Hán Sở Tranh Hùng

Chương 41

Hán vương nghe lời trình bày của Trương Lương về quan hệ nước Lỗ, liền kiểm điểm binh mã kéo đến thành Lỗ để chinh phục.

Khi đại binh kéo đến nơi, thấy cửa thành nước Lỗ đóng chặt, cờ xí uy nghi.

Quân Hán đánh phá bốn mặt, muôn mấy ngày mà không thấy trong thành động tĩnh gì cả, chỉ nghe những tiếng đàn ca réo rắt vang ra.

Hán vương nổi giận, muốn dùng hỏa pháo bắn vào, Trương Lương can:

- Không nên! Lỗ là nước của ông Chu công ngày xưa, một nước lễ nghĩa. Nay cứ xem như Ðại vương đem quân đến dưới thành, mà trong thành vẫn tưng bừng tiếng đàn sáo, đủ biết cái nước không thể dùng sức mạnh để chinh phục. Xin Ðại vương đem đầu của Hạng vương bá cáo cho người Lỗ biết, rồi hiểu dụ cho họ thấy đại nghĩa, tự nhiên họ phải quì phục.

Hán vương theo lời, lấy đầu Hạng vương treo dưới thành. Các bậc bô lão trong thành trông thấy đều khóc òa.

Hán vương sai người hiểu dụ rằng:

" Hạng vương gϊếŧ Nghĩa Ðế làm nhiều hành đông bạo ác gây nhiều tang tóc trong dân chúng. người xưa có nói: "Chỉ có đạo đức, lễ nghĩa mới đem lại một xã hội thái bình, thạnh trị. Chỉ có lòng nhân mới đem lại cho dân chúng cảnh sống lạc nghiệp, an cư. Hán vương không có ác cảm với Hạng vương, chỉ vì tôn trọng lòng nhân, diệt tàn bạo mà Hạng vương phải chết. Nay nước Lỗ bế thành trái mạng, không biết theo đạo nghĩa thì sao gọi là một nước của thánh nhân được ".

Các bô lão nghe lời hiểu dụ, cùng với bọn nho sĩ, mở cửa thành ra đầu hàng.

Hán vương dẫn đại binh vào thành, vỗ an bá tánh, rồi đem đầu và mình của Hạng vương ráp lại, dùng hiệu Lỗ Công táng ở phía Ðông Cốc Thành mười lăm dặm.

Các lộ chư hầu đều dẫn quân đến chúc mừng.

Ngày hôm sau, Hán vương truyền cho chư hầu ai nấy đem quân bản bộ trở về nước, còn các văn võ tướng sĩ đều trở về Lạc Dương, chờ cuộc luận công hành thưởng.

Hán vương nhân nghĩ Hàn Tín đóng quân ở đất Tề, cai quản hơn bảy mươi thành, nước lớn, quyền to như vậy e sanh ra hậu hoạn Lại thấy nước Lỗ ở riêng một góc Kinh Nam, dẫu có muốn khởi binh một vài vạn, cũng chẳng dễ gì chiêu tập được, liền gọi Hàn Tín vào phủ dụ:

- Từ khi được tướng quân, tướng quân lập nhiều công lớn, lòng ta chẳng lúc nào quên. Tuy nhiên, ta lại e tướng quân quyền cao, tước trọng, kẻ tiểu nhân ghen ghét, không giữ nổi địa vị, làm cho lòng ưu ái của ta không xứng đáng đền bù. Nay nước Lỗ riêng một góc trời, dàn cư an lạc, ta muốn tướng quân giao ấn Nguyên Nhung, rồi thiên sang trấn thủ nước Lỗ, dựng nghiệp muôn đời. Như thế sự đền ân của ta mới xứng.

Hàn Tín nghe Hán vương nói, không biết làm sao, bèn đem ấn soái trả lại cho Hán vương, sai các tướng lớn nhỏ về bản dinh để chờ Hán vương định đoạt.

