Hán Sở Tranh Hùng

Chương 43

Hàn đế bàn tính với triều thần xong, truyền lệnh khởi binh tấn phát.Quân gồm ba mươi vạn, tướng mạnh năm mươi viên, gồm có Tào Tham, Phàn Khoái, Ngân Hấp, Lư Quán là những tay dõng tướng.

Hán đế giao Tiêu Hà coi việc triều chính, rồi phái người đến Bạch Ðằng, Thái Nguyên xem xét địch tình.

Bấy giờ Hàn vương là Cơ Tín, đóng tại thành Tấn Dương, Chúa Hung Nô là Mặc Ðặc ở đất Ðại Cốc, đều hay tin Hán đế ra binh, cho người đi thám thính, liền đem những binh mã khỏe mạnh giấu cả sau núi, chỉ để lại trong dinh toàn những binh lao, mã liệt, đi đứng liểng xiểng.

Người do thám của Hán đế thấy vậy mĩm cười, trở về báo lại. Giữa lúc đó Hán đế đã đóng binh nơi Triệu Thành.

Hán đế muốn kéo đại binh đến đánh gấp, Trần Bình can:

- Người Hung nô quỷ quyệt, lại thêm Cơ Tín liên kết e rằng chúng dùng mưu gạt ta đó. Cần phải dò xem biết đích thực mới tiến binh.

Hán đế hỏi:

- Sức mạnh của Mặc Ðặc, Cơ Tín, so với Hạng Vũ ai hơn?

Trần Bình tâu:

- Mặc Ðặc cũng là tay vũ dũng chớ nên xem thường.

Hán đế lòng nghi ngại, vội sai Lâu Kính đi thám thính lần nữa.

Lâu Kính đi vài ngày trở về tâu.

- Xưa nay hai nước đối đích thường đem cái hay, cái mạnh ra khoe. Nay Mặc Ðặc cạnh trại bừa bải,quân mã gầy còm, chắc là hắn giấu những quân tinh nhuệ đi để gạt ta. Vậy xin Bệ hạ hãy thong thả để dò xét kỹ càng đã.

Hán đế hét lớn nói:

- Ta sai nhà ngươi đi thám thính, nhà ngươi đã không dò được địch tình, còn trở về kiếm lời láo khoét làm nhụt chí ba quân.

Nói xong, sai tả, hữu bắt Lâu Kính giam nơi Triệu Thành, rồi truyền quân nhổ trại tấn phát.

Quân đi một ngây đến Bành Thành, Hán đế sai Phàn Khoái thử đi dò thám.

Phàn Khoái đến nơi, thấy quân Mặc Ðặc yếu ớt, đóng đồn trên núi Tiểu Tùng phía Bắc, độ vài vạn người.

Phàn Khoái trở về tâu với Hán đế.

Hán đế cười khúc khích nói:

- Lâu Kính tư thông với Hung Nô, sợ đại binh của trẫm kéo đến nên tìm cách cản trở trẫm, để có thì giờ cho địch quân rút lui. Nay tình hình đã rõ, còn chờ gì không diệt địch.

Nói xong xua ba quân tiến thẳng vào thành. Quân trong thành rất ít, họ kháng cự qua loa rồi mở cửa đầu hàng.

Hán đế đem binh vào thành kiểm điểm ba quân, mở tiệc ăn mừng.

Giữa lúc đó bên ngoài có tiếng súng nổ vang trời.

Tiếp theo đó, tiếng quân reo dậy đất. Quân Hung Nô ồ ạt kéo đến, vây phủ bốn mặt, đèn đuốc nối liền nhau tỏa ánh sáng hơn năm dặm.

Hán đế thất kinh nói:

- Ta đây lầm kế của giặc rồi. Chỉ vì ta không chiu nghe lời Lâu Kính.

Bèn đòi Trần Bình vào vấn kế.

Trần Bình tâu:

- Quân Hung Nô tính hiếu chiến lại liều lĩnh, quân ba không nên dùng sức kháng địch, phải dùng kế lừa họ mới mong thoát khỏi vòng vây.

Hán đế hỏi:

- Kể ấy như thế nào?

