hồng, long nhãn, kỷ tử, táo đỏ và cỏ ngọt. Uống vào ngoài tác dụng thanh nhiệt, mát gan, còn giúp ngủ ngon và sâu giấc.

Ngọc Châu khẽ ừ một tiếng, mắt nhìn theo làn khói cuộn lên từ miệng tách, kéo thành sợi mềm mại như chỉ thêu, hết xoay tròn lại duỗi thẳng, chưa kịp kết lại thành hình thành dáng đã vội tan ra, biến mất tăm.

Dù không bật đèn nhưng nương theo ánh sáng hắt ra từ phòng trong, có thể thấy tầm tám chín chậu cây xếp thành hàng ngay ngắn, dựng sát vách ngoài ban công. Trên lan can sắt còn treo thêm mấy chậu, lá cây thả lơi như thác đổ, rủ thân xuống hiên nhà dưới.

Vân Anh nhìn theo hướng mắt cô Châu, cô dùng ngón trỏ vừa chỉ vào từng chậu vừa giới thiệu.

“Chậu đó trồng sống đời, kế bên là xương rồng bát tiên, dừa cạn, dạ yến thảo với hồng tỉ muội.”

“Còn bốn chậu treo này là hoa bìm bịp.”

Hồi mấy năm trước chỗ này làm gì có cây nào. Một hôm ba cô không biết từ đâu khệ nệ rinh hai chậu bông hồng tỷ muội về. Nói để chưng chơi cho vui, chừng nào có hoa thì ra ngắm.

Trong gần mấy chục cái cây trước hiên có những cây do ba cô lúc qua chơi nhà bà con, để ý trước sân người ta có bông đẹp là y như rằng sẽ xin một cây đem về cho con gái trồng.

Cũng có những chậu do cô với mẹ đi chợ ngày giáp tết, mắt thấy bông hoa đầy đường. Mà bông nào bông nấy tươi xanh, đủ kiểu dáng, màu sắc. Hai mẹ con nhìn đến mê mẩn, lúc đi tính coi chơi cho biết, lúc về thấy tay ai cũng ôm hai ba cây. Cứ thế năm qua tháng lại, không biết từ lúc nào đã nở ra thành một vườn nho nhỏ như bây giờ.

“Bình thường chăm nhiều cây như vậy cực không em?” Ngọc Châu tò mò hỏi.

Cô với Vạn đi dạy tối ngày, ra ngoài thấy bông đẹp phát ham mà lại ngại chăm sóc nên không dám trồng cây nào. Nói vậy chứ ở phòng khác thấy mấy thầy cô vẫn trồng bình thường. Nào là xương rồng, cúc đồng tiền, thủy tiên,... còn có các loại cây chưng lá như vạn lộc, lưỡi hổ, nha đam, dây nhện,... đủ cả.

“Dạ mới đầu thấy cực thật, sau này làm riết quen rồi cũng dễ lắm. Sáng trước khi đi học em tưới ít nước. Lâu lâu thay đất, bỏ thêm phân bón cho cây.”

“Mà cũng có cây chịu cây không, có mấy cây lúc mới đem về em chăm kĩ lắm. Tới cuối cùng cũng không sống nổi.”

Để cây sinh trưởng tốt cần điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo môi trường sống của cây được thuận lợi. Cụ thể hơn là kiểm tra xem điều kiện đất đai, nguồn nước, ánh sáng và không khí đã phù hợp hay chưa. Cây giống như người, mỗi loại có nhu cầu riêng, phải trải qua một khoảng thời gian chăm sóc lâu dài mới hiểu tường tận được.

Cây trồng chậu lại không giống cây trồng ngoài vườn. Do phạm vi sống hạn hẹp gói gọn trong bao nhiêu đó đất, rễ bén không sâu, chất dinh dưỡng ít. Thế nên sau một thời gian cần bổ sung bằng cách đem đất cũ ra trộn với trấu, xơ dừa, tro hoặc các loại phân bón như phân dơi, phân bò,... Kịp thời cung cấp chất dinh dưỡng cho cây vào đúng thời điểm thích hợp.

Chuyện tưới nước tưởng đơn giản, ai cũng làm được nhưng càng vì thế lại càng không nên tùy tiện, tưới vô tội vạ, mà cần phải xem xem loại cây đó có ưa nước hay không.

Như xương rồng bát tiên chẳng hạn. Nếu ngày nào cũng tưới chẳng những cây không tươi tốt lên mà ngày một yếu ớt, thối gốc lúc nào không hay. Hoặc thử bữa nào quên tưới mấy chậu hồng tỉ muội hai ba ngày xem. Gặp lúc tiết trời mát mẻ còn đỡ, chứ những ngày nắng gắt sẽ thấy đất dưới thân cây khô lại, ấn vào cảm giác cứng ngắc, thô ráp.