Ðoạn, Hàn Tín vào bái yết Hán vương, tâu:

- Nước Tề đội ơn Ðại vương đã phong cho đã lâu, nay nhất đán cải phong, e lòng dân hoang mang chăng?

Hán vương phàn nàn:

- Tướng quân nghĩ như thế là lầm. Xưa Sở, Hán giao binh, lòng người chưa định, đất Tề là cái đất phản phúc, nên sai tướng quân trấn thủ. Ngày nay bốn biển thái hòa, dân Tề đâu còn phải lo lắng nữa. Vả lại, tướng quân là người Hoài Âm, phong tướng quân làm Lỗ vương tức là nơi đất tổ quê nhà, lẽ ấy rất hợp.

Hàn Tín liền đem ấn Tề vương giao trả, đổi lấy ấn Lỗ vương, thiên sang đất Lỗ.

Ðến nơi, Hàn Tín sai người đến Hoài Âm tìm người Phiếu mẫu và gã bán thịt khoảnh ác đã làm nhục mình thuở xưa.

Hai người đến nơi, vào lạy yết kiến. Hàn Tín nhắc lại thuở hàn vi, nhờ cơm Phiếu mẫu, và đền ơn cho Phiếu mẫu một nghìn lạng vàng. Phiếu mẫu lạy tạ trở về.

Còn tên hàng thịt. Hàn Tín phong cho làm chức Trung úy..

Gã hàng thịt nói:

- Năm trước tôi dốt nát, không biết bậc đại quí, nên đa xúc phạm đến Ðại vương. Nay mong ơn Ðại vương không gϊếŧ, có đâu dám nhận chức phong?

Hàn Tín nói:

- Ta không phải như những kẻ nhỏ nhen, báo thù một cách nhỏ mọn. Ngươi nhận chức, chớ nói nhiều.

Gã hàng thịt lạy tạ lui ra. Những người biết chuyện luồn trôn của Hàn Tín thuở xưa, nay lại thấy Hàn Tín đối xử với gã hàng thịt như vậy đều lấy làm lạ.

Hàn Tín nói:

- Hắn là một ân nhân của ta chứ đâu phải kẻ thù. Nếu ta không bị hắn làm nhục thì đâu có được ngày nay.

Ta phong chức cho hắn là để đền ơn đó.

Tả hữu nói:

- Lòng khoan dung của Ðại vương thật ít ai sánh kịp.

Tháng giêng năm thứ sáu nhà Ðại Hán, Triệu vương Trương Nhĩ, Lỗ vương Hàn Tín, thần xuất các quan vào xin tôn Hán vương lên ngôi Hoàng đế.

Hán vương nói:

- Ta nghe Hoàng đế phải là bậc người hiền đức, ta đâu dám dự vào ngôi ấy.

Quần thần đều nói:

- Ðại vương dùng nhân đạo dấy binh, khu trừ bạo nghịch, bình định bốn bể, kẻ có công đều được phong chức chư hầu. Nếu Ðại vương không lên ngôi Hoàng đế thì sao tỏ được cái đạo tin của thiên hạ.

Hán vương đôi ba phen từ chối, sau đó các chư hầu cố nài ép, Hán vương mới nghe theo và nói:

- Các ngươi xét thấy ta có đủ lòng nhân, cố suy tôn như vậy, ta đâu nỡ chối từ.

Bèn chọn ngày Giáp ngọ trong sáng hai, làm lễ tế trời đất, rồi lên ngôi Hoàng đế ở phía Nam Dĩ Thủy. Văn võ bá quan đều làm lễ chúc mừng.