Trần Bình nói:

- Hạ thần có nghe Mặc Ðặc thường hay chiều chuộng người vợ là Át Chi. Mọi việt đều do nàng Át Chi chủ trương. Vợ chồng một bước không rời nhau. Nay sai người họa một bức tranh mỹ nhân tuyệt đẹp, đem dâng cho Át Chi và nói: "Vua Hán vì bị vây khốn nên muốn đem mỹ nhân này cống hiến cho Mặc Ðặc, nhờ phu nhân chuyển đạt". Nàng Át Chi tất ghen chồng, sợ chồng say mê sắc đẹp, khuyên Mặc Ðặc rút quân.

Hán đế khen là diệu kế, truyền Trần Bình lựa thợ khéo vẽ bức tranh, rồi sai người lén ra ngoài thành, dùng vàng bạc đút lót cho kẻ thân tín nàng Át Chi, để dâng cho nàng Át Chi bức tranh ấy.

Át Chi xem bức tranh, rõ được sự tình, lòng ghen tức lẩm bẩm:

- Nếu để Ðại vương vây thành Hán, Hán đế cống mỹ nhân, Ðại vương sẽ say mê người ấy thì địa vị ta sau này ra sao? Chi bằng khuyên Ðại vương rút binh để cho Hán đế khỏi phải tiến dâng mỹ nữ.

Ðêm hôm ấy, nàng Át Chi nói với Mặc Ðặc:

- Hán đế bị vây đến nay đã bảy ngày mà không hề nao núng. Như vậy là lòng trời phù hộ Hán đế. Vả lại Hán đế là chân mệnh, các chư hầu khắp nơi đều tùng phục. Nếu ta cứ vây mãi, lỡ ra binh mã các nơi đến ứng cứu thì ta cự sao lại?

Mặc Ðặc nói:

- Nàng nói cũng phải! Quân ta cần chỗ tốc chiến tốc thắng. Nếu vậy lâu ngày bất lợi.

Sáng hôm sau Mặc Ðặc truyền lệnh giải binh.

Cơ Tín nghe lệnh ấy ngạc nhiên vào yết kiến Mặc Ðặc, nói:

- Ðại vương đã vây Hán đế nơi đây, cớ sao lại giải binh?

Mặc Ðặc nói:

- Quân ta vây nơi đây lâu ngày, chư hầu kéo đến ứng cứu thì cự sao lại. Chi bằng tính trước đi để bảo tồn thực lực.

Cơ Tín nói:

- Ðại vương lầm kế của Hán đế rồi. Tôi có nghe Hán đế họa hình mỹ nhân sang dâng cho Ðại vương yêu cầu Ðại vương rút quân. Việc này chỉ là kế để lừa gạt ta, chứ Hán đế làm gì có mỹ nhân?

Mặc Ðạc nghe nói ngạc nhiên, dò hỏi hồi lâu mới rõ tự sự, liền nói:

- Nếu Hán để đã chịu dâng mỹ nhân vậy ta bắt phải trình diện xem thử.

Ðêm hôm ấy, Mặc Ðặc đứng dưới thành, kêu quân Hán nói:

- Nếu Hán đế chịu dâng mỹ nhân thì phải dẫn lên thành để ta xem mặt.

Quân vào báo. Hán đế liền gọi Trần Bình vào hỏi:

- Mặc Ðặc đòi xem mặt mỹ nhân, nay phải liệu làm sao?

Trần Bình nói:

- Tôi đã tính trước rồi, nên có sai thợ làm mấy tượng hình gỗ. Bây giờ đem trang điểm, cho ăn mặc sang trọng, dắt lên thành, dưới ánh đèn mập mờ, thế nào chúa Hung Nô cũng phải lầm.

Hán đế nhận lời. Trần Bình sai trang điểm các tượng gỗ, dựng trên cửa thành, rồi gọi Mặc Ðặc đến xem.

Dưới ánh đèn l*иg, áo xiêm lòe loẹt, son phấn rực rỡ, Mặc Ðặc trông thấy hơn vài mười mỹ nữ, mặt mày xinh xắn, lòng say sưa, không kể lời can gián của Cơ Tính và lòng phẫn nộ của nàng Át Chi, nhất định lui binh, để cho quân Hán thoát nạn.

Hán đế thấy quân Hung Nô rút lui, liền truyền quân kéo ra khỏi thành, nhắm hướng Nam tẩu thoát.

