Nếu Gặp Lại Cô Lần Nữa

Chương 10: Tâm sự buổi đêm (1)

Giống như con nhím xù bộ lông nhọn hoắc lên, sẵn sàng đâm bất cứ ai tới gần, dù bạn hay thù, cũng chỉ vì nỗi sợ bị hãm hại. Người đã từng bị tổn thương sẽ tiếp tục tổn thương người khác, dù quen hay lạ, cũng chỉ để bảo vệ trái tim của chính họ mà thôi.

Nếu con nhím tự vệ do bản năng sinh tồn của chính nó, thì con người dựng rào chắn ngăn cách họ với người xung quanh do nỗi sợ phải lần nữa trải qua đau thương.

Lấy hòn đá ném vào bức tường, đến cuối cùng sẽ nhận được một đống gạch đá đổ nát. Dẫn nước trong vào mảnh đất khô cằn, trong một đêm mảnh đất sẽ hồi sinh, tràn đầy sức sống. Chỉ cần trong lòng còn tình thương, người sẽ không còn cần sợ hãi che chở nữa.

Tự do sinh ra từ thời khắc ấy, là tự do đẹp và sáng chói nhất thế gian.

.

.

.

Bến Tre. ngày 27 tháng 11 năm 2020

Ai từng ăn qua món cá bống kho chuẩn Bến Tre đều đồng ý rằng khó lòng tìm thấy phương thức chế biến cũng như hương vị độc đáo này ở bất kỳ vùng miền nào khác.

Ở Bến Tre loài cá bống thường sống trong các gốc dừa nước, người địa phương vẫn quen gọi là cá bống dừa. Bình thường nước lớn không thấy tụi nó đâu, tới khi nước ròng thò tay mò dưới hốc cây bắt ra được một nhúm. Do tập tính thích ẩn náu, chui rúc dưới bùn đất nên mấy con cá bống dừa con nào con nấy vảy đen thui. Khi bắt về phải qua công đoạn làm sạch, dùng lưới chà lớp đen tróc ra hết. Cho tới khi thấy vảy trắng, sạch sẽ rồi mới chế biến được.

Muốn làm ra món cá ngon, ngoài chuyện chọn mua cá tươi, khi đem về nhà còn cần phải biết cách xử lý cho thật cẩn trọng. Cá bống là loại cá nhỏ, nếu muốn làm sạch ruột phải vô cùng tỉ mỉ, bằng không sẽ vô tình làm nát thịt cá. Người nào ngại có thể để luôn nguyên con, chỉ làm sạch phần vẩy, vây và đầu. Xong xuôi đem xốc với ít muối, đường, hành, ớt, nước màu. Sau đó để tầm vài chục phút cho thịt cá săn lại.

Không quá khi nói nước dừa là thành phần trọng yếu làm nên nét đặc trưng riêng của món cá kho ở xứ này. Chọn trái dừa ngon, nạo lấy cơm, đem đi vắt ra được tầm nửa tô nước cốt trắng đυ.c. Lúc kho mắt thấy gần cạn nước thì đổ phần cốt này vào. Sau đó cần phải để ý sát sao thời gian, canh tầm năm bảy phút gì đó thì bưng xuống, bởi nước dừa để quá lâu trên lửa sẽ lên mùi khó chịu, không ăn được nữa.

Ngày nay có nồi nhôm, nồi thiếc dẫn nhiệt tốt, tiết kiệm thời gian nấu. Thế nhưng xưa nay đối với món cá kho dùng nồi đất thích hợp hơn cả. Bởi tuy nồi đất chậm nóng hơn so với các loại nồi khác thế nhưng lại giữ nhiệt lâu, hơi nóng tỏa đều, vừa đủ chín cá từ ngoài vào trong. Món kho đặc biệt ở chỗ không thể làm vội làm vàng mà ra được. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến chế biến đều cần sự cẩn trọng và khéo léo của người nấu.

Bắc nồi đất lên ninh lửa riu riu đâu đó bốn mươi lăm đến một tiếng đồng hồ, thấy nước kho cạn bớt mới dùng bùi nhùi nhắc lên, xoay trái xoay phải để nước cốt thắm đều, cá tách khỏi thành nồi. Tránh dùng đũa ghim chọc vào, dễ khiến cho thịt cá bị nát. Cuối cùng nếm thử, nêm thêm gia vị cho vừa ăn. Cho một ít hành thái nhỏ, tiêu xay nhuyễn vào là đã có thể bưng ra bày trên bàn.