Hán vương đổi hiệu là Hán đế, và ban chiếu trong thiên hạ rằng:

" Trẫm nghĩ: nhà Châu dứt mối, họ Tần dấy lên, sáu nước kiêm tính, bôn bể tang thương. Ðến đời Tam Thế thiên hạ càng loạn lạc. Trẫm vốn là người dân đất Bái dấy binh khởi nghĩa cốt trừ bạo ngược, cứu giúp muôn dân. Tần diệt, Sở hưng mà Sở lại dẫm trên vết xe củ của Tần muôn dân chưa thoài khỏi lầm than khốn đốn. Nay trẫm được muôn dân chung sức, tướng sĩ hết lòng, dựng nên nghiệp cả, thu thiên hạ về một mối, đem lại thái bình an lạc. Thiết nghĩ: Mình đức bạc tài hèn, không dám tự tôn, nhưng chư hầu một mực nài ép. Chẳng lẽ phụ lòng trăm họ, không kể lời khuyên chư hầu, vì thế mà trẫm phải nghe theo. Nay với ước vọng chung trẫm xưng hiệu Hoàng đế, đánh hiệu của thiên hạ là Ðại Hán, truy tôn khảo tỷ bốn đời làm Thái thượng Hoàng đế, dựng nền xã tắc ở Lạc Dương, phong Lã Hậu làm Hoàng hậu, con trưởng là Lưu Doanh làm Ðông cung Thái tử.

Tất cả những hình phạt cũ của Tần, Sở đều bãi bỏ.

Nay bố cáo cho thiên hạ biết ".

Mùa hạ tháng năm, Hán đế đặt tiệc ở cung Nam thành Lạc Dương thết đãi quần thần.

Rượu được mấy tuần, Hán đế hỏi:

- Trẫm muốn hỏi câu này, liệt hầu và các tướng ai biết cứ trả lời.

Quần thần đều để ý lắng nghe.

- Trẫm sở dĩ có thiên hạ là vì sao? Họ Hạng mất thiên hạ là vì sao?

Cao Khởi, Vương Lăng thưa:

- Bệ hạ chuộng nghĩa thi nhân, được thiên hạ cảm mến, còn Hạng Vũ tuy có sức mạnh tuyệt năng, song thiếu đạo đức. Do đó trời đã dành sẵn sự thành bại này.

Hán đế nói:

- Các khanh chỉ thấy được một phần, chưa thấy được toàn diện. Ðành rằng nhân đạo là gốc, song việc lãnh đạo còn phải ở những yếu tố cần thiết mới thành công được Như vận trù ở trung quân, quyết thắng ra ngoài nghìn dặm, ta không bằng Tử Phòng. Trấn giữ quốc gia, vỗ về trăm họ, vận tải lương thực cho chu toàn, ta không bằng Tiêu Hà. Cầm quân trăm vạn, đánh đâu được đấy, phá đâu lấy đấy, ta không bằng Hàn Tín. Ba người ấy đều là bậc nhân kiệt, mà ta biết dùng, vì thế nên lấy được thiên hạ. Còn Hạng Vũ có một mình Phạm Tăng mà không biết dùng, cho nên bị chết về tay ta.

Quần thần nghe Hán đế nói đều bái phục.

Vua tôi lại bắt đầu chén, vui vầy, Hàn Tín lợi dụng lúc Hán đế vui vẻ, tâu:

- Hạ thần ngày trước bỏ Sở vào Bao Trung, giữa đường có gặp một tiều phu chỉ nẻo. Hạ thần sợ quân Sở đuổi theo nên phải gϊếŧ lão đi, để lão khỏi chỉ cho kẻ khác.

Sau đến núi Cổ Vân, hạ thần lại gặp một kẻ nghĩa dũng là Tân Kỳ, cùng theo hạ thần đi đánh Sở. Tân Kỳ lập nhiều công trận, rủi bị chết nơi Quảng Võ. Nay, hai kẻ ấy chưa được hưởng ân huệ gì.

Hán đế nói:

- Nếu khanh không bảo tấu, trẫm đã phụ ơn kẻ đã có công rồi.

Liền khiến lập đền thờ, thờ tiều lão, bốn mùa cũng tế, lại phong cho con cháu Tân Kỳ được thế ấm.