Mạc Ðặc thấy quân Hán đã ra hết liền đem quân vào thành bắt mỹ nữ. Nhưng khi vào đến nơi, thấy các mỹ nữ ấy toàn là tượng gỗ.

Vua tôi ngơ ngác nhìn nhau, lòng căm tức chúng cùng.

Giữa lúc đó, Hán đế đã lui binh về đến Triệu Thành, cùng văn võ bá quan mở tiệc ăn mừng.

Nghĩ đến Lâu Kính là người bị hàm oan, Hán đế truyền quân mở ngục, thả Lâu Kính ra và phủ dụ rằng:

- Trẫm không nghe lời khanh, suýt bị giặc Hung Nô bắt gϊếŧ. Nay trẫm đã thấy lỗi, và rõ khanh là kẻ có công.

Vậy trẫm phong cho khanh làm Kiến Tín Hầu.

Ngày hôm sau, Hán đế kéo quân về Nam, đi ngang huyện Khúc Ốc, thấy nơi đó thành trì đẹp đẽ, đường sá thẳng tắp, dân chúng đông đảo, lòng thích thú nói với tả hữu:

- Huyện Khúc Ốc này đẹp thay! Ta đi chu du trong thiên hạ rất nhiều, nhưng không đâu đẹp bằng Lạc Dương và Khúc Ốc.

Nói xong, gọi Trần Bình đến phán:

- Trẫm được khanh nhiều lần bày kế, giúp nhiều việc lớn vậy trẫm phong cho khanh đất Khúc Ốc này.

Trần Bình nói:

- Ðó không phải là tài năng của hạ thần mà chính la thờ hồng phúc của Bệ hạ.

Hán đế nói:

- Lòng trẩm đã định, khanh chớ khiêm nhượng.

Trần Bình dập đầu tạ ơn.

Mấy ngày sau đại binh về đến Tràng An, thấy Tiêu Hà xây dựng cung Vị vương rát tráng lệ Hán đế nỗi giận:

- Thiên hạ loạn lạc đã mấy năm nay, mới bình định xong, lúc này là lúc cần nên thiết dụng, để thiên hạ đỡ tốn kém, lo việc làm ăn, cớ sao lại phung phí?

Tiêu Hà nói:

- Thiên tử lấy bốn bể làm nhà, nếu cung thất không tráng lệ sao đủ tỏ uy quyền với thiên hạ?

Hán đế nói:

- Cung thất đã làm xong, dẫu có nói cũng không ích gì nữa. Song trẫm không muốn một mình hưởng sự giàu sang đó.

Liền sai tả, hữu mời Thái thượng hoàng đến rồi cùng các quan đặt tiệc vui chung.

Tiệc tan, quần thần đưa Thái thượng hoàng về cung an nghỉ.

Hán đế chọt nhớ đến Hàn Tín lâu nay bị bệnh không vào chầu, liền sai tả, hữu mời Hàn Tín đến phủ dụ.

- Khanh đã lâu không vào chầu. Trong lúc bá quan chung vui an lạc mà vắng khanh, trẫm mong nhớ lắm, nên vời vào đây để thăm viếng.

Hàn Tín nói:

- Ngày xưa, khi thần cầm quân đánh Sở, có khi đến mười ngày không được ăn no, vì mất sức lâu ngày thành bệnh. Nay nhàn rỗi, bệnh cũ trở lại. Hạ thần nhiều lúc cũng nhớ long nhan, song không làm sao đặng.

Hán đế nói:

- Khanh có bệnh, nên tìm thầy thuốc điều trị cho khỏi, chớ nên chậm trễ.

Hàn Tín tâu:

- Hạ thần vì vô sự nên sinh bệnh, chứ nếu được làm công việc gì thì bệnh tật tất khỏi hẳn.

Hán đế nói:

- Khanh là một kẻ có tài, rất quan hệ trong lúc biến loạn. Khanh nên bảo trọng đến tấm thân hữu dụng của khanh.

Ðoạn, Hán đế lại cùng Hàn Tín bàn luận về các tướng, người nào có thể chống được giặc, người nào không cầm được quân.

Hàn Tín nhất nhất tâu bày, Hán đế rất hợp ý, và nhân lúc vui miệng hỏi:

- Như trẫm có thể cầm được bao nhiêu quân?