Nhà bữa nào có món cá kho vừa bước vào cửa chưa cần hỏi đã biết ngay, bởi từ lúc ở trên bếp mùi đã dậy khắp phòng, thơm lựng. Ngồi vào bàn lại thấy tô cơm trắng tinh, nóng hôi hổi, đặt cạnh đĩa rau sống đủ thứ loại, tươi roi rói. Ai nhìn thấy cũng cầm lòng không đặng, chỉ muốn cầm đũa lên thưởng thức ngay.

Bà Lý sới một chén cơm đầy vun đưa cho người ngồi cạnh bên. Sau lại sới thêm hai chén lưng lửng chuyển qua phía đối diện. Bốn người ngồi quây quần trên chiếc bàn mặt đá hoa cương sáng màu. Trên đó bày vài ba món đơn giản, màu sắc bắt mắt.

Ngọc Châu tay đón lấy chén cơm từ người phụ nữ độ chừng năm mươi, tóc búi cao, dáng điệu nhanh nhẹn, vừa cười giả lả vừa mời mọc.

“Món này cô nấu chuẩn bài, đảm bảo ngon nhất xứ. Con cứ ăn nhiệt tình vô, đừng có ngại gì hết nhen.”

Nói rồi lại gấp vào chén cô thêm mấy con cá.

Ngọc Châu tuy ngoài mặt khó xử, tay vẫn miễn cưỡng cầm đũa lên. Trong lòng mờ mịt, không hiểu chuyện đưa đẩy thế nào lại thành ra như trước mắt.

Vốn ban đầu chỉ tính chở Vân Anh về nhà xong sẽ quay về trường ngay. Xui rủi thế nào vừa tới trước cửa lại đυ.ng mặt mẹ em ở đó. Ngọc Châu đành theo phép lịch sự, trao đổi đôi ba câu, thông báo tình hình cho phụ huynh biết. Kỳ lạ là bà Lý lại không quá lo lắng cho con mình, thậm chí đối với chuyện mời cô ở lại ăn cơm còn nhiệt tình hơn.

Mới đầu Ngọc Châu còn ngại làm phiền, một mực từ chối. Nghĩ bản thân tới đường đột như vậy, biết nhà có nấu đủ cơm ăn không mà còn mời cô ở lại.

Thế nhưng nói một hồi mới phát hiện ra miệng lưỡi bà Lý lắt léo như rắn, tránh né đường nào cũng bị bà tìm ra kẽ hở, uyển chuyển dẫn dắt một hồi làm cô càng nói càng đuối lý. Cuối cùng đành bó tay chịu thua, cùng hai mẹ con Vân Anh vào trong nhà.

Tuy con gái chưa từng nói nhất định phải mời được cô giáo ở lại thế nhưng bà Lý đối với chuyện con nhờ vả sao không tích cực được. Người còn chưa tới bà đã đứng chờ sẵn ở trước cổng từ hồi nào, sau lại dùng lời lẽ khéo léo chặn trước chặn sau, triệt để đánh bay mọi lời từ chối của đối phương. Đẩy người ta rơi vào thế bí, chỉ còn cách đầu hàng, gật đầu xuôi theo.

Vân Anh ngồi ngắm chén đồ ăn chất thành núi nhỏ trước mặt hồi lâu mà vẫn chưa động đũa. Nhìn qua đối diện thấy chén cô Châu cũng đang trong tình trạng tương tự, lòng không khỏi cảm thông sâu sắc.

Ngày thường bà Lý luôn nói Vân Anh ăn cơm như mèo ngửi. Cứ mỗi lần có cơ hội bà đều tìm cách chêm thêm món này món nọ để cô ăn nhiều hơn. Hôm nay còn nói tình trạng sức khỏe kém của cô là do bình thường ăn quá ít, không đủ chất dinh dưỡng, mới thuận tay gắp thức ăn bỏ vào chén nhiều tới mức sắp tràn ra ngoài.

Đồ mẹ nấu ngon thì ngon đó nhưng hôm nay Vân Anh nhìn kiểu gì cũng cảm thấy nuốt không trôi. Nhân lúc mẹ đang bận nói chuyện với cô Châu, cô nhanh tay gắp mấy đũa bỏ sang chén người ngồi kế bên. Sau đó nở nụ cười cầu tình với ông.