Trương Lương nghĩ đến quê hương của mình, vội tâu với Hán đế lập con cháu vua Hàn cũ là Cơ Tín làm Hàn vương, đóng đô ở Dịch Dương, lập lại tôn miếu nước Hàn.

Hán đế nhậm lời. Vương Lăng lại tâu xin lập đền thờ cho mẹ mình.

Hán đế nói:

- Lăng mẫu là bậc đại liền, trẫm làm sao quên được Liền sai lập đền, hàng tháng cấp người đến tế lễ.

(Ðến nay dấu tích đền thờ Lăng mẫu vẫn còn).

Ðoạn Hán đế phong Ngô Nhuế làm Trường Sa vương, đóng đô ở Lâm Tương, còn Hoài Nam vương Anh Bố, Lương vương Bành Việt, Yên vương Trang Tà đều giữ nguyên chức cũ.

Các người họ Lưu cùng gia phong một loạt. Còn các công thần đều phong tước hầu.

Tuy nhiên, những kẻ chưa được thụ phong lao nhao thì thầm chưa biết số phận mình ra sao.

Hán đế trông thế ngạc nhiên, hỏi Trương Lương.

Trương Lương nói:

- Bệ hạ dùng các tướng thu thiên hạ. Nay phong thưởng chỉ nhắm vào người thân, mà không chú trọng đến kẻ sơ, do đó, họ lấy làm bất mãn.

Hán đế nói:

- Sự phong chức phải thủng thỉnh, tùy công xét định, biết làm thế nào?

Trương vương nói:

- Muốn làm an lòng mọi người Bệ hạ nên tìm một người mà hàng ngày Bệ hạ ghét nhất phong chức trước đi để trấn an các tướng.

Hán đế nói:

- Người ta ghét nhất ai cũng biết, là Ung Sĩ.

Nói xong, liền xuống chiếu, phong Ung Sĩ chức Thâp Vạn hầu.

Quân thần hân hoan bàn nhau:

- Ung Sĩ mà còn được phong hầu thì bọn mình lo gì Bệ hạ bỏ rơi.

Bấy giờ quần thần mới an định.

Trương Lương lại tâu:

- Hiện nay công việc cần kíp là Ðiền Hoành trốn ở ngoài hải đảo, nếu không khu trừ e sau này mang họa.

Hán đế hỏi:

- Theo ý Tiên sinh bây giờ nên dùng kế gì?

Trương Lương tâu:

- Ðiền Hoành là một kẻ nghĩa sĩ, từ nước Tề trốn ra ngoài để trốn để xem thế mạnh yếu, đủ biết cái chí của hắn không nhỏ. Bệ hạ nếu sai quân đi đánh, bể khơi sóng cả không chắc đã thắng được họ. Cứ như ngu ý của hạ thần nên đem chiếu đến trần thuyết mọi lẽ tha tội cho hắn và triệu về, hứa sẽ lập con cháu nước Tề. Như vậy Ðiền Hoành sẽ mến đức phục tùng.

Hán đế theo lời, sai Trọng Ðại phu Lục Giả đem chiếu sang hải đảo.

Ðiền Hoành hay tin có sứ Hán đến, sai người ngăn cửa trại, không cho sứ Hán vào.

Lục Giả nói:

- Hán đế bình định xong Tây Sở, thiên hạ đều theo về một mối, duy còn có chủ ngươi chưa chịu qui hàng. Lẽ ra đem binh vấn tội, nhưng Hán đế là bậc nhân đức, sai ta đem chiếu đến vời về triều, bày tỏ lẽ thiệt hơn. Chủ ngươi làm như thế là trái đạo.

Quân vào báo. Ðiền Hoành suy nghĩ một lúc rồi ra mở cửa rước Lục Giả vào, mở chiếu ra đọc.