Hàn Tín nói:

- Bệ hạ bất quá chỉ cầm được mười vạn quân mà thôi.

Hán đế hỏi:

- Trẫm so với tướng quân thì như thế nào?

Hàn Tín nói:

- Như hạ thần thì quân càng nhiều càng tốt.

Hàn đế cười lớn nói:

- Càng nhiều càng tốt cớ sao còn bị trẫm bắt?

Hàn Tín nói:

- Bệ hạ không giỏi cầm quân nhưng giỏi cầm tướng.

Vì thế mà thần bị Bệ hạ bắt. Vả lại, Bệ hạ có trời giúp, không phải sức người mà làm nên như thế được.

Hán đế nghe lời giải bày của Hàn Tín, tuy ngoài mặt vui cười, song lòng thêm nghi kỵ, bèn cho về dinh dưỡng bệnh chứ không tính đến việc gia phong nữa.

Hàn Tín buồn bã, bái tạ Hán đế trở về dinh. Mối buồn quanh quẩn mãi không nguôi.

Trong lúc đó, chẳng những Hàn Tín mang mối sầu riêng, mà Trương Lương cũng buồn bã không kém

Từ khi Hàn vương là Cơ Tín họp binh với Hung Nô mưu phản. Trương Lương cáo bệnh, ngồi nơi tư dinh suốt ngày tịnh cốc.

Hễ ai đến chơi, Trương Lương lại nói:

- Ðời người chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ, trăm năm chi là một cái chớp mắt thì công danh phú quý mà chi! Tôi muốn vào núi tầm tiên học đạo, tìm kế trường sinh, thoát vòng danh lợi, nhưng vì Hoàng thượng quá trọng hậu tôi, nên tôi chưa nỡ rời.

Hán vương thấy Trương Lương không vào chầu, lòng nghi hoặc, nhưng khi nghe Trương Lương nói câu ấy lấy làm lạ. Một hôm cho vời Trương Lương vào dò ý:

- Trẫm từ khi được Tiên sinh chẳng khác nào như chim hồng thêm cánh. Nhờ Tiên sinh mà trẫm dựng nên nghiệp cả, ý trẫm muốn lựa một nước lớn phong cho để đền ơn Tiên sinh.

Trương Lương nói:

- Thần từ khi theo Bệ hạ vào đất Quan Trung, được nhờ hồng đức của Bệ hạ làm nên đôi việc. Tuy nhiên, thần là kẻ áo vải, chân không mà được Bệ hạ cho làm Lưu hầu thế cũng đã cao sang lắm rồi, đâu còn dàm mong ước gì hơn. Sau khi đã được đội ơn dày của Bệ hạ thần muốn xa lánh nhân gian, theo ông Xích Tùng Tử tu luyện, nghiên cứu cái phép tịnh cốc làm kế trường sinh, để sống một cuộc đời an nhàn cho thỏa thích.

Hán đế thấy Trương Lương có ý thành thực và khẩn thiết, bèn chuẩn y cho về dưỡng bệnh, lại truyền mỗi tháng phải một lần vào chầu.

Trương Lương từ đó đóng cửa, không bước chân ra khỏi nhà ngồi tu tâm dưỡng tánh, mỗi tháng chỉ theo các quan vào chầu một lần. Khi tan chầu chẳng hề bận nghĩ đến điều gì cả.

Một hôm con Trương Lưong là Trương Tích Cường nói với cha:

- Phụ thân suốt đời tận tụy việc nước, công lao rất lớn. Ðến lúc nước thịnh dân an, lẻ ra vui hưởng phú quý, sao lại cam chịu khắc khổ?

Trương Lương nói:

- Mày có biết đâu được thói đời leo cao té nặng, càng vinh hoa phú quý càng mang lấy họa vào thân. Hễ ngồi cao thì bị đời ghen ghét, vua sanh lòng ngờ. Cái phú quý ấy chẳng khác nào như phù vân. Sao bằng đem vinh hoa đổi lấy gió mây, tận hưởng cảnh thanh nhàn, không vướng mùi tục lụy.

Tích Cường bái phục thưa:

- Bây giờ con mới rõ cái tịch cốc của phụ thân tức là phương châm giử mình vậy.