Ông Duy bên này đang ăn, thấy con gái bỏ đồ ăn tới tấp vào chén mình mới ngước lên, bắt gặp nụ cười đầy ẩn ý của cô. Nhất thời ông không biết nên làm ra biểu cảm gì cho phải. Đành khẽ lắc đầu một cái, lẳng lặng cúi xuống chuyên tâm ăn tiếp.

Ngọc Châu bên kia vừa ăn vừa tiếp chuyện mẹ Vân Anh. Thái độ bà Lý niềm nở, cứ gắp một đũa lại góp chuyện mấy câu. Đồ trên bàn ăn một lúc thấy vơi chứ không biết sao chuyện bà kể nghe mãi không thấy hết.

Lúc biết khách tới nhà là cô giáo chủ nhiệm của con mình bà tỏ ra quan tâm lắm. Con bà nhập học hơn bốn tháng nhưng do đợt họp phụ huynh đầu năm bà bận công chuyện không đi được, đến giờ cũng không biết mặt mũi cô giáo thế nào.

Nay gặp rồi mới thấy cô giáo bây giờ trẻ đẹp quá, lại còn tốt tính. Nghe học trò mệt liền bỏ công ra chở về tận nhà. Ấn tượng trong lòng bà đối với cô giáo càng cao, vừa thấy người đã như hồ gặp mồi, chộp lấy hỏi han đủ thứ chuyện, Ngọc Châu nghe mà trả lời muốn không kịp.

“Mẹ, để cô ăn cơm xong đi rồi lát hỏi.” Ngồi chừng mười lăm phút rồi mà Vân Anh thấy chén cô Châu gần như y nguyên mới mở miệng nhắc một câu. Nếu còn để mẹ cô dông dài nữa không biết tới chừng nào cô giáo mới ăn hết được chén cơm.

Bà Lý nghe con gái nói thì gật đầu cho là phải, dù tiếc nuối nhưng vẫn thôi không hỏi chuyện Ngọc Châu nữa. Trực tiếp quay sang mở chương trình quảng cáo ẩm thực tại gia.

“Vậy thôi cô giáo ăn cơm đi. Nói không phải khoe chứ hôm nay cô nấu món này ưng hết sức. Kho chín vừa tới, thịt cá săn lại, màu lên đẹp hết chỗ nói.”

Hồi còn trẻ bà Lý từng đi nấu cho đám cưới đám hỏi suốt. Tay nghề tuy không dám nói ngon nhất nhưng cỡ cơm canh bình thường trong nhà thì bà tự tin lắm.

“Rau sống này con đem cuộn lại, chấm với nước kho ăn vào đảm bảo ngon số dách luôn.” Vừa nói bà vừa bóc mấy cọng rau trên đĩa đem cuộn lại như người ta ăn bánh tráng cuốn. Đoạn chấm vào phần nước có màu vàng ngà như màu chao trong nồi đất, bỏ vào miệng nhai rạo rạo.

Nhớ ngày xưa trong xóm người ta tấm tắc khen bà giỏi giang. Từ làm vườn, làm ruộng, nuôi heo, nuôi gà, buôn bán, may vá,... thứ gì cũng thấy mặt bà trỏng. Lối xóm còn nói con trai nhà nào lấy bà về làm vợ là phước đức cho người đó lắm.

Giờ nghĩ lại mới thấy tại hồi xưa khó khăn, thiếu thốn đủ đường, muốn ăn muốn mặc phải tự xắn tay áo lên làm chứ đâu có như bây giờ. Cái gì cũng có sẵn. Không biết nấu ăn có thể ra tiệm ăn đồ người khác nấu, không biết may vá có thể đi mua đồ người ta làm sẵn. Mà thức ăn người ta nấu, quần áo người ta may ra còn đẹp hơn đồ tự làm ở nhà.

Thế nên bao nhiêu cái nghề hồi xưa giờ chỉ có nước đem vô dẹp xó hết. Duy mỗi nghề nấu ăn

vẫn còn có đất dụng võ mới trụ được tới giờ này.