Chiếu rằng:

" Xưa, Di Tề không thèm ăn thóc nhà Châu, mà nhà Châu vẫn được thiên hạ ; Giới Tử Thôi không muốn thờ Tấn, mà Tấn vẫn làm bá một nước. Ðiền Hoành dẫu ở hải đảo nhưng rồi tất cũng phải làm tôi nhà Hán, không lẽ vượt ra khỏi cỏi nhân gian được. Vậy nên kíp trở về, lớn thì làm vương, nhỏ thì làm hầu, giử lấy sự nghiệp dài lâu, không đến nổi mất tôn tự. Nếu không biết trọng lẽ phải, không biết nghe lời hay, một khi trẫm đã kéo binh sang Ðông thì không thể hối hận được nữa. Ngươi nên chóng chóng trở về chớ lầm ".

Ðiền Hoành đọc chiếu xong, liền khoản đãi Lục Giả, rồi cùng với tả, hữu bàn việc hàng Hán.

Tả, hữu nói:

- Việc đó không nên, Hán đế tuy bề ngoại rộng rãi, nhưng bên trong rất hẹp hòi. Chúa công lâu nay trốn ở hải đảo, không hàng phục, nếu trở về Hán đế nổi giận e mạng chàng còn, hối không kịp nữa. Chi bằng làm thêm tên lửa, cất trại ven bờ, chúng tôi một lòng chống giữ, dẫu quân Hán trăm vạn kéo sang đây, sóng to gió cả, chắc gì đã làm nên việc.

Ðiền Hoành nói:

- Tôi cùng các ông đem nhau ra ở đây, đối với các ông tôi chưa có ân đức gì. Nay Hán đế vời tôi mà tôi không về, tất Hán đế sẽ đem quân đến đây, bấy giờ tôi phải phiền các ông xông pha tên đạn, mang nhiều khổ hận, lòng tôi không nỡ.

Nói xong, đem hai người mạc khách, theo Lục Giả về thành Lạc Dương.

Ði được ba mươi dặm, Ðiền Hoành lại nghĩ thầm:

- Hán đế trước kia gϊếŧ Tề vương nên ta phải bỏ ra hải đảo, dò xem tình thế để mưu phục hận. Nay Hán đế thu cả thiên hạ, sức ta không chống nổi, nếu cổ thủ chỉ làm khổ cho các nghĩa sĩ, còn về hàng thì còn mặt mũi nào nhìn dân chúng nước Tề?

Nghĩ rồi rút gươm đâm vào cổ chết.

Hai người mạc khách cùng Lục Giả nhặt thi thể của Ðiền Hoành đem về trình với Hán đế.

Hán đế ngậm ngùi thương tiếc sai đem mai táng phía Ðông thành Lạc Dương và phong cho hai mạc khách làm chức Ðô Uý.

Hai người khách ra ngoài bảo nhau:

- Ðiền Hoành tự sát, một là không muốn thờ nhà Hán, hai là sợ năm trăm nghĩa sĩ lâm nạn, thật là hành vi của bậc trượng phu. Nay hai ta há tham phú quý mà sống nhục hay sao.

Bèn ra đào một cái hố bên mộ Ðiền Hoành rồi cùng đâm cổ chết theo.

Ngày hôm sau, Hán đế hay tin, giật mình nói:

- Ðiền Hoành tự sát là bậc hào kiệt, hai tướng chết theo lại cũng là anh hùng. Ðiền Hoành được lòng người như thế, e rằng năm trăm người ở ngoài hải đảo, hàng ngày chịu ơn của Ðiền Hoành, hay tin Ðiền Hoành chết, họ nổi loạn chăng.

Liền sai người ra hải đảo chiêu dụ bọn nghĩa sĩ về hàng.

Năm trăm người nghĩa sĩ, nghe tin Ðiền hoành chết, khóc lóc nói:

- Chúa công vì sợ bọn ta mắc nạn, nên sang nhà Hán mà chết, nay chúng ta còn mặt nào ham sống nữa.

Liền cùng nhau tự tử cả. Sứ Hán thấy mọi người vì nghĩa, chết như vậy, vội về tâu với Hán đế.

Hán đế kinh ngạc nói:

- Thiên hạ sao lại có những kẻ trọng nghĩa như vậy thật đáng kính.