Sau đó Trương Lương thường ngao du sơn thủy để hưởng nhàn.

Một hôm, đến phía Ðông Cốc thành, chợt thấy một hang đá vàng, Trương Lương chợt nghĩ:

- Năm xưa ta gặp ông già ở Dĩ Thượng, ông ấy có nói sau này có gặp một viên đá vàng ở Cốc Thành tức là ông ta vậy. Thế thì lời nói ấy nay quả ứng nghiệm.

Nghĩ rồi liền phục lạy mấy lạy để đền ơn.

Nhắc lại vua Hung Nô Mặc Ðặc giận vì Hán đế dùng mỹ nhân kế đánh lừa, lòng căm tức, đem đại binh phá rối nơi biên cương, cướp eủa gϊếŧ người làm xôn xao thiên hạ.

Các phủ, huyện dâng sớ về triều xin viện binh. Hán đế lấy làm lo lắng.

Lâu Kính thấy vậy bước ra tâu:

- Thiên hạ lâm cảnh chiến tranh lâu ngày, ai cũng chán ngán. Nếu nay lại động binh e trái lòng dân. Vả lại Mặc Ðặc là kẻ phi nhân cướp ngôi cha, lấy vợ cha. Người như thế không thể dùng đạo đức chinh phục được. Chi bằng Bệ hạ đem trưởng công chúa gả cho Mặc Ðặc. Mặc Ðặc yêu công chúa tất lập làm chánh cung, sau này có con nối ngôi sẽ là cháu ngoại của Bệ hạ. Ðiều đó rất có lợi.

Hán đế nói:

- Ta đường đường là một thiên triều, đất cất gồm thâu bốn bể, binh uy cường mạnh, quốc thể không hèn, lại không có cách gì chống đối với Hung Nô hay sao mà phải đem công chúa gả cho phường tanh hôi vô đạo.

Lâu Kính thưa:

- Bệ hạ dùng nhân đức thu phục sơn hà. Ðã bao lâu, sinh linh khổ sở về binh cách. Nay Bệ hạ cầu hòa với Hung Nô không phải vì hèn yếu, mà chính vì muốn cho dân chúng được an lạc, ấm no. Còn việc gả công chúa cho Mặc Ðặc, chỉ cần chọn một mỹ nữ trong dân giả, giả làm công chúa mà thôi.

Hán đế theo lời, lựa một mỹ nhân giả làm công chúa, đưa đến thành Thái Nguyên để cùng Mặc Ðặc giảng hòa.

Mặc Ðặc hay được việc ấy lòng mừng khấp khởi thân hành ra khỏi thành đón rước sứ giả, nhận lãnh công chúa, và dập đầu về phía Nam lạy tạ, hứa chẳng bao giờ quấy rối biên cương nữa.

Sứ giả làm xong việc ấy, về triều phục chỉ. Hán đế mừng rỡ ban thưởng Lâu Kính rất hậu.

Lâu Kính lại tâu:

- Ðất Tần Trung từ sau khi bị tàn phá, dân thưa, ruộng hoang, phía Bắc lại gần rợ Hồ, phía Ðông giáp sáu nước chư hầu Tề, Sở, Yên, Triệu, Hàn, Ngụy. Nay phải tập trung dân giả, cùng các nhà hào kiệt nơi đó lo việc khai khẩn ruộng nương, tích lũy đồn binh, lúc bình thì lo việc sản xuất, lúc biến chuyển ra thế phòng ngự, như thế mới mong cơ nghiệp lâu dài.

Hán đế khen phải, liền ra lệnh di dân sáu nước cùng các hào kiệt các nơi đến đó hơn mười vạn.

Bây giờ trong nước vô sự, triều đình nhàn rỗi.

Một hôm Hán đế thấy nàng Thích Cơ sanh đựợc đứa con trai là Như Ý, tuổi đã lớn khôn, tư chất lại thông minh hơn Thái tử Doanh. Hán đế có ý muốn bỏ Thái tử Doanh lập Như Ý làm Thái tử, nên đem việc ấy bàn với quần thần.

Quan Thượng đại phu là Chu Xương nghe nói thất kinh, bước ra can:

- Không nên! Không nên! Bệ hạ làm như thế tức là tự gây cho mình mối loạn đó.