Ánh sáng quan trọng với cây giống như hơi thở quan trọng với người. Người hít thở còn có thở ngực, thở bụng thì cây cũng có loại ưa bóng râm, ưa nắng nhiều. Biết được điều này để sắp xếp vị trí sao cho hợp lý. Cây nào thích đứng sáng cho ra mé ngoài, cây nào thích nằm mát cho vào mé trong.

Ở Sài Gòn Vân Anh hay thấy người ta đặt cây cảnh trang trí trước quầy lễ tân ở các khách sạn, ngân hàng hoặc trung tâm thương mại. Để đảm bảo sức khỏe của cây, cứ cách vài tháng sẽ có nhân viên công ty cây xanh đến thay mới những chậu cây này bằng những cây khác mà họ dưỡng trong vườn.

Bởi môi trường đóng khuôn ngột ngạt đặc thù của những chỗ như vậy không khí lưu thông kém. Cho dù máy điều hòa bật gần như liên tục nhưng người ở riết trong đó còn cảm thấy mệt nói chi cây. Vậy mới thấy cho dù là người hay cây cối, cuối cùng đều muốn quay về tới tự nhiên, như một quy luật đã định sẵn.

Nói cho cùng cây hoa đâu biết nói tiếng người. Bản thân chúng sử dụng một loại ngôn ngữ riêng, hết sức giản dị nhưng cũng vô cùng tinh tế. Loại ngôn ngữ mà chỉ có thể nắm bắt thông qua quan sát cẩn trọng, cảm nhận trong một thời gian dài lâu mới đúc rút ra được.

Một người làm vườn thạo nghề sẽ có khả năng phát giác, dựa vào các dấu hiệu để nhận biết cây cối cần gì, muốn gì.

Tuy nhiều lúc Vân Anh không nhớ nổi H2SO4 tác động với Na2SO3 cho ra phản ứng gì, ba luật chuyển động của Newton phát biểu ra làm sao hay công thức tính độ dài đường trung tuyến viết thế nào. Nhưng chuyện cây cối hoa lá cô lại nhớ rất dai. Hỏi tới đâu đáp tới đó, còn cho dẫn chứng, ví dụ minh họa đầy đủ sinh động.

Ngọc Châu khẽ lắc đầu, học hành không biết bỏ vào mấy phần sức, chứ nhắc tới hoa cỏ một cái mắt em sáng như sao, thái độ nhiệt tình, giải thích chi tiết cặn kẽ.

Nhìn là biết dù tốn bao nhiêu tâm tư, bỏ bao nhiêu thời gian cũng không tiếc.

Nhưng Ngọc Châu hiểu cảm nhận của Vân Anh. Bởi khi cô đứng trên bục giảng diễn giải, phân tích cái hay cái dở của một tác phẩm, liên kết giữa ý tứ trong đó với đời sống thực tế, cảm giác cũng từa tựa như vậy. Cho dù đã làm hàng trăm hàng nghìn lần, cứ ngỡ như thể là lần đầu tiên khám phá ra một điều gì đó mới mẻ, trong lòng không tự chủ được mà dâng lên niềm xúc động mãnh liệt.

Cảm giác ấy như chất gây nghiện, càng trải nghiệm lại càng muốn được nhiều hơn, khiến cô phải cố công tìm tòi, lục lọi mọi ngóc ngách. Nghĩ xem có cách nào làm cho bài giảng trở nên thú vị hơn hay không? Kể một câu chuyện, ngâm một khổ thơ, chiếu một đoạn video ngắn về thời kỳ tác phẩm được viết ra,... Giống như một nhà khoa học đam mê nghiên cứu, có hàng trăm ý tưởng mà Ngọc Châu muốn thử, chỉ để quan sát xem kết quả sẽ như thế nào.

Nhiệt tình như đốm lửa cháy ở trong lòng, lại vô cùng dễ dàng lây sang người khác, khiến người xung quanh hăng hái hẳn lên, sôi nổi tham gia vào. Chẳng khác nào ngọn đuốc một khi bùng lên rồi, ánh sáng ngày càng rạng rỡ, đẹp đến ngỡ ngàng.

Trái tim dưới nhiệt độ cao chảy ra như sáp, lan tỏa, hòa quyện vào nhau, kết thành một khối. Sau đó dần trở nên cô đặc lại, quyện xoắn, vẽ ra một bức tranh tả cảnh nước chảy mây trôi. Vừa an nhiên tự tại lại vừa có cảm giác phiêu dạt, phóng khoáng.

Đêm đó hai cô trò vui vẻ nói chuyện tới tận khi trăng treo trên đỉnh đầu mới chịu đi ngủ.