Bèn sai người thu thập tất cả năm trăm thi thể của các nghĩa sĩ chôn cất ở hải đảo. Người sau mộ cái nghĩa khí của Ðiền Hoành, đặt tên đảo ấy là đảo Ðiền Hoành.

Hán đế lại sai lập miếu phụng thờ.

Xong việc Ðiền Hoành, Hán đế lại nói:

- Cái lo hải đảo đã xong, nay còn hai tướng Quý Bố và Chung Ly Muội chẳng biết trốn thoát nơi đâu Xưa, ta thua ở sông Trung, bị hai tướng ấy làm nhục. Nay tuyên bố cho xa gần đều biết, hễ ai tìm được chúng sẽ trọng thưởng nghìn vàng, còn nếu ai che giấu sẽ bị tội liên can.

Nhắc lại Quý Bố, từ lúc lẩn trốn trong quân Sở, chạy ra khỏi vòng vây đến trú nơi nhà Chu Trường tại thành Lạc Dương.

Chu Trường nhân nghe tin vua Hán tìm bắt, bèn bảo Quý Bố:

- Vua Hán mật bắt tướng quân gấp lắm, nếu biết trốn ở nhà tôi, chẳng những một nhà, một họ tôi bị lụy mà tướng quân củng không khỏi chết. Vậy tướng quản nên nghĩ cách nào cho tiện.

Quý Bố nói:

- Ông không lo. Tôi sẽ có cách.

Hôm sau, Quý Bố cạo hết râu tóc, giả làm người ở thuê, tự bán mình cho người nước Lỗ là Chu Gia.

Chu Gia thấy Quý Bố cử chỉ khác thường lòng nghi hoặc, dò xét biết được Quý Bố, liền gọi vào nói:

- Nhà ngươi chính là tướng nước Sở tên là Quý Bố. Nay vua ban chiếu tìm bắt, nhà ngươi trốn nơi đây e lụy đến tộc họ ta thì làm thế nào?

Quý Bố nói:

- Tôi chính là Quý Bố, tướng Sở, vì bước đường cùng phải giả danh, cải dạng. Lâu nay ông đãi tôi rất hậu, không biết lấy gì đền ơn. Vậy ông đem nạp tôi cho vua Hán để lãnh ngàn vàng. Ðó là cách tôi đền ơn ông vậy.

Chu Gia thở dài nói:

- Ta đâu nỡ đem cái chết của ngươi đổi lấy nghìn vàng. Ta có một người bạn là Hạ Hầu Anh hiện làm quan to ở Lạc Dương, từ nhỏ đến giờ chơi nhau rất thân. Nay ta đem ngươi đến đó xem có cách gì cứu mạng chăng?

Quý Bố tạ ơn nói:

- Nếu ông cứu được tôi thật là ơn tái tạo. Dầu chết chẳng dám quên.

Chu Gia sắm sửa hành lý lên đường, và nói:

- Ðể ta đến có trước có sao rồi sẽ liệu.

Nói rồi một mình tìm đến Lạc Dương, vào thành yết kiến Hạ Hầu Anh.

Hạ Hầu Anh mừng gặp cố nhân, chuyện trò rối rít và đặt tiệc khoản đãi.

Chu Gia hỏi:

- Quý Bố có tội gì mà nhà vua ra lệnh bắt gấp thế?

Hạ Hầu Anh đáp:

- Vì Quý Bố trước kia nhiều lần làm nhục Hoàng thượng, nên nay Hoàng thượng muốn bắt về trị tội.

Chu Gia nói:

- Kẻ làm tôi ai vì chúa nấy! Thánh thượng mới thu được thiên hạ mà sai lùng bắt một người vì mối thù riêng, sao đủ tỏ đại ân của mình. Vả lai, Quý Bố là tay hào kiệt, nếu tìm bắt như vậy phỏng hắn sang Hồ, hoặc sang Việt giúp cho địch quốc thì sao? Ông nên tâu với thánh thượng tha tội cho Quý Bố để rộng lối cầu hiền.