Thời buổi bây giờ nói tiện thì tiện thật nhưng có cái hay mà cũng có cái dở. Lứa sau nhiều đứa mười mấy hai chục tuổi đầu làm việc nhà đâu có khéo bằng ông bà ngày trước. Đưa vô tay tụi nó mấy chuyện đơn giản như quét nhà, rửa chén, nấu cơm làm còn coi được được, chứ giao mấy chuyện khó hơn còn phải đắn đo suy nghĩ mấy lần.

Nói chi cho xa, nhìn con gái bà làm con cá thì biết. Thấy nó làm một lần xong sau này bà không dám nhờ lần thứ hai.

Còn như tụi bà hồi xưa mới tám chín tuổi đã phải dậy sớm ra chợ bày hàng ngồi bán. Trưa về cho heo ăn, chiều ra vườn tưới cây, nhổ cỏ. Có công chuyện nào chưa làm cũng ráng tranh thủ làm cho xong. Chứ đề tối tới không biết đâu mà lần vì thời đó làm gì có điện. Thắp đèn mù u lên miễn cưỡng làm thêm chút đỉnh được, nhưng mau mỏi mắt lắm. Với lại cũng phải ngủ sớm để sáng còn dậy sớm chuẩn bị cho kịp buổi chợ hôm sau.

Đầu tắc mặt tối làm lụng kiếm cơm ăn cả ngày đã đủ mệt, có mấy ai nghĩ tới chuyện cho con cái học hành đàng hoàng. Hơn nữa đường xá lúc đó khó đi, ổ gà ổ voi đầy. Trường lại xây ở nơi xa tít tắp mù khơi. Đi học toàn phải cuốc bộ chứ đâu có xe đưa rước. Thế nên ai quyết tâm dữ lắm mới học tới lớp 12, chứ còn như bà học mới hết lớp 5 đã nghỉ ngang, ở nhà phụ giúp cha mẹ, kiếm tiền nuôi nấng mấy đứa em ăn học.

Hồi đó biết đọc, viết chữ, tính toán chút đỉnh đã là hay lắm rồi, chứ đâu có giỏi như tụi nhỏ sau này. Đứa nào đứa nấy học hết lớp 12 rồi còn lên tới đại học, cao học gì gì đấy.

Thân làm cha làm mẹ ai mà không muốn thấy con mình sống đời vui vẻ hạnh phúc. Ngặt nỗi ngày đó không có điều kiện, chứ còn như bây giờ lo được tới đâu gia đình đều ráng bường lo cho tới đó. Nhìn con mỗi ngày đến trường học tập, vui chơi cùng thầy cô bè bạn, trong lòng bà đã cảm thấy mãn nguyện. Miễn sao con lớn lên khỏe mạnh, làm việc nó thích là được. Đâu có cầu chi cho cao sang.

Nghĩ tới đó bà Lý không khỏi mỉm cười, tự ý gắp vào chén Vân Anh thêm mấy con cá. Không thèm để ý coi sắc mặt con gái thế nào.

Tuy bữa ăn đơn giản chỉ có cá kho, cơm trắng với rau sống nhưng Ngọc Châu cảm thấy rất ngon miệng. Phải công nhận bà Lý nấu khéo. Cá bống chọn con vừa phải, thịt cá kho vừa tới, cắn một miếng vào đã nghe mềm, beo béo, mặn mặn. Ăn cùng với cơm trắng nóng hổi, hột nào hột nấy tròn đầy, dẻo thơm, dinh dính trên đầu đũa, cực kỳ bắt. Kèm thêm đĩa rau sống đủ thứ loại, nào là lá cách, rau ngỗ, rau lang, càng cua, cuộn lại đem chấm với nước kho cốt dừa béo ngậy, càng tăng thêm hương vị cho món ăn.

Đã lâu rồi Ngọc Châu mới cảm nhận lại bầu không khí ấm cúng của gia đình, giống như trước đây khi cô còn ở cùng với cha mẹ. Dù cho ai bận công chuyện gì tới giờ cũng xếp lại đó, ngồi vào bàn ăn một bữa cơm với nhau. Nhà có mấy người, trên bàn ăn cũng có vài ba món đơn giản, nhưng cảm giác lại đầy đủ, nồng ấm hơn bất kì bữa ăn xa xỉ nào đãi ở nhà hàng sang trọng. Đồ ăn ở đó dẫu được chế biến cầu kỳ, công phu tới đâu, dường như do thiếu mất một loại nguyên liệu quan trọng mà ăn vào không bao giờ cảm thấy được vị của niềm hạnh phúc trong đó.