Hạ Hầu Anh cho lời nói ấy là phải, liền vào triều tâu với Hán đế:

- Quý Bố vô tội, sao Bệ hạ tìm bắt gấp thế?

Hán đế nói:

- Hắn đã nhiều lần làm nhục ta giữa trận, sao lại là Hạ Hầu Anh nói:

- Quý Bố trước kia vì chủ mình, chỉ biết có Sở mà không biết Bệ hạ. Vậy Quý Bố là người tận trung. Nếu cho đó là tội thì ai còn dám trung với vua. Muốn trong triều những kẻ tận trung như Quý Bố theo phò Bệ hạ thì nên tha tội Quý Bố, mà đòi về dùng mới phải.

Hán đế nói:

- Thế thì Quý Bố và Chung Ly Muội đều là những kẻ vô tội cả

Liền ban chiếu tha tội Quý Bố và Chung Ly Muội cho về triều kiến, và cho giữ nguyên chức cũ. Nếu còn trốn tránh sẽ bị toàn gia tru lục.

Hạ Hầu Anh trở về thuật chuyện với Chu Gia.

Chu Gia mừng rỡ, từ giã Hạ Hầu Anh, trở về nước Lỗ, thuật lại cho Quý Bố hay.

Quý Bố hân hoan, sắm sửa hành trang trở về Lạc Dương vào bệ kiến Hán đế.

Hán đế nói:

- Nhà ngươi bốn bể bơ vơ, tấm thân lận đận, sao không sớm trở về chầu?

Quý Bố tâu:

- Nước tan, vua mất, hạ thần xấu hổ vì không cùng Bá vương chết nơi Ô giang, nên không dám vào chầu.

Hán đế nói:

- Sao trước kia nhà ngươi lại làm nhục ta?

Quý Bố nói:

- Vì hạ thần hết lòng với vua Sở, chỉ sợ không làm nhục được Bê hạ mà thôi.

Hán đế nói:

- Nhà ngươi quả là tôi trung.

Bèn phong chức Lang Trung.

Quý Bố dập đầu tâu:

- Thần là bề tôi của nước đã mất, đầu nhơ, mặt nhuốm không kham gánh nổi công việc. Cúi xin Bệ hạ tha cho hạ thần tội chết đã là may làm rồi, đâu còn dám chịu quan chức.

Hán đế nói:

- Từ chức quan mà không chịu nhận đó là ngươi không quên ơn Sỡ. Nhưng trẫm thượng là tôi trung mà phong chức là lòng nến của trẫm. Nhà ngươi đã chịu tùng phục sao lại không chịu nhận?

Quý Bố bèn nhận chức rồi lạy tạ lui ra. Tả, hữu bước vào tâu:

- Quý Bố đã về triều, còn Chung Ly Muội vẫn trốn tránh, xin Bệ hạ phán xét.

Hán đế nói:

- Chung Ly Muội là một tên danh tướng nước Sở, tài trí không kém Phạm Tăng, nếu để hắn trốn sẽ thành một mối họa lớn. Cần phải mật bắt cho kỳ được..

Tả, hữu đều tuyên bố khắp xa gần, tìm bắt Chung Ly Muội.

Chợt lúc đó có một người mình mặc áo vải, chân đi dép cỏ, lấn quẩn trong thành Lạc Dương gặp bọn tả, hữu đi truyền lệnh, cười lớn nói:

- Phỏng như một gã Chung Ly Muội thì có đủ gì mà lo. Nay tôi có một việc lớn, muốn vào chầu vua để tâu trình, chỉ hiểm không có ai tiến dẫn.

Người vừa nói đó là nglrời nước Tề, họ Lâu, tên Kính, đi thú Lủng Tây, nhân qua Lạc Dương nghe vua Hán có lệnh lùng bắt Chung Ly Muội nên mới nói thế.